09/01/2025

Ngừng hoạt động Nhà Hạnh Phúc: Các bên liên quan nói gì?

Sáng 29-6, các cán bộ ngành bảo trợ xã hội đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Văn Hoàng và chị Ngô Thị Kim Vân – cha mẹ của 32 em nhỏ sống tại nhà Hạnh Phúc.

 

Ngừng hoạt động Nhà Hạnh Phúc: Các bên liên quan nói gì?

 Sáng 29-6, các cán bộ ngành bảo trợ xã hội đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Văn Hoàng và chị Ngô Thị Kim Vân – cha mẹ của 32 em nhỏ sống tại nhà Hạnh Phúc.


 

Chị Vân (bìa phải) trình bày ý kiến của mình với đoàn công tác các cấp đến xem xét điều kiện hoạt động của nhà Hạnh Phúc - Ảnh: P.Vũ
Chị Vân (bìa phải) trình bày ý kiến của mình với đoàn công tác các cấp đến xem xét điều kiện hoạt động của nhà Hạnh Phúc – Ảnh: P.Vũ
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ làm hết thẩm quyền của địa phương để tạo điều kiện cho thủ tục cấp phép. Trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng phải có sự linh động trong các trường hợp cụ thể, kể cả sự châm chước khi xét về diện tích nhà đất, không áp đặt máy móc hành chính, đòi hỏi phải đủ 10m2 hay 30m2
Ông VÕ VĂN QUẬN (chủ tịch UBND huyện Bình Chánh)

Sáng 29-6, hai tuần sau thời hạn cuối cùng mà UBND xã Bình Hưng (Bình Chánh, TP.HCM) yêu cầu nhà Hạnh Phúc ngừng hoạt động, đoàn công 
tác liên cấp (bộ – sở – 
huyện – xã) của lĩnh vực bảo trợ xã hội đã đến tận nơi để xem xét việc xin 
cấp phép hoạt động.

“Tạo điều kiện cho các em sống tốt hơn”

“Chúng tôi hoàn toàn ghi nhận tấm lòng thiện nguyện của anh Hoàng, chị Vân trong việc nuôi dạy các em nhỏ. Nhưng để các em có điều kiện sống tốt hơn, chúng tôi yêu cầu anh chị cần bổ sung các điều kiện để cấp phép, hoặc đưa các em vào các cơ sở đã có giấy phép” – bà Trương Thị Hường, phó chủ tịch UBND xã Bình Hưng, 
nói ngắn gọn.

Trình bày thêm, bà Phan Thị Tuyết Mai, phó Phòng lao động huyện Bình Chánh, nói:

“Tôi gặp anh Hoàng, chị Vân khi anh chị đến hỏi thủ tục cấp phép. Nhà anh chị nằm trong khu vực quy hoạch, không có chủ quyền nên rất khó xin phép, khuôn viên này cũng không đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của một đứa trẻ.

Nghị định của Chính phủ quy định diện tích tối thiểu dành cho mỗi người (khu vực nông thôn) là 30m2. Chúng tôi có đề nghị anh Hoàng, chị Vân tìm một vị trí khác phù hợp với tài chính gia đình và có đủ điều kiện về diện tích, sau đó sẽ tiến hành các thủ tục để cấp phép.

Chúng tôi ra quy định trả trẻ về gia đình hoặc đưa trẻ đến các cơ sở khác trong vòng một tuần là để đảm bảo cho các em có nơi ở mới trước năm học mới. Tôi cho rằng tham mưu của phòng như 
vậy là có tình có lý”.

Kết luận về vụ việc, ông Phạm Đại Đồng – trưởng phòng chính sách Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, thương binh và xã hội – nhấn mạnh:

“Hôm nay đến đây tôi đã nắm được vấn đề và hiểu được câu chuyện. Tấm lòng nhân đạo và tâm nguyện của anh chị là rất quý, chúng tôi rất hoan nghênh, nhưng các em nhỏ vẫn cần có đủ điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và cơ sở cần phải hoạt động theo quy định pháp luật.

Vấn đề là phải khắc phục cách nào để có thể tiếp tục hoạt động? Tôi đề nghị nhà Hạnh Phúc chủ động tìm giải pháp để nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất và hồ sơ theo các điều kiện đã quy định, uỷ ban xã và phòng lao động huyện cần hướng dẫn, hỗ trợ cho cơ sở một cách tốt nhất về các 
thủ tục cấp phép”.

Xin gia hạn thêm 
thời gian

Trước điều kiện tiên quyết là không đủ “diện tích đất tự nhiên 30 m2/người”, chị Vân cho biết mình đã loay hoay, xoay xở nhưng chưa gỡ được.

“Tôi xin gia hạn thêm một thời gian. Tôi đã đi hỏi mấy khu đất ở xã Bình Hưng, Phong Phú, tuy nhiên giá cao quá.

Chỗ có giá rẻ nhất thì khả năng của tôi sau khi nhận bồi thường căn nhà này cũng chỉ mua được tối đa 200m2, trong khi Phòng lao động cho biết với số lượng trẻ này, nhà Hạnh Phúc phải có tối thiểu 500m2 nên thật sự 
rất khó khăn…”.

Anh Hoàng cũng trình bày:

“Ở nhà Hạnh Phúc, chúng tôi có bốn tiêu chí được coi là điều kiện tốt nhất cho các con: tình yêu thương để các con có một gia đình, tinh thần vững vàng để các con có một chỗ dựa, học vấn để các con có một tương lai, mục đích sống để các con nỗ lực.

Chúng tôi dồn mọi tâm lực của mình vào đó và tin rằng các bé sẽ lần lượt trưởng thành, tự tin bước vào đời trong vài năm nữa. Đó là điều kiện tốt nhất theo cách nghĩ của chúng tôi. Đâu phải cứ đầy đủ vật chất là sẽ lớn lên thành công dân tốt”.

Đại biểu Quốc hội Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang:

Nên ủng hộ việc duy trì nhà Hạnh Phúc

Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở để chăm lo cho các đối tượng xã hội.

Hai vợ chồng chị Vân – anh Hoàng đã rất có ý thức tuân thủ pháp luật khi cố gắng làm thủ tục xin cấp phép hoạt động, việc chưa có được giấy phép có phần do những lý do khách quan, chính quyền địa phương và các ngành, các cấp có liên quan nên quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc.

Việc đóng cửa nhà Hạnh Phúc sẽ mất nhiều hơn được. Các em nhỏ mất một mái ấm. Hai vợ chồng chủ nhà, những người khao khát làm việc tốt thì thất vọng.

MAI HƯƠNG ghi

PHẠM VŨ