10/01/2025

Nhiều trường tại TP.HCM 
được xếp hạng di tích

UBND TP.HCM vừa có quyết định xếp hạng di tích cấp TP đối với ba trường học: Trường THCS Hồng Bàng, Trường THPT Marie Curie và Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.

 

Nhiều trường tại TP.HCM 
được xếp hạng di tích

 

UBND TP.HCM vừa có quyết định xếp hạng di tích cấp TP đối với ba trường học: Trường THCS Hồng Bàng, Trường THPT Marie Curie và Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.


 

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong vừa được công nhận là di tích. Đây là một trong ba ngôi trường có tuổi đời lâu nhất tại TP.HCM - Ảnh: Thanh Tùng
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong vừa được công nhận là di tích. Đây là một trong ba ngôi trường có tuổi đời lâu nhất tại TP.HCM – Ảnh: Thanh Tùng

Trước đó, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (275 Điện Biên Phủ, P.7, Q.3) là trường học đầu tiên được xếp hạng di tích cấp TP.

“Đây đều là các công trình kiến trúc nghệ thuật, mang dấu ấn lịch sử được lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích. Khi được công nhận, các công trình này sẽ có cơ chế để thực hiện việc bảo tồn. Chẳng hạn khi trùng tu, tôn tạo thì Sở Văn hoá – thể thao TP sẽ hỗ trợ về mặt chuyên môn và trong một số trường hợp khó khăn có thể hỗ trợ một phần kinh phí” – một lãnh đạo Trung tâm bảo tồn di tích thuộc Sở Văn hoá – thể thao TP.HCM cho biết.

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (235 Nguyễn Văn Cừ, P.4, Q.5) được xây dựng vào năm 1927 với tên gọi Collège Pétrus Ký (Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký). Năm học 1976 – 1977 trường được đổi tên thành Lê Hồng Phong. Ngôi trường này là trung tâm đào tạo chất lượng cao cho các tỉnh, thành phía Nam.

Trường THPT Marie Curie (159 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Q.3) bắt đầu mở cửa từ năm 1918, là trường dành riêng cho nữ sinh, mang tên Lycée Marie Curie. Trường Marie Curie cùng với Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT chuyên Lê Hồng Phong là ba ngôi trường có tuổi đời lâu nhất tại TP.HCM.

 
 

 

Còn Trường THCS Hồng Bàng (132 Hồng Bàng, P.12, Q.5) được người Pháp xây dựng từ năm 1933 làm trường học nội trú cho trẻ em là con của những người Pháp đến Việt Nam làm việc và lập gia đình với người bản xứ.

Sau đó, trường trở thành một chi nhánh của Trường Jean – Jacques Rousseau tại Chợ Lớn – Sài Gòn. Đến năm 1967, người Pháp giao trường lại cho Chính phủ Việt Nam lúc bấy giờ thành lập Trung tâm Giáo dục Hồng Bàng.

Sau năm 1975, Trung tâm Giáo dục Hồng Bàng được chính quyền cách mạng tiếp quản và thành lập Trường THCS Hồng Bàng cho đến nay.

Trong đợt này, UBND TP cũng quyết định xếp hạng di tích cấp TP đối với một số công trình khác như Viện Pasteur TP.HCM (167 Pasteur, P.8, Q.3), chùa Quán Thế Âm (90 Thích Quảng Đức, P.5, Q.Phú Nhuận), chùa Giác Hải (1017/3 Hồng Bàng, P.12, Q.6), hội quán Tam Sơn (118 Triệu Quang Phục, P.11, Q.5), đền thờ Hùng Vương trong khuôn viên Thảo cầm viên (2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P.Bến Nghé, Q.1), mộ ông nghị viên địa hạt Đặng Tân Xuân trong khuôn viên Học viện Chính trị – hành chính khu vực II (99 Man Thiện, P.Hiệp Phú, Q.9).

Trường Marie Curie vừa được công nhận là di tích. Đây là một trong ba ngôi trường có tuổi đời lâu nhất tại TP.HCM - Ảnh: Thanh Tùng
Trường Marie Curie vừa được công nhận là di tích. Đây là một trong ba ngôi trường có tuổi đời lâu nhất tại TP.HCM – Ảnh: Thanh Tùng

Với các quyết định này, TP nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở khu vực di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh phải được phép của chủ tịch UBND TP.

