Tìm ‘lời giải’ rắn lục đuôi đỏ ở Sài Gòn
Nhiều người dân ở khu vực giáp sông Sài Gòn, thuộc Q.12, TP.HCM phản ánh thời gian gần đây thường xuyên gặp rắn lục đuôi đỏ, đến nỗi chính quyền địa phương phải lập tổ công tác nhằm xác định nguyên nhân.
Tìm ‘lời giải’ rắn lục đuôi đỏ ở Sài Gòn
Nhiều người dân ở khu vực giáp sông Sài Gòn, thuộc Q.12, TP.HCM phản ánh thời gian gần đây thường xuyên gặp rắn lục đuôi đỏ, đến nỗi chính quyền địa phương phải lập tổ công tác nhằm xác định nguyên nhân.
Đập con này, thấy con khác
Gặp chúng tôi vào chiều 25.6, anh Trần Công Bằng (ngụ tổ 2, KP.3C, P.Thạnh Lộc, Q.12) cho biết cách đây vài hôm khi anh đang tưới cây cảnh cho nhà chủ (giáp bờ kênh Thạnh Lộc) thì hốt hoảng thấy 2 con rắn màu xanh có đoạn đuôi màu đỏ, to bằng ngón tay, dài gần 1 m bò ra từ dưới chậu cảnh. Anh cùng vài người thợ nữa vội vàng lấy cây đập chết 2 con rắn rồi vứt xác xuống kênh. Chiều hôm sau, khi đang dọn dẹp phía trước nhà, anh Bằng lại phát hiện dưới bụi cây thêm một con rắn lục đuôi đỏ khác.
|
Trước đó vài ngày, một người khách đang uống nước tại quán cà phê Tư Lê sát bờ sông Sài Gòn, thuộc KP.3C, cũng thấy một con rắn lục đuôi đỏ từ bụi rậm bờ sông bò lên quán nên đập chết rồi ném xác xuống sông.
Tương tự, tại khu vực chùa Kỳ Quang 2 (tổ 14, KP.3C) nhiều ngày qua cũng có rắn lục đuôi đỏ xuất hiện. Anh Nguyễn Văn Hiếu, công nhân xây dựng, kể: “Cách đây vài hôm, trong lúc đang dọn dẹp hàng rào chùa thì có một con rắn lục đuôi đỏ trườn ngang qua chân tui. Sau khi đập chết con rắn, tôi tiếp tục phát dọn hàng rào thì lại thấy thêm một con nữa bò ra…”.
Gần đó, tại khu vực kênh cầu Hai Cứng, một bên là P.Thạnh Lộc và bên kia thuộc P.An Phú Đông, nhiều người dân cho biết rắn cũng xuất hiện liên tục. Một người đàn ông tên Sơn kể vài hôm trước ông thấy một con rắn lục đuôi đỏ bò trên bờ kênh, chưa kịp đập thì nó nhanh chóng trườn xuống nước. Một người đàn ông lớn tuổi ngụ tổ 55, P.An Phú Đông (Q.12) cũng cho biết mấy hôm nay thỉnh thoảng thấy rắn lục đuôi đỏ bò trên các lùm cây nhưng không đập được.
Đáng lưu ý, tối 23.6, trong lúc khách hàng đang mua giày dép tại một cửa hàng ở góc giao lộ Nguyễn Trãi – Huỳnh Mẫn Đạt (P.7, Q.5, TP.HCM) thì tá hỏa phát hiện một con rắn màu xanh, đầu to, đuôi đỏ đang trườn trong đống giày dép. Anh Dân (30 tuổi), nhân viên cửa hàng, nhanh chân đá con rắn ra khỏi đống giày dép, rồi dùng cây đập chết. Theo người dân ở khu vực này, trường hợp rắn chui vào nhà là chuyện rất lạ, tuy nhiên họ cũng cho rằng rất có thể con rắn này do một người buôn bán rắn nào đó để xổng ra vì đến nay vẫn không phát hiện thêm con rắn nào ở đây nữa.
Lập tổ công tác truy nguồn rắn
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Toàn Thắng, Chủ tịch UBND Q.12, cho biết sau khi nhận được phản ánh của báo chí và người dân, ngày 24.6 UBND quận đã thành lập tổ công tác gồm Phòng Y tế, Trung tâm y tế dự phòng và các cơ quan liên quan để điều tra, xác định vị trí rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều, thống kê mật độ, số lượng rắn người dân đã đập chết… nhằm tìm nguyên nhân và đề ra biện pháp xử lý. “Nếu là hiện tượng bất thường, quận sẽ có những biện pháp xử lý phù hợp và bài bản để đảm bảo an toàn nhất cho người dân”, ông Thắng nói.
