11/01/2025

TP.HCM: băn khoăn tuyển sinh lớp 6

Theo đúng tinh thần của thông tư 30 thì điểm hai môn toán và tiếng Việt (học kỳ 2, học sinh lớp 5) không phải là căn cứ duy nhất để đánh giá học lực của học sinh.

 

TP.HCM: băn khoăn tuyển sinh lớp 6

 

Theo đúng tinh thần của thông tư 30 thì điểm hai môn toán và tiếng Việt (học kỳ 2, học sinh lớp 5) không phải là căn cứ duy nhất để đánh giá học lực của học sinh.


 

Một tiết học của học sinh Trường THCS Hồng Bàng, Q.5, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
Một tiết học của học sinh Trường THCS Hồng Bàng, Q.5, TP.HCM – Ảnh: Như Hùng

Sau năm đầu tiên các trường tiểu học thực hiện đánh giá học sinh bằng nhận xét thay vì cho điểm (theo thông tư 30), nhiều trường ở TP.HCM đau đầu với phương án tuyển sinh vào lớp 6, nhất là tuyển sinh cho các trường THCS nổi tiếng.

Mỗi nơi mỗi kiểu

Những năm trước, quận Tân Bình và quận Tân Phú được xem là hai địa phương có cách tuyển sinh lớp 6 khá hay với hai giai đoạn. Giai đoạn 1 cho những học sinh năm năm liền là học sinh giỏi, được đăng ký dự tuyển vào trường THCS mà mình yêu thích.

Hội đồng tuyển sinh lớp 6 của các trường THCS sẽ xét tuyển tối đa 20% tổng số học sinh lớp 6 của năm học đó dành cho đối tượng này. Nguyên tắc xét tuyển: lấy từ cao xuống thấp (căn cứ là điểm kiểm tra cuối học kỳ 2 năm học lớp 5 và một số thành tích phong trào như thi học sinh giỏi toán, tiếng Anh, thể dục thể thao, văn nghệ… tùy từng trường). Giai đoạn 2, phòng GD-ĐT sẽ phân tuyến các học sinh còn lại vào trường THCS theo địa bàn cư trú.

Tuy vậy, năm nay cả Tân Bình và Tân Phú đều bỏ phương án tuyển sinh trên, đồng nghĩa với việc: học sinh giỏi không được chọn lựa ngôi trường mình muốn học, còn trường THCS nổi tiếng khó tuyển được nhiều học sinh xuất sắc.

Theo ông Tạ Tân – trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Phú: “Chúng tôi không thể thực hiện tuyển sinh hai giai đoạn, vì theo thông tư 30 thì không còn danh hiệu học sinh giỏi. Việc đánh giá học sinh lớp 5 không chỉ căn cứ vào điểm kiểm tra cuối lớp, mà đánh giá cả quá trình học tập suốt từ đầu năm đến cuối năm của học sinh. Chúng tôi đã bàn bạc và thống nhất phương án phân tuyến: tất cả học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đều được phân tuyến vào lớp 6 công lập theo địa bàn”.

Tương tự, quận Tân Bình cũng chọn phương án phân tuyến cho các trường, kể cả những trường thuộc diện “nóng” như Nguyễn Gia Thiều, Ngô Sĩ Liên… Quận 6, quận Phú Nhuận… cũng phân tuyến tất cả học sinh.

Nhưng cũng có quận xoay xở trong điều kiện mới. Như ở quận 7, Phòng GD-ĐT quận đã công bố những tiêu chí tuyển chọn học sinh lớp 6 cho Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ – trường THCS nổi tiếng trên địa bàn quận.

Những học sinh ngoài tuyến muốn dự tuyển vào Trường Nguyễn Hữu Thọ phải được các trường tiểu học tuyển chọn theo các yêu cầu: học bạ học sinh giỏi từ lớp 1 đến lớp 4; điểm kiểm tra định kỳ cuối học kỳ 2 môn tiếng Việt, toán đạt 10 điểm mỗi môn và ưu tiên học sinh có các danh hiệu cấp quốc gia trong năm học 2014 – 2015. Các trường tiểu học chỉ được chọn 10% tổng số học sinh mỗi trường để dự tuyển.

Ở quận 4, không có học sinh nào thuộc diện trong tuyến vào Trường THCS Vân Đồn – ngôi trường THCS “hot” nhất quận.

Nhà trường sẽ xét tuyển học sinh theo đề nghị của hội đồng xét hoàn thành chương trình tiểu học (của các trường tiểu học trong quận) theo tiêu chí: bốn năm liền là học sinh giỏi; về năng lực: nắm vững kiến thức, học đều các môn, đạt các tiêu chí về năng lực được quy định tại thông tư 30; về phẩm chất: chăm học, chăm làm, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động giáo dục, đạt các phẩm chất được quy định tại thông tư 30; điểm kiểm tra cuối năm học môn toán, tiếng Việt đạt 20 điểm; được bình bầu khen thưởng vào cuối năm ở trường tiểu học về thành tích nổi bật trong học tập, các phong trào thi đua hoặc các thành tích đột xuất khác.

