11/01/2025

Đổi mới không phải để tạo cú sốc

Đáp lại những băn khoăn về hàng loạt đổi mới của ngành GD-ĐT, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định mục tiêu của đổi mới là nâng cao chất lượng chứ không phải tạo ra cú sốc.

 

Đổi mới không phải để tạo cú sốc

 

 

Đáp lại những băn khoăn về hàng loạt đổi mới của ngành GD-ĐT, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định mục tiêu của đổi mới là nâng cao chất lượng chứ không phải tạo ra cú sốc.

 

Đổi mới không phải để tạo cú sốc - ảnh 1Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn trước QH chiều qua và sẽ tiếp tục trong sáng nay – Ảnh: Ngọc Thắng
Đổi mới chương trình, sách giáo khoa; kỳ thi THPT quốc gia và thay đổi trong đánh giá với học sinh tiểu học là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều qua (12.6).
Con người là yếu tố tiên quyết
 
 
Đổi mới không phải để tạo cú sốc - ảnh 2
Mục tiêu của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục – đào tạo không phải là tạo ra những cú sốc mà tạo ra sự thay đổi từ sự chuyển biến chất lượng, ngày càng tốt lên
Đổi mới không phải để tạo cú sốc - ảnh 3
 
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
 

Đại biểu (ĐB) Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) hỏi: “Theo Bộ trưởng, yếu tố nào là quan trọng quyết định hiệu quả của việc đổi mới giáo dục phổ thông trong thời gian tới?”.

