11/01/2025

Đau đầu gối khi chạy bộ

Đầu gối chịu đựng trọng lượng của cả cơ thể trong khi đi, chạy, di chuyển liên tục… Nếu chạy không đúng cách, hoặc không có sự chuẩn bị tốt, rất dễ mắc các chấn thương.

 

Đau đầu gối khi chạy bộ

 

 

Đầu gối chịu đựng trọng lượng của cả cơ thể trong khi đi, chạy, di chuyển liên tục… Nếu chạy không đúng cách, hoặc không có sự chuẩn bị tốt, rất dễ mắc các chấn thương.


 

Đau đầu gối khi chạy bộẢnh: Shutterstock
Hội chứng dải chậu chày
Đây là một trong những chấn thương do tập quá sức, thường gặp nhất ở những người chạy bộ. Hội chứng dải chậu chày (ITBS) xảy ra khi dây chằng này bị bó chặt và bị viêm. Nguyên nhân của tình trạng viêm là do vận động quá nhiều, hoặc vận động không đúng cách, dẫn đến dây chằng bị trật khỏi vị trí ban đầu, cọ xát vào những khu vực xung quanh. Bị viêm cũng hạn chế máu đến nuôi cơ vùng này, nên mỗi chuyển động khớp gối sẽ gây ra đau đớn hay nhức nhối.
Triệu chứng dễ nhận thấy nhất của ITBS là mặt ngoài của đầu gối sưng và đau (nhiều người hay nhầm với chấn thương đầu gối). Cách nhận biết đơn giản nhất là khi gập đầu gối góc 45 độ, nếu bị ITBS, bạn sẽ thấy đau ở mặt ngoài của đầu gối và khi đứng lên có cảm giác nhức nhối tăng lên.
Hội chứng ITBS thường là kết quả của việc mang giày không phù hợp, chạy xuống dốc hoặc chạy trên nền cát, chạy một cung đường lặp lại quá nhiều theo cùng một hướng, hoặc đơn giản là do đường chạy quá dài.
Tiến sĩ Leon Popovitz, chuyên gia thể dục tại New York (Mỹ) cho biết cách duy nhất để giảm đau là nghỉ dưỡng thương cả tuần, cả tháng, thậm chí dài hơn. Vật lý trị liệu cũng cần thiết giúp giảm tình trạng viêm.
Viêm gân gối
Ở khớp gối gân bị viêm là gân bánh chè (viêm gân bánh chè). Chạy bộ không đúng cách là một trong những nguyên nhân gây viêm gân đầu gối. Dấu hiệu chính của viêm là đau ở vị trí trước gối nơi gân bị viêm, triệu chứng ngày càng tăng dần, đau âm ỉ hoặc đau có tính chất chu kỳ, đi từ đau liên tục, sau đó đến đau mạnh, giảm dần rồi lại tăng lên. Viêm gân đầu gối không cần nghỉ ngơi hoàn toàn, bởi thực tế nghỉ ngơi lại “tạo điều kiện” cho việc teo cơ và giảm thời gian phục hồi chức năng. Việc nghỉ dưỡng chỉ phù hợp trong lúc đau quá mức. Để giảm bớt gánh nặng cho gân, phải dùng nạng để đi lại, có khi phải dùng cả nẹp gối có khớp vận động để cố định gối.
Chấn thương đầu gối
Thường được biết đến với tên gọi “Runner’s knee”, là một trong những tổn thương hay gặp nhất ở người chạy bộ đường dài. Các chuyên gia xương khớp cho biết cơ tứ đầu đùi giữ xương bánh chè ở đúng vị trí. Khi chạy, xương bánh chè chuyển động lên xuống, nhưng không chạm vào xương đùi. Nếu cơ tứ đầu đùi yếu, hoặc chạy sai tư thế, xương bánh chè có thể di động từ trái sang phải, gây áp lực lên đầu gối, làm tăng ma sát, tạo ra sự khó chịu. Nếu tiếp tục chạy sai nhiều lần, xương bánh chè sẽ cọ xát vào phần dưới xương đùi. Sự lắc lư và cọ xát của xương bánh chè sẽ ảnh hưởng tới sụn khớp gối. Ma sát giữa xương bánh chè và xương đùi sẽ bào mòn sụn khớp. Hệ quả là xương bánh chè không thể gập lại một cách dễ dàng, nên gây đau nhói ở dưới hoặc quanh xương bánh chè. Cơn đau cảm nhận rõ rệt nhất khi bạn gập khớp gối, hoặc chạy xuống dốc, đi bộ xuống cầu thang, ngồi xổm hoặc ngồi gập gối.
Tổn thương dây chằng
Hai dây chằng thường bị thương tổn ở đầu gối là dây chằng trước (ACL) và dây chằng sau (PCL). Thương tổn ở các dây chằng đôi khi được gọi là bong gân. ACL thường xuyên bị kéo căng hoặc bị đứt ra (hoặc cả hai) do cử động vặn đột ngột, như tránh ngã vào ổ gà trong khi chạy nên phải dang đầu gối thật rộng để vượt qua hoặc dừng đột ngột giữa các sải chân. PCL thường bị thương do tác động trực tiếp. Thương tổn dây chằng được điều trị bằng các túi chườm nước đá (ngay sau khi bị thương) để giảm sưng, các bài thể dục tăng cường cơ bắp, nẹp, phẫu thuật (với các thương tổn nặng hơn).

Hạ Yên