10/01/2025

Đà Nẵng trả lại đất cho công viên

Đà Nẵng vừa có chủ trương thu hồi hai lô đất đã bán ở công viên 29-3 để nâng cấp, cải tạo công viên này, và được nhiều người đồng tình.

 

Đà Nẵng trả lại đất cho công viên

 

Đà Nẵng vừa có chủ trương thu hồi hai lô đất đã bán ở công viên 29-3 để nâng cấp, cải tạo công viên này, và được nhiều người đồng tình.


 

Đây là khu đất UBND TP Đà Nẵng đã bán cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam, nay có chủ trương lấy lại để trả cho công viên 29 -3 - Ảnh: Hữu Khá
Đây là khu đất UBND TP Đà Nẵng đã bán cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam, nay có chủ trương lấy lại để trả cho công viên 29 -3 – Ảnh: Hữu Khá

Vào năm 2013, Tuổi Trẻ đã từng phản ánh việc UBND TP Đà Nẵng xẻ hai lô đất ở công viên 29-3 (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) vào năm 2003 và 2009 bán cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Công ty cổ phần đại lý Jean Desjoyaux. Bây giờ Đà Nẵng chủ trương “trả công viên lại cho…công viên”.

Lấy lại đất cho công viên

Trong báo cáo gửi UBND TP Đà Nẵng ngày 21-4 về lý do đề xuất lấy lại hai khu đất trên, ông Phạm Việt Hùng, giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho rằng công viên 29-3 là công trình phúc lợi công cộng nằm ở trung tâm thành phố. Hiện sở được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo công viên 29-3. Qua quá trình triển khai dự án, sở xét thấy phần diện tích mặt đất của công viên rất hạn chế, khó triển khai được một số hạng mục vui chơi giải trí và nơi để xe.

Theo ông Hùng, qua nghiên cứu, tại khu vực công viên 29-3 hiện có khu đất xây dựng trụ sở làm việc và Trung tâm Dịch vụ hàng không Việt Nam của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – chi nhánh khu vực miền Trung, tại số 27 Điện Biên Phủ, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, chưa triển khai đầu tư. Như Tuổi Trẻ (năm 2013) đã phản ánh, khu đất này UBND TP Đà Nẵng đã bán cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam với giá 51,3 tỉ đồng.

Thời điểm đó việc bán giá này được nhiều người cho là rẻ, nên vụ việc đã được đưa ra chất vấn tại kỳ họp của Thành uỷ Đà Nẵng. Lúc đó, lãnh đạo Thành uỷ Đà Nẵng giải thích: “Để Đà Nẵng trở thành trung tâm vùng thì phải khuyến khích cả bộ ngành, doanh nghiệp lớn trung ương mở văn phòng đại diện, trụ sở chi nhánh tại Đà Nẵng. Vì vậy TP luôn có sự hỗ trợ tối đa. Việc bán với giá cả đó là đã có cơ quan tham mưu, định giá rõ ràng, vấn đề này là rất bình thường”.

Báo cáo do ông Phạm Việt Hùng ký nêu rõ: Nếu công trình này xây dựng hoàn thành sẽ che khuất tầm nhìn của công viên ra mặt tiền đường Điện Biên Phủ, đồng thời ảnh hưởng đến cảnh quan chung của công viên. Sở Xây dựng đề nghị sử dụng khu đất này để mở rộng diện tích cho công viên 29-3, nhằm bố trí thêm các hạng mục cần thiết cho công viên, mở rộng vịnh đậu xe cho đường Điện Biên Phủ và chỉnh trang đô thị tại khu vực này.

Ngoài ra, theo tài liệu PV Tuổi Trẻ có được, khu đất phía nam công viên 29-3 (mặt tiền đường Nguyễn Tri Phương) diện tích khoảng 665m2 trước đây được UBND TP Đà Nẵng bán cho Công ty cổ phần đại lý Jean Desjoyaux (có trụ sở tại Hà Nội) với giá chỉ 1,9 tỉ đồng. Hiện Sở Xây dựng Đà Nẵng đề nghị sử dụng khu đất này để mở rộng diện tích cho công viên 29-3, nhằm bố trí bãi để xe cho công viên.

Bài học

Ngày 26-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Đức Thứ, giám đốc Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng, nói: “Việc thu hồi hai lô đất trên không phải là việc mở rộng công viên 29-3 mà là trả lại đất đúng nghĩa cho công viên. Trước đây, việc cắt hai khu đất của công viên để chuyển giao cho nhà đầu tư là một việc làm đáng tiếc. Tại thời điểm đó, công ty đã có văn bản không đồng tình về chủ trương thu hồi đất công viên giao cho nhà đầu tư. Tuy nhiên đó là chủ trương của TP nên buộc chúng tôi phải chấp hành. Bây giờ nếu TP đã có chủ trương như vậy thì chúng tôi rất mừng, công ty có điều kiện mở rộng không gian xanh, nâng cấp công viên để người dân có điểm nghỉ ngơi, giải trí”.

Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, phó chủ tịch Hội Quy hoạch Việt Nam kiêm chủ tịch Hội Quy hoạch Đà Nẵng, cho rằng việc Đà Nẵng chủ trương lấy lại khu đất đã bán để trả lại cho công viên là việc làm đúng đắn. “Có thể trong một giai đoạn nào đó công tác quy hoạch sử dụng đất chưa phù hợp thì nay phải điều chỉnh lại. Tuy nhiên vì mục tiêu khai thác quỹ đất để đảm bảo cho thu ngân sách mà xẻ bán các khu đất công cộng là điều không nên làm” – ông Huy nói.

Ông Đỗ Thành Nhân, nguyên uỷ viên Uỷ ban MTTQ VN Đà Nẵng, người từng nhiều lần lên tiếng yêu cầu trả lại đất cho công viên 29-3, nói: “Việc TP ra chủ trương thương lượng lấy lại hai khu đất này là tín hiệu tích cực của lãnh đạo TP lắng nghe tâm nguyện của người dân. Đó cũng là cách sửa sai sót, là bài học kinh nghiệm về việc xẻ bán đất công viên”.

Hoán đổi vị trí cho nhà đầu tư

Ông Lê Tùng, phó chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, vừa ký thông báo ý kiến của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. Theo đó, đồng ý về nguyên tắc theo đề xuất của Sở Xây dựng về việc lập quy hoạch điều chỉnh mở rộng ranh giới công viên 29-3. Giao sở phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc cụ thể với chủ sử dụng các khu đất trụ sở làm việc và Trung tâm Dịch vụ hàng không Việt Nam của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – chi nhánh khu vực miền Trung và khu đất có diện tích khoảng 655m2 tại khu vực phía nam công viên, tiến hành khảo sát và đề xuất chọn địa điểm thay thế phù hợp, đề xuất vị trí di dời cụ thể, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định trước ngày 15-6-2015. 

Trong khi đó ông Hồ Quang Tuấn – giám đốc chi nhánh Tổng công ty Hàng không Việt Nam tại miền Trung – cho biết hiện tại chưa có cuộc làm việc chính thức giữa tổng công ty và UBND TP Đà Nẵng về vấn đề trên. Phía tổng công ty luôn mong muốn phát triển cơ sở làm việc phù hợp với quy hoạch của thành phố, vừa đảm bảo lợi ích cộng đồng vừa đảm bảo doanh nghiệp ổn định và yên tâm hoạt động.

H.KHÁ - T.PHÙNG

 

HỮU KHÁ