10/01/2025

‘Cái nhìn bên ngoài’ về Việt Nam xưa

Những hình ảnh quý báu về VN từ cách đây hơn một thế kỷ nằm trong bộ sưu tập ảnh đồ sộ của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp vừa được giới thiệu trong triển lãm Tính đa dạng của VN

 

‘Cái nhìn bên ngoài’ về Việt Nam xưa

 

 

Những hình ảnh quý báu về VN từ cách đây hơn một thế kỷ nằm trong bộ sưu tập ảnh đồ sộ của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp vừa được giới thiệu trong triển lãm Tính đa dạng của VN, khai mạc tối 28.5, kéo dài đến 28.6, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97A Phó Đức Chính, Q.1).



 

Những thầy đồ người Hoa và người An Nam, lính khố xanh, Tòa công sứ Pháp tại Hàng Gai, Hà Nội, năm 1884 - Ảnh: C.T

Những thầy đồ người Hoa và người An Nam, lính khố xanh, Toà  công sứ Pháp tại Hàng Gai, 
Hà Nội, năm 1884 – Ảnh: C.T

Triển lãm giới thiệu hơn 100 bức ảnh được lựa chọn từ kho ảnh lưu trữ hơn 200.000 tấm phim âm bản của Viện Viễn Đông bác cổ (EFEO). Đây là nguồn tư liệu vô cùng quý giá, có giá trị đặc biệt về đời sống, văn hóa VN trong suốt nửa đầu thế kỷ 20.
Các tác phẩm nhiếp ảnh đã giới thiệu được những nét văn hoá truyền thống cũng như các địa danh nổi tiếng trong lịch sử VN và là bằng chứng về sự phong phú, đa dạng của nền văn hóa VN đối với những người quan sát nước ngoài bao gồm các nhà khoa học, khảo cổ học, những nhà nhiếp ảnh nghiệp dư trong suốt nửa đầu thế kỷ 20.
Tính đa dạng của VN đưa người xem vào hành trình đến với tâm điểm truyền thống và các địa danh nổi tiếng trong lịch sử VN, đồng thời gợi mở hướng đi cho những học giả trong và ngoài nước tìm tòi, khám phá những giá trị của đất nước, con người VN trong giai đoạn cận – hiện đại.
Góc nhìn sống động
Cuộc trưng bày đáng chú ý này đã cung cấp một góc nhìn đầy sống động, chân thực về nghiên cứu khảo cổ học, trùng tu di tích, xây dựng các bảo tàng và cuộc sống con người VN. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, một số di tích quan trọng của VN đã được các nhà khoa học của EFEO khám phá như khu di tích Mỹ Sơn ở Quảng Nam năm 1898 và bãi đá cổ Sapa năm 1924. Quá trình nghiên cứu, khám phá dày công đó đã được ghi lại qua hệ thống ảnh tư liệu giá trị, cho thấy diện mạo của các công trình kiến trúc, di tích của đất nước ta trong quá khứ.
Ba vị quan tại Bình Định, năm 1888

Ba vị quan tại Bình Định, năm 1888

Từ tư liệu hình ảnh của cuộc triển lãm, người xem mới hiểu ra chính EFEO là nơi xây dựng nền móng cho hệ thống bảo tàng lịch sử VN với tổng cộng 5 bảo tàng. Bảo tàng Đông Dương (lập năm 1908, sau đổi thành Bảo tàng Khảo cổ học và dân tộc học Hà Nội; năm 1932 lấy tên là Louis-Finot, tức Bảo tàng Lịch sử VN – một phần của Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngày nay) là bảo tàng lớn nhất do EFEO lập tại VN. Ở Đà Nẵng, Bảo tàng Chăm được hình thành năm 1916. Năm 1936, bảo tàng này trở thành Bảo tàng Henri-Parmentier. Ở Huế, Bảo tàng Khải Định được lập năm 1923 trong đại nội Huế. Tại Sài Gòn, Bảo tàng Blanchard-de-la-Brosse khánh thành năm 1929. Bảo tàng Khảo cổ học Thanh Hoá trưng bày những hiện vật của thời kỳ đồ đồng được thiết kế năm 1936.
Không chỉ có thế, triển lãm còn có rất nhiều hình ảnh thú vị về cuộc sống của những người dân VN trong thế kỷ 20. Đó là cảnh phố buôn bán tấp nập ở Hà Nội trước năm 1922 với những người phụ nữ đội nón ba tầm, cảnh chờ đợi bên những máy nước trên đường phố… Bên cạnh đó, các học giả Pháp đã ghi lại được những hình ảnh rất đáng giá về Lễ tế đàn Nam Giao tại Kinh thành Huế, được thực hiện dưới thời Bảo Đại năm thứ 14 (1939)…
Giá trị lớn về lịch sử, khoa học và văn hóa
Từ khi ra đời, EFEO đã sở hữu một thư viện và kho ảnh. Từ năm 1933 đến 1959, EFEO đã bổ sung thêm nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp là Jean Manikus cùng người phụ tá Nguyễn Hữu Thọ. Họ đã cùng đóng góp một kho di sản với hơn 50.000 phim âm bản.
Gác chuông chùa Keo, Thái Bình năm 1931

Gác chuông chùa Keo, Thái Bình năm 1931

Hiện nay, kho ảnh bảo quản đến 200.000 phim âm bản, gồm nhiều chất liệu khác nhau như: phim kính gelatin-bromua bạc – chủ yếu là phim in nổi, âm bản, dương bản, bản in bạc, ảnh số hoá. Đáng chú ý, do được chụp trên phim kính, các bức ảnh giữ được độ sắc nét cao và những đường nét, hình ảnh sau một thời gian dài vẫn có thể nhìn thấy rất rõ. Các chủ đề của kho ảnh chủ yếu là kiến trúc, khảo cổ, văn khắc, dân tộc học, lịch sử, nghệ thuật…, trong đó lưu trữ một khối lượng lớn tài liệu về VN.
Bộ ảnh lưu trữ này đã tạo nên một kho tư liệu sinh động đa dạng về văn hoá VN và không ngừng phong phú thêm nhờ vào việc nghiên cứu của các giảng viên, nhà nghiên cứu. Họa sĩ – nghệ sĩ thị giác Hoàng Himiko có mặt tại triển lãm cho biết: “Đây là “nhân chứng” cho thời kỳ cách chúng ta gần 1 thế kỷ. Nền văn hóa và lịch sử của VN là một nền văn hoá lịch sử lớn. Những bức ảnh này chính là tư liệu rất quý để chúng ta có thể trải nghiệm về những điều diễn ra ở thời kỳ đó”.
Nhà nghiên cứu Pascal Bourdeaux, đại diện EFEO tại TP.HCM, sinh sống tại VN từ 10 năm nay cho biết: “Triển lãm đã cung cấp “cái nhìn bên ngoài” về VN xưa dưới góc độ của những học giả Pháp am hiểu văn hoá VN vì họ đã sinh sống và làm việc lâu năm tại VN. Xem các bức ảnh, chúng ta thấy được ngày xưa đời sống, phong cảnh, thiên nhiên của VN phong phú, đa dạng ra sao, quả thật rất thú vị để điều tra, phân tích”.
Bà Mã Thanh Cao – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM khẳng định: “Bộ sưu tập được trưng bày không nhiều trong số lượng lớp lưu trữ, nhưng đó là những tư liệu rất quý về lịch sử, khoa học, văn hoá VN bởi được chụp đúng thời điểm lịch sử!”.

Phan Cao Tùng