09/01/2025

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống B – 2015: Thở được Thần Khí của Chúa Giêsu Kitô

Chúa Thánh Thần Hiện Xuống như gợi ý cho chúng ta kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu để đón nhận tất cả những ân phúc của Ngài và bắt đầu đi khắp nơi loan báo Tin Mừng của Đấng Phục Sinh cho muôn loài thọ tạo.

 Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống B – 2015

Thở được Thần Khí của Chúa Giêsu Kitô  

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống kết thúc mùa Phục Sinh để mở ra mùa Thường Niên như gợi ý cho chúng ta kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu để đón nhận tất cả những ân phúc của Chúa Thánh Thần và bắt đầu đi khắp nơi loan báo Tin Mừng của Đấng Phục Sinh cho muôn loài thọ tạo. Các tông đồ đã sống mầu nhiệm ấy và Giáo Hội trong suốt nhiều thế kỷ luôn mời gọi chúng ta thực hiện được mầu nhiệm ấy trong đời sống của mình. Chúng ta dành ít phút để suy niệm mầu nhiệm này.

1. Cuộc biến đổi kỳ diệu nhờ Chúa Thánh Thần

Bài đọc I hôm nay (x. Cv 2,1-11) kể cho ta nghe về cuộc biến đổi kỳ diệu của các môn đệ Chúa Giêsu: “Họ được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần”. Các tông đồ xưa, sau khi nhận được Chúa Thánh Thần, tất cả đều đi ra, vượt qua mọi sợ hãi để can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu và thể hiện những ơn lạ của Chúa Thánh Thần cho mọi người.

Chúng ta ước ao được Chúa Thánh Thần biến đổi. Ngài là nguồn của biết bao ân sủng, Ngài sẵn sàng ban những ơn ấy để ta phục vụ Giáo Hội và làm sáng danh Chúa. Chúa Thánh Thần có 7 ơn căn bản mà ta thường nhắc đến. Ngoài ra, Ngài còn ban cho ta các “hiện sủng”, tức là ơn huệ để giúp ta thực hiện nhiệm vụ hiện tại của mình. Chẳng hạn như ban cho người làm cha, làm mẹ, làm con… ơn để giúp sống đúng với bậc sống của mình. Nếu như ai đang đảm nhận một nhiệm vụ nào đó, thí dụ như: làm giám đốc một xí nghiệp, làm chủ một cửa hàng, làm linh mục hay tu sĩ… thì Chúa Thánh Thần ban những hiện sủng để giúp người đó hoàn thành nhiệm vụ.

Loại ơn thứ ba là các “đoàn sủng”. Đó là những ơn để phục vụ cộng đoàn. Cộng đoàn hay xã hội chúng ta đang có nhiều người đau ốm thì Chúa Thánh Thần ban cho ta ơn chữa lành. Cộng đồng đang cần người biết xua trừ ma quỷ để giải thoát anh chị em, cần người dạy dỗ, nói tiên tri, cần người phục vụ trong mọi lĩnh vực thì Ngài ban cho chúng ta các đoàn sủng cần thiết.

Nhưng muốn thế, chúng ta phải làm gì?

2. Đón nhận Thần Khí của Chúa Giêsu

Chúa Giêsu hiện ra ngay ngày Người sống lại, thổi hơi trên các tông đồ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần“. Chúa Thánh Thần là Ngôi Thứ Ba Thiên Chúa, Ngài là nguồn của tất cả ân sủng chúng ta vừa nói, là món quà quý giá nhất sau Chúa Giêsu mà Chúa Cha ban tặng cho chúng ta. Món quà đầu tiên là Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, mà Thiên Chúa Cha vì yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài cho chúng ta. Món quà thứ hai, được Chúa Giêsu ban cho chúng ta là chính Thánh Thần của Người để Ngài thánh hoá chúng ta, nghĩa là làm cho chúng ta nên thánh, làm cho chúng ta trở thành thánh như Thiên Chúa là đấng thánh.

Cử chỉ tượng trưng của Chúa Giêsu thổi hơi trên các môn đệ như muốn gợi ý cho chúng ta nhớ lại rằng: từ thưở ban đầu, khi dựng nên vũ trụ vạn vật, Chúa đã để cho Thần Khí bay là là trên mặt nước và đã thổi Thần Khí vào khối bùn đất bất động để dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ngài (x. St, 1-3). Sau khi con người sa ngã, đánh mất nguồn ân sủng, Chúa Giêsu tái tạo họ bằng luồng Thần Khí mới mẻ của Người để họ trở thành con Thiên Chúa giống như Người. Đây là cuộc tạo dựng mới. Phải đợi đến Lễ Ngũ Tuần thì cuộc tạo dựng này mới phát huy trọn vẹn hiệu quả khi các Tông Đồ phá tung các cửa để loan báo Chúa Giêsu cho mọi người bằng những ân sủng diệu kỳ.

3. Thở được Thần Khí của Chúa Giêsu

Thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay (x. 1Cr 12,3b-7;12-13) đã gợi ý cho ta hiểu là Chúa Thánh Thần cần thiết trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu như thế nào. Tất cả mọi người chúng ta đều là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm ấy. Muốn cho cơ thể ấy sống động và phát triển, giống như cơ thể của con người phải ăn, phải uống, phải thở, thì ta cũng phải ăn uống Mình Máu Chúa Kitô, phải sống nhờ Lời từ miệng Chúa phán ra và phải thở được Thần Khí của Người.

