Bảo vệ bản quyền điện ảnh – truyền hình: nan giải
Hội thảo “Bảo vệ bản quyền điện ảnh và truyền hình VN” được Công ty BHD phối hợp cùng Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) tổ chức chiều 4-6 tại TP.HCM trong khuôn khổ Telefilm 2015 đã nhận được sự chia sẻ từ các khách mời…
Bảo vệ bản quyền điện ảnh – truyền hình: nan giải
Hội thảo “Bảo vệ bản quyền điện ảnh và truyền hình VN” được Công ty BHD phối hợp cùng Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) tổ chức chiều 4-6 tại TP.HCM trong khuôn khổ Telefilm 2015 đã nhận được sự chia sẻ từ các khách mời…
Để Mai tính 2 - một phim bị vi phạm bản quyền ngay ngày đầu tiên K+ phát sóng – Ảnh: Chánh Phương |
Bụi đời Chợ Lớn - một phim bị cấm phát hành – bị tung bản nháp lên mạng và đến giờ dù nhà sản xuất thông báo đã tìm ra thủ phạm nhưng đó là ai vẫn chưa có thông tin. Chàng trai năm ấy bị phát tán trên mạng ngay khi phim còn đang chiếu ngoài rạp.
Cánh đồng bất tận bị tung lên mạng với một bản phim mà thậm chí nhạc phim không phải là nhạc được dùng trong bản chiếu chính thức…
Hiện trạng bản quyền VN nhiều năm qua thông qua việc có thể dễ dàng mua được DVD lậu ngoài đường phố đến việc xem công khai các phim vi phạm bản quyền trên mạng Internet đã khiến chúng ta thuộc về vùng trũng trong mặt bằng chung của khái niệm sở hữu trí tuệ thế giới.
Bản thân khái niệm sở hữu trí tuệ được dịch sang tiếng Việt từ cụm từ tiếng Anh intellectual property – theo bà Phan Cẩm Tú đến từ MPA – đã gây tranh cãi nhiều năm trước.
Một số luật sư cho rằng lẽ ra cụm từ này phải dịch chính xác là tài sản trí tuệ,dễ cho một hình dung về giá trị hữu hình của từ “tài sản” hơn. Nhưng đó hẳn nhiên không phải là lý do chính để ở VN bảo vệ sở hữu trí tuệ vẫn là một bài toán nan giải!
Phim Chàng trai năm ấy |
Khi người làm phim đau lòng…
Một đoạn phim nhòe nhoẹt hình và mờ câm tiếng của Ngày nảy ngày nay - một phim tết 2015 – được chiếu trên màn hình cho những người tham dự hội thảo “Bảo vệ bản quyền điện ảnh và truyền hình VN” xem.
Nếu so với bản chiếu rạp được làm công phu thì bản chiếu kia (được mở từ một trang web chiếu phim lậu online) rõ ràng là một sự nhạo báng!
Bà Phan Cẩm Tú kể trước đây khi trò chuyện với một số nhà làm phim chuyên làm phim “nhà nước”, nhiều người trong số họ đã cho rằng làm phim ra mong có người xem là tốt rồi, lại còn bị phát tán nữa thì… càng tốt!
Và bà Tú đặt câu hỏi với bà Ngọc Hiệp – diễn viên kiêm nhà sản xuất – rằng phía tư nhân thì sao? Bà Ngọc Hiệp chia sẻ bên cạnh nỗi lo trăm bề về kinh phí, chất lượng, hậu cần cho việc sản xuất phim thì nỗi lo bản quyền luôn canh cánh, bởi lẽ phim ảnh ra rạp tại VN có thể bị vi phạm bản quyền ngay từ ngày đầu tiên công chiếu – và có nghĩa là nhà đầu tư phải đối mặt với nguy cơ mất trắng!
Bà Ngọc Hiệp cũng nói thêm với một cảnh phim, những người làm phim mất rất nhiều công sức để diễn xuất, quay, dựng nhưng nhiều khi bản phim đưa lên mạng lại là bản nháp với chất lượng thô vụng. Mức độ phát tán về bản quyền, theo nhà sản xuất phim Ngọc Hiệp, là khoảng 30 – 40%.
“Cũng may thị trường điện ảnh Việt chưa quá lớn để đến mức cạnh tranh quyết liệt. Giờ đây đa số bộ phim được sản xuất từ nguồn đầu tư được chia sẻ. Có nghĩa là trong khi chưa thể ngăn chặn được thì các nhà sản xuất phim tư nhân đang đứng bên nhau để cùng giữ cho nhau, cùng nhau giảm thiểu rủi ro” – bà Ngọc Hiệp nói.
