11/01/2025

Trường mầm non “mắc kẹt” bởi thông tư

Tiến không xong, lùi không được, ngành giáo dục mầm non TP.HCM đang thực hiện nghị quyết 01/2014 về hỗ trợ giáo dục mầm non của HĐND TP đã vấp phải nhiều vướng mắc.

 

Trường mầm non “mắc kẹt” bởi thông tư

 

Tiến không xong, lùi không được, ngành giáo dục mầm non TP.HCM đang thực hiện nghị quyết 01/2014 về hỗ trợ giáo dục mầm non của HĐND TP đã vấp phải nhiều vướng mắc.


 

Ngoài công tác giảng dạy, trẻ mầm non cần được nuôi dưỡng, chăm sóc nên rất cần lực lượng bảo mẫu. Trong ảnh: trẻ 6-18 tháng tuổi đang học với giáo viên - Ảnh: Mỹ Dung
Ngoài công tác giảng dạy, trẻ mầm non cần được nuôi dưỡng, chăm sóc nên rất cần lực lượng bảo mẫu. Trong ảnh: trẻ 6-18 tháng tuổi đang học với giáo viên – Ảnh: Mỹ Dung

Vướng mắc do những quy định trong thông tư liên tịch 06/2015 giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ ký ngày 16-3-2015.

Từ khi thực hiện nghị quyết 01/2014 của TP.HCM, các trường mầm non công lập lại càng rối vì thành phố thì cho phép nhưng luôn trong tình trạng “chờ” những kiến nghị để các bộ ngành trung ương giải quyết.

Các trường rối lắm, nhất là vị trí y tế, người ta phải làm công tác chăm sóc sức khỏe trẻ hằng ngày, hằng giờ và cũng không có chuyên môn văn thư hay thủ quỹ để làm. Mà kế toán thì không thể kiêm thêm thủ quỹ được, trái nguyên tắc tài chính

Ông NGUYỄN HỒNG HÀ (phó Ban văn hóa xã hội HĐND TP.HCM)

Nghị quyết nói “có”, thông tư bảo “không”

Đặc trưng của ngành mầm non TP.HCM là nuôi, dạy, chăm sóc trẻ cả ngày với mật độ dân số cao, số dân cư tăng… Nghị quyết (NQ) 01 được HĐND TP.HCM thông qua ngày 14-6-2014 và được ngành giáo dục mầm non TP thực hiện ngay.

Nổi bật trong NQ 01 là việc thí điểm giữ trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi ở tám quận, huyện của TP.HCM, chế độ hỗ trợ đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục mầm non công lập và bổ sung chức danh nuôi dưỡng (bảo mẫu) cho các trường mầm non.

Theo NQ 01, các vị trí: nhân viên nuôi dưỡng trẻ, kế toán, thủ quỹ, y tế, văn thư, bảo vệ, phục vụ, nấu ăn (kể cả trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập đều được hỗ trợ thêm 25% tiền lương / tháng. Những cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng trực tiếp giảng dạy nhóm lớp 6 – 18 tháng tuổi được hỗ trợ thêm 35% tiền lương / tháng do tính chất công việc.

TP.HCM cũng quyết định bổ sung biên chế hành chính cho các phòng GD-ĐT quận, huyện để làm công tác quản lý giáo dục mầm non và bổ sung chức danh nhân viên nuôi dưỡng một người/lớp để hỗ trợ giáo viên đứng lớp chăm sóc trẻ, vệ sinh phòng học, nhà vệ sinh, hành lang…, đồ dùng, đồ chơi trong các trường mầm non công lập.

Thế nhưng, theo thông tư (TT) liên tịch 06 giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, nhóm vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ chỉ có bốn vị trí: kế toán, văn thư; y tế, thủ quỹ mà không hề có nhân viên nuôi dưỡng.

