10/01/2025

Lợi ích nhóm có nguy cơ lan rộng

PGS.TS Lê Quốc Lý – phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chủ biên công trình “Lợi ích nhóm, thực trạng và giải pháp” – đã nhận định như trên.

 

Lợi ích nhóm có nguy cơ lan rộng

 

 PGS.TS Lê Quốc Lý – phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chủ biên công trình “Lợi ích nhóm, thực trạng và giải pháp” – đã nhận định như trên.


 

 

Ông Lê Quốc Lý, phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Ảnh: V.V.T.
Ông Lê Quốc Lý, phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – Ảnh: V.V.T.
Những biểu hiện của lợi ích nhóm tiêu cực đã được xã hội tổng kết thành các hành vi “chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương”. Và dư luận xã hội đã tổng kết muốn có chức quyền, lợi ích phải có “tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ và cuối cùng mới là trí tuệ”
Nguồn: “Lợi ích nhóm, thực trạng và giải pháp”, NXB Chính Trị Quốc Gia, trang 64

Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Quốc Lý – phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – nói như trên khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ xung quanh vấn đề “lợi ích nhóm”.

Ông là chủ biên công trình nghiên cứu “Lợi ích nhóm, thực trạng và giải pháp” (NXB Chính Trị Quốc Gia, 2014).

Đáng sợ nhất là len lỏi vào đời sống chính trị

* Thưa ông, là chủ biên công trình nghiên cứu “Lợi ích nhóm, thực trạng và giải pháp”, ông nhìn nhận như thế nào về thực trạng của vấn đề này?

– Chúng ta đều biết lợi ích là động lực cho con người phát triển theo nghĩa tích cực. Nhưng “lợi ích nhóm” mà chúng ta đang nói đến ở đây hàm nghĩa một nhóm người nào đó lấy lợi ích của nhóm mình làm trung tâm, làm mục tiêu duy nhất để hành động, xa rời lợi ích chung của đất nước, của xã hội.

Khi nói đến việc chống “lợi ích nhóm”, chúng tôi nhận thức Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn nói đến việc chúng ta phải chống cách sống, cách suy nghĩ, cách hành động vừa nêu.

Ở nước ta hiện nay, nếu nói tham nhũng đang diễn ra phức tạp, nghiêm trọng thì tình hình “lợi ích nhóm” cũng không kém. Nó đang có nguy cơ lan rộng và thấm sâu vào các mặt của đời sống xã hội. Chúng ta thử hình dung trong một lĩnh vực cụ thể. Vào cuối tháng 5, tại cuộc họp về đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá,

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu: “Cán bộ bao che, tiếp tay, bảo kê cho buôn lậu chứ các đối tượng cầm đầu không tài giỏi đến mức các cơ quan chức năng không biết và không xử lý được”.

Bản chất của mối quan hệ “bao che, tiếp tay, bảo kê” đó là gì? Chính là sự câu kết và phân chia lợi ích giữa những người có nhiều tiền và những người có quyền lực. Bảo kê của những người có chức, có quyền cho doanh nghiệp buôn lậu là loại hình quan hệ không còn xa lạ ở Việt Nam, có thể “điểm danh” qua những vụ án đã được xét xử như Tân Trường Sanh, Hang Dơi, trường hợp một nguyên lãnh đạo của tỉnh Lào Cai tiếp tay cho buôn lậu thuốc lá trong vụ Thiên Lợi Hoà…

* Theo ông, “lợi ích nhóm” theo nghĩa tiêu cực thường vận động vì mục đích kinh tế hay còn mục đích nào khác?

– Nguy hiểm của “lợi ích nhóm” theo nghĩa tiêu cực không chỉ trong những lĩnh vực, sự việc cụ thể và vì lợi ích kinh tế cụ thể nào đó. Thật ra mối quan hệ giữa quyền và tiền hoà quyện, dắt dây nhau với cái đích chung là đạt được lợi ích cá nhân, lợi ích phe nhóm bất chấp ảnh hưởng tiêu cực đến số đông còn lại. 

