10/01/2025

Nhận diện và ngăn chặn lợi ích nhóm

Tiếp tục “mổ xẻ” về lợi ích nhóm để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này, Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của TS Vũ Ngọc Hoàng, ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương.

 

Nhận diện và ngăn chặn lợi ích nhóm – Kỳ 1: Đáng báo động

 

Tiếp tục “mổ xẻ” về lợi ích nhóm để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này, Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của TS Vũ Ngọc Hoàng, ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương.



 

 

Ông Vũ Ngọc Hoàng, phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương - Ảnh: Việt Dũng
Ông Vũ Ngọc Hoàng, phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương – Ảnh: Việt Dũng

Hiện nay, lợi ích nhóm và hoạt động của nhóm lợi ích ở Việt Nam đã và đang diễn ra tại nhiều lĩnh vực quan trọng. Trong các vị lãnh đạo cấp cao, người đầu tiên công khai và nêu lên sự cần thiết phải đấu tranh với lợi ích nhóm ở nước ta là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông đã phát biểu tại Hội nghị trung ương 3 (khoá XI) và sau ông, một vài vị lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước cũng có nói đến, mặc dù chỉ mới thoáng qua và nói chung, chưa có chỉ đạo quyết liệt trong việc ngăn ngừa, phòng chống lợi ích nhóm.

Lợi ích nhóm là gì?

Lợi ích chính đáng (của một người, một nhóm) là lợi ích phù hợp với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, góp phần và bổ trợ lợi ích chung; không mâu thuẫn, không gây thiệt hại cho lợi ích chung. Lợi ích chính đáng luôn là mục tiêu và động lực đối với hoạt động của con người, cần được tôn trọng, bảo vệ và khuyến khích. Quên điều này, không quan tâm đến lợi ích chính đáng của con người, ngăn cản các lợi ích chính đáng ấy thì sự lãnh đạo và quản lý xã hội không thể thành công, trước sau gì nhất định sẽ thất bại.

Ngược lại, lợi ích nhóm (theo nghĩa tiêu cực) mâu thuẫn với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc; gây hại cho lợi ích chung, cho cộng đồng, làm suy yếu và gây tổn thất nghiêm trọng đối với lợi ích chung. Lợi ích nhóm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc hình thành các nhóm lợi ích.

Đặc điểm của các nhóm lợi ích là có sự kết hợp cùng mục tiêu lợi ích, cùng hành động, cùng phân chia lợi ích, giữa những người có nhiều tiền với những người có quyền lực trong nhà nước và trong đảng cầm quyền.

Có tiền chuyển hoá thành có quyền lực. Có quyền lực chuyển hoá thành có tiền. Người có tiền sẽ có quyền lực và người có quyền lực sẽ có tiền. Họ cùng nhau hành động để có quyền lực và có tiền ngày càng nhiều hơn. Đồng tiền cộng với quyền lực tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội.

Nhận thức sự quan trọng của thông tin, nhóm lợi ích còn móc nối, “kết nạp”, kết hợp với một số nhóm truyền thông không lành mạnh để tác động chi phối dư luận theo hướng có lợi cho nhóm lợi ích và xuyên tạc, vu cáo những người, những doanh nghiệp không cùng nhóm để tranh quyền lực và lợi ích. Lợi ích nhóm sẽ kéo theo và song hành với tham vọng quyền lực cùng với tham vọng tiền bạc.

Lợi ích nhóm cũng chính là một kiểu tham nhũng nghiêm trọng nhất, tham nhũng có tổ chức. Mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều cố gắng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng thực tế xã hội vẫn diễn ra một tình hình rất đáng lo ngại là ở nước ta đang có nguy cơ chuyển biến dần dần sang “chủ nghĩa tư bản thân hữu” do hoạt động của nhóm lợi ích gây nên.

Đó là trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý dự án đầu tư, nhất là đầu tư công; trong quản lý ngân sách, thuế, quản lý ngân hàng – tín dụng; trong quản lý các nguồn vốn và chương trình đầu tư về xã hội, trong quản lý tài sản, đất đai, bất động sản, tài nguyên khoáng sản, xuất nhập khẩu; trong công tác cán bộ, quản lý biên chế; trong quản lý các loại cấp giấy phép; kể cả trong các vụ án, trong tham mưu về chủ trương, chính sách và trong điều hành.

