28/11/2024

Hàng loạt sai phạm về quản lý đầu tư, xây dựng tại Quảng Ninh

Theo kết luận thanh tra về công tác quản lý đầu tư xây dựng vừa được Thanh tra Chính phủ công bố công khai, trong giai đoạn 2001 – 2010, UBND tỉnh Quảng Ninh đã để xảy ra hàng loạt sai phạm với giá trị kinh tế lên đến hàng trăm tỉ đồng.

 

Phát hiện hàng loạt sai phạm về quản lý đầu tư, xây dựng tại Quảng Ninh giai đoạn 2001-2010

 

 

Theo kết luận thanh tra về công tác quản lý đầu tư xây dựng vừa được Thanh tra Chính phủ công bố công khai, trong giai đoạn 2001 – 2010, UBND tỉnh Quảng Ninh đã để xảy ra hàng loạt sai phạm với giá trị kinh tế lên đến hàng trăm tỉ đồng.

 

Phát hiện hàng loạt sai phạm về  quản lý đầu tư, xây dựng tại Quảng Ninh giai đoạn 2001-2010 - ảnh 1Cầu Vân Đồn xây xong từ năm 2005 nhưng đến năm 2011, tỉnh Quảng Ninh vẫn điều chỉnh lại giá cho nhà thầu – Ảnh: Hoàng Anh
Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), trong giai đoạn 2001 – 2010, công tác quản lý quy hoạch và quản lý đầu tư xây dựng của UBND tỉnh Quảng Ninh có nhiều khuyết điểm, xảy ra nhiều vi phạm. Đặc biệt các dự án đầu tư theo cơ chế đổi đất lấy hạ tầng triển khai không đúng tinh thần Nghị định 04 của Chính phủ hướng dẫn luật Đất đai sửa đổi và Thông tư 18 của Bộ Tài chính về việc sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.
Có dấu hiệu thiếu trách nhiệm
 
 
Theo TTCP, tổng hợp số liệu sai phạm về tài chính tại các dự án được thanh tra là hơn 317 tỉ đồng và hơn 1 triệu USD. Ngoài ra, khoản tiền do các tổ chức, doanh nghiệp nợ đọng thuế lên tới hơn 861 tỉ đồng. Trách nhiệm để xảy ra các sai phạm trên thuộc lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh qua các thời kỳ và lãnh đạo các sở: KH-ĐT, Tài chính, Xây dựng, TN-MT và Cục Thuế Quảng Ninh.
 

Qua thanh tra cho thấy, có 22 dự án thực hiện phương thức thanh toán tiền đầu tư cơ sở hạ tầng bằng giá trị quyền sử dụng đất thì chỉ có 7 dự án thực hiện đúng quy định; “còn lại 15 dự án thực hiện sau khi luật Đất đai năm 2003 đã chấm dứt việc sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng là vi phạm luật, có dấu hiệu thiếu tinh thần trách nhiệm”, kết luận thanh tra nêu.

