11/01/2025

Quốc lộ 1 lún dài hàng chục kilômet

Có một số dự án vừa hoàn thành trên tuyến quốc lộ 1 đang có hiện tượng hằn lún từng đoạn.

 

Quốc lộ 1 lún dài hàng chục kilômet

 

Có một số dự án vừa hoàn thành trên tuyến quốc lộ 1 đang có hiện tượng hằn lún từng đoạn. 


 

Mặt quốc lộ 1A bị biến dạng, lồi lõm rất nguy hiểm - Ảnh: Mậu Trường
Mặt quốc lộ 1A bị biến dạng, lồi lõm rất nguy hiểm – Ảnh: Mậu Trường

Dù mới bàn giao (28-5-2015) và đưa vào sử dụng thời gian ngắn nhưng dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 đoạn từ thị trấn Diễn Châu đến Quán Hành (Nghệ An) đang xuất hiện hiện tượng lún, lõm cục bộ. Tình trạng này không chỉ khiến giao thông gặp khó khăn mà còn có nguy cơ gây mất an toàn.

Lún, lõm và lượn sóng

Theo một báo cáo mới đây của Cục Quản lý đường bộ II, dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 đoạn Diễn Châu – Quán Hành do Sở Giao thông vận tải Nghệ An làm chủ đầu tư đang xuất hiện lún, lõm vệt bánh xe sâu từ 1 – 2cm, cá biệt có vị trí sâu tới 2,5cm.

Thực tế cho thấy đoạn từ trạm cân về phía thị trấn Diễn Châu có lún, lõm và lượn sóng kéo dài. Rõ nhất là đoạn đường từ địa phận xã Diễn An đến ngã ba thị trấn Diễn Châu. Đoạn đường này kéo dài khoảng 10km, có những điểm lún sâu so với mặt đường, chủ yếu nằm trong làn đường ôtô. Một số người dân tại xã Diễn An cho biết: “Các vệt lún này có khoảng 3 – 4 tháng nay nhưng vẫn không thấy đơn vị nào sửa chữa. Ôtô tải cỡ lớn qua đây thường đi rất chậm”.

Chiều 8-6, ông Đinh Đăng Khánh – phó giám đốc Ban quản lý dự án 85 (gọi tắt là Ban A, thuộc Sở GTVT Nghệ An) – thừa nhận tại đoạn đường từ thị trấn Diễn Châu – Quán Hành có xuất hiện hiện tượng nêu trên. Ông Khánh cũng cho biết trước đây đã cho sửa chữa những vệt lún, lõm sâu từ 2,5cm trở lên, riêng những vị trí sâu 1,5cm thì đang phối hợp với cơ quan quản lý theo dõi. Tuy nhiên, thời gian vừa qua do nắng nóng kéo dài nên xuất hiện thêm các vệt lún, lõm sâu khoảng 2,5cm. “Chúng tôi đang theo dõi sát tình trạng và có kế hoạch sửa chữa sớm để bảo đảm lưu thông an toàn cho người dân và các phương tiện xe” – ông Khánh nói.

Để tránh bị lún, lõm, nhiều đoạn nhà thầu cho đặt các cọc tiêu sát con lươn trên quốc lộ để hạn chế xe tải đi vào nhằm chống lún. Theo ông Đinh Đăng Khánh: “Việc này là không đúng tiêu chuẩn an toàn giao thông, tuy nhiên cũng phải hiểu cho nhà thầu, họ sợ các xe tải nối đuôi đi sát con lươn sẽ tạo hiện tượng lún nặng hơn. Nếu thấy không an toàn chúng tôi sẽ yêu cầu nhà thầu thu dọn các cọc tiêu này”. Theo quan sát, nhiều cọc tiêu được đặt chiếm vị trí lòng đường khá lớn, làm hẹp các làn đường khi lưu thông.

Ông Khánh cho rằng hiện tượng lún, lõm có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. “Tôi đã đi thực tế từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa, qua đó nhận thấy đoạn nào thi công rải nhựa thường hay bị lún, lõm. Loại nhựa này chỉ chịu được nhiệt tối đa 60oC, trong khi gần một tháng qua nắng nóng kéo dài, nhiệt độ đo tại mặt đường có đoạn lên đến 73oC, nhựa bêtông thường không thể chịu nổi”. Ông Khánh cho biết nếu cả tuyến được phép trải nhựa polymer sẽ tránh được hiện tượng lún, lõm. “Chúng tôi rất muốn trải nhựa polymer, nhưng thực tế nguồn vốn được cấp để thi công còn hạn chế, anh em phải đo bò làm chuồng” – ông Khánh giải thích. Ông Khánh còn khẳng định ngoài yếu tố do nắng nóng kéo dài thì việc xe quá tải hoạt động cũng làm hư hỏng đường.

Quốc lộ như… 
hai cái máng

Đó là tình trạng của quốc lộ 1 đoạn tránh thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), xe phải giảm tốc vì đường bị lún kéo dài liên tục, nhất là đoạn qua phường Kỳ Phương. Đi hướng Nam – Bắc, làn đường bên phải dành cho xe cơ giới lún tạo thành hai lòng máng rộng 60 – 80cm, kéo dài hàng kilômet, có điểm lún âm xuống so với mặt đường từ 2 – 4cm, thậm chí có nơi lún sâu hơn 6cm. Ngoài hiện tượng đường lún, ở các điểm Kỳ Tân, Kỳ Văn, Kỳ Thọ… còn có đoạn bị lỗi kỹ thuật, như đoạn đầu thị trấn Cẩm Xuyên nền đường thấm nước buộc phải thảm nhựa lại.

