Chuyện làm báo những năm 1920
Làng báo Sài Gòn 1916-1930 của Phillipe M. F. Peycam do NXB Trẻ xuất bản nhân kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam là một công trình đầu tiên của giới sử học quốc tế nghiên cứu về nghề báo ở Sài Gòn giai đoạn 1916 – 1930.
150 NĂM BÁO CHÍ QUỐC NGỮ VÀ LÀNG BÁO SÀI GÒN – KỲ 3:
Chuyện làm báo những năm 1920
Làng báo Sài Gòn 1916-1930 của Phillipe M. F. Peycam do NXB Trẻ xuất bản nhân kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam là một công trình đầu tiên của giới sử học quốc tế nghiên cứu về nghề báo ở Sài Gòn giai đoạn 1916 – 1930.
Nguyễn An Ninh năm 1925. Tờ La Cloche Fêlée do ông xuất bản bằng nguồn tiền tự túc cuối cùng phải tự đình bản vì chính quyền Pháp ngăn chặn việc phát hành – Ảnh tư liệu |
Cuốn sách này cung cấp một cái nhìn chi tiết chưa từng có về hoạt động báo chí ở Sài Gòn thời thuộc địa.
Báo chí quốc ngữ: muôn vàn khó khăn!
“Vì vị chủ nhiệm này không phải triệu phú cũng không phải con cưng của giới thượng lưu; vì chính quyền gây áp lực với các nhà in Sài Gòn nên tờ La Cloche Fêlée buộc phải mua máy in riêng, hậu quả là phải huy động một phần lớn nguồn vốn; vì tờ báo không thu hút đủ quảng cáo mà cũng không được nhận đăng mọi thông cáo chính quyền vốn dành riêng cho các báo khác; do đó trong hoàn cảnh này, dù chủ nhiệm và người trợ bút có kiên trì và thiện chí đến đâu thì tờ báo cũng không thể cầm cự được lâu”.
Nguyễn An Ninh đã phải viết như thế trong số La Cloche Fêlée (Quả chuông rè) cuối cùng ra ngày 14-7-1924, ông cho biết là trong 600 người đặt mua báo, 400 người đã không trả tiền. Trong số 200 người trả tiền thì chỉ có phân nửa đặt mua trọn một năm báo. Kết quả là không thể tránh khỏi việc đình bản tờ báo.
Cho đến cuối những năm 1920, báo chí đã trở thành một nghề nghiệp và một sức mạnh kinh tế. Các báo đều phụ thuộc vào số lượng bán được, đặt mua dài hạn và ngày càng phụ thuộc vào quảng cáo. Suốt một thời gian dài, giới tư sản địa phương và các nhóm lợi ích truyền thông của người Pháp đã chi phối về kinh tế đối với báo chí của người Việt.
Kết quả khảo sát 600 người đặt mua báo trên La Cloche Fêlée cuối cùng ra ngày 14-7-1924 – Đồ họa: T.Đạt |
Hầu hết các tờ báo độc lập đều thua lỗ. Chi phí sản xuất ban đầu cao do số lượng nhà in có hạn. Có một giai đoạn Sở Liêm phóng đã ép buộc thành công các chủ nhà in không được nhận in một số tờ báo nào đó. Tuy nhiên, đến cuối thập niên 1920, khi số doanh nghiệp in ấn do người Việt làm chủ tăng gấp bội thì khó khăn này phần nào đã được giải quyết.
Nguồn nhân lực cũng là một vấn đề. Lĩnh vực này luôn luôn thiếu hụt thợ sắp chữ có tay nghề và người giữ chuyên mục, hầu hết đều vừa làm vừa học. Cho đến giữa thập niên 1920, một làn sóng người trẻ tuổi có học thức từ khắp cả nước đã gia nhập các toà soạn hiện có ở Sài Gòn hoặc xuất bản những tờ báo riêng bằng tiếng Pháp và tiếng Việt.
Có lẽ tác động nghiêm trọng nhất mà nhà cầm quyền thực dân làm được đối với sự phát triển kinh tế của làng báo chính trị người Việt là không cấp giấy phép ra báo. Hình thức kiểm soát từ gốc này đã khiến thị trường có rất ít đầu báo hợp pháp, đặc biệt là báo bằng chữ quốc ngữ. Muốn được phép ra báo phải tiêu tốn nhiều khoản tiền khổng lồ.
Bìa sách “Làng báo Saigon 1916-1930”, một ấn phẩm có giá trị về báo chí VN của NXB Đại Học Columbia |
Tiền và trách nhiệm công dân
Dù trong trường hợp nào, những người sáng lập tờ báo cũng cần dựa vào nguồn hỗ trợ tài chính vững chắc. Hoàn cảnh thời chiến đã cho phép nhiều tờ báo hưởng lợi từ tài trợ của chính quyền. Đó là trường hợp của tờ La Tribune Indochinoise và Quốc Dân Diễn Đàn. Các báo khác như tờ L’Écho Annamitevà tờ La Tribune Indigène sau khi toàn quyền Sarraut ra đi, lại phụ thuộc một nhóm cá nhân giàu có.
Tài nghệ của Bùi Quang Chiêu là kết hợp việc kinh doanh báo chí với các kế hoạch bầu cử – thông qua Đảng Lập hiến mới thành lập – thành một hệ thống xây dựng quanh mạng lưới của giới tư sản người Việt miền Nam. Hệ thống này cho phép Bùi Quang Chiêu điều hành tờ La Tribune Indigène cho đến năm 1925 và sau năm 1926 dưới tên gọi mới là La Tribune Indochinoise.
