10/01/2025

Tràn lan mỹ phẩm nhái, dỏm

Thị trường mỹ phẩm hiện nay “thật, hư lẫn lộn”, nếu không cẩn thận, người tiêu dùng gánh hậu quả.

 

Tràn lan mỹ phẩm nhái, dỏm

 

 

Thị trường mỹ phẩm hiện nay “thật, hư lẫn lộn”, nếu không cẩn thận, người tiêu dùng gánh hậu quả.

 

Cơ quan chức năng kiểm tra một cơ sở làm mỹ phẩm nhái, dỏm tại TP.HCM - Ảnh: Hoàng Việt

Cơ quan chức năng kiểm tra một cơ sở làm mỹ phẩm nhái, dỏm tại TP.HCM – Ảnh: Hoàng Việt

Phát hiện nhiều mỹ phẩm nhái, dỏm
Cuối tháng 5.2015, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) buộc đình chỉ lưu hành 56 sản phẩm mỹ phẩm của Công ty TNHH sản xuất thương mại XNK Tân Đại Dương (Q.Bình Tân, TP.HCM) vì sản phẩm được sản xuất tại cơ sở không đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (CGMP – ASEAN).
Trước đó, Thanh tra Bộ Khoa học – Công nghệ kiểm tra, xử phạt công ty này 20 triệu đồng, buộc chấm dứt sản xuất cũng như thu hồi những mỹ phẩm dùng kiểu dáng bao bì, tài liệu hướng dẫn sử dụng, tờ rơi quảng bá tương tự sản phẩm của một công ty khác đã được bảo hộ.
Nguyên liệu trôi nổi tại một cơ sở sản xuất mỹ phẩm dỏm bị cơ quan chức năng phát hiện ở TP.HCM

Nguyên liệu trôi nổi tại một cơ sở sản xuất mỹ phẩm dỏm bị cơ quan chức năng phát hiện ở TP.HCM

Tháng 4.2015, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM làm tờ trình gửi Ban Giám đốc sở này về việc buộc tiêu hủy 623.142 sản phẩm mỹ phẩm không đạt chất lượng, không có phiếu công bố sản phẩm của 4 công ty đặt kho hàng (chứa mỹ phẩm) trên đường Cộng Hoà (P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM); đồng thời đề xuất phạt 4 công ty này tổng cộng hơn 400 triệu đồng. Một cán bộ thanh tra Sở Y tế cho biết những mỹ phẩm này phần lớn là hàng trôi nổi, không rõ xuất xứ… nhưng được khoác lên xuất xứ từ Ý, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan.
Từ đầu năm 2015 đến nay, Sở Y tế TP.HCM đã ra 22 quyết định thu hồi “số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm” của gần 20 công ty, do sản phẩm không đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn CGMP – ASEAN; cơ sở, thiết bị sản xuất không đảm bảo…
Đáng lưu ý, năm 2014, cơ quan chức năng ở TP.HCM đã kiểm tra cơ sở chuyên sản xuất mỹ phẩm trắng da mặt ở đường Chu Văn An (Q.Bình Thạnh) phát hiện nguyên liệu sản xuất trôi nổi, rẻ tiền mà theo đoàn kiểm tra “đó là nguyên liệu để làm mỹ phẩm dỏm, có hàm lượng kim loại nặng cao, làm da bong tróc khiến người sử dụng tưởng da trắng nhanh”. Cũng trong năm 2014, cơ quan chức năng Q.6 (TP.HCM) phát hiện cơ sở sản xuất mỹ phẩm, kem dưỡng da dỏm – nguyên liệu sản xuất mua trôi nổi từ Trung Quốc về đóng gói vô bao bì trông bắt mắt.
Cần tăng nặng mức phạt
TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho rằng thị trường mỹ phẩm thật, hư lẫn lộn, người tiêu dùng phải hết sức cảnh giác khi mua mỹ phẩm. Lợi dụng kẽ hở (cá nhân tự công bố sản phẩm, rồi tự sản xuất mỹ phẩm, cơ quan quản lý không khảo sát, thẩm định trước về cơ sở, trang thiết bị, năng lực của cơ sở sản xuất đó như thế nào), những cá nhân, cơ sở không đàng hoàng sản xuất sản phẩm không đúng với công bố đã đăng ký. Cơ quan chức năng thường chỉ nắm được những cơ sở lớn, còn những cơ sở nhỏ, lẻ, tự sản xuất, những mỹ phẩm bày bán ở chợ… thì rất khó quản lý.
Từ thực trạng trên, ngày 12.3.2015, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành cả nước chỉ đạo tăng cường quản lý mỹ phẩm. Công văn nêu: Hiện nay việc kinh doanh mỹ phẩm rất đa dạng chủng loại, xuất xứ, ngoài những sản phẩm được cơ quan thẩm quyền cấp phép còn có nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ… Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý dược yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra việc kinh doanh mỹ phẩm nhằm xử lý kịp thời hàng nhái, giả, trái phép…
Các nhà chuyên môn cho rằng, ngoài tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, cần điều chỉnh, tăng nặng mức xử phạt đối với các trường hợp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm nhái, mỹ phẩm kém chất lượng, sử dụng nguyên liệu trôi nổi, vì mức phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe.
Theo các bác sĩ, bên cạnh việc quản lý của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần biết bảo vệ mình, cảnh giác với mỹ phẩm nhái, giả, không rõ nguồn gốc, không đạt tiêu chuẩn để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Nổi mụn, giãn mạch máu, teo da… khi dùng mỹ phẩm dỏm
Theo các nhà chuyên môn, mỹ phẩm chính thống được sản xuất với dây chuyền đạt chuẩn thường được kiểm soát ổn định về chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của Bộ Y tế cũng như tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm chung của các nước ASEAN.
Một trường hợp bị biến chứng do mỹ phẩm kém chất lượng - Ảnh: BS cung cấp    Một trường hợp bị biến chứng do mỹ phẩm kém chất lượng – Ảnh: BS cung cấp
Trong khi đó, mỹ phẩm nhái, dỏm thường rất độc hại. Chuyên gia về da – bác sĩ Huỳnh Huynh Hoàng cho rằng sợ nhất với mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không đạt chất lượng đó là sản phẩm có chứa chất corticoid – chất làm da trắng nhanh nhưng để lại hậu quả nguy hiểm, làm da căng mỏng, mạch máu giãn nở, nổi gân máu dưới da, gây ngứa, nổi nhiều mụn; mọc nhiều lông, sạm, nám, teo da…
Các bệnh viện có chuyên khoa da thường tiếp nhận nạn nhân do mỹ phẩm nhái, giả kém chất lượng gây ra. Trước đây từng xảy ra trường hợp bị tử vong sau khi sử dụng mỹ phẩm làm trắng da không rõ nguồn gốc.

Thanh Tùng