28/11/2024

Đẩy lùi nạn nói tục bằng quy tắc ứng xử

“Chưa có thời điểm nào mà vấn đề văn hoá ứng xử ở Hà Nội và người Hà Nội được đặt ra cấp thiết như hiện nay”.

 

Đẩy lùi nạn nói tục bằng quy tắc ứng xử

 

“Chưa có thời điểm nào mà vấn đề văn hoá ứng xử ở Hà Nội và người Hà Nội được đặt ra cấp thiết như hiện nay”.

 

 

Học sinh Hà Nội đánh nhau ngoài đường phố - Ảnh: Minh Trí
Học sinh Hà Nội đánh nhau ngoài đường phố – Ảnh: Minh Trí

Hà Nội chọn giải pháp nào để đẩy lùi nạn nói tục khi kết quả điều tra xã hội học về văn hoá ứng xử nơi công cộng do Sở VH-TT&DL Hà Nội thực hiện mới đây đã chỉ rõ “chưa có thời điểm nào mà vấn đề văn hoá ứng xử ở Hà Nội và người Hà Nội được đặt ra cấp thiết như hiện nay”?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông NGUYỄN KHẮC LỢI – phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội – cho biết Hà Nội đang tập trung hoàn thiện “hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP Hà Nội”, hi vọng khi ban hành sẽ chấn chỉnh được những hành vi ứng xử thiếu văn hoá nơi công cộng.

* Thưa ông, gần đây đã có những cảnh báo liên tiếp về nạn nói tục “trỗi dậy”, TP Hà Nội đã có chỉ đạo kiểm tra, có biện pháp xử lý nhằm hạn chế những hành vi thiếu văn hóa nơi công cộng. Sở VH-TT&DL và các ngành đã triển khai chỉ đạo này ra sao?

– Nếu nói về những hành vi thiếu văn hoá, ứng xử thiếu văn hoá nơi công cộng thì không chỉ có chuyện nói tục, chửi bậy. Trong quá trình xây dựng “hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP Hà Nội”, kết quả điều tra xã hội học đã chỉ ra ở nhiều nơi công cộng thường xuất hiện những hành vi ứng xử không phù hợp.

 
 

 

Đó là tình trạng vi phạm nội quy, quy định nơi công cộng, viết bậy, bôi bẩn lên các công trình công cộng, chen lấn xô đẩy khi xếp hàng tham gia các dịch vụ nơi công cộng, ứng xử thiếu văn hoá, văng tục, chửi bậy, sẵn sàng gây gổ. Lối cư xử nhã nhặn, thanh lịch của người Hà Nội mai một dần, thay vào đó là lối nói xô bồ, tục tĩu, huỵch toẹt, thiếu văn hoá, kiểu ăn nói “lệch chuẩn”, nhất là ở giới trẻ.

Dự thảo hệ thống quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội đang trong giai đoạn lấy ý kiến đã đưa ra những quy định: ứng xử văn minh, lịch sự, tôn trọng, thân ái, chia sẻ, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ cảnh quan, môi trường.

Tuy nhiên, để hạn chế những hành vi thiếu văn hoá, nạn nói tục, đây là vấn đề giáo dục ý thức công dân, việc này không phải là nhiệm vụ riêng của một ngành, nỗ lực của một ngành cũng không làm được mà phải có sự vào cuộc của cả xã hội, cả hệ thống chính trị.

* Ông có nói việc xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử sẽ là giải pháp chính trong chấn chỉnh những hành vi ứng xử thiếu văn hoá, vậy trong quy tắc ứng xử sẽ đặt ra những chuẩn mực nào về văn hoá ứng xử nơi công cộng?

– Hiện “hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP Hà Nội” đang trong giai đoạn lấy ý kiến và dự kiến ban hành trong năm 2015.

Thật ra đối với quy tắc ứng xử ở cơ quan, đơn vị thì nhiều nơi đã có. Tuy nhiên, với những quy tắc ứng xử nơi công cộng thì chưa đơn vị nào đề cập, đây là nội dung “nặng” nhất, khó nhất. Quá trình nghiên cứu đã tra cứu, khảo sát trên 50.000 trang tài liệu từ các đầu sách, luận văn tiến sĩ, trên 100 bài báo và tạp chí, tài liệu pháp lý và nội quy có liên quan, nhưng đến nay vẫn phải tiếp tục lấy ý kiến, nghiên cứu thêm.