Chúng ta thường lo ăn nhiều hơn là uống: bỏ đi một ngày không ăn là thấy cơ thể mình dường như không còn sức lực; nhưng chúng ta nhịn ăn 30-40 ngày mới chết, và chỉ cần 1,5kg lương thực một ngày. Chúng ta chỉ nhịn uống tối đa 3-4 ngày là chết vì 62% cơ thể chúng ta là nước. Cái thiếu nhất đối với người Việt Nam chúng ta, đó là khí thở. Trung bình mỗi người cần một lượng khí cho một lần thở là 2.000-2500ml (x. G. Polgar và V. Promadhat, the American Review of Respiratory Diseases, số 3, bộ 120, th.9/1979), nhưng hầu hết nhiều người chỉ thở được 1.000ml, cao lắm là 1.500ml. Trong số hơn 10.000 bệnh nhân mà tôi có dịp tiếp xúc trong mấy chục năm qua, khi đo khí thở thì có tới 98% những người bệnh thở không đủ.

Chúng ta thường lầm tưởng khí thở tự nhiên lọt vào buồng phổi của mình. Thật ra, chúng ta cần tập thở và phải thở nhiều thì cơ thể chúng ta mới khoẻ mạnh. Mỗi người thường có từ 60, 70, 80 vòng quay máu trong một phút. nghĩa là chưa đầy một giây, chúng ta có một lượng máu chuyển khắp cơ thể, Lượng máu ấy đang từ màu đen được chuyển sang phổi để nhận dưỡng khí, và lập tức biến thành máu đỏ, rồi đưa ngược về tim để tim chuyển đến từng tế bào trong cơ thể của chúng ta; kèm theo dòng máu đó là những chất bổ dưỡng được hoà lẫn trong máu. Nhờ có dưỡng khí mà từng tế bào mới sống được.

Đặc biệt hơn, một lượng khí qua máu sẽ đưa lên não để nuôi 16 tỉ tế bào thần kinh, nhờ đó não mới phát ra các lệnh cho toàn cơ thể hoạt động. Nếu vì một lý do nào đó não phát lệnh kém đi qua triệu chứng mà ta thường gọi là “thiếu máu não”, cơ thể thường thấy lạnh và rất nhiều bộ phận không hoạt động là nguyên nhân gây bệnh. Nhiều em học sinh học kém, không nhớ được là do bộ não không đủ khí. Nếu chúng ta thở đủ khí, chúng ta có thể suy nghĩ, làm việc gấp đôi, gấp ba so với bình thường; chúng ta sẽ khoẻ và các bộ phận đang bị bệnh sẽ tự động hồi phục nhờ có lệnh của thần kinh từ não xuống.

Nói như vậy để gợi ý với anh chị em qua bài đọc II., Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta là chi thể trong thân thể nhiệm mầu của Chúa Giêsu: nếu chúng ta không thở được Thần Khí của Người thì làm sao biến đổi dòng máu đen tội lỗi với những tham vọng và dục vọng của chúng ta thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Người. Vì thế, Giáo Hội hôm nay đang thiếu hoạt động, thiếu phát triển, thiếu kết quả truyền giáo. Giáo Hội yêu cầu chúng ta hãy vận động mọi ân huệ mà Chúa Thánh Thần ban để trở thành những người chứng sống động của Chúa Giêsu như các môn đệ thời Giáo Hội sơ khai.

Chúng ta hãy tập thở Thần Khí mỗi ngày bằng cách nhớ đến Chúa Thánh Thần và nói: “Lạy Chúa Thánh Thần, con yêu mến Chúa, xin Chúa chúc lành cho công việc này của con“. Hoặc tốt hơn nữa, mỗi ngày ta dành chừng vài ba phút trước khi ngủ trưa, ngủ tối hay trong lúc làm việc, chúng ta hít vào từ từ, đang khi hít khí tự nhiên vào, chúng ta nói thầm với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa xin ban Thần Khí của Chúa cho con“. Qua lời cầu nguyện này, Chúa Giêsu ban cho ta những ơn lành của Chúa Thánh Thần. Rồi khi chúng ta thở từ từ thán khí ra khỏi con người, chúng ta cũng xin Chúa Thánh Thần đẩy những tà khí ra khỏi tâm trí bằng lời nói thầm với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin đuổi tà khí ra khỏi người con“. Tà khí đó là những buồn phiền, chán nản, giận hờn, lo lắng, sợ hãi, thất vọng và tất cả những gì xấu xa trong lòng ta. Mỗi lần thở như thế là ta thanh tẩy ký ức, thanh tẩy con người thiêng liêng của mình, từ đó ta sẽ phát huy sự sống kỳ diệu Chúa ban.

Lời kết

Hôm nay, chúng ta hãy kết hợp với Chúa Giêsu Phục Sinh để xin Chúa Thánh Thần ban muôn ơn lành cho ta, làm cho cơ thể sống động của Giáo Hội và từng người chúng ta tràn đầy ơn phúc, niềm vui, bình an và tình yêu của Ngài. Chúng ta cũng sẽ can đảm nói về Chúa Giêsu cho mọi  người và hành động theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần để làm chứng cho Người như các tông đồ xưa. Như thế là ta đang tham dự vào Lễ Hiện Xuống mới.