“Hà Nội đang bị rối loạn hành vi ngôn ngữ trầm trọng”
Hà Nội “tuyên chiến” với nạn nói tục. Hà Nội cũng đang lấy ý kiến xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử… Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến của Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng.
NGƯỜI HÀ NỘI ĐI TÌM… HÀ NỘI THANH LỊCH
“Hà Nội đang bị rối loạn hành vi ngôn ngữ trầm trọng”
Hà Nội “tuyên chiến” với nạn nói tục. Hà Nội cũng đang lấy ý kiến xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử… Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến của Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng.
Cảnh xếp hàng vào nhà viếng đại tướng Võ Nguyên Giáp tạo cảm hứng rất lớn cho sự hồi phục sự thanh lịch của Hà Nội – Ảnh: Ng.Khánh |
Tôi sinh ra ở Hà Đông, nhưng từ năm lên một tuổi đã được đưa ra sống tại Hà Nội. Tôi gắn bó với Hà Nội từ những ngày đó, đến tận bây giờ đã gần một thế kỷ.
Tôi đã đi khắp các phố phường, ngõ ngách, có khi ngồi hàng giờ để thực hiện một bộ ảnh về văn hóa ứng xử của những người sống ở Hà Nội hiện nay.
Tôi thấy Hà Nội đang bị rối loạn hành vi ngôn ngữ trầm trọng, nhất là từ năm 1975 đến nay. Tôi hay la cà ở các trường học, thấy học sinh bây giờ văng tục bất cứ đâu. Có vài từ ngữ luôn thường trực trong các câu nói của các bạn trẻ bây giờ là Đ., Đ.M….
Không chỉ nói bậy, chửi tục, cung cách ứng xử của nhiều người đang sống ở Hà Nội hiện nay cũng khác người Hà Nội xưa nhiều lắm. Ngày xưa mẹ tôi rất cặn kẽ lời ăn tiếng nói.
Bà dạy chúng tôi từ việc đi nhẹ, nói khẽ đến việc nói phải tròn vành, rõ nghĩa, dễ hiểu. Hoặc gặp người quen phải chào hỏi lễ phép, gặp người khuyết tật, người già, phụ nữ dắt trẻ nhỏ phải biết nhường đường.
Mẹ tôi cũng là người làm gương, chúng tôi học được những điều ấy từ nhỏ, rồi theo tôi suốt cuộc đời, đến tận bây giờ. Hầu hết gia đình ở Hà Nội xưa đều rất nền nếp và dạy dỗ con cái chỉn chu như vậy. Những chuyện dạy dỗ, răn đe con cái cũng rất kín đáo, nhẹ nhàng.
Vì thế, tính cách tiêu biểu của người Hà Nội thời đó là sự nhường nhịn, khiêm tốn, không bao giờ đao to búa lớn, cũng không ra vẻ ta đây.
Nếu mình có chịu thua thiệt một chút thì cũng bằng lòng. Nếu có lỡ lời một câu với ai đó thì dù xin lỗi họ rồi mình cũng hối hận mãi. Những năm đất nước còn chiến tranh hay khó khăn thời bao cấp, tôi không thấy người ở Hà Nội nói tục, chửi bậy.
Chỉ từ những năm kinh tế khá lên… thì nói tục, chửi bậy cũng nhiều hơn. Nền văn minh lúa nước ở đồng bằng sông Hồng đã tồn tại hàng trăm, hàng nghìn năm cũng bị phá vỡ.
Một nguyên nhân khác cũng vì người Hà Nội gốc còn rất ít trong số 7 triệu dân ở Hà Nội hiện nay. Vì năm 1954, dòng người từ Hà Nội di cư vào Nam.
Sau năm 1975, những người Sài Gòn ra nước ngoài (trong đó có những người từ Hà Nội vào trước đó) nên chúng ta sẽ gặp ở Paris, London, New York, Tokyo… những người Hà Nội gốc, với cách cư xử và tài năng làm dân bản xứ phải kính nể.
Ở Hà Nội đang có hàng triệu người nhập cư, họ phần nhiều là những người bị mất ruộng đất, phải đến Hà Nội tìm kế mưu sinh.
Họ phải ăn ngủ thiếu thốn, làm việc cực nhọc. Khi họ đã quá mải miết cho công cuộc mưu sinh thì sao còn thời gian và tâm trí nghĩ đến những cách ứng xử cho mẫu mực được nữa?
Hiện các trường ĐH của nước ta chưa có khoa khoa học ứng xử, trong khi ở nước ngoài rất nhiều nước có khoa này để mọi người biết cách cư xử phù hợp khi giao tiếp. Nói tục, chửi bậy ở Hà Nội là biểu hiện của sự khủng hoảng văn hoá, rối loạn giá trị đạo đức…
Khi người ta bị áp lực quá mức, luôn bực bội trong người, không biết chia sẻ cùng ai thì việc văng tục, chửi bậy sẽ không có nghĩa lý gì.
Ngôn ngữ không thay đổi, nhưng chúng ta thay đổi quá nhiều về cách sử dụng ngôn ngữ. Ngày xưa, chúng tôi được dạy rằng đi học để biết, học để làm, để chung sống, để tồn tại.
Nhưng bây giờ, cả xã hội đang làm ngược lại là học để hơn người, học để làm giàu, học để có địa vị. Mà học để hơn người là điều rất nguy hiểm.