09/01/2025

Bóng rổ, cầu lông…“lên ngôi” mùa hè

Bên cạnh bóng đá vốn luôn là môn thể thao thu hút đông đảo người chơi nhất, nhiều sân chơi thể thao khác cũng trở nên rất đông đúc vào mùa hè xuất phát từ nhu cầu đặc biệt của giới trẻ.

 

Bóng rổ, cầu lông…“lên ngôi” mùa hè

 

 Bên cạnh bóng đá vốn luôn là môn thể thao thu hút đông đảo người chơi nhất, nhiều sân chơi thể thao khác cũng trở nên rất đông đúc vào mùa hè xuất phát từ nhu cầu đặc biệt của giới trẻ.

 

 

Học sinh chơi bóng rổ ở CLB TDTT Nguyễn Du – Ảnh: H.Đ.

 

7g sáng nhà thi đấu Nguyễn Du đã trở nên chộn rộn đặc biệt với tiếng huyên náo của các em nhỏ. Không khí rộn rã này đến từ lớp học bóng rổ dành cho trẻ em, học sinh của ông Phạm Giản Tư, cựu VĐV bóng rổ từng thi đấu cho tuyển VN những năm thập niên 1990.

“Cơn sốt” phát triển chiều cao

Khi chúng tôi đến, lớp học chưa bắt đầu nhưng đã có khoảng 40 học viên đang tập khởi động. Đập vào mắt chúng tôi là một cảnh tượng rất thú vị: những cô, cậu nhóc chiều cao khoảng… 1,30m nỗ lực rướn người lên những chiếc rổ cao đúng chuẩn chuyên nghiệp của môn bóng rổ (hơn 3m).

Sau một hồi cố gắng nhưng vẫn không tài nào đưa bóng chạm tới… đáy rổ, một cậu bé nhỏ bé, kính cận, mồ hôi nhễ nhại chán nản bước ra ngoài sân. Chưa kịp than câu nào với mẹ, chú nhóc đã phải nhận một tràng trách móc từ phụ huynh: “Con phải ráng nhảy cao lên chứ, cứ ù lì, nặng nề vậy làm sao cao lên được”. Ông Tư cười xòa và gọi cậu học trò nhỏ của mình lại nói: “Không sao đâu chị, cháu mới học nên như vậy là tạm được rồi. Tăng chiều cao thì cần phải chơi một thời gian dài mới có kết quả”. Ông Tư cho biết: “Nhiều năm gần đây, phong trào bóng rổ phát triển rất mạnh. Lớp học của tôi chỉ có quy mô nhỏ thôi nhưng cũng đã rất đông học viên rồi. Mùa hè này, mỗi lớp học vào buổi sáng của tôi cũng có khoảng 60-70 học sinh. Phụ huynh cho con đi học bóng rổ nhiều chủ yếu là vì nhu cầu tăng chiều cao”.

Lớp học bóng rổ ở nhà thi đấu Nguyễn Du được chia làm ba sân nhỏ, cùng một lúc có thể cho khoảng 30 em nhỏ thi đấu với nhau. Trong đó có một sân sử dụng hai bảng rổ thấp dành cho các em nhỏ tuổi. Điều kiện học không quá quy mô như vậy nhưng phụ huynh vẫn ùn ùn kéo đến xin cho con học vào mỗi mùa hè. Nơi thể hiện rõ nhất sự phát triển của môn bóng rổ là CLB Thể thao học đường quận Phú Nhuận. Ông Đặng Quang Vinh, chủ nhiệm CLB, cho biết cách đây ba năm lớp học bóng rổ trên tầng ba nơi đây chỉ có khoảng 100 – 200 em thì hiện giờ con số này đã lên đến gần 800, tức tăng gấp bốn lần chỉ sau ba năm ngắn ngủi.