Một số dự án khu đô thị khi xác định giá thu tiền sử dụng đất không tính giá đất theo mục đích sử dụng mới, như dự án khu đô thị Đông Xá, dự án khu đô thị Hùng Thắng là vi phạm các quy định khung giá các loại đất, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2001 – 2010, toàn tỉnh có 180 dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở, khu thương mại, trong đó có 117 dự án khu đô thị, nhà ở với diện tích trên 2.700 ha, thuộc diện phải đấu giá quyền sử dụng đất nhưng UBND tỉnh không tổ chức đấu giá, vi phạm luật Đất đai.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh phê duyệt giá đất để thanh toán cho các nhà đầu tư không căn cứ vào quy định tại các nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành mà thực hiện theo kiểu “một mình một chợ” bằng phương pháp trừ lùi (do UBND tỉnh xây dựng), trong đó có 5 khoản giảm trừ cho nhà đầu tư hưởng không đúng quy định, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sai phạm gây thất thu cho ngân sách hàng trăm tỉ đồng. Cụ thể, tại dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng trung tâm dân cư thể thao tại H.Quảng Yên, có diện tích hơn 17 ha, UBND tỉnh đã giảm trừ 5 khoản tiền không đúng quy định pháp luật với số tiền hơn 21,3 tỉ đồng, gồm: chi phí dự phòng, lãi vay ngân hàng, VAT, chi phí bán hàng và lợi nhuận trước thuế. Tại khu đô thị Cao Xanh – Hà Khánh, UBND tỉnh tính giá thu tiền sử dụng đất đã giảm trừ cho nhà đầu tư 5 khoản với số tiền hơn 161 tỉ đồng là không đúng quy định.
Ưu đãi trái luật
Theo TTCP, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành một số quyết định về khuyến khích, ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp không đúng quy định pháp luật. Có 15 doanh nghiệp trong nước được hưởng ưu đãi không đúng với số tiền khoảng 3 tỉ đồng và 8 dự án FDI với khoản tiền hơn 609.000 USD. Từ năm 2005, Thủ tướng đã phát hiện và có quyết định xử lý các quy định về ưu đãi, đầu tư trái luật nhưng UBND tỉnh chưa thực hiện nghiêm túc việc thu hồi, điều chỉnh những quy định không đúng.
Ngoài ra, TTCP còn phát hiện tại dự án xây dựng cầu Vân Đồn vào năm 2002, UBND tỉnh đã phê duyệt cho Tổng công ty Thăng Long trúng gói thầu số 1 (xây cầu) trị giá hơn 70 tỉ đồng, trong đó thanh toán 50% bằng tiền, còn lại là bằng quỹ đất. Gói thầu này xây dựng từ năm 2002, hoàn thành năm 2005 nhưng đến năm 2011, UBND tỉnh khi quyết toán phần giá trị 50% thanh toán bằng quỹ đất (tương đương số tiền hơn 35 tỉ đồng) đã điều chỉnh tính bù trượt giá về thời điểm tháng 11.2011 để thanh toán cho nhà thầu, thành tiền là hơn 101 tỉ đồng, vượt so với quyết toán hơn 66 tỉ đồng. Đáng lưu ý là việc điều chỉnh tăng số tiền này nằm ngoài tổng mức đầu tư dự án.
Chưa hết, tại dự án khu đô thị mới Hùng Thắng thuộc TP.Hạ Long, TTCP phát hiện UBND tỉnh đã phê duyệt giá tiền sử dụng khu đô thị do Công ty TNHH đầu tư phát triển Hạ Long làm chủ đầu tư trước 3 tháng so với quyết định giao đất của Thủ tướng. Ngoài ra, tỉnh còn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty này cả phần đất giao thông, cây xanh, đất mặt nước.
Quỹ bảo trì đường bộ còn nhiều vi phạm
Hôm qua 30.6, Bộ Tài chính thông báo công khai kết luận về Quỹ bảo trì đường bộ. Cụ thể, Thanh tra Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra tại Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ T.Ư, Tổng cục Đường bộ VN và 9 quỹ bảo trì đường bộ địa phương, gồm: TP.HCM, TP.Hà Nội, Bình Thuận, Quảng Bình, Thanh Hoá, Hà Nam, Phú Thọ, Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Về nguồn kinh phí của quỹ, năm 2014 thu được hơn 8.045 tỉ đồng, đạt 104% kế hoạch. Trong đó thu phí sử dụng đường bộ xe ô tô hơn 4.937 tỉ đồng. Thu phí xe mô tô năm 2014 tại 8 quỹ địa phương (không kể Quỹ bảo trì đường bộ TP.HCM) gần 100 tỉ đồng, đạt 22,2% so kế hoạch phê duyệt. Thanh tra chỉ rõ, công tác lập và giao kế hoạch chi chưa kịp thời. Điều chỉnh kế hoạch chi bảo trì đường bộ năm 2014 chưa thực hiện đúng thời hạn về điều chỉnh kế hoạch chi bảo trì đường bộ.
Về công tác thanh toán, quyết toán Quỹ bảo trì đường bộ các Cục quản lý đường bộ; Sở GTVT (đối với quốc lộ được uỷ quyền quản lý) được thanh tra đã lập dự toán và thanh quyết toán công trình bảo trì đường bộ không đúng (về định mức, khối lượng, đơn giá nhân công, giá xăng dầu… ) dẫn đến thanh quyết toán kinh phí Quỹ bảo trì đường bộ chưa đúng quy định. Qua đó, thanh tra đã kiến nghị xử lý tài chính số tiền hơn 2 tỉ đồng do lập dự toán công trình bảo trì đường bộ tăng không đúng về định mức, khối lượng, đơn giá nhân công, giá xăng dầu… Trong đó, nộp vào ngân sách nhà nước hơn 1 tỉ đồng; giảm quyết toán gần 1 tỉ đồng.
Anh Vũ

Thái Sơn