28/11/2024

Để nguồn máu hiến không cạn

Hiện kho máu của Viện Huyết học – truyền máu T.Ư có thể đảm bảo đáp ứng 100% nhu cầu nhận máu của người bệnh có máu nhóm B và AB, nhưng nhóm A và O vẫn thiếu.

 

Để nguồn máu hiến không cạn

 

Hiện kho máu của Viện Huyết học – truyền máu T.Ư có thể đảm bảo đáp ứng 100% nhu cầu nhận máu của người bệnh có máu nhóm B và AB, nhưng nhóm A và O vẫn thiếu.


 

Các đợt vận động hiến máu ở TP.HCM được bố trí phù hợp để tránh khi thừa, lúc thiếu máu - Ảnh: N.C.T.
Các đợt vận động hiến máu ở TP.HCM được bố trí phù hợp để tránh khi thừa, lúc thiếu máu – Ảnh: N.C.T.

Trong đó máu nhóm A chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu.

Phải chờ máu 5 ngày

Hôm 19-6 bé Bùi Ngọc Linh – 10 tuổi, ở Lạc Thuỷ, Hoà Bình – đến Viện Huyết học truyền máu T.Ư để điều trị thường kỳ. Bé Linh có nhóm máu A và mắc chứng tan máu bẩm sinh, phải truyền máu ba tháng/lần.

Nhưng lần này bé đến viện đúng vào thời điểm thiếu máu nhất, máu nhóm A chỉ có thể đáp ứng 10% nhu cầu, các bác sĩ điều trị quyết định dành máu cho bệnh nhân cấp cứu, người già, trẻ em được ưu tiên nhưng trường hợp nào cầm cự được sẽ phải chờ.

Vì thế bé Linh vào viện ngày 19-6 mà đến 24-6 bé mới được truyền máu. Cùng cảnh ngộ chờ máu năm ngày như bé Linh là anh Hoàng Văn Chấn, 29 tuổi, ở Yên Bái. Anh Chấn nhóm máu A, cũng đang phải “sống nhờ máu” của người khác.

Theo thống kê của Viện Huyết học – truyền máu T.Ư, đầu tuần qua là giai đoạn cạn kiệt máu nhất của viện trong ba mùa hè gần đây trong khi nơi này là ngân hàng máu cung cấp cho 120 bệnh viện toàn miền Bắc.

Lúc này tổng kho máu của viện chỉ còn 5.000 đơn vị, đủ sử dụng trong một tuần, máu nhóm A chỉ còn 230 đơn vị (chưa đầy 2% lượng máu dự trữ trong kho) và chỉ đủ sử dụng trong… một ngày.

Máu nhóm O còn khoảng 80% so với ngưỡng an toàn. Ông Phạm Tuấn Dương, phó viện trưởng Viện Huyết học – truyền máu T.Ư, phải phát đi kêu gọi hiến máu khẩn thiết vì “người bệnh đang chờ máu từng ngày”.

Sau bốn ngày đã có nhiều người lần đầu tiên đi hiến máu đến viện, đến chiều 25-6 lượng máu nhóm A dự trữ tăng lên khoảng 7 – 8% lượng máu dự trữ trong kho, nhưng theo Viện Huyết học truyền máu T.Ư, máu nhóm A vẫn thiếu và chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi hiến máu, đặc biệt máu nhóm A và nhóm O” – đại diện viện cho biết.

Hiến tặng máu, nhưng bệnh viện lại bán?

Đây là một câu hỏi được nhiều người quan tâm, bởi trên 90% máu thu được ở Việt Nam hiện nay là do người tình nguyện hiến tặng, nhưng khi bệnh nhân được truyền máu thì chi phí cho mỗi đơn vị máu không rẻ.

Theo thông tư 33 của Bộ Y tế, giá một túi chế phẩm khối hồng cầu 280ml hiện là 770.000 đồng, 230ml là 695.000 đồng, một đơn vị máu toàn phần 250ml là 603.000 đồng, đơn vị 350ml là 705.000 đồng.

Vì sao như vậy? Theo ông Trần Quý Tường, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, uỷ viên Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, phần tiền này để chi trả cho các xét nghiệm viêm gan B, C, giang mai, sốt rét, kháng thể bất thường… với các bộ xét nghiệm khác nhau, đảm bảo phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm để sàng lọc túi máu an toàn truyền cho người bệnh.

