09/01/2025

Cuộc chiến trắng đen lẫn lộn chống lợi ích nhóm

Chống lợi ích nhóm là công việc hết sức khó khăn, phức tạp vì không rõ “chiến tuyến”, thường ở trong trạng thái lẫn lộn trắng đen, trong nó có ta và trong ta có nó, vừa là ta lại vừa là nó.

 LỢI ÍCH NHÓM – KỲ 2:

Cuộc chiến trắng đen lẫn lộn chống lợi ích nhóm

 

Chống lợi ích nhóm là công việc hết sức khó khăn, phức tạp vì không rõ “chiến tuyến”, thường ở trong trạng thái lẫn lộn trắng đen, trong nó có ta và trong ta có nó, vừa là ta lại vừa là nó.



Ông Vũ Ngọc Hoàng, phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương - Ảnh: Việt Dũng
Ông Vũ Ngọc Hoàng, phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương – Ảnh: Việt Dũng

Ở các nước, việc quản lý nhà nước và việc điều hành kinh tế tách biệt rành mạch và doanh nghiệp nhà nước của họ cũng ít hơn ta.

Còn ở ta, với đặc điểm cơ quan nhà nước vừa quản lý về mặt nhà nước vừa trực tiếp điều hành kinh tế, doanh nghiệp nhà nước nhiều, lại có phần yếu kém trong quản lý, không ít trường hợp đằng sau cái vỏ doanh nghiệp nhà nước là tư nhân núp bóng.

Vì vậy đề phòng lợi ích nhóm ở Việt Nam còn phức tạp hơn các nước, nếu không đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả.

Không thể để nhóm lợi ích chi phối

Lợi ích nhóm là nguy cơ lớn nhất đang hiện hữu dần, đe doạ sự phát triển lành mạnh của đất nước và sự tồn vong của chế độ XHCN (lành mạnh).

Nguy cơ này bao trùm, đáng lo hơn bất kỳ sự đe doạ nào, tác động chi phối chính làm trầm trọng các nguy cơ khác, tạo điều kiện cho các nguy cơ khác phát triển và gây tác hại.

Đây là điểm lớn nhất, cốt lõi nhất của cuộc đấu tranh về quan điểm; là trọng tâm trong chống “tự diễn biến”.

Biến tướng của nhóm lợi ích

Suốt mấy trăm năm nay, qua quá trình cạnh tranh, qua đấu tranh xã hội, chịu sự tác động của các quy luật khách quan về kinh tế và xã hội, CNTB buộc phải liên tục điều chỉnh, nhờ vậy mà tiến bộ dần. Ngày nay CNTB hiện đại đã có những tiến bộ rất đáng ghi nhận; họ đã tạo ra nhiều thành tựu và một số nước phát triển cao, tính chất xã hội hoá cao hơn, đang dần dần từng bước tạo ra các nhân tố mới của xã hội tương lai (XHCN).

Đồng thời với quá trình tiến hoá tự nhiên ấy, trong thực tiễn thế giới tư bản còn xuất hiện một khuynh hướng khác, một khuynh hướng không lành mạnh, không bình thường, một khuynh hướng tha hóa, đó là CNTB thân hữu, một loại hình nguy hại cho sự phát triển của các quốc gia.

Nước nào rơi vào CNTB thân hữu thì không ngóc đầu lên được. CNTB thân hữu thực chất là sự bành trướng, biến dạng, biến tướng, sự thoái hoá cao độ của nhóm lợi ích gây ra. Đây là một loại hình rất lạc hậu, khác xa so với CNTB hiện đại (CNTB hiện đại có nhiều mặt tiến bộ mà chúng ta cần nghiên cứu để học tập kinh nghiệm của họ) và tất nhiên là càng xa lạ với CNXH văn minh.

Nếu Đảng và Nhà nước ta không ngăn chặn được hoạt động của nhóm lợi ích, để nó tiếp tục phát triển, dẫn đến lũng đoạn ngày càng lớn hơn thì sự phát triển của đất nước bị nguy khốn và chế độ chính trị cũng biến chất, cũng thay đổi theo hướng xấu, chắc chắn không còn là con đường XHCN chân chính nữa, mà sẽ là nơi phát triển chủ nghĩa tư bản (CNTB) thân hữu, mong muốn của hàng triệu đảng viên cộng sản và nhân dân đã chiến đấu và hi sinh xương máu sẽ trở nên xa vời và vô vọng, mong muốn thiết tha của Bác Hồ cũng không thực hiện được.

Lúc này, hơn lúc nào hết cần phải nhận thức rõ nguy cơ và quyết tâm bảo vệ quyền lợi dân tộc, thành quả cách mạng và bảo vệ Đảng, không để Đảng bị nhóm lợi ích và CNTB thân hữu thao túng, làm hư hỏng, biến chất, dẫn đến đổ vỡ.

CNTB thân hữu còn có các cách gọi khác nhau, là “CNTB lợi ích”, “CNTB bè phái”, “CNTB bè cánh”, “CNTB lũng đoạn”… CNTB thân hữu không phải là một giai đoạn của CNTB, mà là một hiện tượng, một khuyết tật, một sự tha hóa của CNTB.

Đây là loại hình “phát triển” mà trong đó các doanh nghiệp dựa vào ưu thế về mối quan hệ với những người có quyền lực để tạo ra nguồn thu tài chính cho cá nhân và đơn vị mình.

Các doanh nghiệp này tập trung đầu tư vào “quan hệ”, vào quan chức để từ đó dùng quyền lực tạo ra lợi nhuận siêu ngạch.

