28/11/2024

Nguy cơ bệnh truyền nhiễm từ sữa người

Những người tập thể hình tẩm bổ cơ thể bằng cách uống sữa người đối mặt với nguy cơ tiếp xúc với HIV, vi rút gây viêm gan và bệnh giang mai.

 

Nguy cơ bệnh truyền nhiễm từ sữa người

 

 

Những người tập thể hình tẩm bổ cơ thể bằng cách uống sữa người đối mặt với nguy cơ tiếp xúc với HIV, vi rút gây viêm gan và bệnh giang mai.


 

Dân tập thể hình phương Tây thường sử dụng sữa người	- Ảnh: gymflow100.comDân tập thể hình phương Tây thường sử dụng sữa người – Ảnh: gymflow100.com
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất và không thể thay thế được đối với trẻ sơ sinh, nhưng điều này không có nghĩa là nó cũng tốt cho sức khỏe người trưởng thành.
Thay vào đó, nghiên cứu mới trên chuyên san Royal Society of Medicine của Anh cảnh báo rằng ai mua sữa người trên mạng đối mặt với nguy cơ tiếp xúc các căn bệnh truyền nhiễm như viêm gan siêu vi, giang mai, thậm chí cả HIV.
Báo cáo này có tựa đề Không dừng lại ở loại thức uống đầy lợi nhuận: những nguy cơ người tiêu dùng trưởng thành phải đối mặt khi mua sữa người qua internet, với tác giả là tiến sĩ Sarah Steele, giảng viên của Đại học Nữ hoàng Mary tại London. Điều này do sữa người từ các nguồn trôi nổi không những thiếu khâu tiệt trùng và chẳng được kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn, cũng như có thể mang theo vi khuẩn, vi rút nguy hiểm.
Tưởng chừng như chỉ xuất hiện trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố, uống sữa người hiện là trào lưu tại các nước phương Tây, từ châu Âu đến châu Mỹ, đặc biệt phổ biến trong giới luyện tập thể hình, ẩm thực, thậm chí cả bệnh nhân ung thư cũng tin dùng. Theo tiến sĩ Steele, sữa người được quảng bá rộng rãi là một “siêu thực phẩm” giàu protein, hoàn toàn tự nhiên so với các sản phẩm sức khoẻ nhân tạo, qua xử lý.
Trên thực tế, giới chuyên gia chỉ ra rằng sữa người còn ít protein hơn sữa bò, và đến nay chưa có cuộc nghiên cứu nào chứng minh rằng uống sữa người giúp bổ béo, khoan tính đến khía cạnh có thể bị nhiễm trùng, lẫn tạp chất hoặc nguy hiểm để uống. Hoàn toàn không giống với các mô tả như tinh khiết và tự nhiên, tiến sĩ Steele cho biết sữa người có thể dễ dàng bị nhiễm bẩn từ các sản phẩm gây hại tiềm tàng đã được người tạo sữa hấp thu trong cuộc sống hằng ngày. “Bia rượu, thuốc men (cả thuốc được kê đơn lẫn bất hợp pháp), thuốc lá và caffeine được truyền vào sữa, bên cạnh những yếu tố nhiễm bẩn khác trong môi trường”, theo nữ tiến sĩ.
Thậm chí khi người cho sữa không rượu chè, thuốc lá, sinh hoạt lành mạnh, nhưng do sữa được bán theo ml với lợi nhuận gây mờ mắt, một số bà mẹ có thể trộn sữa mình với sữa bò, đậu nành, thậm chí nước mới đủ cung cấp theo nhu cầu.
Đó là chưa kể họ chứa sữa trong các bình nhựa có hóa chất Bisphenol A, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và hiện bị cấm lưu thông tại EU. Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất chính là khả năng lây lan bệnh truyền nhiễm. Tiến sĩ Steele viết rằng trong khi nhiều người bán sữa cam đoan đã được xét nghiệm phát hiện vi rút trong quá trình mang thai, họ lại quên rằng việc kiểm tra sức khỏe phải được thực hiện thường xuyên, đề phòng vi rút chưa lộ diện trong giai đoạn đầu.
Bên cạnh đó, hoạt động tình dục sau khi sinh có thể khiến người bán bị nhiễm bệnh mà không hay biết, trong khi các vi rút gây bệnh viêm gan siêu vi B, C, HIV và giang mai có thể truyền nhiễm thông qua sữa mẹ. Điều này có nghĩa là người bán có thể vô tình truyền bệnh cho người mua mà không hay biết.
Ở châu Âu, cụ thể tại Anh, chuyện mua sữa người trên mạng là việc vô cùng dễ dàng, có nhiều website cung cấp cho những ai muốn mua loại sữa này. Chẳng hạn một phụ nữ ở Manchester đã đăng quảng cáo bán 120 ml sữa người với giá 20 bảng Anh, một mức giá có thể nói là quá hời.
Kết lại báo cáo trên chuyên san y học, tiến sĩ Steele khẳng định rằng sữa người mua trên mạng “không phải là thức uống tối ưu để cung cấp dinh dưỡng cho người lớn, hoặc để điều trị bệnh”.

Phi Yến