10/01/2025

Khó như trùng tu Chùa Cầu

Trùng tu Chùa Cầu (Hội An, Quảng Nam) trước thực trạng di tích đặc biệt này đang xuống cấp là một bài toán khó đối với ngành chức năng địa phương.

 

Khó như trùng tu Chùa Cầu

 

 

Trùng tu Chùa Cầu (Hội An, Quảng Nam) trước thực trạng di tích đặc biệt này đang xuống cấp là một bài toán khó đối với ngành chức năng địa phương.

 

Lượng khách đến Chùa Cầu hằng ngày quá đông khiến di tích này quá tải Lượng khách đến Chùa Cầu hằng ngày quá đông khiến di tích này quá tải – Ảnh: H.S

Nhiều hạng mục hư hỏng

Nhiều tài liệu ghi rõ, Chùa Cầu được xây dựng tại vị trí hiện nay cách đây 400 năm. Phần cầu có tác dụng như một công trình giao thông nối hai bờ kênh. Chùa được xây dựng bởi các loại vật liệu chính là đá ở phần hạ bộ, vôi vữa ở phần tường và cơ bản phần thân cầu được làm bằng gỗ. Trải qua mấy trăm năm tồn tại, hiện nhiều cấu kiện gỗ tại các vị trí khác nhau trên chùa đã bị hư hỏng nặng.

Theo quan sát của PV, nhiều vị trí liên kết giữa đòn tay đỡ mái với các cột bị mục ruỗng. Nhiều xà gỗ bị nứt nẻ, cong vênh khiến chúng không thể khớp nối nhau. Đặc biệt, do sàn chùa làm bằng ván thường xuyên tiếp xúc giày dép của người qua lại nên bị mài mòn nghiêm trọng. Các phần mố trụ đỡ Chùa Cầu còn xuất hiện nhiều vết nứt, bong tróc vôi vữa.

Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hoá Hội An, cho biết khi trời mưa gió, lũ lụt, ngành chức năng phải chèn chống bằng bao cát quanh mố cầu, dùng dây cáp tời nối chùa với những điểm cố định để hạn chế mức thấp nhất sự tác động của dòng nước lũ. Ông Trung phân tích, do chùa đặt trên những trụ đá và nằm ở khu vực có lưu lượng nước chảy mạnh nên công tác bảo vệ di tích này trong lũ lụt gặp nhiều khó khăn. Năm 2009, ngành chức năng Hội An đã triển khai tu bổ những hạng mục xung quanh như kè gia cố bờ kênh đoạn chảy qua Chùa Cầu cũng như gia cố mố trụ cầu. Qua đánh giá, hiện phần hạ bộ của chùa đã tương đối ổn định. Tuy nhiên, phần chính của chùa gồm phần sảnh gỗ đang bị hư hỏng ở nhiều hạng mục.

Vết bong tróc trên mố trụ Chùa Cầu cho thấy sự cấp thiết trong trùng tu ngôi chùa nàyVết bong tróc trên mố trụ Chùa Cầu cho thấy sự cấp thiết trong trùng tu ngôi chùa này

Bên cạnh nỗi lo tác động của thời tiết, các nhà chuyên môn còn trăn trở trước tình trạng lượng khách đến tham quan Chùa Cầu mỗi ngày rất đông. Nhiều đoàn tham quan cùng lưu lại trên di tích khá lâu để nghe thuyết minh, chiêm ngưỡng công trình… tạo áp lực lớn lên nền chùa. Có thời điểm, Chùa Cầu gánh hơn 100 người đứng tham quan trên cầu, vào những ngày nghỉ lễ và những đêm rằm ở phố cổ lượng người đông hơn rất nhiều. “Cứ tưởng tượng Chùa Cầu đông đến mức chen chân thì trọng lượng tác động đến sức chịu lực của di tích sẽ như thế nào?”, ông Trung đặt vấn đề.

“Lồng kính” hay làm cầu phụ?

Chùa Cầu là di tích đặc biệt quan trọng của Hội An nên việc tu bổ được đặt ra khá cấp bách. Nhưng trùng tu ra sao vẫn chưa có phương án cuối cùng.

Theo ông Nguyễn Chí Trung, trước đây đã có nhiều quan điểm đưa ra trong việc tu bổ Chùa Cầu. Trong đó, có ý kiến của một chuyên gia nước ngoài là nên “đặt di tích trong lồng kính”, không cho người đi lại trên chùa nữa. Còn hiện nay có 2 quan điểm để trùng tu ngôi chùa này. Cụ thể, trùng tu nhưng vẫn giữ Chùa Cầu là một công trình giao thông vì đó là một di tích sống. Nhưng cũng có quan điểm là nên xét ở góc độ bảo tồn di sản và về lâu dài phải để du khách “đứng ở ngoài nhìn vào”.

Ông Trung cho biết, nhiều di sản thế giới ở Nhật Bản và Hàn Quốc có nhiều phần của di tích được người ta dùng lồng kính, được “đậy” lại nhằm bảo quản các cấu kiện tốt hơn. Hoặc có nơi người ta dùng một lối đi khác để khách chiêm ngưỡng mà không gây ảnh hưởng trực tiếp, bào mòn di tích. Cũng có quan điểm nên làm một cầu phụ bên cạnh Chùa Cầu để giải quyết việc đi lại cho người dân. “Tuy nhiên, làm như thế thì lại rất dễ phá vỡ cảnh quan”, ông Trung nói.

Cá nhân ông Trung đưa quan điểm, vì Chùa Cầu vừa là công trình giao thông nên giải pháp trước mắt tốt nhất là làm giảm áp lực từ phía du khách lên công trình. Chẳng hạn, nên có giải pháp khống chế lượng người qua lại và đậy che mặt sàn để hạn chế sự tiếp xúc của bàn chân con người. “Hiện Chùa Cầu vẫn là điểm tham quan tự do nhưng lâu dài nên tính toán việc cho một nhóm khách (khoảng 15 người) đến chùa rồi cho nhóm khác vào tham quan. Chúng ta cần tính đến việc hạn chế du khách đến tham quan trong một ngày để đảm bảo không tạo áp lực quá lớn lên khu phố cổ”, ông Trung nói. UBND TP.Hội An đã thống nhất thuê đơn vị tư vấn để khảo sát, đánh giá khả năng chịu lực của Chùa Cầu. Kết quả này sẽ là cơ sở để đề xuất phương án khống chế khách đến Chùa Cầu vào cùng một thời điểm.

Mời chuyên gia Nhật xem xét việc trùng tu

Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam, cho biết trước đây đã có nhiều cuộc họp, hội thảo bàn cách tu bổ nhưng chỉ ở quy mô nhỏ và không tập trung. Do vậy, việc tham khảo ý kiến các chuyên gia vẫn chưa nhiều để tìm ra giải pháp tổng thể. “Việc trùng tu di tích này phải hết sức nghiêm túc. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đưa ý kiến về việc nên trùng tu cục bộ hay trùng tu toàn thể nhưng hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Tu bổ là việc cấp thiết nhưng không vì thế mà nôn nóng, bởi nếu không thận trọng sẽ dẫn đến biến dạng di tích”, ông Hài nói.

Theo Sở VH-TT-DL Quảng Nam, từ nay đến cuối năm sẽ tổ chức một hội thảo khoa học quốc tế với sự tham gia của chuyên gia Nhật Bản để xem xét việc trùng tu Chùa Cầu, từ giải pháp cho đến ngân sách.

Hoàng Sơn