VED đưa ra khuyến nghị về đại học VN
Chỉ khi dám thay đổi cơ bản và sâu sắc, giáo dục đại học VN mới có một diện mạo khác – lành mạnh và tiến bộ – hoà cùng dòng chảy với các nước tiên tiến.
VED đưa ra khuyến nghị về đại học VN
Chỉ khi dám thay đổi cơ bản và sâu sắc, giáo dục đại học VN mới có một diện mạo khác – lành mạnh và tiến bộ – hoà cùng dòng chảy với các nước tiên tiến.
Theo khuyến nghị của Nhóm đối thoại giáo dục (VED), cải cách cần đi từ nguyên lý và quy tắc tổ chức chứ không thể chỉ thay đổi một vài chi tiết. Đó là một quá trình lâu dài và liên tục, không phải là một đơn thuốc có tính công phạt.
Giao ĐH về cho các địa phương
Để nền ĐH VN có sức sống và sức phát triển, cần cải cách mô hình quản trị ĐH. Trước khi đưa ra khuyến nghị, nhóm nêu hiện trạng và nhấn mạnh quan điểm về 2 thuộc tính cơ bản của sở hữu ĐH phi lợi nhuận: không sinh ra cổ tức, không trực tiếp sinh ra lợi nhuận; không có tính kế thừa theo huyết thống. “Những người được uỷ thác làm “chủ” hay quản trị một ĐH phải làm việc đó vì lợi ích của xã hội, hoặc vì lợi ích của địa phương, của ngành nghề mà mình đại diện”, bản khuyến nghị viết.
|
Theo VED, thay cho các hội đồng trường chỉ đóng vai trò tham vấn như hiện nay, các trường ĐH cần có hội đồng ủy thác với quyền lực tương tự như hội đồng quản trị của các doanh nghiệp. Địa phương và các bộ ngành liên quan thực hiện quyền và trách nhiệm làm “chủ” của mình thông qua hội đồng ủy thác. Mọi quyết định quan trọng, trong đó có việc chỉ định ban giám hiệu, đề ra những phương hướng chính sách lớn liên quan đến quyền lợi và sự phát triển của trường, phải được thực hiện trong các cuộc họp của hội đồng ủy thác.
Bản khuyến nghị cho rằng việc thành lập hội đồng uỷ thác và thiết lập cơ cấu của nó gắn liền với việc nhà nước phân quyền làm “chủ” ĐH cho địa phương và các bộ, ngành liên quan, bởi chỉ những định chế có lợi ích gắn chặt với định mệnh của một trường ĐH mới thực hiện tốt vai trò làm “chủ”.
Về lộ trình, việc giao ĐH về địa phương có thể bắt đầu từ các tỉnh, thành phố có khả năng tự chủ ngân sách. Có thể xem xét việc cho phép địa phương trích lập quỹ hỗ trợ giáo dục ĐH từ khoản ngân sách địa phương phải chuyển về trung ương. Khi ấy, trách nhiệm đảm bảo tài chính cho việc vận hành trường của nhà nước sẽ giảm bớt. Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, Giáo sư Ngô Bảo Châu, thành viên của nhóm VED, nhấn mạnh: “Đưa trường về địa phương là liều thuốc mạnh cần sử dụng thận trọng. Địa phương phải cam kết đảm bảo tài chính, chịu kiểm tra đảm bảo chất lượng”.
Tăng quyền tự chủ
Hệ thống ĐH VN đang đối mặt với 3 vấn đề lớn về tài chính: thiếu kinh phí, bất bình đẳng, thiếu tự chủ. Việc cải cách tài chính cần tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên: Tăng đầu tư toàn xã hội vào hệ thống ĐH; Tự chủ tài chính cho các ĐH; Thay đổi cách phân bổ ngân sách cho từng trường.
Nhóm VED khẳng định: “Tự chủ ĐH là một động lực rất lớn của quá trình cải cách. Vấn đề cần suy nghĩ là hình thành khung pháp lý, thiết kế quy tắc quản lý nhà nước và quản trị nội bộ, những thành tố làm nên nội dung của khái niệm tự chủ ĐH”.