Riêng nhiệm vụ nấu ăn, bảo vệ trong các trường mầm non công lập cũng chỉ được coi là lao động hợp đồng, không có biên chế, mỗi trường không được quá hai bảo vệ. Mặt khác, đối với vị trí kế toán, văn thư, y tế, thủ quỹ thì quy định mỗi trường không được tuyển quá hai người, đồng nghĩa với việc hoặc kế toán phải kiêm văn thư, y tế phải kiêm công tác thủ quỹ hoặc hoán đổi vị trí kiêm nhiệm cho người khác.

Không chỉ vậy, TT 06 cũng quy định nhóm trẻ từ 3 – 12 tháng có 15 trẻ, 13 – 24 tháng: 20 trẻ, nhóm 25 – 36 tháng: 25 trẻ và được “gộp chung” để bố trí tối đa 2,5 giáo viên / nhóm trẻ. Như vậy, với nhóm trẻ 6 – 18 tháng mà TP.HCM đang thực hiện, mỗi giáo viên phải phụ trách gần bảy trẻ.

Ông Nguyễn Hồng Hà, phó Ban văn hoá xã hội (HĐND TP.HCM), cho rằng tại TP.HCM, các trường mầm non công lập quy mô lớn với số lượng trẻ rất cao nên không thể để kế toán phải kiêm văn thư, y tế phải kiêm công tác thủ quỹ và không thể để bốn vị trí việc làm giao cho hai người.

“Nếu quy định “cứng” mỗi trường mầm non chỉ được hai bảo vệ, thì tại TP.HCM với điều kiện như hiện nay bảo vệ sẽ không được ăn, ngủ nữa. Vì trường thì rộng, cơ sở vật chất nhiều, công tác hướng dẫn phụ huynh đưa, đón trẻ… cũng cần đến bảo vệ, nhưng chỉ có hai người thì công tác an ninh trường học dễ bị buông lỏng” – ông Hà cho biết.

Cần có định biên bảo mẫu

Nhưng khó khăn chưa dừng lại đó, lãnh đạo các phòng GD-ĐT quận, huyện tại TP.HCM từ Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Tân, Q.7, Nhà Bè, Bình Chánh… đều đau đầu vì công tác nuôi dưỡng trong trường mầm non khi hiện nay chỉ có chức danh giáo viên mà không có bảo mẫu (nhân viên nuôi dưỡng).

Cô Nguyễn Thị Trúc Ly, phó Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh, TP.HCM, cho biết cách đây khoảng 15 năm, TP.HCM có đội ngũ bảo mẫu làm công tác chăm sóc vệ sinh cho trẻ trong các lớp trường mầm non công lập. Nhưng sau đó có quy định của ngành về việc bỏ chức danh bảo mẫu để tăng giáo viên nên giáo viên trong các lớp rất cực.

“Đặc trưng của giáo viên mầm non là dạy “đa năng” từ tạo hình, âm nhạc, thể chất… Họ phải soạn giáo án, làm đồ dùng, đồ chơi của hàng loạt thứ rồi. Từ hơn 10 năm nay, giáo viên mầm non ở TP.HCM lại phải kiêm thêm nhiệm vụ vệ sinh, lau chùi, dọn dẹp, cho trẻ ăn, dọn phòng vệ sinh… Quá nhiều việc nên giáo viên làm việc sẽ kém hiệu quả”.

Năm học 2014 – 2015 khi TP.HCM thí điểm giữ trẻ từ 6 – 18 tháng, tình hình càng đáng ngại hơn. Đội ngũ bảo mẫu không có trong khung vị trí việc làm theo TT 06, các quận huyện phải tự hợp đồng với đội ngũ này hoặc để các trường tự hợp đồng để đảm bảo công tác chăm sóc trẻ.

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện có bốn quận huyện có nhân viên nuôi dưỡng do trường hợp đồng hoặc từ nguồn giáo viên chưa đạt chuẩn là quận 1: 61, quận 11: 66, Nhà Bè: 14 và Cần Giờ: 9.

