11/01/2025

Muốn khuyến học phải đầu tư việc học?

Công trình Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng với vốn đầu tư gần 271 tỉ đồng được nhiều bạn đọc quan tâm, phản hồi. Tuổi Trẻ tiếp tục lấy ý kiến cơ quan chức năng và các nhà khoa học.

 

Xây Văn Miếu trăm tỉ: Muốn khuyến học phải đầu tư việc học?

 

Công trình Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng với vốn đầu tư gần 271 tỉ đồng được nhiều bạn đọc quan tâm, phản hồi. Tuổi Trẻ tiếp tục lấy ý kiến cơ quan chức năng và các nhà khoa học.

 

 

Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc nhìn từ ngoài cổng - Ảnh: V.V.Tuân
Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc nhìn từ ngoài cổng – Ảnh: V.V.Tuân

Trả lời câu hỏi vì sao tỉnh Vĩnh Phúc lại quyết định xây một dự án hàng trăm tỉ đồng như công trình Văn miếu, ông Kim Văn Ngoan Quýnh, phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Phúc – đơn vị chủ đầu tư dự án Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc, khẳng định có ba cơ sở để tỉnh Vĩnh Phúc xây Văn miếu:

Cách đây trên 300 năm, tại địa bàn Vĩnh Phúc đã tồn tại Văn miếu phủ Tam Đới. Việc đầu tư công trình Văn miếu Vĩnh Phúc bây giờ mang tính chất kế thừa, để tạo dựng lại Văn miếu phủ Tam Đới cũ. Tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng Văn miếu để khẳng định truyền thống hiếu học lâu đời của nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, thể hiện được truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, đồng thời giáo dục truyền thống hiếu học cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

“Bây giờ xây nhỏ thì lạc hậu quá”

Đáp lại thắc mắc của dư luận và các nhà khoa học cho rằng nếu Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc được xây dựng với mục đích khuyến học thì không cần thiết phải xây lớn với số tiền hàng trăm tỉ đồng, ông Kim Văn Ngoan Quýnh giải thích:

“Với một công trình văn hoá được tỉnh ấp ủ nhiều năm, qua nhiều thế hệ lãnh đạo như Văn miếu tỉnh thì tôi cho rằng không nên đánh giá nó lớn hay nhỏ. Công trình như Văn miếu này mới xứng đáng với tầm vóc của tỉnh, xứng với nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân trong tỉnh. Trong bối cảnh lịch sử như hiện nay thì việc xây công trình này là xứng đáng. Bây giờ mình không xây thì mai sau lấy đâu ra đất để xây.

Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc là công trình mang tính lịch sử, là biểu tượng để lại cho con cháu đời sau nên phải tính đến tầm vóc của nó. Chứ bây giờ nhiều nơi còn xây công trình nhỏ thì lạc hậu quá. Tôi cho rằng việc đầu tư xây Văn miếu là hợp lý. Còn dư luận đánh giá như thế nào thì đó là theo cảm nhận của từng người”.

Cũng theo ông Quýnh, ở nơi trang trọng nhất của Văn miếu là chính điện sẽ thờ ngài Chu Văn An cùng các nhà khoa bảng tiêu biểu nhất của tỉnh Vĩnh Phúc. Bài vị thờ Khổng Tử sẽ được đặt ở toà nhà bái đường phía trước.

Làm lớn là lãng phí

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà nghiên cứu lịch sử Lê Kim Thuyên – hội viên Hội Khoa học lịch sử Vĩnh Phúc, một người am tường về lịch sử tỉnh Vĩnh Phúc – đã chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý của dự án xây dựng Văn miếu gần 271 tỉ đồng này:

“Trong số 18 bia đá dựng ở Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc, ngoài 86 vị tiến sĩ văn khoa, còn có một bia ghi tên năm võ tướng được đưa vào thờ tự. Đây là Văn miếu, là nơi thờ tự những người đỗ đạt ngạch văn, từ tiến sĩ trở lên. Nếu đưa cả những võ tướng vào đây thờ tự thì không lẽ đây là “Võ miếu”?

Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc thờ cả những trung khoa (tức người đỗ cử nhân) ở điện thờ thứ hai, trong khi đó các vị tiến sĩ lại đưa ra phía ngoài. Những người đỗ cử nhân ngày xưa ở làng, xã có nơi còn thờ, có nơi không thờ, chứ chưa nói đến Văn miếu hàng tỉnh.

Văn miếu bây giờ xây mới hoàn toàn, không có gốc tích Văn miếu ngày xưa, mà đây là đất mới lập. Chỗ đất Văn miếu mới hiện nay cũng không phải được xây dựng trên nền của Văn miếu ngày trước ở đây. Trên nền Văn miếu cũ đã được xây Trường THPT Trần Phú.

Hơn nữa, quy mô xây dựng Văn miếu ngày xưa làm gì có nơi nào xây lớn đến hàng chục nghìn mét vuông như thế. Ngay Văn miếu lớn nhất ở Hà Nội cũng chỉ vài nghìn mét vuông, còn những Văn miếu hàng tỉnh thì diện tích nhỏ hơn.

Làm lớn như thế thì lãng phí quá, trong khi đó việc đầu tư học hành cho học sinh quan trọng hơn rất nhiều. Nếu xây với mục đích khuyến học thì ta có thể xây một nhà nhỏ, có ban thờ Khổng Tử, ban thờ các tiến sĩ nho học và một số bia các tiến sĩ ở địa phương. Thế là đủ. Còn số tiền lớn kia thì nên để đầu tư vào việc học hành cho các cháu”.

TS Nguyễn Hữu Mùi, phó viện trưởng Viện Hán Nôm – người trực tiếp tư vấn về lịch sử cho dự án này, cho biết theo đề nghị của tỉnh Vĩnh Phúc, ông tham gia tư vấn về mặt nghiên cứu lịch sử cho dự án xây Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng quy mô xây dựng ra sao, số vốn đầu tư bao nhiêu thì ông không được biết.

“Theo tôi, Văn miếu xưa ở phủ Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc nhỏ hơn Văn miếu họ đang xây mới rất nhiều. Nhưng khi xây dựng, phía tỉnh Vĩnh Phúc không hỏi chúng tôi về quy mô. Nếu họ hỏi, chúng tôi sẽ tư vấn rằng xây Văn miếu với mục đích khuyến học không nhất thiết phải làm to, nhiều tiền” – ông Nguyễn Hữu Mùi khẳng định.

 

V.V.TUÂN ghi