Nhóm VED cho rằng: “Tăng tự chủ không có nghĩa là nhà nước giảm hỗ trợ cho giáo dục ĐH. Ngược lại, nhà nước cần ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này, nhất là về nghiên cứu khoa học, vì đây là đối tượng đầu tư quan trọng trong sự phát triển lâu dài của VN. Tăng tự chủ là một phương thức giúp nhà nước phân bổ ngân sách hỗ trợ cho ĐH một cách hiệu quả hơn thay vì cào bằng, hay theo những chỉ tiêu có thể bàn cãi”.
Nhóm cũng cho rằng cơ chế thị trường cần được coi là động lực mạnh mẽ nhất để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, huy động nguồn thu và sử dụng nguồn lực hiệu quả. Dùng thị trường làm động lực có nghĩa là tăng tự chủ, tạo điều kiện cho các trường (công và tư) cạnh tranh với nhau về chất lượng giáo dục, mức học phí, số lượng tuyển sinh, và qua đó phục vụ xã hội tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn cần có sự can thiệp của nhà nước để giảm thiểu các khiếm khuyết của thị trường như bất công bằng trong giáo dục (chỉ người giàu mới đủ tiền đi học), thiếu thông tin về chất lượng của các trường để người đi học lựa chọn đúng đắn, các trường chỉ tập trung đào tạo theo nhu cầu của thị trường và xem nhẹ những ngành có lợi ích lâu dài cho xã hội.
Mô hình dài hạn, theo nhóm VED, là các trường được toàn quyền quyết định các vấn đề như số lượng tuyển sinh, mức học phí, chương trình và chất lượng đào tạo, chi tiêu từ lương đến các khoản chi và đầu tư khác ở mức thị trường… Kèm theo mô hình này là các cơ chế tương ứng để giám sát nội bộ và giám sát từ bên ngoài để chống các lạm dụng quyền tự chủ này, để cung cấp thông tin cho người dân lựa chọn trường, để từng trường phải trích một phần nhất định từ doanh thu làm học bổng cho sinh nghèo và giỏi.
Việc hỗ trợ của nhà nước cho giáo dục ĐH cần được chia theo 3 kênh chính: Trực tiếp cho từng trường; Qua học bổng và tín dụng sinh viên; Qua tài trợ nghiên cứu khoa học. Tiền hỗ trợ của chính phủ hằng năm nếu không được sử dụng hết có thể được chuyển vào quỹ hiến tặng chứ không phải trả về ngân sách. Chương trình tín dụng sinh viên cần phải thay đổi cách làm để đạt hiệu quả cao hơn so với chương trình hiện hành, chẳng hạn quy định nhiều định mức cho vay, hoặc định mức cho vay dựa trên đánh giá năng lực tài chính của sinh viên và kết quả học tập. Cho phép tặng học bổng với mức tặng trần theo GDP đầu người nếu trường cam kết, ví dụ dành 25% làm quỹ học bổng cho sinh viên nghèo.
Nhóm VED Là một nhóm gồm các nhà khoa học cùng có một ước vọng về một nền ĐH VN lành mạnh và tiến bộ. Sau 2 năm cùng nhau làm việc, nhóm đã đưa ra khuyến nghị gửi cho các lãnh đạo cấp cao. Thành viên của nhóm gồm: Trần Ngọc Anh (ĐH Indiana, Mỹ), Đỗ Quốc Anh (Học viện Nghiên cứu chính trị Sciences Po, Paris, Pháp), Vũ Thành Tự Anh (ĐH Princeton, Mỹ và Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, VN), Ngô Bảo Châu (ĐH Chicago, Mỹ và Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, VN), Lê Hồng Giang(Sydney, Úc), Phạm Hùng Hiệp (ĐH Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan), Ngô Quang Hưng (ĐH bang New York ở Buffalo, Mỹ), Phạm Ngọc Thắng (Hà Nội), Phạm Hữu Tiệp (ĐH Arizona, Mỹ), Trịnh Hữu Tuệ (ĐH Wisconsin tại Milwaukee, Mỹ), Vũ Hà Văn (ĐH Yale, Mỹ), Nguyễn Phương Văn (TP.HCM). |
Quý Hiên