11/01/2025

Không gian đáng yêu giữa Sài Gòn

Một tháng rưỡi kể từ ngày khai trương phố đi bộ, đường Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) ngày càng đông vui và nhộn nhịp, nhất là khi đêm về.

 

Không gian đáng yêu giữa Sài Gòn

 

Một tháng rưỡi kể từ ngày khai trương phố đi bộ, đường Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) ngày càng đông vui và nhộn nhịp, nhất là khi đêm về. 


 

Người dân tham gia khiêu vũ trên phố đi bộ Nguyễn Huệ 19-5 - Ảnh: Thanh Tùng
Người dân tham gia khiêu vũ trên phố đi bộ Nguyễn Huệ 19-5 – Ảnh: Thanh Tùng

Hàng ngàn lượt người tập trung về đây mỗi đêm, thoả sức vui trong một không gian hoàn toàn mới mẻ giữa lòng TP.

Những bạn trẻ nói khi tới đây họ được sống thực là mình, những người lớn tuổi vốn thích sự bình lặng cũng tự nhiên hòa nhịp theo sự sôi động của lớp trẻ ở đây. Còn những người nước ngoài nói ở TP này họ chưa thấy một nơi nào đáng yêu như thế…

Chờ nước

“Cha ơi, nhanh lên, nhanh lên xem nước!” – cậu bé 5 tuổi nói và vội vàng nắm tay cha kéo đi, nhập vào đoàn người đang chạy ùa về phía đài phun nước. Ở phía ấy, đèn nghệ thuật dưới sàn đang sáng nhấp nháy, báo hiệu giờ phun nước sắp đến. Đám đông đã quây kín thành một vòng và đứng yên đợi chờ như nín thở.

Người đi đường thấy vậy cũng dừng xe sát vào khu vực đi bộ để… chờ nước. Đúng 21g, những ngọn nước đầu tiên mang đủ màu sắc phụt lên. Cả không gian như vỡ òa bởi tiếng ồ lên vui vẻ của đám đông.

Sự yên lặng trước đó mấy giây giờ được thay thế bằng tiếng cười, bằng tiếng “tách, tách!” liên tục phát ra từ những chiếc máy chụp hình kỹ thuật số, những chiếc điện thoại đặt trên “gậy tự sướng”. Khoái nhất có lẽ là những cậu bé cứ nhún nhảy phấn khích, như chực lao vào làn nước.

Bao giờ cũng vậy, đài phun nước luôn là khu vực đông đúc nhất. Chị Trần Thị Thanh Loan (25 tuổi) đứng yên, nhắm mắt tận hưởng cảm giác khi gió mang làn bụi nước li ti phả vào mặt người. Ở trọ trên đường Tôn Thất Thiệp, mỗi tối xong công việc chị Loan thường một mình ra đây trượt patin hoặc đi bộ “ngắm người ta chơi”.

Chị Loan bảo cảm giác khi nhìn và nghe tiếng nước phun lên thấy trong lòng nhẹ bẫng, bao nhiêu điều lo lắng phút ấy như chợt tan biến.

Mười lăm phút sau, nước ngừng phun, đám đông mới giãn dần ra. Chị Loan ngược trở lại khu vực cuối đường Nguyễn Huệ, phía công viên Bạch Đằng.

Ở đó khách thưa hơn và gió sông lồng lộng, các nghệ sĩ đường phố đang thể hiện những màn trượt patin điệu nghệ, hai chân như đan chéo vào nhau, luồn lách qua các chướng ngại vật đặt trên đường.

Từ vị trí này nhìn theo phố đi bộ thấy tượng đài Bác Hồ nổi bật lên trước toà nhà UBND TP rực rỡ, chàng khách du lịch người Oman tên Khalid Abdullah trầm trồ. Anh đến Việt Nam du lịch cùng bạn, đã đi qua nhiều TP và đặc biệt thích ở Sài Gòn.

Nhìn những bạn trẻ xúm xít quanh những chú chó cảnh, những em bé tròn mắt nhìn theo từng động tác của “phù thủy bóng bay” trên đường, Khalid bảo: “Thật tuyệt vời. Tôi thấy rất nhiều trẻ con và nhiều gia đình cùng nhau tới đây. Sự thân thiện, vui vẻ của mọi người làm chúng tôi có cảm giác an toàn”.

Nếu như đoạn cuối con đường tập trung nhiều dân trượt patin, giữa đoạn đường là những nhóm ngồi quây quần bên chiếc bánh sinh nhật, bên những con thú cưng, chú bé đá banh thì ở gần tượng đài Bác Hồ là nơi được nhiều gia đình chọn chụp hình lưu niệm.

Rất dễ nhận ra trong những gia đình ấy có người ở các tỉnh về, vừa vui thích vừa lạ lẫm trước con đường đông đúc của TP.

Đứng giữa vòng con cháu, bà Vũ Thị Vàng Son (68 tuổi, quê Nghệ An) vừa cười vừa dặn đi dặn lại người thợ chụp hình phải cố lấy cho hết hình tượng đài Bác ở phía sau “để về quê tui khoe với mấy người trong xóm”.