Đây là đề án rất quan trọng, không được phép nóng vội, phải chuẩn bị tỉ mỉ, chu đáo từng khâu và cũng phải hết sức khoa học vì đây là hệ thống quy tắc ứng xử mang tính đồng bộ, rộng khắp, nhất là khi thực tiễn đòi hỏi cần có những giá trị đạo đức mang tính quy chuẩn để hướng con người tới chân, thiện, mỹ, xây dựng một thủ đô thật sự thanh lịch, văn minh.

* Cụ thể khi Hà Nội ban hành “hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP Hà Nội”, những hành vi, cách ứng xử thiếu văn hoá nơi công cộng có bị chế tài không, thưa ông?

– Hệ thống quy tắc ứng xử này có ý nghĩa như là cẩm nang hướng dẫn nền tảng văn hóa ứng xử. Hệ thống quy tắc ứng xử này cũng giống như hương ước, không đặt vấn đề chế tài, chỉ đưa ra những quy tắc ứng xử chuẩn mực trong giao tiếp. Đúng hơn là những quy tắc ứng xử mang tính định hướng, tuyên truyền nhiều hơn.

Hệ thống quy tắc này cũng không phải là tất cả nếu như không giải quyết tận gốc vấn đề từ nhận thức, từ ý thức của mọi người. Vì vậy khi ban hành cũng phải lựa chọn các địa phương, đơn vị để theo dõi, giám sát việc triển khai thí điểm mô hình văn hoá ứng xử đối với từng đối tượng cơ quan, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu dân cư và nơi công cộng để rút kinh nghiệm, điều chỉnh và tiếp tục hoàn thiện.

Nhà nghiên cứu văn hoá Hữu Ngọc:

Phải gương mẫu từ trên xuống dưới

Việc có hay không đề ra chế tài trong bộ quy tắc ứng xử của người Hà Nội không quan trọng bằng việc thay đổi tư tưởng trong cung cách ứng xử. Để giải quyết được câu chuyện về văn hoá ứng xử xuống cấp hiện nay, theo tôi, chìa khóa nằm ở tính gương mẫu từ trên xuống dưới. Nếu những người ở trên gương mẫu thì tự nhiên những người dưới sẽ tự giác làm theo. Để làm gương cho con trẻ thì trước tiên người lớn phải tự giáo dục mình.

Cũng cần thiết phải xây dựng những nếp sống mới ở các khu dân cư một cách thực chất, cụ thể chứ không phải là phong trào chung chung bởi phong trào ở nước ta phần lớn mang tính hình thức. Tóm lại, theo tôi, muốn khôi phục và giữ được nền nếp ứng xử thanh lịch của người Hà Nội như ngày trước, cần đồng thời giáo dục gia đình, giáo dục trường học và giáo dục xã hội. Cả ba điều này phải được thực hiện cùng lúc, với tiêu chí người lớn làm gương cho con trẻ, người lãnh đạo làm gương cho cấp dưới.

TS Đinh Hồng Hải (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam):

Xây dựng nền tảng văn hoá cho mỗi công dân

Theo tôi, việc đưa ra những chế tài trong bộ quy tắc ứng xử sẽ rất khó thực hiện nếu không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng. Bởi để có hành vi ứng xử văn hóa thì cần đến bề dày văn hoá của mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng. Chúng ta không thể dùng những quy chế hành chính áp đặt ngay lập tức lên cộng đồng để mong nó thay đổi một sớm một chiều. Và để thay đổi được những thói quen xấu trong văn hoá ứng xử của người Hà Nội hiện nay thì cần phải có giải pháp đồng bộ cùng một lộ trình cụ thể.

Để tìm lại những nét thanh lịch của văn hoáTràng An, điều quan trọng là phải xây dựng nền tảng văn hoá cho mỗi công dân hay mỗi cộng đồng đang sinh sống ở thủ đô. Nếu dồn mọi vấn đề về văn hoá – xã hội lên vai Sở VH-TT&DL thì cũng rất khó để họ giải quyết vấn đề một cách thấu đáo, mà cần có sự phối hợp của các cơ quan ban ngành khác và của toàn xã hội.

V.V.TUÂN ghi

XUÂN LONG