Các nghiên cứu và thực tiễn về vấn đề này trên thế giới chỉ ra rằng đáng sợ nhất là khi “nhóm lợi ích” len lỏi vào đời sống chính trị. Tôi nói ví dụ như câu chuyện bỏ phiếu bầu bán, kéo bè kéo cánh. Nếu để “lợi ích nhóm” chi phối thì người tốt chưa chắc phiếu đã cao, thậm chí ngược lại.

“Bệnh” phát ra bên ngoài của “lợi ích nhóm” là tham nhũng, tiêu cực, chạy chức chạy quyền… Vấn đề ở chỗ chúng ta phải nắm bắt được quy luật hình thành và sự vận động đằng sau của nó để đề ra giải pháp chặn từ gốc.

Xây dựng cơ chế giám sát của dân

* Làm thế nào để chặn từ gốc, thưa ông?

– Con người có “tháp nhu cầu”, từ nhu cầu cơ bản trong đời sống hằng ngày đến nhu cầu bậc cao về địa vị xã hội. Chúng ta phải nhìn nhận sự tồn tại khách quan và sự vận động tất yếu của các nhóm lợi ích, đặc biệt trong cơ chế thị trường và xã hội hiện đại.

Trên cơ sở đó, một mặt đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; mặt khác xây dựng hành lang pháp lý về các nhóm lợi ích và hoạt động của các nhóm lợi ích theo những giá trị chuẩn chung, có sự điều chỉnh của luật pháp và đặc biệt là sự giám sát của xã hội.

Chúng tôi cho rằng xây dựng cơ chế giám sát của nhân dân đối với quyền lực nhà nước là một trong những giải pháp quan trọng nhất để khắc phục “lợi ích nhóm” ở nước ta hiện nay.

Đi vào cụ thể thì có nhiều cơ chế như thông qua bầu cử, thông qua cơ chế bãi miễn của nhân dân, bảo đảm các quyền tự do của công dân đã được quy định trong Hiến pháp…

Nghiên cứu cơ chế và luật pháp về “vận động hành lang” ở các nước để từng bước áp dụng các chính sách phù hợp trong điều kiện nước ta.

* Ví dụ để chống kéo bè kéo cánh trong bầu bán như ông nêu ở trên cần giải pháp nào?

– Phải đổi mới hơn nữa công tác cán bộ, tăng tính công khai, minh bạch. Chẳng hạn nhiều ý kiến đã đề cập việc nghiên cứu, triển khai thực hiện tranh cử trước nhân dân đối với các chức danh bầu cử và thi tuyển công khai đối với các chức vụ quản lý.

Chúng ta khẳng định những thành tựu trong công tác cán bộ lâu nay, nhưng cũng phải thấy về nguyên lý, tranh cử công khai trước nhân dân sẽ góp phần loại trừ chuyện bè phái nếu có. Đó cũng chính là sự tin tưởng vào tai mắt và công tâm của người dân, tin tưởng vào bộ lọc của số đông.

* Hiện nay, ông lo lắng nhất điều gì với những biểu hiện và diễn biến của “lợi ích nhóm”?

– Nghị quyết trung ương 4 đã chỉ ra một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… Tôi lo lắng nhất là sự suy thoái ở một số cán bộ đó.

Đây là những người mà hành động của họ có tác động lớn đến xã hội. Chính vì vậy, với tư cách là một công dân, tôi mong mỏi cán bộ các cấp thấy được rằng ở vị trí của họ thì điều quan trọng nhất là danh dự. Lịch sử sẽ ghi lại những việc làm của anh.

Con người ta có cái chết sinh học theo quy luật. Cũng có những người đang sống với chức tước đàng hoàng, nhưng họ đã “chết” trong lòng nhân dân vì làm những điều đi ngược lại lợi ích của đại bộ phận dân chúng và của đất nước.

Đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm:

Ông Cao Sĩ Kiêm - Ảnh: V.D.
Ông Cao Sĩ Kiêm – Ảnh: V.D.