Ông Tường cho rằng viện phí chi trả cho túi máu sử dụng hiện chưa đủ chi phí sàng lọc, xét nghiệm, bảo quản máu, còn theo Viện Huyết học – truyền máu T.Ư, phần viện phí này mới đảm bảo một phần chi phí, phần còn lại vẫn do Nhà nước hỗ trợ.

Cũng theo ông Tường, một phần lý do máu ở miền Bắc thường thiếu là do ở người hiến. “Người hiến máu chính ở miền Bắc, đặc biệt ở Hà Nội, là học sinh, sinh viên. Kỳ nghỉ hè các em nghỉ học nên lượng máu hiến tặng có giảm” – ông Tường cho hay.

Ông Tường đề xuất rất nên có thêm các hình thức khen tặng cho người hiến máu, như có thể đề nghị tặng huân chương lao động cho họ, thay vì cao nhất là tặng bằng khen như hiện nay.

Đồng thời nên có hình thức ưu tiên cho người hiến máu khi họ đi xin việc, xin học bổng… như ở nước ngoài vẫn làm với người tích cực trong các hoạt động xã hội.

Ngày 25-6, lần đầu tiên chị N.H.Y., chủ một công ty tư nhân, đi hiến máu. Chị được trao một giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện, để trong trường hợp bị bệnh lý cần máu thì được nhận miễn phí số máu mình đã tặng, được nhận 45.000 đồng tiền taxi và được chăm sóc, chị cảm thấy hài lòng và mong muốn sau ba tháng nữa tiếp tục đi hiến máu.

Theo một cán bộ của Viện Huyết học – truyền máu T.Ư nhiều năm làm công tác vận động hiến máu, vận động được người đi hiến máu không dễ, nhất là những người đã đi làm.

“Người ta nhìn chúng tôi bằng cặp mắt nghi ngờ, cho rằng máu hiến tặng nhưng bệnh viện lại thu tiền máu và như thế là bất công” – cán bộ này cho biết.

TP.HCM: đủ máu cho nhu cầu cấp cứu, điều trị

Ngày 25-6, bác sĩ Trương Thị Kim Dung – phó giám đốc Bệnh viện Truyền máu – huyết học TP.HCM – đã trả lời Tuổi Trẻ như vậy về tình hình cung cấp máu cho các bệnh viện phục vụ nhu cầu cấp cứu và điều trị bệnh nhân.

Theo bác sĩ Kim Dung, hiện nay Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM đang cung cấp máu cho hơn 90 cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn TP.HCM với số lượng trung bình 20.000 đơn vị máu một tháng, tức khoảng 15.000 – 16.000 túi máu (có hai loại túi: 250ml hoặc 350ml).

Trong kho của bệnh viện còn dự trữ hơn 6.000 đơn vị máu (gồm các nhóm máu khác nhau) để cung cấp cho các bệnh viện.

Ngoài ra, hằng ngày bệnh viện đều có lịch đi lấy máu từ người tham gia hiến máu nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ TP.HCM gửi danh sách qua hoặc do Hội Chữ thập đỏ TP trực tiếp đi lấy, với số lượng trung bình 800 – 900 túi máu/ngày (khoảng 1.000 đơn vị máu). Do máu không thể để lâu được (chỉ để được 35 – 42 ngày) nên ngày nào bệnh viện và Hội Chữ thập đỏ TP cũng phải lấy máu.

Theo bác sĩ Kim Dung, trước đây mỗi khi học sinh, sinh viên (lực lượng tham gia hiến máu nhân đạo rất nhiều) nghỉ hè thì TP cũng có lúc thiếu máu tạm thời nhưng hai năm nay không còn xảy ra tình trạng này do có lực lượng tham gia hiến máu ở các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp bù vào.

Hiện Bệnh viện Truyền máu huyết học TP và Hội Chữ thập đỏ TP phối hợp rất chặt chẽ và định kỳ tổ chức họp giao ban hằng tháng để nắm bắt tình hình hiến máu, nhu cầu sử dụng máu của các bệnh viện.

Sau đó lên lịch lấy máu hằng tuần ở các đơn vị để cân đối nguồn máu, tránh tình trạng lúc thiếu máu, lúc thừa máu do lấy dư sử dụng không hết phải huỷ bỏ. Vì thế lịch hiến máu luôn rải đều suốt năm và có nguồn máu chủ động cung ứng cho các cơ sở y tế.

L.TH.H.

 

LAN ANH