Ngoài những trường đã được công nhận là di tích, một số ngôi trường khác với kiến trúc đẹp và mang dấu ấn lịch sử cũng được đưa vào danh sách các điểm cần bảo tồn.

Hiện TP có 156 di tích đã được xếp hạng, 250 công trình thuộc danh sách bảo tồn. “Dù chưa được xếp hạng nhưng các công trình này vẫn được ứng xử như là di tích. Danh sách này không cố định mà luôn được nghiên cứu bổ sung.

Nhìn chung các di tích ở TP.HCM đều có thời gian tồn tại khoảng dưới 300 năm, với những vật liệu chủ yếu là gạch, ngói, gỗ… qua thời gian đều đã xuống cấp. Những công trình này qua thời gian tồn tại đã đi vào lòng người, tạo giá trị tinh thần to lớn nên cần được trân trọng, giữ gìn để người ta hiểu được về TP với bề dày lịch sử, văn hoá.

Vấn đề đặt ra là làm sao để bảo tồn mà không cản trở sự phát triển, nhưng ngược lại phát triển cũng không được phá vỡ các giá trị cần bảo tồn” – ông Lê Tôn Thanh, phó giám đốc Sở Văn hoá – thể thao TP, nói.

Còn nhiều “ký ức” cần được bảo tồn

Việc ba trường học này được công nhận di tích không chỉ là tin vui với các trường, bởi các trường học vừa được công nhận là những công trình mang nhiều dấu ấn của sự hình thành TP.HCM.

Chỉ tiếc việc công nhận ở thời điểm này là hơi chậm, một số trường đã bị cắt xén khuôn viên, đất đai nên sự thông thoáng và rộng rãi trước đây bị ảnh hưởng nhiều.

Đây là những ngôi trường được thiết kế bài bản, mang phong cách Pháp, đồng thời cũng đậm dấu ấn Đông Dương, phù hợp với khí hậu mưa nắng ẩm thấp của Sài Gòn xưa. Toàn bộ các ngôi trường này đều được thiết kế có hành lang rộng thoáng, nối thông với nhau.

Và dù chỉ là những công trình phụ thì cũng được thiết kế mang đậm dấu ấn giữa thầy và trò, hình thành, vun đắp những tình bạn lâu bền. Tất cả các khối nhà trường học đều được bao quanh sân nội, trồng nhiều cây xanh, có bóng mát, tạo ra những khoảng sân rộng để hội hè, mittinh, đồng thời cũng là không gian giao lưu, mang tính chất gần gũi. Cổng vào thiết kế đơn giản nhưng vẫn có điểm nhấn, với sảnh đón rộng rãi, thoáng mát.

Tôi từng học Trường Pétrus Ký (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong), kỷ niệm đáng nhớ nhất là những hôm được thầy Phạm Mạnh Cương dạy văn cho nghỉ tiết sớm để đá banh ở sân sau của trường. Tiếc rằng sân đá banh này nay không còn nữa.

Hay thầy dạy tiếng Pháp, mỗi khi yêu cầu chúng tôi đọc to bài, lo các lớp xung quanh bị ảnh hưởng, ông thường bảo lớp trưởng mở các cửa sổ lá sách chắn ngang hai đầu để tiếng ồn không vọng ra ngoài.

Đây là những kiến trúc bắt buộc mà các trường trung học thời đó phải tuân thủ, phải cách âm, cách nhiệt và rộng thoáng. Và thích nhất là mỗi trưa đạp xe tới trường, mồ hôi nhễ nhại nhưng khi bước vào lớp học vẫn cảm nhận được không khí mát mẻ.

Thành phố có những ký ức đi vào lòng người và với nhiều người dân sở tại, đó chính là các ngôi trường, ngôi chợ, các khu thương mại, công viên… mà hình thành nên Sài Gòn xưa không chỉ có các trường vừa được công nhận.

Vì thế, theo tôi, những trường sau đây có thể nhanh chóng đưa vào diện bảo tồn như Trường Lê Quý Đôn (trước là trường Collège Chasseloup-Laubat, xây dựng năm 1875), Trường Trưng Vương (xây dựng năm 1917), Trường Lasan Taberd (giờ là Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa), Trường Võ Trường Toản hay Trường Cao Thắng (xây dựng năm 1906)…

Đó là những ngôi trường mang nhiều ký ức cần đưa vào diện bảo tồn để giữ gìn được kiến trúc nguyên bản và không bị can thiệp thô bạo.

KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG 


H.TRANG (ghi)

 

MAI HOA