Song hành cùng bóng rổ là bơi lội và cầu lông, những môn thể thao cũng được liệt vào nhóm “chân dài” khác. Nếu nhu cầu học bơi từ lâu đã nở rộ thì các lớp học cầu lông bài bản cũng ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Ở CLB TDTT Lê Hồng Phong, lớp cầu lông nơi đây thường xuyên thu hút từ 30 – 40 học viên nhí mỗi buổi. Bà Trần Thị Kiều Nga và con trai là anh Huỳnh Trí Thịnh, hai HLV phụ trách chính của lớp, cho biết lớp dạy cầu lông của bà chỉ được mở ra trong mùa hè nhưng cứ vừa tới cuối năm học là phụ huynh ùn ùn kéo đến xin cho con vào học.

Mức học phí cũng không hề rẻ, 650.000 đồng/tháng, thời gian học cũng chỉ vào buổi sáng. Khá nan giải như vậy nhưng cũng có nhiều phụ huynh ngoài chuyện cho con đi học còn ráng nán lại để theo dõi con mình tập luyện. Bà Thu Hiền, một phụ huynh ở quận 8, cho biết: “Cho con đi học buổi sáng, lại phải ngồi đây chờ kể cũng hơi kẹt với công việc nội trợ của tôi. Nhưng cũng phải ráng thôi, thể thao bây giờ quan trọng lắm! Không chơi thể thao thì tụi nhỏ lại chơi nhiều thứ vô bổ khác như điện tử, đàn đúm, thể hình lại kém, sau này làm gì cũng khó”.

Ngoài những lớp học bài bản, nhu cầu thuê sân chơi bóng rổ hoặc cầu lông cũng phát triển mạnh. Ông Vinh cho biết nhà thi đấu bóng rổ quận Phú Nhuận luôn nhận được đặt hàng thuê sân từ các bạn trẻ, thanh niên, dù vốn dĩ sân bóng cũng hầu như kín giờ với các lớp học diễn ra suốt ngày. “Cách đây chục năm, sân bóng rổ chủ yếu chỉ để mở lớp dạy học chứ ít ai đăng ký thuê sân thi đấu như bây giờ. Điều này chứng tỏ bóng rổ cũng bắt đầu trở nên phổ biến như bóng đá” – ông Vinh nói. Giá cả thuê sân bóng rổ cũng khá hợp lý, vừa phải với túi tiền của các bạn sinh viên, học sinh. Điển hình như ở nhà thi đấu Phú Thọ, giá thuê một sân bóng rổ chỉ 50.000 đồng/giờ. Tức mỗi bạn trẻ chỉ cần góp chừng 5.000 – 10.000 đồng là có thể chơi “thả cửa”.

Chọn môn chơi cùng… thời tiết

Vào cỡ 7 – 8g sáng đông đúc là vậy, nhưng cứ đến tầm hơn 9g là những sân thi đấu bóng rổ ở CLB Nguyễn Du hoặc nhà thi đấu Phú Thọ lại trở về cảnh… đìu hiu. Lý do đơn giản là bởi cái nắng gắt của mùa hè. Những lớp học thể thao ngoài trời này chỉ rôm rả vào khoảng thời gian trước 9g sáng và sau 4g chiều, thời điểm mát mẻ trong ngày. Và trái lại, khoảng thời gian quanh buổi trưa lại là thời điểm “lên ngôi” của những loại hình thể thao khác.

Ông Mai Văn Lê – một thành viên trong gia đình danh tiếng họ Mai của làng bóng bàn VN, hiện đang là HLV bóng bàn ở CLB Thể thao học đường Phú Nhuận – cho biết lớp học bóng bàn của ông luôn tăng đột biến về số học viên vào mùa hè. Nguyên nhân không chỉ bởi đây là khoảng thời gian rảnh rỗi của học sinh mà còn nằm ở điều kiện dễ chịu vốn có của môn bóng bàn. Ông Lê nói: “Đặc thù của bóng bàn là chơi trong nhà nên với sự khó chịu của thời tiết hiện nay, ngày càng nhiều người tìm đến chơi bóng bàn để tránh nắng. Lớp học của tôi có khoảng 50 học viên trong mùa hè, tăng mạnh so với cách đây nhiều năm. Những CLB bóng bàn khác trong quận Phú Nhuận theo tôi biết cũng tương tự về số lượng”.

