10/01/2025

Tranh luận nảy lửa về sân bay Long Thành

Tại diễn đàn khoa học thảo luận về dự án sân bay quốc tế Long Thành “Công khai, khoa học và trách nhiệm” do Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN tổ chức ở Hà Nội ngày 1.6, các ý kiến thuận và chống đối với dự án này của các nhà khoa học gay gắt như lửa với nước.

 

Tranh luận nảy lửa về sân bay Long Thành

 

 

Tại diễn đàn khoa học thảo luận về dự án sân bay quốc tế Long Thành “Công khai, khoa học và trách nhiệm” do Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN tổ chức ở Hà Nội ngày 1.6, các ý kiến thuận và chống đối với dự án này của các nhà khoa học gay gắt như lửa với nước.


 

ĐBQH Trần Du Lịch cho biết sẽ bấm nút thông qua dự án sân bay Long Thành - Ảnh: Thái Sơn

ĐBQH Trần Du Lịch cho biết sẽ bấm nút thông qua dự án sân bay Long Thành - Ảnh: Thái Sơn

Hội thảo thu hút được sự chú ý đặc biệt của dư luận bởi chỉ vài ngày nữa, Chính phủ sẽ trình Quốc hội (QH) cho ý kiến về dự án (DA) này.
Nếu cần thì vay nợ để làm
Theo PGS-TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế T.Ư, VN cần có một sân bay quốc tế hiện đại trong bối cảnh đang bước vào giai đoạn bùng nổ về phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, việc xây dựng sân bay Long Thành (SBLT) ngoài việc căn cứ trên các yếu tố lượng hành khách vận chuyển, lượng hàng hoá vận tải qua cảng hàng không trong tương lai cũng phải tính đến khả năng phát triển đột phá của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
TS Trần Du Lịch (ĐBQH TP.HCM) cho biết, để chuẩn bị cho việc “bấm nút” DA này tại kỳ họp QH, ông đã nghiên cứu rất kỹ các ý kiến phản biện cũng như trực tiếp đi khảo sát tại các sân bay Tân Sơn Nhất (TSN), Biên Hoà. “Tại sân bay TSN tôi đã ở nhà dân vào lúc 10 giờ đêm xem máy bay hạ cánh và nhìn rõ cả cái răng cưa trên lốp máy bay, ồn ào không người dân nào chịu nổi.
Không thể chắp vá để đầu tư sân bay này thành sân bay khu vực được”, ông Lịch nói. Ông cũng cho biết mình đã từng tham gia làm Quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía nam trong đó có sân bay, do đó việc cần phải có một sân bay tầm cỡ là vấn đề không nên phải bàn nữa. Vấn đề đặt ra là làm cách nào, bằng nguồn nào, tính hiệu quả thế nào, phân kỳ đầu tư cho phù hợp. DA trình QH cũng đã có thay đổi lớn. Trước đây dư luận phản ứng cho rằng DA không khả thi khi có quy mô quá lớn như vận chuyển 100 triệu hành khách, vốn đầu tư tới gần 19 tỉ USD… Nhưng lần này đưa ra trình đã có sự phân kỳ đầu tư, giai đoạn 1 chỉ đảm bảo năng lực vận chuyển 25 triệu hành khách, vốn đầu tư không phải 7,8 tỉ USD mà giảm xuống còn 5,2 tỉ USD…
TS Trần Du Lịch bày tỏ: “Tôi là người rất lo lắng về nợ công nhưng quan điểm của tôi là cần vay nợ thì phải vay làm. Hạ tầng giao thông bến cảng cần thiết cho đất nước phát triển thì phải làm nhưng vấn đề là đừng để thất thoát, đội giá, nếu chống được cái đó thì dân ủng hộ. Người dân hiện đang có tâm lý lo lắng cứ có DA lại có phết phẩy. Chúng ta không để những suy nghĩ mang tính tâm lý ảnh hưởng đến một quyết định mang tính phát triển của một vùng. Chúng ta phải tách bạch chuyện đó để giải quyết vấn đề lớn”.
Số liệu không chính xác
Ngay trong phần mở đầu tham luận của mình, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, Chủ tịch Chi hội Khoa học công nghệ hàng không, đã kiến nghị: “QH khoan đưa ra quyết định về dự án SBLT”. Lý do là báo cáo đầu tư tiền khả thi không đạt yêu cầu khi đưa ra những số liệu về chi phí không rõ ràng.
Ông Nguyễn Thiện Tống đơn cử, DA đưa ra thời gian di chuyển từ trung tâm TP.HCM đến sân bay TSN mất nửa giờ, đến SBLT mất 45 phút. Tức chỉ chênh lệch nhau có 15 phút nhưng thực chất người dân đi taxi từ trung tâm TP ra đến SBLT phải mất 500.000 – 600.000 đồng. “Nếu để sân bay TSN cùng hoạt động song song với SBLT thì chắc chắn người ta sẽ chọn TSN, nên không thể giảm tải”, ông Tống nói.
GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu T.Ư và TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học – Công nghệ hàng không VN, cho rằng: Nguồn cơn gây ra sự tranh cãi xung quanh DA này là do đề án DA có chất lượng quá thấp. “Tôi kiến nghị QH thông qua DA tiền khả thi, đồng ý chủ trương cho đầu tư và lập DA, thành lập ban tư vấn riêng của QH để tư vấn đánh giá khách quan quyết định cũng như việc triển khai”, ông Châu đề xuất.
Không khai tử sân bay TSN
Trước thắc mắc của các nhà khoa học về việc đầu tư xây dựng SBLT là nhằm khai tử sân bay TSN, đồng thời tham vọng biến thành ga trung chuyển cạnh tranh với các ga hàng không trong khu vực, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khẳng định: “Mục tiêu số 1 của DA là nhằm giảm tải cho sân bay TSN. Trong tất cả các văn bản của Bộ GTVT từ trước đến nay về xây dựng SBLT chưa khi nào đề cập việc đóng cửa sân bay TSN”.
Cũng theo Bộ trưởng GTVT, các số liệu trong một số tài liệu liên quan DA có sự vênh nhau là do khách quan, trong đó Cục Thống kê TP.HCM chỉ thống kê được lượng khách của Vietnam Airlines, còn Cảng hàng không miền Nam thống kê số liệu tất cả các hãng hàng không. “Chúng tôi không bao giờ dám khai khống vì mỗi khách hàng đều là tiền cả và đã có kiểm toán, nếu khống lên thì lấy tiền đâu mà nộp cho nhà nước”, ông Thăng nói. Ông cũng cho biết, về tổng mức vốn dự kiến theo tờ trình Chính phủ sẽ có cơ cấu 11% là vốn ngân sách, hơn 26% là vốn vay ODA, còn lại là xã hội hoá.

Thái Sơn