Bà Son vào Sài Gòn chăm cháu đã được hai tháng nay. Cuộc sống thị dân ở một chung cư Q.2 khiến bà thấy buồn. Con cháu nói bà xuống sinh hoạt chung với mọi người ở dưới chung cư nhưng bà không quen người quen tiếng, lại chẳng thích sự đông người nên cứ thui thủi ở nhà. Bữa nay cả nhà đón taxi “lên phố” chơi. Bà nói không ngờ ở đây đông người lại vui thế, đi mỏi hai chân thì ngồi xuống nghỉ bất cứ chỗ nào bên đường, “cứ như là ở quê”.

Chuyện từ lòng đất

Giờ cao điểm mỗi ngày trên đường Nguyễn Huệ thường là buổi chiều tối trở đi. Hàng ngàn người tập trung về đây thụ hưởng những tiện ích mà phố đi bộ đầu tiên mang lại. Một không gian vui chơi an toàn, ánh sáng, âm thanh và những hình ảnh lung linh hoà quyện vào nhau…

“Quyền năng” điều hành tất cả điều đó nằm ngay dưới mặt đất: phòng điều khiển trung tâm phố đi bộ. Trung tâm điều khiển thông thường sẽ có sáu chuyên viên, kỹ sư túc trực và điều hành mọi hoạt động phía trên. Sáng chủ nhật, Lưu Văn Ánh, kỹ sư lập trình tự động 24 tuổi, ngồi thư thả quan sát toàn bộ con đường Nguyễn Huệ qua camera. Có tất cả 36 máy quay bao quát toàn bộ con đường.

Camera Mobotix là loại cảm biến ánh sáng, cho chất lượng hình ảnh tốt, đêm cũng như ngày. Hình ảnh màu, rõ đến độ có thể nhận ra ngay người quen trên phố. Ánh nói ngồi dưới này quan sát cũng chẳng khác gì so với “ở trên ấy”.

Việc phun nước được Ánh cài đặt tự động, cứ đến đúng giờ là phun theo các kiểu đã được lập trình sẵn. Ngoài việc phun nước ở hai hồ cùng lúc, phần mềm SCADA còn giúp việc điều khiển phun sương ở hàng cây lộc vừng, hệ thống đèn nghệ thuật dẫn hướng dưới mặt đường và trên các thân cây dọc đường, đèn chiếu sáng công cộng.

Ngồi quan sát 36 màn hình trong phòng điều khiển ngày này sang ngày khác, Ánh nhìn thấy rất nhiều điều từ trên phố đi bộ: “Nhìn chung là ở một nơi đẹp như vậy thì ý thức mọi người đều tốt. Nhưng vẫn có một vài người ăn uống xong xả rác, làm tắc cả vòi phun nước. Một vài người dắt chó đi dạo, khi chó phóng uế dù bảo vệ đã nhắc nhở vẫn không dọn. Cũng có người cố tình lái xe băng ngang đường”.

Trong sổ nhật ký trực cũng ghi lại trường hợp một xe hơi đâm bể đèn giao thông xin đường cho người đi bộ, nhưng không chịu hợp tác ký vào biên bản mà lái xe bỏ đi. Hoặc một nữ khách người nước ngoài hút thuốc trong nhà vệ sinh làm hệ thống báo cháy bị kích hoạt…

Ánh nói việc vận hành phố đi bộ vẫn đang được hoàn thiện dần. Thời gian tới sẽ có thêm nhiều tiện ích khác và mong sao người dân có ý thức tốt hơn để giữ gìn một con đường đẹp. Điều mong mỏi ấy chắc rồi đây sẽ thành, bởi người dân đã dần quen với việc bấm nút xin đường đi bộ, quen với sự rộn ràng đông đúc mà lại rất quy củ ở nơi này.

Anh chàng khách du lịch đến từ Oman nói đầy văn vẻ: “Tôi ngồi đây mà như nhìn thấy cả quá khứ, hiện tại và tương lai của TP này. Quá khứ ở trong những toà nhà cổ, hiện tại là ở đây và tương lai là khi mình ở đây và nghĩ về những điều sắp đến, như metro sẽ đi vào hoạt động: vừa hiện đại, vừa tiện nghi, vừa nhộn nhịp nhưng vẫn thanh bình…”.

Già trẻ đều có chỗ vui chơi

“Lên phố đi bộ chơi” đã thành câu “rủ rê” quen thuộc của nhiều người, chẳng riêng gì lớp trẻ. Ông Tư, người thợ chụp hình, ôm máy đi lại trước khu vực tượng đài chờ khách gọi. Hình chụp 15 phút sau là có liền, nên nhiều người dù có điện thoại “xịn” vẫn thích chụp. Ông đã chụp hình dạo ở khu vực này mười mấy năm rồi.

“Hồi trước là khu vòng xoay Nguyễn Huệ, khu đồng hồ, tượng đài… nhưng không đông như bây giờ. Già trẻ lớn bé bây giờ đều có chỗ chơi, tụi tui cũng có chỗ chơi” – ông Tư nói.

 

MAI HOA – NGỌC ẨN – , NGỌC ĐÔNG