Đi sâu vào nghiên cứu các vụ tiêu cực, tham nhũng có tổ chức, các vụ việc mà dư luận có nhiều ý kiến thì sẽ có nhiều thông tin cụ thể về tình hình lợi ích nhóm ở Việt Nam. Tức là tình hình xấu đã lan rộng, khá phổ biến, nghiêm trọng đến mức báo động.

Tác hại của lợi ích nhóm

Lợi ích nhóm và nhóm lợi ích có tác hại gì?

Trước nhất là làm đất nước bị tổn thất các nguồn lực và giảm hiệu quả đầu tư, bị kìm hãm, không thể phát triển nhanh, thậm chí không thể phát triển bình thường, mất sức sống, nền kinh tế sẽ bị khiếm khuyết, dị tật, kinh tế “ngầm”, thị trường “ảo”, chụp giật, hoang dã, khống chế và loại trừ lẫn nhau để giành độc quyền, làm hỏng môi trường phát triển lành mạnh và bình đẳng cho tất cả doanh nghiệp.

Hầu hết các nước bị “bẫy” thu nhập trung bình kéo dài nhiều thập kỷ, thậm chí kéo dài hàng thế kỷ, loay hoay mãi, lùng bùng mãi, không làm sao thoát ra được để trở thành một quốc gia phát triển, là do lợi ích nhóm – nguyên nhân trực tiếp và hàng đầu. Với sự chi phối của các nhóm lợi ích, nguồn lực quốc gia bị phân bổ và sử dụng không vì lợi ích chung của quốc gia, mà nhằm hướng phục vụ lợi ích nhóm; việc bố trí đầu tư, sắp xếp dự án và kể cả ban hành chính sách, điều hành xử lý công việc cũng vậy.

Hậu quả thứ hai do nhóm lợi ích gây ra là nhất định sẽ chệch hướng khỏi mục tiêu xã hội chủ nghĩa chân chính (và cũng xa lạ với chủ nghĩa tư bản hiện đại), đất nước đi theo một con đường khác, sang “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, đó là con đường không có tiền đồ và nguy hiểm, không có tự do và dân chủ (vì bị nhóm lợi ích độc quyền về kinh tế và chính trị thâu tóm, lũng đoạn), để lại hậu quả lâu dài mà dân tộc phải gánh chịu.

Chúng ta mong muốn xây dựng một xã hội trên nền tảng của các giá trị nhân văn thì nhóm lợi ích lại thúc đẩy đồng tiền cộng với quyền lực chiếm địa vị thống trị. Thực chất “nhóm lợi ích” là đồng tiền (tư bản) chi phối quyền lực, tranh giành và chiếm giữ quyền lực, làm quyền lực không còn là của nhân dân, cũng có nghĩa là chệch khỏi mục tiêu XHCN (chân chính).

Lợi ích nhóm và nhóm lợi ích có từ rất sớm, ít nhất là từ buổi đầu của thời kỳ phong kiến; nhưng sang thời kỳ tư bản chủ nghĩa thì nó phát triển và diễn biến phức tạp hơn, kể cả trình độ, quy mô và tính chất. Trong chủ nghĩa tư bản “hoang dã”, “mông muội”, các nhóm lợi ích hoạt động phổ biến, công khai, tích lũy và tập trung tư bản bằng mọi thủ đoạn, kể cả bạo lực, giết người.

Hậu quả thứ ba do nhóm lợi ích gây ra là sự suy đồi về văn hóa, đạo đức xã hội do hệ giá trị bị đảo lộn (đồng tiền và quyền lực chiếm vị trí trung tâm và cao nhất, trong khi nhân cách bị đẩy sang bên cạnh và xuống hàng thứ yếu) và do tha hóa quyền lực (tác nhân mạnh nhất).

Việc phân hóa giàu – nghèo sẽ ngày càng lớn, tạo ra bất bình đẳng và mâu thuẫn xã hội. Hỏng văn hóa và gây ra mâu thuẫn xã hội thì hậu quả khôn lường, thâm sâu và lan tỏa rộng trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, ảnh hưởng đến nền tảng xã hội và sức mạnh nội sinh của dân tộc.

