28/11/2024

Không có mùa hè

Từ 7 giờ cho đến hơn 22 giờ, những đứa trẻ cắm mặt bên đống hạt sen. Đã bao nhiêu năm nay, các em không có mùa hè bởi cuộc mưu sinh khắc nghiệt.

 

Không có mùa hè

 

 

Từ 7 giờ cho đến hơn 22 giờ, những đứa trẻ cắm mặt bên đống hạt sen. Đã bao nhiêu năm nay, các em không có mùa hè bởi cuộc mưu sinh khắc nghiệt.


 

Với những đứa trẻ này, mùa hè chính là mùa lao động – Ảnh: Như Lịch

Với những đứa trẻ này, mùa hè chính là mùa lao động	- Ảnh: Như Lịch

3 tuổi đã lao động
Ngước cặp mắt to tròn nhìn chúng tôi hồi lâu, cô bé Phạm Thị Tuyết Mai (6 tuổi, ngụ thôn 6, xã Sùng Nhơn, H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) vẫn thoăn thoắt cắt vỏ hạt sen. Đầu ngón tay trỏ bàn tay phải cầm dao của bé in hằn những vết cắt, vết mới chồng lên vết cũ. Gia đình bé Mai cho hay, từ khi mới lên 3 tuổi, em đã biết làm sen.
 
 
Không có mùa hè - ảnh 2

Con mong làm có tiền để không phải bỏ học giữa chừng

Không có mùa hè - ảnh 3
Phạm Bá Hùng
(14 tuổi, thôn 6,
 xã Sùng Nhơn,H.Đức Linh)

 

Ngồi quanh chiếc chiếu với la liệt hạt sen, vỏ sen là những anh chị của Mai: Phạm Bá Hùng (14 tuổi, lên lớp 8), Phạm Thị Ly (12 tuổi, lên lớp 6) và Phạm Thị Thuỳ Trúc (9 tuổi, lên lớp 4). Tất cả đều thuần thục với các công đoạn làm sen gồm tách búp, cắt vỏ, chà lụa và thụt tim.

Ông Phạm Bá Mảnh (làm nông), cha của những đứa trẻ này, nhìn nhận: “Chỉ trừ đứa con út mới 1 tuổi, còn lại bốn đứa kể trên đều phải làm sen để kiếm sống và phụ trang trải các chi phí trong năm học mới”. Các cháu thường làm từ 7 giờ đến hơn 22 giờ. Những lúc mỏi mệt và đau lưng quá, chúng nằm xoãi trên nền nhà hoặc đi loanh quanh một chút, rồi lại phải tiếp tục công việc. Thỉnh thoảng các cháu mới được cho nghỉ xả hơi một buổi.
Vừa đi bán cá khô dạo trở về, bà Dương Thị Thu Hiền, vợ ông Mảnh, vội vã ngồi xuống làm sen. Chỉ vào mấy đứa con, bà Hiền kể: “Bình thường đi học, tụi hắn làm sen lai rai. Còn mùa hè thì làm liên tục”.
Theo bà Hiền, bình quân mỗi ngày gia đình bà nhận 20 kg búp sen. Từ đó, sẽ cho ra khoảng 5,5 kg hạt sen thành phẩm, tương ứng tổng số tiền công là 110.000 đồng. “50.000 đồng để phụ tiền ăn, còn lại 60.000 đồng mấy đứa nhỏ dành bỏ ống heo để năm học mới mua sách vở, áo quần, đóng tiền trường”, bà Hiền nói.
Cách nhà bà Hiền không xa, những đứa học trò nhỏ như anh em bé Việt – Ý, bé Mai, bé Ngọc… cũng thường xuyên phụ cha mẹ và bà ngoại làm hạt sen.
Nuôi ước mơ đi học
Khi được hỏi về ước mơ của mình, Phạm Bá Hùng lí nhí đáp: “Con mong làm có tiền để không phải bỏ học giữa chừng”. Cô bé Phạm Thị Ly thì thổ lộ: “Sắp tới con phải chuyển trường, đi học xa hơn nên con mơ có một chiếc xe đạp”. Còn bé Phạm Thị Tuyết Mai chỉ cười lúng liếng hồn nhiên…
Tưởng rằng thả diều là trò chơi thân thuộc với những đứa trẻ nông thôn này, nhưng ông Phạm Bá Mảnh huỵch toẹt: “Tiền mô mà mua diều. Mà tụi hắn mấy khi rảnh để thả diều”. Khi có người nhắc đến mấy điểm tham quan nổi tiếng ở TP.HCM như Đầm Sen, Suối Tiên, ông Mảnh chặc lưỡi: “Đời cha mẹ tụi hắn còn chưa đi, chưa biết những nơi đó, nói chi đến tụi hắn! Nghe xa xôi lắm…”. Có lúc, ông tâm tư: “Con đông, cuộc sống chật vật quá nên đành phải bắt con lao động sớm. Con người ta mùa hè chơi đùa, còn con mình phải làm lụng vất vả, tụi tui cũng thấy xót ruột lắm nhưng đành chịu thôi”.
Tại H.Đức Linh (tỉnh Bình Thuận), không ít học trò phải lao động trong mùa hè. Tuỳ đặc điểm từng địa bàn mà các em làm những công việc khác nhau. Với những xã như Sùng Nhơn, Võ Xu… các em chủ yếu làm hạt sen. Còn ở các xã Đakai, Mépu, Nam Chính, Đức Chính… công việc phổ biến là đạp hạt điều và bóc vỏ lụa, thu nhập trung bình khoảng 20.000 – 30.000 đồng/em/ngày.
Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Sùng Nhơn 2 (H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận), cho biết tại địa phương có nhiều học sinh vừa buông sách vở là lao vào mưu sinh. Cô Tâm nhận xét: “Đó là sự thiệt thòi lớn! Các em còn nhỏ, đáng lẽ mùa hè phải được sinh hoạt, vui chơi thoả thích sau thời gian dài học tập. Thế nhưng, các em lại phải chịu cảnh ngày hai buổi kiếm tiền phụ giúp gia đình”.
Theo cô Tâm, chỉ tính riêng ngôi trường này đã có hơn 70 học sinh (trên tổng số 380 em) thuộc diện gia đình khó khăn. Cô mong mỏi xã hội có hành động thiết thực để giúp những trẻ hoàn cảnh kém may mắn nói trên, nhất là đang trong tháng 6, cả nước đều đã phát động “Tháng hành động vì trẻ em”.

Như Lịch