11/01/2025

Tráo phụ tùng để qua mặt 
đăng kiểm

Thay vì để nguyên trạng phương tiện, nhiều doanh nghiệp vận tải đã lách luật bằng cách thuê các loại phụ tùng để đi đăng kiểm.

 

Tráo phụ tùng để qua mặt 
đăng kiểm

Thay vì để nguyên trạng phương tiện, nhiều doanh nghiệp vận tải đã lách luật bằng cách thuê các loại phụ tùng để đi đăng kiểm. 


 

Tiệm ông Hòa - nơi cho thuê vỏ xe đầu kéo giá 300.000 đồng/cặp để đi kiểm định - Ảnh: Hoàng Lộc
Tiệm ông Hoà – nơi cho thuê vỏ xe đầu kéo giá 300.000 đồng/cặp để đi kiểm định – Ảnh: Hoàng Lộc

Việc “mượn xác” để qua mặt cơ quan đăng kiểm này đồng nghĩa với hiểm hoạ tai nạn giao thông rất cao.

“Trước đây hiện tượng này rất nhiều, hiện nay có giảm nhưng vẫn còn chứ không phải là hết” – ông Nguyễn Hữu Trí, phó cục trưởng Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT), nói tại toạ đàm bàn về các giải pháp tăng cường đảm bảo an toàn giao thông trong vận tải bằng container do Bộ GTVT và Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức ngày 11-6 tại TP.HCM.

Tráo vỏ trong chớp mắt

Theo một số doanh nghiệp và tài xế, việc tráo vỏ hay một số phụ tùng của xe trước khi đi đăng kiểm là “chuyện bình thường”, đặc biệt đối với những xe “mồ côi”. Thay vì phải tốn số tiền lớn tu sửa phương tiện, chỉ cần thuê dịch vụ này vừa nhanh vừa đạt đăng kiểm, lại ít chi phí.

Một tài xế có năm năm kinh nghiệm chạy xe đầu kéo chở hàng từ Việt Nam sang Lào khẳng định: “Doanh nghiệp, kể cả tư nhân như mình, ai cũng tính lợi nhuận trên hết. Mỗi lần thay vỏ xe rất tốn kém nên xài thêm được bao nhiêu thì xài. Lúc trước chở quá tải nếu vỏ mòn phải thay lâu rồi, nhưng giờ chạy đủ tải phải ráng chạy thêm chứ”.

Theo tài xế này, ngoài việc thuê vỏ, nhiều tài xế còn lấy vỏ của xe này sang qua xe khác để đi “khám”. Sau khi qua khâu đăng kiểm thì hoàn lại như cũ. Tài xế này ý thức rõ việc sử dụng vỏ mòn rất nguy hiểm, có thể nổ vỏ gây tai nạn bất cứ lúc nào.

Sáng 12-6, trong vai chủ một doanh nghiệp, chúng tôi đến tiệm vá vỏ của ông Hòa trên xa lộ Hà Nội (Q.9, TP.HCM) để “đặt hàng” tám vỏ cho xe đầu kéo do Mỹ sản xuất năm 1994.

Theo ông Hòa, “thực lực” của ông có thể đảm đương được một bộ vỏ cho xe đầu kéo (18 bánh) đi đăng kiểm, giá 300.000 đồng/cặp. Lúc nào đi đăng kiểm, chỉ cần chạy xe qua để ông “khoác áo”, đăng kiểm xong thì “trả áo” và nguyên tắc chỉ cho thuê tối đa hai ngày trong quá trình đi xét.

Ông bày: “Đã mua được cả dàn xe đầu kéo, về lâu dài anh nên mua hẳn một bộ vỏ chuyên phục vụ việc kiểm định để xoay vòng. Xe nào đến hạn kiểm định lôi ra ráp vào xe đó, kiểm định xong lột ra ráp vào xe khác đi kiểm định là xong”.

Nằm kế Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 5004V (Q.9) là tiệm của ông Minh. Ông Minh nổi tiếng là một tay tráo vỏ xe vào đăng kiểm nhanh như chớp.

“Nếu mướn vỏ thì một quả (một vỏ) 200.000 đồng. Tráo vỏ thì đơn giản, có sẵn hàng rồi, chỉ cần bắn tám con ốc ra thay vỏ mới vô là đi xét. Xét xong tháo trả lại” – ông Minh nói.

Chúng tôi lo ngại: tráo vỏ trước cửa trung tâm đăng kiểm bị phát hiện thì sao? Ông Minh huỵch toẹt: “Sợ cái gì, thay vỏ mới vô đi xét chứ có gì đâu mà sợ?”. Ngoài tráo vỏ, ông Minh còn nhận “tráo đủ thứ” từ còi, đèn, gương…

Không chỉ ở TP.HCM, theo nhiều tài xế, hiện tượng tráo phụ tùng để cho lọt đăng kiểm ở đâu cũng có. Tại Hà Nội, chúng tôi liên hệ với ông T. – người đăng thông tin: “Cho thuê vỏ đi đăng kiểm, giá 400.000 đồng”.

Ông này quảng cáo: “Nhà em có hai bộ vỏ cho các bác thuê đi đăng kiểm, gồm một bộ bốn bánh vành lốp 155/70 R13 dành cho mấy xe đời cũ, và một bộ bốn bánh vành lốp 175/65 R14 cho mấy xe đời cao hơn”. Và “chốt” giá: “400.000 đồng, giá rẻ bằng một nửa nơi khác”.

Khó phát hiện, khó xử lý

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 
12-6, ông Nguyễn Xuân Hải – giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 5004V – cho biết thời gian qua trung tâm cũng phát hiện một số trường hợp tài xế, chủ xe tráo vỏ xe, thùng xe để đi đăng kiểm.

Tuy nhiên, khi phát hiện trung tâm chỉ có thể nhắc nhở, phần còn lại thuộc về ý thức của tài xế. “Những tiệm ở ngoài có hoạt động cho thuê vỏ hay không, chúng tôi không có quyền để xử lý họ mà chỉ nhắc nhở. Mặc dù chúng tôi vẫn biết họ thay đổi phụ tùng tùm lum nhưng khi vào đăng kiểm đạt thì chúng tôi phải cấp thôi” – ông Hải nói.

Trước tình trạng nguy hiểm này, ông Nguyễn Hữu Trí cho biết khi vào đăng kiểm rất khó để phát hiện phương tiện đó thuê phụ tùng vì đa số đúng chủng loại. Tuy nhiên, hiện tượng này có thể phát hiện trong quá trình hậu kiểm, tức là thanh tra giao thông kiểm soát trên đường, bến bãi.

Ngoài ra, Cục Đăng kiểm phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông có quy chế phối hợp giao cho các địa phương kiểm tra phương tiện hoạt động trên đường.

“Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, các lực lượng có thể đưa phương tiện vào trung tâm đăng kiểm để kiểm tra lại, nếu nghi ngờ về vấn đề vỏ xe bị tráo thì trung tâm đăng kiểm phải xác minh đưa ra ý kiến vỏ đúng với phương tiện hay sai” – ông Trí nói.

Theo ông Trí, để đảm bảo công tác kiểm định được chính xác, trong năm 2014 cục đã cải tiến phương pháp đăng kiểm bằng hình thức chụp ảnh tổng thể xe, chụp ảnh trong lòng xe để ghi nhận cả những chi tiết như bình cứu hoả, búa phá cửa sự cố…

Còn đối với vỏ xe được kiểm tra theo quy trình kiểm tra số vỏ, ký hiệu vỏ, độ cao của vỏ… nếu đạt thì mới cấp đăng kiểm. Với quy trình kiểm tra nghiêm ngặt như vậy, phương tiện “lọt” qua trung tâm đăng kiểm là rất khó.

Làm đăng kiểm giả để chở quá tải

Kể từ khi Bộ GTVT có ý kiến chỉ đạo các cảng biển siết chặt quy định về tải trọng phương tiện chở hàng từ trong cảng ra và ngược lại, một số doanh nghiệp vận tải đã bày ra đủ chiêu trò để qua mặt lực lượng kiểm tra.

Từ việc dồn tải ngay ngoài cổng cảng đến làm giả giấy kiểm định để chở hàng quá tải. Trong đó, chiêu thức dùng giấy kiểm định giả để chở hàng quá tải từ trong cảng ra được nhiều nhà xe chỉ nhau sử dụng.

Mới đây, tài xế Nguyễn Hoài B. (ngụ Củ Chi, TP.HCM) lái chiếc xe đầu kéo biển số 51C-36387 kéo theo rơmooc 61R-00370 chở một thùng container có trọng lượng hơn 23 tấn từ cảng Cát Lái (Q.2) ra đường Mai Chí Thọ, trong khi giấy kiểm định của xe rơmooc chỉ cho phép chở 18 tấn.

Như vậy chiếc xe này đã chở quá tải gần 30%. Bị phát hiện, tại cơ quan chức năng, tài xế B. khai ngoài giấy kiểm định rơmooc thật (trọng tải 18 tấn), tài xế này còn thủ trong người một bộ giấy kiểm định giả cho chiếc rơmooc nói trên với trọng tải lên đến hơn 27,8 tấn. Khi xe rời cảng, tài xế sẽ trình giấy kiểm định giả để qua mặt lực lượng kiểm tra trong cảng.

MẬU TRƯỜNG

 

HOÀNG LỘC