Ở quận 5, về cơ bản vẫn phân tuyến, nhưng riêng Trường THCS Hồng Bàng được tuyển những học sinh lớp 5 của hai trường tiểu học nổi tiếng là Minh Đạo, Chính Nghĩa có hộ khẩu ngoài quận 5 trên cơ sở xét điểm từ cao xuống (hai môn toán, tiếng Việt) đến khi đủ chỉ tiêu được giao.

Tuyển theo kiểu 
hên, xui!

Trao đổi với chúng tôi, một giáo viên môn toán ở quận Tân Phú lo lắng: “Cách tuyển sinh cào bằng như năm nay sẽ gây khó khăn rất nhiều cho các trường THCS nổi tiếng. Bởi họ mang trọng trách là phải có học sinh giỏi cấp thành phố (lớp 9). Nếu đầu vào không tuyển được học sinh có tư chất đặc biệt thì làm sao đào tạo học sinh giỏi?”.

Trong khi đó, một cán bộ ngành giáo dục ở quận Phú Nhuận lại chia sẻ: “Phú Nhuận đã thực hiện chủ trương bỏ trường chuyên THCS theo quy định của Bộ 
GD-ĐT từ nhiều năm nay. Tiêu biểu nhất là các trường THCS được phân tuyến học sinh lớp 6 theo địa bàn, những trường THCS nổi tiếng cũng không có thêm đặc quyền gì trong quá trình tuyển sinh.

Muốn tạo nguồn học sinh giỏi, các trường phải tự thân vận động bằng việc mời gọi những học sinh xuất sắc vào học. Năm nay, thực hiện thông tư 30 thì xem học bạ rất khó phân biệt em nào thật sự giỏi, em nào giỏi vừa vừa. Do vậy, không thể biết học sinh nào giỏi mà tuyển vào”.

Thế nên, nhiều hiệu trưởng đã kháo nhau rằng: năm nay tuyển sinh lớp 6 theo kiểu hên, xui! Nhìn học bạ thấy em nào cũng được giáo viên phê những lời lẽ hết sức tốt đẹp. Điểm kiểm tra môn toán, tiếng Việt thì đa số các em được điểm 10. Những năm trước, phòng GD-ĐT ra đề kiểm tra cho học sinh lớp 5.

Tuy nhiên, năm nay thông tư 30 giao cho các trường tiểu học tự ra đề, nên có thể ở trường này điểm 10 là giỏi nhưng ở trường khác điểm 10 chỉ đạt loại khá. Ngay cả việc khảo sát chất lượng học sinh lớp 6 vào đầu năm học để chọn học sinh có tư chất đặc biệt vào các lớp “chọn” (một công đoạn tạo nguồn thi học sinh giỏi cấp thành phố vào lớp 9), thì năm nay nhiều trường THCS cho biết sẽ không thực hiện.

Một hiệu trưởng trường THCS cho rằng: “Thực hiện thông tư 30, học sinh lớp 5 học khá nhẹ nhàng, cách kiểm tra, đánh giá cũng nhẹ nhàng, trong khi chương trình THCS vẫn lấy điểm, thậm chí là kiểm tra liên tục 15 phút, một tiết, kiểm tra miệng, kiểm tra cuối kỳ… Do vậy, phải để các em làm quen với cách học, với chương trình bậc THCS từ 1 – 2 năm. Sau đó, thực hiện khảo sát thì chọn học sinh có tiềm năng đặc biệt mới chính xác”.

Cơ hội cho trường chưa có tiếng

Trong khi nhiều trường THCS có tiếng lo lắng với phương án tuyển sinh lớp 6 theo kiểu cào bằng (phân tuyến tất cả, không phân biệt học sinh giỏi, trường giỏi) thì nhiều trường THCS bình thường lại vui.

Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn một trường THCS phân tích: “Những năm trước, khi lấy căn cứ điểm kiểm tra môn toán, tiếng Việt để tuyển sinh lớp 6, đa số học sinh có điểm cao “chạy” hết vào trường có tiếng. Do đó, những trường khó khăn lại càng khó khăn hơn do tiếp nhận hầu hết là học sinh yếu, trung bình, khá. Hiếm hoi lắm mới tìm ra được vài học sinh giỏi. Đầu vào như thế thì làm sao chúng tôi “đấu” được với những trường có tiếng, có bồi dưỡng bao nhiêu thì học sinh đi thi cấp thành phố cũng đạt điểm thấp hơn những trường lớn. Tôi cho rằng tuyển sinh theo cách phân tuyến 100% là công bằng nhất, tạo cơ hội cho những trường khó khăn vươn lên”.

 

HOÀNG HƯƠNG