“Lợi ích nhóm” rất rõ trong hoạt động ngân hàng

“Lợi ích nhóm” là vấn đề nổi lên đã nhiều năm nay. Trong văn kiện của Đảng, báo cáo của một số cơ quan chức năng đã có đề cập vấn đề này. Hiện nay “lợi ích nhóm” biểu hiện ở nhiều lĩnh vực và đều có tác hại rất nguy hiểm. Ví dụ, “lợi ích nhóm” trong hoạt động ngân hàng rất rõ thông qua sở hữu chéo, quản lý rủi ro lỏng lẻo.

Về nguyên lý, hoạt động của ngân hàng phải tuân theo những quy định rất chặt chẽ, cả quy định pháp luật cũng như quy định nội bộ, quyền lợi của cổ đông phải bình đẳng, đảm bảo quyền lợi của cổ đông nhỏ.

Nhưng trong thực tế có những tổ chức tín dụng bị chi phối bởi một nhóm cổ đông, giữ chức danh lãnh đạo trong tổ chức tín dụng. Đó chính là “lợi ích nhóm”. Nhóm cổ đông này lợi dụng ngân hàng để phục vụ các công ty sân sau của mình, dẫn đến nợ xấu.

Theo tôi, “lợi ích nhóm” không chỉ xảy ra ở một ngành mà xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp. Nơi nào nghiêm túc, có người đứng đầu chỉ đạo đứng đắn, có tổ chức Đảng, chính quyền đoàn thể mạnh thì bớt đi. Còn nơi nào người đứng đầu không có trách nhiệm thì nó nhiều lên.

Vấn đề hiện nay là chúng ta nói nhiều đến “lợi ích nhóm” nhưng về mặt khái niệm, định danh chưa rõ. Nói chung chung “lợi ích nhóm” là gì thì nhiều người nói được, nhưng để xác định nó trong thực tiễn phải cụ thể hơn nhiều.

Ở các cấp, các ngành “lợi ích nhóm” biểu hiện ra sao, ở mức độ nào? Phải có định nghĩa rõ ràng để làm cơ sở cho người dân nhìn vào giám sát, để các cơ quan chức năng căn cứ vào đó có thể kết luận ngay. Khi định nghĩa rõ ràng rồi thì trong chọn lựa cán bộ hay đánh giá phong trào sẽ thuận lợi hơn.

Như vậy, yêu cầu trước hết phải xác định như thế nào là “lợi ích nhóm”? Chúng ta phải cụ thể hóa bằng luật pháp, bằng cơ chế, bằng quy định, bằng điều lệ.

Điều quan trọng là quy định rõ ràng trách nhiệm của người đứng đầu trong việc làm gương, trong việc không được để xảy ra “lợi ích nhóm” ở cơ quan, đơn vị mình.

Tiếp theo phải có địa chỉ, tránh tình trạng như lâu nay là “không dám chỉ”, “không muốn chỉ”, “không thích chỉ” vì lý do nếu “anh chỉ tôi” thì “tôi chỉ anh”…

V.V.T. ghi

Dư luận xôn xao về quyền lực ngầm…

 “Hiện tượng các doanh nghiệp bao cấp cho một số quan chức dưới hình thức cung cấp dịch vụ VIP không mất tiền như chơi golf, du lịch, du học của con cái… không phải không có, nhưng không có số liệu thống kê chính thức. Những xôn xao trong dư luận về các doanh nhân có quyền lực ngầm trong quan hệ với quan chức không phải là ít…

Theo kết quả khảo sát xã hội học do Thanh tra Chính phủ chủ trì có sự tham gia hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới năm 2012, 50% doanh nghiệp được hỏi cho rằng nhóm các doanh nghiệp có quan hệ với quan chức có ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ hơn đến hoạch định chính sách, trong khi số phản đối chỉ chiếm 10%”.

Nguồn: “Lợi ích nhóm, thực trạng và giải pháp”, NXB Chính Trị Quốc Gia, trang 96-97

VÕ VĂN THÀNH thực hiện