Hiện có 11 quận, huyện cần bổ sung nhân viên nuôi dưỡng là quận 1, 5, 7, 8, 9, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Phú, Nhà Bè và Củ Chi. Trong khi đó, theo khảo sát của Tuổi Trẻ, hiệu trưởng nhiều trường mầm non công lập trên địa bàn cho biết dù NQ 01 cho phép nhưng họ chưa dám tuyển bảo mẫu, nhân viên nuôi dưỡng vì đang chờ Bộ Nội vụ cho phép.

“Nếu cứ tuyển thì trường phải trả tiền hợp đồng (không đúng với quy định của Bộ GD-ĐT), mà tiêu chuẩn hiện nay không rõ ràng nên chẳng lẽ sau khi bảo mẫu vào được một thời gian lại cho họ nghỉ việc vì không đủ… trình độ quy định” – một hiệu trưởng mầm non công lập ngậm ngùi chia sẻ. Ngành GD-ĐT TP.HCM đang đau đầu với việc trả lương hợp đồng cho các bảo mẫu, loay hoay với việc kiến nghị định biên cho chức danh này.

Lứa tuổi mầm non là lứa tuổi cần đặt nặng vấn đề nuôi dưỡng nên phải có vị trí việc làm nuôi dưỡng. Đặc thù ở TP.HCM là trẻ học cả ngày, ăn uống, ngủ, vệ sinh cá nhân (kể cả khám sức khoẻ, uống thuốc tẩy giun…) đều ở trường mầm non. Nhưng trong khung vị trí việc làm mà Bộ Nội vụ quy định, chức danh “nhân viên” phải có trình độ trung cấp nghề trở lên. Hiện nay TT 06 cũng không đả động gì đến vị trí bảo mẫu trong các trường mầm non nên Ban văn hóa xã hội (HĐND TP.HCM) đang tìm hướng giải quyết.

Bà Thy Thị Tuyết Nhung, phó Ban văn hóa xã hội (HĐND TP.HCM), cho biết cái khó nhất hiện nay để “xin” định biên cho chức danh nhân viên nuôi dưỡng trong các trường mầm non là khung nhân viên để xếp ngạch bậc lương chỉ được yêu cầu từ trình độ trung cấp nghề trở lên.

Trong khi các trường mầm non cho biết bảo mẫu ở các trường chủ yếu là trình độ sơ cấp (sáu tháng học về công tác bảo mẫu). Hiện nay các trường rất khó tuyển vị trí bảo mẫu có trình độ trung cấp nghề vì “nếu trình độ trung cấp, người ta hoặc đi làm việc khác, hoặc đi làm giáo viên chứ không làm bảo mẫu”.

Theo bà Thy Thị Tuyết Nhung, ngoài việc kiến nghị với Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ, Ban văn hóa xã hội cũng sẽ nghiên cứu đến việc làm sao thu hút được đối tượng học trung cấp điều dưỡng trong các trường trung cấp vào làm công tác nhân viên nuôi dưỡng ở các trường mầm non công lập.

Việc tuyển mới sẽ khó khăn về trình độ để “hợp chuẩn” biên chế nhưng không khó bằng việc làm sao “nâng chuẩn” cho đội ngũ đã làm bảo mẫu ở các trường (chỉ có trình độ sơ cấp) để đạt yêu cầu về định biên như quy định của Bộ Nội vụ.

Quy định 7 trẻ / giáo viên cũng không phù hợp

Sau đợt đi giám sát công tác mầm non (từ ngày 2 đến 11- 6) tại nhiều quận, huyện ở TP.HCM, bà Thy Thị Tuyết Nhung cho rằng quy định 2,5 giáo viên / nhóm trẻ theo TT 06 là không phù hợp với lứa tuổi nhỏ, nhất là 6 – 18 tháng. “Đến mấy điểm giữ trẻ thí điểm, tôi thấy 4 trẻ / giáo viên đã bở hơi tai. Trẻ nhỏ ngoài việc chăm chút ăn uống đúng giờ còn cần phải phơi nắng, tập vận động và xoa bóp cơ thể… mà gần 7 trẻ / giáo viên làm sao cô có thể chăm sóc các cháu đúng quy định được?”.

 

Mỹ DUNG