Hoàn cảnh này lại không dễ dàng đối với Nguyễn Phan Long, người ban đầu vất vả duy trì tờ L’Écho Annamite bằng cách chia quyền quản lý với một nhóm người góp vốn. Khi tục bản tờ này vào năm 1924, Nguyễn Phan Long biến nó thành nhật báo nhằm thu hút được một tập hợp người đăng quảng cáo và mua dài hạn đông đảo hơn.
Về mặt tiếp thị, báo chí Việt Nam bằng chữ quốc ngữ có phần tân tiến hơn các báo tiếng Pháp của đồng nghiệp. Do các chủ bút không thể đề cập trực tiếp các vấn đề chính trị vì lý do kiểm duyệt, họ buộc phải phát triển những kỹ năng biên tập mới, phụ thuộc vào các tiểu thuyết đăng dài kỳ hoặc những nội dung nhắm tới các nhóm độc giả cụ thể. Trớ trêu thay, việc bị ép buộc phải “phi chính trị hoá” này lại khiến các ký giả viết bằng tiếng Việt chỉ tiếp cận được lượng độc giả bình dân, nằm ngoài giới thân hào nhân sĩ và công chức nói tiếng Pháp.
Hầu hết các chủ báo đều cần nguồn tài chính bên ngoài để cho tờ báo hoạt động. Họ thường phụ thuộc vào những người hiến góp giàu có, một số lại dùng tiền túi của mình. Chủ nhiệm tờ Đông Pháp Thời Báo là Diệp Văn Kỳ đã nhờ cậy vào tài sản của cha vợ là đốc phủ sứ Lê Quang Hiển ở Sa Đéc. Cao Triều Phát, một địa chủ giàu có ở Bạc Liêu, hỗ trợ tờ L’Ère Nouvelle và Nhựt Tân Báo. Tuy bản thân không giàu có, Cao Văn Chánh và Nguyễn An Ninh lại may mắn có những bà con sẵn lòng hỗ trợ công cuộc của họ.
Một số chủ báo gây quỹ bằng cách tổ chức nhiều hoạt động phụ có sinh lợi. Nguyễn Phan Long và Bùi Quang Chiêu mở hai trường tư là Institution Nguyễn Phan Long và Institution An Nam Học Đường. Nhưng trong hầu hết trường hợp, chính lợi tức từ nông nghiệp đã cung cấp nguồn tài chính cần thiết cho hoạt động của tờ báo. Bùi Quang Chiêu, Diệp Văn Kỳ, Cao Văn Chánh, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Huỳnh Diệu, Cao Triều Phát cùng nhiều người khác đều là địa chủ hay có người thân là địa chủ.
Ngân quỹ cũng có thể phát sinh từ kinh doanh thương mại như trường hợp của Trần Quang Nghiêm – chủ một tiệm bán hàng nhập khẩu, một khách sạn và nhiều đồn điền cao su. Có khi nhiều chủ báo đã nhận được nguồn tài trợ bí mật từ các nhóm lợi ích người Pháp và người Hoa. Nhưng các báo thích được hỗ trợ chủ yếu bằng cách đặt mua dài hạn hơn. Vấn đề là phải thuyết phục được độc giả trả tiền. Nhân viên các báo phải đi nhiều vòng cực nhọc thu tiền ở các thị xã và thôn làng miền Tây. Tờ nào cũng đăng trên trang nhất những lời nhắc nhở độc giả rằng ủng hộ báo chí là trách nhiệm công dân.
Việc phát hành qua hệ thống bưu chính thuộc địa dù khá hữu hiệu nhưng vẫn tốn kém nhiều. Một mạng lưới nhỏ của các đại lý báo có môn bài đã tồn tại ở Sài Gòn nhưng hầu hết các tờ báo của người Việt vẫn phụ thuộc vào những người bán báo dạo. Báo chí gửi ra ngoài thành phố luôn có rủi ro là sẽ bị ngăn chặn bởi các mật vụ của Sở Liêm phóng hoạt động trong ngành bưu chính.
Dưới quyền điều hành thao túng của Paul Arnoux, Sở Liêm phóng ở Nam kỳ dùng nhiều biện pháp trấn áp báo chí. Nguyễn An Ninh và Eugène Dejean buộc phải đổi nhà in ba lần và không ngừng bị theo dõi ráo riết. Mọi cơ quan hành chính và trường học đều nhận được thông báo là bất cứ nhân sự người Việt nào bị phát hiện là sở hữu tờ La Cloche Fêlée đều sẽ bị trừng phạt nặng nề. Bưu điện chủ động tịch thu mọi thư từ của Nguyễn An Ninh và những tờ báo La Cloche Fêlée gửi qua bưu điện. Các tờ báo gửi đi đều bị trả lại toà soạn với dòng chữ “bưu phẩm bị từ chối”.
Đối mặt với những áp lực chính quyền như vậy, ban biên tập La Cloche Fêléenói thẳng với độc giả: “Hỡi đồng bào, quý vị không phải là không biết rằng chúng tôi đã hi sinh tất cả để giữ cho tờ báo sống còn. Tuy nhiên, sự hi sinh của con người có giới hạn. Chúng tôi yêu cầu quý vị giúp đỡ. […] Hãy giúp chúng tôi tìm kiếm thêm nhiều người đặt mua báo. Và quý vị nào đã đặt mua báo nhưng cho tới nay chưa trả tiền, xin hãy nghĩ đến chúng tôi”.
_____________
Kỳ tới: Hợp sức chống “nhóm lợi ích Cảng”