Sau khi kể rất nhiều về những khó khăn của việc sản xuất phim, Trần Bảo Sơn đang sản xuất bộ phim Hi sinh đời trai ngậm ngùi rằng dù Luật sở hữu trí tuệ bảo hộ bản quyền cho một bộ phim là 70 năm, nhưng anh chỉ mong tối đa sự sở hữu của mình với phim mình sản xuất là 10 năm!
Tại sao website vi phạm bản quyền vẫn… sống nhăn?
Một thông tin buồn được đại diện kênh truyền hình K+ có mặt trong hội thảo thông báo ngay ngày đầu tiên phát sóng bộ phim Để Mai tính 2 - ngày 31-5 (được mua bản quyền phát hành trên kênh K+), thì buổi tối hôm đó bản chuẩn HD với nguyên logo K+ đã tràn lan trên các trang web chia sẻ phim trái phép!
Rõ ràng việc này gây tổn thất lớn cho phía đơn vị đã trả tiền mua bản quyền phát sóng phim này. Bởi lẽ nếu như khán giả xem phim trên mạng và khán giả đến rạp còn là một khoảng cách thì hiện tại, khoảng cách giữa khán giả mạng và khán giả truyền hình là vô cùng nhỏ!
Bà Ngô Thị Bích Hạnh (phó tổng giám đốc Công ty BHD) chia sẻ một thực trạng: nếu như ở Mỹ doanh thu một phim chỉ phụ thuộc 60% vào tiền vé, còn lại thu từ các nguồn khác nhau bao gồm cả bán sản phẩm “ăn theo” thì ở VN, những nguồn thu này đang vô cùng sơ khai và các nhà sản xuất thật sự đang đánh bạc gần như toàn bộ vốn liếng hoàn toàn vào doanh thu bán vé!
Câu hỏi được đặt ra với cử tọa là lý do gì các trang web chiếu phim lậu vẫn sống? Và dù có bị xử phạt thì lại biến tướng qua một trang khác và ngày càng nhiều hơn? Câu trả lời: các trang web sống bằng quảng cáo. “Mà các trang web chiếu phim lậu thường có lượt xem cao!” – bà Phan Cẩm Tú nói.
Bà Tú cũng kể một ví dụ London (Anh) đã làm giảm doanh thu quảng cáo trên các trang web vi phạm bản quyền bằng cách đưa danh sách các web chiếu phim vi phạm bản quyền được cảnh sát chứng thực lên mạng.
Nhờ đó, các nhãn hàng có thể vào đó xem xét loại trừ các trang web chiếu lậu khi quyết định quảng cáo. Đây là cách mà VN có thể làm được.
Có mặt trong hội thảo, ông Satyajit Ghosh đến từ Unilever và ông Kasper Aakerlund đến từ GroupM cho biết thật khó để phân biệt một trang web đen với một trang web trắng, nhưng cá nhân họ tin các nhãn hàng chính thống sẽ không muốn quảng bá trên những trang web đen.
Thậm chí ông Satyajit còn cho biết họ sẵn sàng ngưng ngay các quảng cáo online khi phát hiện hoặc được thông báo trang web họ quảng cáo vi phạm sở hữu trí tuệ…
MPA đã nhận định trong sự vi phạm bản quyền điện ảnh tràn lan ở VN, đối tượng bị tổn thương nhất là các nhà làm phim Việt bởi lẽ họ quá mong manh trong một thị trường như hiện tại.
Người Việt tiếp xúc nhiều quảng cáo nguy hại Năm 2014, tiến sĩ Paul A. Watters (Trường ĐH Massey, New Zealand) công bố báo cáo có chủ đề “Liệu các trang web và các quảng cáo độc hại có ảnh hưởng xấu đến chính sách xã hội của VN hay không?”. Báo cáo có một số thông tin đáng chú ý: – Có 60,98% quảng cáo được lấy làm mẫu chỉ ra các nhà quảng cáo chính thống nhắm tới người sử dụng VN thông qua các trang web vi phạm bản quyền. – Người Việt có nguy cơ tiếp xúc với các quảng cáo mang tính nguy hại cao hơn là xem các quảng cáo chính thống. Những quảng cáo này chủ yếu quảng cáo đánh bạc, một hoạt động phạm pháp tại VN. – Để cách ly các trang web vi phạm thì việc cần làm đầu tiên là phải xây dựng một bộ quy tắc đạo đức. Các trang web khiêu dâm và đánh bạc trực tuyến rất phổ biến trên các trang web vi phạm bản quyền ở VN. Phụ huynh cần nhận thức rằng các trang web vi phạm bản quyền này có thể cung cấp dịch vụ cho con em họ, ngay cả khi chúng chỉ định tải nhạc hoặc các nội dung ít gây hại hơn. |