Dự án này có chiều dài hơn 80km, do Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh và Ban quản lý an toàn giao thông thuộc Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư. Đại diện hai đơn vị đều thừa nhận có hiện tượng đường lún, đang cho khắc phục, phần lớn là đoạn thuộc dự án của Ban quản lý an toàn giao thông.

Ông Trương Đức Liên, đại diện Ban quản lý an toàn giao thông, cho biết đơn vị làm chủ đầu tư hơn 33,6km với 1.276 tỉ đồng. Trên toàn tuyến, đoạn qua xã Kỳ Phương lún rất nhanh vì nắng nóng và do xe quá tải.

Theo ông Liên, ngoài 10.000 lượt xe/ngày đêm lưu thông thì đoạn đường qua xã Kỳ Phương còn có rất nhiều mỏ đá hoạt động, kéo theo nhiều xe chở quá tải hoạt động liên tục. Đây cũng là một tác nhân gây ra tình trạng đường lún. “Dự án khánh thành năm tháng rồi, hiện tượng đường lún xảy ra khi nắng nóng kéo dài, chúng tôi đang khắc phục” – ông Liên nói.

Đường chưa xong đã lún

Mới đưa vào sử dụng trong một thời gian ngắn khoảng hai tháng, tuyến quốc lộ 1 đoạn đi qua huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) đã xuất hiện nhiều hằn lún vệt bánh xe. Đây là đoạn đường nằm trong gói thầu mở rộng quốc lộ 1 dài 31km, do Công ty TNHH Trùng Phương làm chủ đầu tư với số vốn hơn 2.000 tỉ đồng, theo hình thức BOT, Sở GTVT Thừa Thiên-Huế là đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tại hiện trường cho thấy mặt đường vừa được thảm nhựa nhưng có nhiều vệt lún bánh xe, không ít điểm vệt lún hằn sâu từ 1 – 2cm, một số đoạn đường đã được chủ đầu tư khắc phục.

Ông Trần Văn Thịnh – giám đốc Ban quản lý dự án mở rộng quốc lộ 1 chi nhánh Huế của Công ty TNHH Trùng Phương – cho rằng có thể do đơn vị thi công sử dụng nhựa hơi nhiều, trong khi mùa hè nhiệt độ mặt đường quá lớn, dẫn đến một số đoạn bị biến dạng. Ông Thịnh nói đang yêu cầu các đơn vị thi công khắc phục sửa chữa các đoạn bị hằn lún vệt bánh xe.

Theo ông Ngô Văn Tuân, giám đốc Sở GTVT Thừa Thiên-Huế, việc xuất hiện những hằn vệt bánh xe ở dự án BOT của Trùng Phương cũng làm đau đầu ngành giao thông, đến nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân rõ ràng. Trước thực trạng này, Bộ GTVT có văn bản yêu cầu khẩn trương sửa chữa ngay đối với các vị trí có hiện tượng hằn vệt bánh xe.

Ông Tuân còn cho biết qua kiểm tra thực tế hiện trường ngày 7-6, đoàn kiểm tra của Bộ GTVT quyết định hoãn thời gian làm lễ thông xe kỹ thuật theo dự kiến (14-6), yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện các hạng mục trong gói thầu, khắc phục những đoạn hằn lún vệt bánh xe.

Xử lý dứt điểm trong tháng 6-2015

Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, đoạn quốc lộ 1 từ Ninh Bình đến Vũng Áng (Hà Tĩnh) được nâng cấp mở rộng gồm chín dự án, có tổng chiều dài 275,61km (không bao gồm đoạn tuyến tránh TP Vinh và đoạn Nam Bến Thủy – tuyến tránh Hà Tĩnh). Đoạn qua tỉnh Ninh Bình đưa vào khai thác từ tháng 9-2013, đoạn qua tỉnh Thanh Hoá (Dốc Xây – TP Thanh Hoá) đưa vào khai thác từ tháng 6-2014, đoạn Thanh Hoá – Hà Tĩnh đưa vào sử dụng từ ngày 31-1-2015.

Trong tháng 5-2015, nắng nóng dài ngày với nhiệt độ cao nên một số đoạn tuyến đã xuất hiện hằn lún vệt bánh xe mặt đường bêtông nhựa, gây ảnh hưởng an toàn giao thông.

Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có công điện gửi Tổng cục Đường bộ, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thường xuyên kiểm tra, theo dõi các diễn biến của thời tiết, hiện trạng mặt đường để kịp thời đề xuất giải pháp xử lý, sửa chữa khắc phục các đoạn mặt đường bị hằn lún; với các đoạn có chiều sâu vệt lún từ 2,5cm trở lên yêu cầu các đơn vị phải tiến hành sửa chữa ngay.

Đối với các công trình đã bàn giao, đưa vào khai thác thì Tổng cục Đường bộ cần phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra đánh giá tình hình hư hỏng, trồi lún mặt đường để kịp thời đề xuất giải pháp xử lý.

Ngày 5-6, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu các đơn vị liên quan trong tháng 6-2015 phải xử lý dứt điểm các đoạn đường bị hằn lún vệt bánh xe có chiều sâu từ 2,5cm trở lên. Về lâu dài phải nghiên cứu giải pháp thiết kế hợp lý và các giải pháp thi công phù hợp với điều kiện của từng đoạn tuyến, từng vùng miền.

 

HỒ VĂN – VŨ ĐỒNG – 
VĂN ĐỊNH – TUẤN PHÙNG – NGUYêN LINH