Ông Hà Văn Sắc, Trưởng phòng Y tế Q.12, Tổ trưởng tổ công tác, cho biết đã huy động lực lượng UBND và công an 11 phường trên địa bàn tập trung điều tra tìm hiểu, đồng thời tuyên truyền, phối hợp vận động người dân phát quang bụi rậm, dọn vệ sinh. Theo ông Sắc, tổ công tác cũng tiếp nhận một số phản ánh của người dân và tiếp tục ghi nhận, tìm hiểu, tuy nhiên đến nay vẫn chưa ghi nhận thêm trường hợp nào và cũng chưa thống kê, kết luận cụ thể. “Trước mắt, tổ phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền để người dân hiểu vấn đề và có cách phòng ngừa rắn cắn”, ông Sắc nói.
Còn theo Trung tâm y tế dự phòng Q.12, tính đến nay đã ghi nhận tại P.Thạnh Lộc có 1 điểm và P.An Phú Đông có 2 điểm rắn lục đuôi đỏ xuất hiện. Trung tâm cũng ghi nhận có một người dân tại P.Thạnh Lộc đã bị rắn lục đuôi đỏ cắn, đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức.
Rắn nhiều do vào mùa sinh sản ?
Lý giải nguyên nhân rắn xuất hiện nhiều ở khu dân cư, bác sĩ Hà Ngọc Linh, chuyên viên Trung tâm y tế dự phòng Q.12, cho biết ở khu vực các phường như Thạnh Xuân, Thạnh Lộc, An Phú Đông có đặc thù là sông nước, kênh rạch nhiều, thêm vào đó là ruộng bỏ hoang, bụi rậm, nhiều đám rừng nhỏ trở thành nơi trú ngụ lý tưởng cho các loại rắn, đặc biệt là rắn lục đuôi đỏ với đặc tính thích sống trên cây. Thông thường vào tháng 5 đến tháng 8 là giai đoạn rắn sinh sản nên thường bò ra ngoài để giao phối, vì vậy gần đây người dân mới thấy rắn xuất hiện nhiều như vậy. Cũng theo bác sĩ Linh, không riêng gì rắn lục đuôi đỏ mà cả những loại rắn khác, ở nhiều nơi khác cũng thường xuất hiện vào mùa này.
Còn theo ông Nguyễn Toàn Thắng, ngoài nguyên nhân rắn vào mùa sinh sản thì có thể còn do biến đổi khí hậu hoặc do con người tác động vào môi trường, dẫn đến những thay đổi, làm ảnh hưởng điều kiện sống của các loại sinh vật, trong đó có rắn. Khi môi trường thay đổi, không gian sống bị thu hẹp thì rắn sẽ tập trung vào những nơi hoang vu, sông nước, còn nhiều cây cối như ở Q.12, Hóc Môn, Q.2, Thủ Đức… để trú ngụ nên dễ bị phát hiện là có thể hiểu được.
Tuy nhiên, theo ông Đào Văn Đang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, qua theo dõi thông tin trên báo thì số trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn đang tăng và “đây là tình hình bất thường, đáng lo ngại”. “Về phía cơ quan kiểm lâm, chúng tôi không có chức năng quản lý đối với trường hợp rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ở khu vực dân cư. Để đánh giá và có giải pháp cụ thể hơn phải có sự nghiên cứu từ phía cơ quan phụ trách, cụ thể là Sở Tài nguyên – Môi trường. Dựa trên đặc tính sinh học của loài rắn nói chung thì tôi có thể khuyến cáo người dân nên phát quang bụi rậm, dọn dẹp cây cối quanh nhà, khi môi trường sạch sẽ thì sẽ hạn chế sự xuất hiện của rắn”, ông Đang nói.
80 ca rắn lục đuôi đỏ cắn trong 3 tuần
Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Phó khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết thông thường trung bình mỗi năm bệnh viện tiếp nhận từ 800 – 1.000 ca bị rắn cắn, chủ yếu tập trung vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 8.
Trong vòng 3 tuần đầu tháng 6.2015, bệnh viện đã tiếp nhận 111 người bị rắn cắn từ nhiều tỉnh thành đưa về. Trong đó, có 80 ca là bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Cũng theo bác sĩ Hùng, có một số trường hợp bệnh nhân bị rắn cắn tại TP.HCM, rơi vào các quận huyện vùng ven như Q.9, Q.12, Q.Thủ Đức và H.Hóc Môn, tuy nhiên, bệnh viện chưa thống kê số lượng cụ thể.
Bác sĩ Hùng cũng khuyến cáo khi bị rắn cắn, bệnh nhân nên được rửa vết thương, giữ nguyên hiện trạng và đưa ngay đến cơ sở y tế. Việc buộc dây thắt để chặn nọc độc cũng phải thực hiện đúng, nếu thắt quá chặt sẽ khiến toàn bộ phần dưới vết thương hoại tử, cũng không nên tự rạch vùng vết thương để lấy nọc hoặc đắp lá thuốc sẽ rất nguy hiểm do sẽ tạo thêm vết thương hở, gây chảy máu không cầm và gây ra những biến chứng xấu khó lường.
|
Hải Nam – Đức Tiến – Lương Ngọc – Quang Thuần