10/01/2025

Bỏ hoang trường nghề

Nhiều trường, trung tâm dạy nghề tại Nghệ An và Hà Tĩnh được đầu tư xây dựng hàng chục tỉ đồng, nhưng xây xong phải bỏ hoang vì không có người học.

 

Bỏ hoang trường nghề

 

 

Nhiều trường, trung tâm dạy nghề tại Nghệ An và Hà Tĩnh được đầu tư xây dựng hàng chục tỉ đồng, nhưng xây xong phải bỏ hoang vì không có người học.


 

 

Bỏ hoang trường nghề - ảnh 1Các phòng học tại Trường CĐ nghề Vũng Áng luôn trong tình trạng bỏ hoang – Ảnh: Nguyên Dũng
Bỏ hoang trường nghề - ảnh 2Trường Trung cấp kỹ thuật nông nghiệp tại Hà Tĩnh “chết yểu” – Ảnh: Nguyên Dũng
Bỏ hoang trường nghề - ảnh 3Trường CĐ Nghề dầu khí được đầu tư hơn 246 tỉ đồng nhưng xây xong rồi bỏ hoang – Ảnh: Khánh Hoan
Xây trường hoành tráng rồi… để đó
Năm 2000, UBND tỉnh Hà Tĩnh đầu tư 15 tỉ đồng xây dựng, nâng cấp Trường trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp tại thị trấn Xuân An (H.Nghi Xuân). Cơ ngơi gồm một dãy nhà học cao 4 tầng, ký túc xá 3 tầng và dãy nhà xưởng, nhà thí nghiệm 2 tầng với kỳ vọng sẽ đào tạo hàng ngàn học viên các ngành nghề chăn nuôi thú y, trồng trọt, địa chính, thuỷ lợi… Tuy nhiên, người theo học ngày càng ít dần và đến năm 2013 không còn người học nên UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cho sáp nhập vào Trường ĐH Hà Tĩnh. Dù vậy, cơ sở này vẫn bỏ hoang từ đó đến nay.
Điều đáng nói, năm 2012 trường này vẫn được đầu tư xây dựng một dãy nhà thư viện 3 tầng, mà theo ông Phan Văn Ý, nguyên Hiệu trưởng trường này, tốn khoảng 4 tỉ đồng. Ông Ý cho biết hiện Trường ĐH Hà Tĩnh không có nhu cầu sử dụng nên vẫn chưa thể biết được chính xác khi nào cơ sở hết cảnh bỏ hoang.
Dự án xây dựng Trường CĐ nghề Vũng Áng (H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cũng đang “sống dở chết dở” vì không thu hút được người học. Dự án do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt trên diện tích hơn 16 ha, mức đầu tư 519 tỉ đồng. Dự kiến, sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, mỗi năm ngôi trường này sẽ đào tạo nghề cho khoảng 3.000 học viên theo học các ngành điện, cơ khí, lái xe, nấu ăn… để cung cấp cho dự án Formosa tại khu kinh tế Vũng Áng. Tuy nhiên, đầu năm 2011, sau khi hoàn thành xây dựng được một dãy nhà học 4 tầng với hàng chục phòng, 3 dãy nhà xưởng và mua sắm nhiều thiết bị dạy học, trường bắt đầu hoạt động thì lại không thu hút được người học. Từ đó đến nay, phần lớn phòng học ở những dãy nhà đã được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất nhưng không được sử dụng dẫn đến xuống cấp, hư hỏng, rêu mốc phủ đầy tường, nền nhà ở một số phòng học lầy lội bùn đất…
Ông Trần Đăng Hòa, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh, cho biết trường lâm vào tình cảnh khó khăn là do dự án này “mới được đầu tư nửa vời”. Tổng mức đầu tư của dự án 519 tỉ đồng nhưng đến nay mới giải ngân được trên 120 tỉ đồng. “Còn những lý do khác như hệ đào tạo nghề gặp khó khăn vì cơ chế chung, đặc biệt là vấn đề giải quyết việc làm cho học viên sau khi ra trường đang gặp nhiều khó khăn”, ông Hoà nói.
Đóng cửa vì không có người học
Tại Nghệ An, Trường CĐ nghề số 1 do Tổng LĐLĐ VN đầu tư được xây dựng, nâng cấp từ năm 2011 với kinh phí 34 tỉ đồng, quy mô đào tạo 1.000 học viên mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nhà trường đang gặp nhiều khó khăn trong việc chiêu sinh. Năm 2014, trường này chỉ tuyển được 260 chỉ tiêu, năm nay đã thông báo tuyển sinh từ tháng 2, nhưng đến nay vẫn chưa tuyển được học viên nào.
Năm 2013, Tập đoàn dầu khí VN khánh thành và đưa Trường CĐ nghề dầu khí (đóng tại TP.Vinh, Nghệ An) vào hoạt động. Trường được xây dựng trên diện tích 20.000 m2, gồm nhà hội nghị 5 tầng, giảng đường 12 tầng, khu thể thao, khu phân xưởng, ký túc xá 5 tầng và nhà giáo viên. Tổng mức đầu tư hơn 246 tỉ đồng. Mục tiêu của trường là đào tạo nghề sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, liên kết với các trường đại học để đào tạo đại học và sau đại học, đào tạo trước tuyển dụng, phục vụ các dự án trọng điểm của Tập đoàn dầu khí VN và của cả nước. Thế nhưng, đến nay trường vẫn phải đóng cửa, bỏ hoang vì không có học viên.