Một số sân chơi thể thao đặc biệt lại thu hút người chơi nhờ có… máy lạnh mát mẻ. Cứ tầm khoảng 2 – 3g chiều một ngày trong tuần, CLB Thể thao giải trí ở Nhà văn hoá Thanh niên lại thu hút gần 50 khách/lượt, gói gọn trong khuôn viên chỉ hơn 400m2 của nơi đây. Sở dĩ đông đến vậy là nhờ vào sân trượt băng tại đây. Sử dụng một loại sàn tổng hợp phả hơi máy lạnh tạo cảm giác như băng thật, sân trượt băng Nhà văn hoá Thanh niên trở thành địa điểm giải nhiệt lý tưởng cho các bạn trẻ trong mùa hè. Bên cạnh đó phòng tập bắn cung, một môn thể thao cũng tương đối nhẹ nhàng trong điều kiện có máy lạnh của CLB, cũng đặc biệt được ưa chuộng. Một nhân viên quản lý CLB Thể thao giải trí cho biết nơi đây thường xuyên có khoảng 200 khách vào các ngày trong tuần, đến cuối tuần con số này lại tăng gấp đôi, gấp ba… Dù rằng giá cả không hề rẻ: 60.000 đồng cho một lần mua vé vào cửa.

Một môn thể thao khác cũng lên ngôi nhờ điều kiện phù hợp với nhiều người là thể hình. Tại một phòng tập thể hình khá nhỏ ở quận Gò Vấp, cứ đến tầm 4g chiều trở đi là số người đến đây tập luyện lại lên đến 50 – 70 người, dù rằng phòng tập chỉ có hơn 20 máy tập. Tại những phòng tập thể hình lớn như ở nhà thi đấu Rạch Miễu hoặc Cung văn hoá Lao động số lượng khách càng lớn hơn nhiều.

 

Học phí vừa phải

 

Những sân chơi như lớp học bóng rổ ở nhà thi đấu Nguyễn Du hay CLB Thể thao học đường quận Phú Nhuận thu hút đông học sinh cũng một phần nhờ vào mức học phí vừa phải. Ở CLB Nguyễn Du, mức học phí môn bóng rổ chỉ 200.000 đồng/tháng. Còn ở CLB Phú Nhuận, các em học sinh trường ngoài cũng chỉ phải đóng có 450.000 đồng/khóa (gồm ba tháng), trong khi mức học phí dành cho học sinh trong trường học thuộc quận Phú Nhuận chỉ vỏn vẹn có 300.000 đồng/khoá. Mùa hè này, có đến khoảng 4.500 học viên đăng ký học các môn thể thao tại đây, với phần đông là bóng rổ và cầu lông.

 

 

Đông học viên nhờ “gãi đúng chỗ ngứa” 

 

Ví dụ điển hình cho nhu cầu phát triển chiều cao của giới trẻ ngày nay là lớp học thể dục “Kích thích tăng trưởng chiều cao” của cặp cựu VĐV nhảy cao lừng danh làng điền kinh VN – kỷ lục gia Nguyễn Duy Bằng và vợ là Nguyễn Thị Ngọc Tâm. Chỉ mới mở được hai năm nhưng lớp thể dục này đã thu hút đến khoảng 700 học viên vào mùa hè, khiến Duy Bằng – Ngọc Tâm mở thêm một cơ sở ở nhà thi đấu Quân khu 7 bên cạnh cơ sở ban đầu ở Trung tâm TDTT Hoa Lư nhằm đáp ứng nhu cầu của các phụ huynh.

 

H.Đ. – Đ.VUI – Đ.THIỆN