Hậu quả thứ tư là làm lẫn lộn thật – giả, đúng – sai, khác nhau giữa lời nói và việc làm, đường lối đúng không vào được cuộc sống…; làm mất lòng tin của nhân dân đối với đảng cầm quyền và đối với nhà nước, tức làm hỏng nền tảng chính trị, dẫn đến mất ổn định chính trị, mất sức mạnh của một quốc gia và từ đó các thế lực xâm lăng từ bên ngoài có thể lợi dụng thời cơ để xâm lấn, chèn ép, dẫn đến nguy cơ mất độc lập, thậm chí mất nước.

Hậu quả thứ năm là chính sách sử dụng cán bộ méo mó, phát triển nạn chạy chức chạy quyền, “buôn quan”, “buôn vua”, sắp xếp cán bộ trên cơ sở “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ” chứ không phải sử dụng người có tài đức, làm hư hỏng đội ngũ cán bộ; là sự phát triển, sự gia tăng các hoạt động bè phái, mất đoàn kết nội bộ, phá vỡ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của đảng cầm quyền, từ đó dẫn đến đảng cầm quyền mất vai trò lãnh đạo, tan rã hoặc bị nhóm lợi ích thâu tóm làm thay đổi hoàn toàn bản chất, không còn là đảng phục vụ nhân dân, và nhà nước cũng hư hỏng, biến chất, không còn là nhà nước của dân, mà thành bộ máy cai trị, tham nhũng và bóc lột nhân dân, từ đó nòng cốt chính trị đổ vỡ, bất ổn định chính trị từ bên trong.

Ông Nguyễn Văn Rinh - Ảnh: Việt Dũng
Ông Nguyễn Văn Rinh – Ảnh: Việt Dũng

* Thượng tướng NGUYỄN VĂN RINH (nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng):

Lợi ích nhóm làm suy yếu kinh tế đất nước

Nói đến lợi ích nhóm gần như là nói đến những người cùng động cơ tham nhũng, biến của công thành của riêng, chứ không phải phục vụ cho đất nước, cho nhân dân. Trách nhiệm của Đảng và Nhà nước phải chỉ rõ các nhóm lợi ích tiêu cực, tham nhũng. Hoạt động của họ có thể rất tinh vi, thông qua vợ con, gia đình, họ hàng, những người đồng hành để chiếm đoạt.

Ở các nước, người ta có thể quản lý được thu nhập, tài sản cá nhân, trong khi ở ta rất khó kiểm soát vì chủ yếu chi tiêu bằng tiền mặt. Chính vì vậy, họ có thể dễ dàng đưa tiền tham nhũng vào đầu tư các lĩnh vực sân sau, hợp thức hoá tài sản bất hợp pháp. Tác hại của lợi ích nhóm rất lớn, làm suy yếu nền kinh tế đất nước. Muốn chống lợi ích nhóm phải có các giải pháp đồng bộ, trong đó cần chú trọng các giải pháp tăng tính công khai, minh bạch, tiếp tục đổi mới công tác cán bộ để thật sự chọn được cán bộ có tài, có đức.

V.V.THÀNH ghi

Chưa có nhiều nghiên cứu về lợi ích nhóm

Trong giới khoa học của Việt Nam đã có một số nghiên cứu, chưa nhiều và mới ở dạng lý thuyết chung, chưa gắn với thực tế tình hình nước ta. Các nhà nghiên cứu trên thế giới đã có nhiều tài liệu nghiên cứu về vấn đề này gắn với quá trình phát triển của một số quốc gia. Nghị quyết Hội nghị trung ương 4 khoá XI của Đảng Cộng sản Việt Nam về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã xác định nhiệm vụ quan trọng phải đấu tranh chống lợi ích nhóm.

Tình hình nhóm lợi ích ở Việt Nam đã đến mức độ nào? Đang và sẽ đi về đâu? Như chúng ta đã biết trước đây, trong lịch sử nhiều lần các triều đại phong kiến Việt Nam phải sụp đổ, kể cả có lúc phải chia cắt đất nước là do nhóm lợi ích gây nên. Ngày nay, tuy chưa có các công trình nghiên cứu cấp quốc gia một cách thật đầy đủ và khoa học về lợi ích nhóm ở Việt Nam, tuy nhiên qua thông tin, qua dư luận xã hội, qua nghiên cứu của một số chuyên gia và cảm nhận của nhiều người thì tình hình lợi ích nhóm đã khá nghiêm trọng, tương đối phổ biến, kể cả ở những nơi mà xưa nay trong tiềm thức xã hội là nơi luôn trang nghiêm, trong sạch. 

TS VŨ NGỌC HOÀNG (Còn tiếp)