Đặc trưng của CNTB thân hữu là có sự câu kết, xâm nhập lẫn nhau giữa nhóm đặc quyền kinh tế và nhóm đặc quyền chính trị, người kinh doanh cũng đầu tư vào quyền lực và người có quyền lực cũng tham gia kinh doanh, làm quan chức để làm giàu, họ cùng nhau bóc lột “mềm” toàn xã hội, họ thâu tóm các nguồn tài chính, của cải và thâu tóm quyền lực chính trị, biến bộ máy nhà nước thành công cụ của một nhóm người (nhân danh nhà nước và đảng cầm quyền) thực hiện độc quyền kinh tế kết hợp với độc quyền chính trị.

Nói họ thực hiện bóc lột “mềm” là vì không có hình thức tổ chức sản xuất – kinh doanh cụ thể để trực tiếp bóc lột giá trị thặng dư của lao động, sự bóc lột của họ tinh vi hơn nhưng tai hại hơn, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Sự bóc lột ấy thực hiện thông qua các dự án, các chương trình đầu tư; thông qua các cơ chế, chính sách (không phục vụ cho toàn xã hội mà phục vụ cho một nhóm người) và thông qua cách điều hành, cách quản lý mập mờ, không minh bạch, gây tiêu cực, tham nhũng…

Họ thu lợi thông qua các công ty “sân sau”, công ty của “gia đình”, của “cánh hữu”. Nó ra đời trong (và gắn với) CNTB “man rợ”, CNTB “dã man”, chứ không phải CNTB văn minh.

Giải pháp chống lợi ích nhóm

CNTB thân hữu không chỉ có trong xã hội tư bản (yếu kém và tha hoá) mà còn có trong các xã hội khác, ở các nước mới bắt đầu vận hành nền kinh tế theo mô hình kinh tế thị trường, khi mà ở đó lợi ích nhóm, nhóm lợi ích, “lợi ích bè phái”, “tính thân hữu vì lợi ích” đang nổi lên và hoành hành; khi mà đảng cầm quyền cùng nhà nước do nó lãnh đạo bị suy thoái về đạo đức, tham nhũng trở nên phổ biến và pháp luật không được tuân thủ trong sự quản lý đất nước, quản lý xã hội (tức là trình độ quản trị quốc gia yếu kém).

Thực tiễn thế giới cho thấy CNTB thân hữu kìm hãm sự phát triển của quốc gia, làm cho đất nước rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình hàng thế kỷ không ra được, làm băng hoại đạo đức xã hội (do lệch chuẩn giá trị); làm méo mó, biến dạng các chủ trương đường lối; gây nên các khuyết tật của nền kinh tế và của xã hội, để lại hậu quả lâu dài.

CNTB thân hữu xuất phát từ các nguyên nhân, nguồn gốc: lợi ích nhóm tiêu cực, các dạng mafia, tham nhũng có tổ chức, sự suy thoái đạo đức của cán bộ có chức quyền, không có cơ chế kiểm soát quyền lực, để quyền lực tha hoá và không có cơ chế tốt để dân làm chủ, để nhân dân có quyền lực thật sự, trình độ và năng lực quản trị quốc gia yếu kém, luật pháp còn nhiều kẽ hở và việc chấp hành pháp luật không nghiêm, bảo kê, bao che và dung túng cho các sai phạm.

Ở đâu và khi nào mà nhóm lợi ích không bị ngăn chặn có hiệu lực, hiệu quả, để nó phát triển mạnh, lan tràn, hoành hành, vai trò của nhà nước lành mạnh bị vô hiệu hoá thì ở đó tất yếu sẽ kéo theo CNTB thân hữu xuất hiện và tồn tại, không thể tránh được, không thể khác được, dù có muốn hay không.

Lâu nay Đảng ta đã nhiều lần lưu ý nguy cơ chệch hướng. Nếu chệch hướng thì sẽ chệch đi đâu? Chắc không thể trở lại chế độ phong kiến, vì trình độ phát triển đã vượt qua.

Cũng không thể chệch sang CNTB phát triển văn minh, vì trình độ phát triển của nước ta chưa đạt đến và nếu vậy thì có ý kiến cho rằng cũng không đáng sợ, bởi chúng ta sẽ gần hơn với CNXH.

Khả năng lớn nhất, hiện hữu và cũng đáng sợ nhất, nguy hiểm nhất là chệch hướng sang CNTB thân hữu, con đường nguy hại cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc, đồng thời cũng nguy hại cho chế độ chính trị xã hội.

Ngoài việc cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc tình hình và nguy cơ, cần thảo luận rộng rãi trong Đảng và trên công luận; Đảng và cả hệ thống chính trị phải kiên quyết đấu tranh chống lợi ích nhóm, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, hết sức hệ trọng và cấp bách.

Tập thể lãnh đạo từ cấp cao nhất cần có quyết tâm chính trị và thật sự gương mẫu trong việc đấu tranh chống lợi ích nhóm, sử dụng tất cả biện pháp có thể; khẩn trương nghiên cứu ban hành bổ sung, điều chỉnh các cơ chế kiểm soát quyền lực (bằng quyền lực nhà nước, bằng quyền lực của nhân dân và bằng công luận); cơ chế thực thi dân chủ rộng rãi, minh bạch thông tin và quy định rõ trách nhiệm giải trình, điều trần; tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho báo chí vào cuộc, cho nhân dân thực hiện quyền tham chính.

Chúng ta cần đổi mới căn bản công tác cán bộ, thực hiện tranh cử trước nhân dân đối với các chức danh bầu cử và thi tuyển công khai đối với các chức vụ quản lý, đồng thời thực hiện cơ chế giám sát hoạt động, kết quả công việc, thi hành việc bãi miễn và thay đổi vị trí công tác của cán bộ khi xét thấy không có lợi cho cuộc đấu tranh chống lợi ích nhóm.

 

TS VŨ NGỌC HOÀNG (uỷ viên Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương)