09/01/2025

Ngày hè cho trẻ phố thị

Con nghỉ hè nhưng hầu hết cha mẹ vẫn đi làm nên những ngày hè vui chơi, thư giãn, nghỉ ngơi của trẻ thường bị ảnh hưởng bởi những kế hoạch “dài hạn” của cha mẹ.

 

Ngày hè cho trẻ phố thị

 

 Con nghỉ hè nhưng hầu hết cha mẹ vẫn đi làm nên những ngày hè vui chơi, thư giãn, nghỉ ngơi của trẻ thường bị ảnh hưởng bởi những kế hoạch “dài hạn” của cha mẹ.  



Nào là học thêm ngoại ngữ, học trước chương trình, học các môn năng khiếu…

Cho con một mùa hè đúng nghĩa với các hoạt động vui chơi hợp lý - Ảnh: Hữu Khoa
Cho con một mùa hè đúng nghĩa với các hoạt động vui chơi hợp lý – Ảnh: Hữu Khoa
Có cha mẹ do áp lực tâm lý bởi thấy các bạn của con đi học thêm hết môn này đến môn khác, còn các trung tâm ngoại ngữ – kỹ năng… thì quảng cáo rầm rộ với lời giới thiệu hấp dẫn nên phụ huynh cũng không nỡ để con được… nghỉ ngơi hết những ngày hè

Chị Hà (ngụ Biên Hoà, Đồng Nai) chia sẻ: “Tôi rất muốn hè này cho con học thêm những kiến thức cơ bản về toán của chương trình lớp 8. Hơn nữa cha mẹ đi làm cả ngày, cho con đi học thêm cũng là cách quản lý con, tránh dẫn đến những thói hư tật xấu”.

Không chỉ vậy, chị còn nhấn mạnh: “Ngày hè bây giờ chỗ nào cũng dạy thêm, học thêm. Không cho con đi học thêm là lạc hậu, vào năm mới con mình sẽ lép vế hơn các bạn cùng lớp”.

Cùng tâm lý như chị Hà, anh Thanh (Q.1, TP.HCM) tâm sự: “Mấy năm trước con tôi vì không đi học thêm nên kết quả học tập thua kém bạn bè. Tôi chưa muốn cho con học các lớp kỹ năng bởi bé còn phải tăng cường các môn kiến thức chứ không thì khó theo kịp”.

Muốn con bằng bạn bằng bè

Không ít cha mẹ gửi con đến các trung tâm dạy thêm để có thể thuận lợi cho việc quản lý vì họ nghĩ đó là cách quản con tốt nhất ngày hè, vừa nâng cao kiến thức vừa không để con bị lôi kéo, cám dỗ bởi các trò chơi không lành mạnh.

Có phụ huynh cho con học thêm là để đón đầu kiến thức, với suy nghĩ ngày hè nên cho con học trước chương trình để sang năm học mới trẻ dễ tiếp thu, đạt kết quả tốt. Nhất là khi trẻ bước vào lớp 1, cha mẹ thấy con học mẫu giáo đã đọc thông viết thạo, lúc vào lớp 1 sẽ không phải học lại chương trình cơ bản.

Lại có cha mẹ muốn con phát triển toàn diện nên cho con đến các trung tâm Anh ngữ, các lò luyện võ, các lớp học kỹ năng với mong muốn cho con biết nhiều thứ càng tốt. Sáng học, chiều học, tối học…, một ngày đầy ắp kế hoạch “chạy sô”.

Có cha mẹ do áp lực tâm lý bởi thấy bạn của con đều học thêm hết môn này đến môn khác, còn các trung tâm thì quảng cáo rầm rộ với lời giới thiệu hấp dẫn nên họ không nỡ để con được nghỉ ngơi hết những ngày hè.

Chọn những điều bổ ích

Nếu cho con trẻ học thêm vì những lý do trên có thể không đem lại kết quả tốt đẹp, thậm chí chỉ mang lại những hệ quả xấu. Nếu cần để quản con thì sẽ có nhiều cách chứ không nhất thiết bắt con phải học thêm.

Cha mẹ có thể cho con trẻ về quê cùng ông bà nội ngoại, họ hàng để con trẻ vừa được hòa vào thiên nhiên ruộng đồng, vừa rèn thể lực, bồi bổ tâm hồn vừa học được những cách ứng xử mới.

Nhất là trẻ sẽ phát triển tốt những cảm xúc, những thói quen sống cộng đồng, khi trở lại thành thị trẻ sẽ có cách sống mới, nhất là “tình làng nghĩa xóm”, “tối lửa tắt đèn có nhau”.

Cũng có thể cho trẻ làm việc nhà, nếu quá bận rộn cha mẹ có thể giao cho con một số công việc nhất định như lau nhà, nấu nướng, giặt giũ, dạy em học…

Những công việc này sẽ rèn cho trẻ ý thức được giá trị lao động, đồng thời giảm bớt được những nguy cơ nảy sinh các hành vi tuỳ tiện. Tất nhiên phụ huynh cần theo dõi, định hướng, điều chỉnh sao cho phù hợp giữa học và chơi, chơi để học. Ngoài ra, cha mẹ có thể cho con cùng đi công viên, siêu thị… để tạo thêm hứng thú mới cho trẻ.

Vì đón đầu kiến thức? Điều này có thể đem đến tác dụng ngược. Mỗi độ tuổi đều có hoạt động chủ đạo phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý. Tuổi mẫu giáo hoạt động chủ đạo là chơi, tiểu học thì học tập, trung học cơ sở là giao tiếp…

Và như vậy, nếu mẫu giáo mà dạy trẻ biết đọc thông viết thạo là trái với quy luật, khi vào lớp 1 trẻ không hứng thú, thậm chí còn lười biếng vì tâm lý “biết trước”, đồng thời trẻ khó phát huy được tính tích cực trong học tập.

Vì muốn con phát triển toàn diện? Sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ muốn con phát triển nhiều mặt trong thời gian hè là một sai lầm nghiêm trọng. Không thể rèn được cho trẻ thói quen biết đồng cảm, chia sẻ với người khác chỉ thông qua vài buổi học kỹ năng sống, điều đó đòi hỏi cả quá trình rèn luyện lâu dài từ môi trường gia đình, nhà trường đến các tác động của xã hội mới có thể hình thành những phẩm chất cần thiết ở trẻ.

Vậy thì ngoài việc cho con đi học bơi, học võ, phụ huynh có thể cho con được làm “nông dân” ở làng quê thực thụ sẽ giúp con trẻ phát triển tự nhiên và bền vững… Do đó phụ huynh không nên ôm đồm quá mức để hi vọng vào nhiều kết quả tốt đẹp. Cần kết hợp giữa “học mà chơi, chơi để học” là mục tiêu chủ yếu ngày hè.

Có thể nói giải pháp nào cho con ở thành thị là vấn đề khá phức tạp. Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh mỗi gia đình mà cho con trẻ sử dụng thời gian ngày hè hợp lý. Nhưng quan trọng nhất là để trẻ có mùa hè đúng nghĩa thật bổ ích, an toàn và lý thú.

 

ThS tâm lý 
NGUYỄN VĂN CÔNG