11/01/2025

Muốn đẹp phải luyện từ nhỏ

Khách mời hôm nay là một thầy thuốc, một thầy giáo và là một ca sĩ – 
PGS.TS.BS Lê Hành, 
chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM. Ông nói về sức khoẻ và sắc đẹp:

 

PGS.TS.BS Lê Hành: “Muốn đẹp phải luyện từ nhỏ”

 

Khách mời hôm nay là một thầy thuốc, một thầy giáo và là một ca sĩ – 
PGS.TS.BS Lê Hành, 
chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM. Ông nói về sức khoẻ và sắc đẹp:

 

 

Bác sĩ Lê Hành - Ảnh: H.T.V.
Bác sĩ Lê Hành – Ảnh: H.T.V.

– Hiện nay, sắc đẹp và tuổi xuân được gìn giữ lâu hơn nhờ vào sự hiểu biết các yếu tố ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của thân thể con người và những kỹ thuật chống lão hoá.

Sự góp sức tổng lực của các phương pháp dưỡng sinh cùng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong đó các yếu tố như môi trường sống trong sạch, dinh dưỡng đúng cách, tập luyện hiệu quả, chăm sóc thân thể thường xuyên, biết cách trang điểm, vận dụng thời trang… và quan trọng hơn cả là khả năng của ngành thẩm mỹ nội khoa, ngoại khoa.

Ngày nay, con người đã trẻ hơn được 20 tuổi. Ngoại hình của tuổi 40 trong những năm 1940 là ngoại hình của tuổi 60 hiện nay.

Làm đẹp không phải là cứu cánh của cuộc sống nhưng là phương tiện để đạt được cứu cánh.

Cái đẹp của con người hiện đại có thể tóm tắt như sau: có khuôn mặt của tuổi thiếu niên, thân thể của tuổi thanh niên, trí tuệ của tuổi trung niên và trách nhiệm của tuổi cao niên

PGS.TS NGUYỄN HOÀI NAM: Ông bà ta từng nói: Trông mặt mà bắt hình dong. Thưa ông, có sự liên quan nào giữa sức khoẻ của một người và vẻ đẹp của họ?

PGS.TS LÊ HÀNH: Một sắc đẹp bệnh hoạn không hiện hữu. Những xúc động thẩm mỹ được khơi dậy từ những hình khối, tỉ lệ, màu sắc của đối tượng và từ những biểu hiện của một sức khoẻ dồi dào. Sức khoẻ là nền tảng của sắc đẹp.

* Theo ông, mọi người nên làm thế nào để khoẻ mạnh, đẹp và tươi trẻ?

– Trong sự phát triển tốt hay không của một con người, tố chất di truyền chỉ ảnh hưởng khoảng 20%, còn lại phụ thuộc vào các yếu tố thủ đắc, chủ quan (sự tự rèn luyện, ý chí…) cũng như khách quan (môi trường sống, được đào tạo…).

Cái đẹp cũng như là văn hoá, muốn có một con người đẹp là phải đào luyện lâu dài, thậm chí ngay từ khi còn là bào thai. Khi người mẹ bắt đầu mang thai, cái thai ấy đã được chăm sóc như thế nào. Khi sinh ra đứa trẻ ấy được nuôi dưỡng như thế nào. Chế độ ăn uống, phương pháp tập thể dục ra sao…

Tùy từng giai đoạn phát triển mà có kế hoạch thích hợp. Chúng ta thấy các ví dụ về những đứa trẻ cùng trang lứa, nhưng nhóm đi định cư ở nước ngoài có những phát triển cơ thể vượt bậc sau nhiều năm so với nhóm trẻ ở lại Việt Nam. Một người biết và được chăm sóc sẽ đẹp và khoẻ hơn người sống qua quýt rất, rất nhiều lần.

Để có một cơ thể đẹp cần phải lưu ý chỉnh sửa từ trong công việc hằng ngày. Ngồi học, làm việc không đúng tư thế thì sẽ còng lưng, lệch vai, lé mắt, cận thị; mang một chiếc cặp đi học quá to và nặng thì cột sống sẽ bị thoái hoá, lệch…

Cần tập luyện để có một dáng dấp, phong thái đẹp. Nếu không được ai quan tâm thì cần phải tự nhìn ngắm toàn thân mình trong gương để chỉnh sửa dáng điệu.

Chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc làm đẹp. Một trong những nguyên nhân gây lão hoá nhanh là do ăn kiêng khem quá độ để giảm cân nhanh chóng.

Muốn đẹp, chúng ta phải uống nhiều nước, phải ăn đúng, đầy đủ chất. Đúng cách không phải là kiêng. Kiêng khem quá, trí tuệ cũng không thể phát triển tốt được.

Người ta nói rằng khi lớn tuổi rồi thì thích cái gì nên làm đi, thèm ăn cái gì thì cứ ăn đi nhưng ăn ít thôi. Ăn là lạc thú số một của đời người, chính với một miếng ăn ngon, khoái khẩu sẽ làm tiết những kích thích tố nội sinh có lợi cho sức khoẻ, tuổi xuân và tuổi thọ. Đừng kiêng hoàn toàn những thức ăn được cho là không tốt vì tất cả chỉ là do liều lượng.

Muốn khỏe và đẹp thì tiên quyết là phải có một chế độ tập luyện thân thể đúng đắn đều đặn ngay từ khi còn trẻ... Ảnh tư liệu
Muốn khoẻ và đẹp thì tiên quyết là phải có một chế độ tập luyện thân thể đúng đắn đều đặn ngay từ khi còn trẻ… Ảnh tư liệu

* Vậy còn việc rèn luyện thân thể có ảnh hưởng như thế nào đến cái đẹp?

– Muốn khoẻ và đẹp thì tiên quyết là phải có một chế độ tập luyện thân thể đúng đắn đều đặn ngay từ khi còn trẻ. Chúng ta phải nghĩ đến việc ngăn chặn lão hoá khi chúng còn chưa xuất hiện.

Tôi rất quan tâm đến việc rèn luyện sức khoẻ. Lúc nhỏ tôi tập bơi, tập võ, nhu đạo, karate. Lớn hơn thì chuyển sang khí công, dưỡng sinh, đánh tennis. Trong khí công tôi cùng bạn bè tập luyện theo nhiều môn phái, nhiều bài bản.

Gần đây chúng tôi tinh giản lại việc tập luyện của mình như sau:

Một ngày tập ít nhất một giờ. Đầu tiên là đi bộ (đi khoảng 3km, tốc độ 5,5 km/giờ). Kế tiếp là tập luyện các tư thế nhằm hooá giải những tổn thương gây ra hằng ngày do nghề nghiệp, do thói quen.Thứ ba là thư giãn, có thể thi triển động công như thái cực quyền hay thiền định kiểu tĩnh công.

Tất cả những tập luyện phải dựa trên nền tảng của sự thở hít có tiết luật của khí công.

* Nhưng với nhiều người việc tập luyện chưa đủ, họ vẫn muốn bác sĩ thẩm mỹ can thiệp. Đâu là giới hạn của việc can thiệp?

– Tích cực làm đẹp hơn, chúng ta có thể nhờ vào ngành thẩm mỹ. Vai trò của bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ là hướng ý muốn làm đẹp thành những ý muốn hợp lý, phù hợp với từng cá nhân. Làm đẹp là tạo ra một người đẹp từ những tố chất bẩm sinh của họ, một người đẹp với những nét riêng, phù hợp hơn với vị trí của họ trong xã hội…

Sản phẩm của phẫu thuật thẩm mỹ phải thật tự nhiên, hài hoà với những đặc tính còn lại của cơ thể, kể cả cá tính và văn hoá.

Vì vậy người đi làm đẹp cần đặt một mục tiêu rõ ràng, cụ thể, phù hợp với xuất phát điểm của mình và khả năng của phẫu thuật viên. Cần thấy hài lòng và dừng lại đúng mức. Nếu không, chúng ta sẽ làm một cuộc rượt đuổi vô vọng đi tìm cái đẹp ảo tưởng với nguy cơ có kết thúc đáng buồn.

Xin nhắc lại một ý: “Kẻ thù của cái đẹp là cái toàn hảo”.

PGS.TS NGUYỄN HOÀI NAM thực hiện