Học viên chê trung tâm dạy nghề
Tại các huyện của Nghệ An, nhiều trung tâm dạy nghề cũng sống lay lắt vì không hấp dẫn được người học.
Được xây dựng từ năm 2010 từ nguồn vốn 30A của Chính phủ với kinh phí gần 20 tỉ đồng, gồm 3 dãy nhà 2 tầng và khu nhà xưởng thực hành cùng các thiết bị, máy móc khá hiện đại nhưng Trung tâm đào tạo nghề H.Quế Phong cũng gần như phải bỏ không từ nhiều năm nay. Mỗi năm chỉ có 1 – 2 lớp dạy nghề được tổ chức tại trung tâm, riêng năm 2014 chỉ có vỏn vẹn một lớp học nghề chế biến món ăn. Được đầu tư khá bài bản về cơ sở vật chất, nhưng trung tâm này chỉ có lãnh đạo và kế toán mà không có giáo viên nào. “Khi vận động mở được lớp nào thì chúng tôi đi thuê giáo viên về dạy lớp đó”, ông Lê Văn Quê, Giám đốc trung tâm nói.
Trung tâm dạy nghề H.Kỳ Sơn (Nghệ An) được đầu tư xây dựng lại từ năm 2010 với kinh phí hơn 10 tỉ đồng nhưng năm 2014 cũng chỉ tổ chức được 2 lớp học tại đây, 4 lớp còn lại phải tổ chức ngay tại các xã. Ông Moong Thanh Nghệ, Giám đốc trung tâm, cho rằng 10 năm qua từ ngày lập trung tâm, chỉ khoảng 5 – 10% số người học tìm được việc làm đúng nghề đã học nhưng phần lớn đơn vị sử dụng lao động phải đào tạo lại. “Thời gian học theo quy định chỉ có 3 tháng thì với các nghề sửa chữa xe máy, cắt may… là không thể làm được gì nên họ không hứng thú học”, ông Nghệ nói.
Ông Nguyễn Đậu Long, Trưởng phòng LĐ-TB-XH H.Quế Phong, thừa nhận do dự báo nhu cầu học nghề không chính xác nên dẫn đến việc xây trung tâm tốn kém nhưng không hiệu quả. Ông Nguyễn Đăng Dương, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Nghệ An, cho rằng khi xây dựng trung tâm dạy nghề, có thể do khâu dự báo và tính toán thiếu căn cứ của địa phương nên mục tiêu đề ra ban đầu đã không thực hiện được, đó là trách nhiệm của huyện.

Khánh Hoan – Nguyên Dũng