Ông Phạm Vũ Luận cho rằng, chương trình – sách giáo khoa (CT-SGK), cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên, tổ chức quản lý là những nội dung quan trọng, cần thiết và không được phép coi nhẹ một nội dung nào. Tuy nhiên, ông Luận cũng cho biết theo kinh nghiệm của Bộ và tham khảo tại các nước trên thế giới, con người là yếu tố tiên quyết – thầy cô giáo đóng vai trò rất quan trọng trong giáo dục, nên cần chú trọng việc đào tạo lại, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý.
Trước phần chất vấn có vẻ “sốt ruột” về tiến độ triển khai các đề án về cơ sở vật chất và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của ĐB Trịnh Ngọc Thạch, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của QH, ông Luận khẳng định cả hai đề án này đang triển khai theo tiến độ của việc biên soạn chương trình SGK mới. “Việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên không thể chạy nhanh hơn được vì để đảm bảo tính hiệu quả, phải có CT-SGK thì mới kiểm kê lại xem cái gì chúng ta đang có và điều gì cần bổ sung thêm cho phù hợp với chương trình mới”, ông Luận lý giải.
Lo lắng về công bằng giữa hai loại cụm thi
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra về cách thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, đặc biệt là về việc có những loại cụm thi khác nhau. ĐB Trịnh Ngọc Thạch bày tỏ sự lo lắng của cử tri và học sinh khi việc thi tốt nghiệp THPT lại do các trường ĐH chủ trì coi thi và chấm thi dẫn đến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay sẽ thấp? Người đứng đầu ngành GD-ĐT cho rằng: “Việc chấm và coi thi đều có quy chế. Các thầy cô giáo ở địa phương hay ở trung ương đều vì học sinh cả”.
Cũng theo ông Luận, Bộ đã tính toán đến việc sẽ có barem điểm kỹ càng, làm sao để học sinh thi cử một cách nghiêm túc. “Chúng tôi quan niệm quá trình thi cử nghiêm túc cũng là một hoạt động giáo dục quan trọng, không để chỗ cho những sự không trung thực, gian lận trong thi cử. Đã gọi là tốt nghiệp phổ thông thì sẽ hướng đến phần lớn thí sinh chứ không thể có sự thay đổi đột ngột”.
Dù Bộ trưởng Luận đã nói như vậy nhưng ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) vẫn đặt câu hỏi băn khoăn về việc có hai loại cụm thi, liệu có đảm bảo công bằng. Ông Luận chia sẻ: “Việc lo lắng về không công bằng là có và không chỉ ở các cụm thi khác nhau mà ngay trong một môn học ở một nhà trường, học sinh còn đồn đoán thầy này thương học trò nên coi thi dễ, thầy kia thì coi thi chặt”. Ông Luận trấn an: “Quy chế thi sẽ giải quyết vấn đề này khi quy định rõ những việc được làm và những việc không được làm trong quá trình coi và chấm thi”.
Ông Luận chia sẻ thêm: “Mục tiêu của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo không phải là tạo ra những cú sốc mà tạo ra sự thay đổi từ sự chuyển biến chất lượng, ngày càng tốt lên”.
“Trục trặc nhỏ” khi đổi mới đánh giá học sinh tiểu học
Trước không ít băn khoăn của đại biểu QH về tính hiệu quả và khả thi của việc đổi mới đồng loạt cách đánh giá học sinh tiểu học, ông Phạm Vũ Luận nói: “Trong quá trình triển khai đồng loạt, xuất hiện một số trục trặc nhỏ, có chỗ khen thưởng khắt khe quá, có chỗ rộng rãi quá. Có ý kiến gia đình không biết điểm số, không biết kết quả của các cháu”.
Tuy nhiên, ông Luận khẳng định việc chuyển từ đánh giá học sinh tiểu học bằng kết quả điểm, sang đánh giá thường xuyên bằng nhận xét kết hợp với điểm thi cuối năm là một bước chuyển phù hợp với thực tế đang triển khai tại các nước phát triển; phù hợp với thay đổi động lực học tập của học sinh, từ học vì điểm số sang học để hình thành kỹ năng, phẩm chất con người trong quá trình phát triển.
Mặc dù vậy, cuối phiên chất vấn chiều qua, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Thuận) vẫn đặt vấn đề: “Cách đánh giá học sinh tiểu học mới dù chủ trương là tốt nhưng ngay cả giáo viên vẫn chưa đồng tình. Bộ trưởng nói cách đánh giá này được áp dụng ở các nước phát triển, vậy xin hỏi nền giáo dục của nước ta đã phát triển hay chưa. Và nếu chưa thì có phù hợp khi đưa cách làm đó vào không?”.
Hôm nay (13.6), Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sẽ trả lời câu hỏi của ĐB Phương và những câu hỏi khác liên quan đến kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và ai sẽ là “nhạc trưởng” của CT-SGK mới?
3 nguyên nhân khiến việc đánh giá học sinh  gặp “trục trặc”
Theo Bộ trưởng Luận, thứ nhất, lớp học của chúng ta phổ biến sĩ số đông, nhiều lớp từ 45 – 50 học sinh nên khi phải quan tâm đến từng học sinh, khối lượng làm việc của giáo viên sẽ tăng. Thứ hai, vì mới làm nên thầy cô giáo còn bỡ ngỡ, chưa quen, nên vất vả hơn. Thứ ba: Một số quy định cũ, chúng tôi đã quyết định hủy bỏ, nhưng chưa được triển khai nghiêm túc ở cấp dưới; một số thói quen cũ chưa thay đổi kịp… “Chúng tôi đang tiếp tục lắng nghe để có điều chỉnh, tập huấn cho giáo viên, lãnh đạo các cấp để giải quyết các vướng mắc về đánh giá học sinh tiểu học”, ông Luận khẳng định.

Tháng 7.2015 công bố chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Báo cáo của Bộ trưởng GD-ĐT cho biết đã huy động gần 200 giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục ở các trường phổ thông, trường đại học, viện nghiên cứu… tham gia thiết kế, xây dựng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Cho đến thời điểm này, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể về cơ bản đã được sự đồng thuận, nhất trí cao. Bộ đang hoàn thiện lần cuối, để đưa ra xin ý kiến rộng rãi toàn xã hội vào tháng 7.2015.

Tuệ Nguyễn