27/11/2024

Sẽ có phần mềm chống đạo văn liên trường

Lần đầu tiên, gần 20 trường ĐH đã ngồi cùng nhau để xây dựng một mạng lưới hành động vì liêm chính học thuật.

 

Sẽ có phần mềm chống đạo văn liên trường

 

 

Lần đầu tiên, gần 20 trường ĐH đã ngồi cùng nhau để xây dựng một mạng lưới hành động vì liêm chính học thuật.



Hội nghị “Liêm chính học thuật” diễn ra hôm qua 29.5, do CLB FACE (Trường ĐH Hoa Sen) và Tổ chức Hướng tới minh bạch phối hợp tổ chức.
Sẽ có phần mềm  chống đạo văn liên trường Sinh viên các trường tham gia hoạt động “Nói không với quay cóp” trên giảng đường – Ảnh: CLB FACE cung cấp
Báo động vi phạm liêm chính học đường
Tại hội nghị, đại diện nhiều trường cho rằng vi phạm liêm chính học thuật hiện nay rất đáng báo động.
Tiến sĩ Phạm Quốc Lộc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cho biết có sinh viên còn đặt ra câu hỏi rất thách thức như: “Nếu em không đạo văn nữa thì em được gì?”. Chính những điều đó khiến trường quyết định cần nâng cao nhận thức của sinh viên về vấn đề này trước. Cũng từ đó, trường thành lập Ban Liêm chính học thuật, mua quyền sử dụng phần mềm Turnitin phát hiện sao chép, tập huấn trích nguồn…
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, thông báo kết quả khảo sát trường ông thực hiện đối với tân sinh viên cách đây vài năm. Trong đó, với câu hỏi: “Bạn đã từng thực hiện sao chép nguyên bản bài viết của các tác giả trên mạng… mà không trích dẫn chưa?”, có đến 49% trả lời: “Đã từng”. Đặc biệt, khi được hỏi: “Lý do không ghi trích dẫn khi sao chép nội dung của người khác?”, có 36% trả lời: “Không biết cách trích dẫn”, 12% nói: “Không nhớ tác giả là ai”, 15% cho rằng: “Không thể viết hay hơn nên phải trích dẫn”.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Trung tâm khảo thí và kiểm định chất lượng, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho rằng tình trạng sao chép rất phổ biến trong các trường ĐH. Sinh viên sao chép của sinh viên trước, học viên cao học chép của sinh viên bậc ĐH… “Nguy hiểm ở chỗ người ta xem đó là điều bình thường”, thạc sĩ Trung nói.
Tiến sĩ Trần Long Giang, Trường ĐH Hàng hải, cho rằng từ khi internet phổ cập rộng rãi, đạo văn đã gia tăng rất nhanh.
Trường ĐH liên kết chống đạo văn
Về giải pháp, đa số các trường cho biết đang áp dụng phần mềm phát hiện sao chép. Chẳng hạn phần mềm Turnitin tại ĐH Hoa Sen và ĐH Hàng hải, có thể truy quét khoảng 4,5 tỉ trang web đang hoạt động trên mạng, dùng để phát hiện sự tương đồng của các luận văn, đồ án.
Phần mềm của riêng Trường ĐH Duy Tân phát triển cũng kiểm tra các tài liệu để so sánh, đối chiếu với luận văn, đồ án của sinh viên…
Tiến sĩ Phan Huy Hùng, Giám đốc Trung tâm đảm bảo chất lượng và khảo thí, Trường ĐH Cần Thơ, cũng cho biết trường đang viết một phần mềm để phát hiện sự sao chép này.
Tuy nhiên, ông Phạm Anh Dương, Tổ chức Hướng tới minh bạch, đặt ra câu hỏi: “Các phần mềm này sử dụng nguồn dữ liệu thế nào? Chỉ phát hiện được việc đạo văn trong phạm vi của trường hay trên cả nước?”. Nhiều đại biểu cho rằng nếu cơ sở dữ liệu không tốt, không rộng rãi, chỉ áp dụng dữ liệu của một trường thì không giải quyết rốt ráo vấn đề. Sinh viên có thể lấy thông tin của trường khác thì phần mềm trong trường không thể phát hiện được. Vì thế, đại biểu các trường đồng ý gia nhập mạng lưới “Các trường ĐH hành động vì liêm chính học thuật”. Các trường thống nhất khuyến khích chia sẻ cơ sở dữ liệu luận văn, đồ án, sách tham khảo… của các trường cho việc áp dụng chung phần mềm chống đạo văn.

Đăng Nguyên