10/01/2025

Buổi bình chọn cuối năm ở lớp 3B

Sau bài “Nỗi buồn khen thưởng cuối năm học” (Tuổi Trẻ ngày 26-5), Tuổi Trẻ nhận được bài viết của tác giả Phan Tuyết.

 

Buổi bình chọn cuối năm ở lớp 3B

 

 Sau bài “Nỗi buồn khen thưởng cuối năm học” (Tuổi Trẻ ngày 26-5), Tuổi Trẻ nhận được bài viết của tác giả Phan Tuyết.



 

 

Một lễ khen thưởng học sinh tiểu học - Ảnh: Mỹ Duyên
Một lễ khen thưởng học sinh tiểu học – Ảnh: Mỹ Duyên
Nhìn các em, tôi lại thầm ước: giá người lớn cũng thành thật nhận lỗi, cũng vui vẻ đón nhận những góp ý chân thành từ mọi người như bọn trẻ. Chắc chắn xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn nhiều.

Theo thông tư 30, việc khen thưởng học sinh cuối năm do: “Giáo viên hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích nổi bật khác; tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh…”.

Góp ý chân thành

Khi được phổ biến cách bình chọn khen thưởng học sinh như trên, phần lớn giáo viên chúng tôi đều băn khoăn. Bởi ai cũng suy nghĩ: “Học sinh thì biết gì mà bình với bầu. Giờ không căn cứ vào điểm số, đến thầy cô giáo theo sát các em hằng ngày mà còn đau đầu với việc chọn em này, không chọn em kia nữa là”.

Ngay ở học kỳ 1, giáo viên đã cho học sinh làm quen với việc bình chọn như thế, nhưng lần đầu tiên thực hiện cũng khiến cô trò lúng túng và chưa hài lòng. Chúng tôi làm theo gợi ý của cô hiệu trưởng: “Giáo viên để các em tự bình chọn cho bạn, nhưng tránh tình trạng các em công kích, nói xấu lẫn nhau. Giáo viên phải là người hướng dẫn cho buổi bình chọn mang đậm tinh thần đoàn kết, không so sánh em này với em khác”.

Trước khi triển khai buổi bình chọn công khai cả lớp, tôi đã cho các nhóm họp trước để các em tự đánh giá về mình, cả nhóm đánh giá cho bạn và xếp loại các thành viên, tuyên dương thành viên nổi trội của tổ mình. Cầm biên bản họp tổ của các nhóm trên tay, tôi thật sự bất ngờ. Từng em tự nêu ưu điểm của bản thân mình, những mặt còn tồn tại và tự xếp loại. Sau đó các thành viên trong nhóm nhận xét về ưu khuyết điểm và xếp loại cho bạn.

Tôi đặc biệt chú ý đến phần nhận xét của em Ngọc Đoan: “Con hay giúp đỡ bạn, tự giác làm vệ sinh lớp, tham gia tốt các hoạt động của lớp, vâng lời cô, biết tiết kiệm điện, nước…”. Phần khuyết điểm em ghi: “Con đọc bài còn chậm, vài lần nói chuyện riêng trong lớp… và tự xếp loại C”. Phần nhận xét của tổ ghi nhận ưu và khuyết điểm của Đoan, nhưng thống nhất nâng lên cho cô bé loại B.

Hay phần tự nhận xét của em Sơn, em nói mình có đôi lần còn làm việc riêng trong lớp, đi học trễ, ở nhà chưa giúp đỡ mẹ… Và cũng tự xếp loại B. Phần nhận xét của tổ khen Sơn chăm học, hay giảng bài cho các bạn yếu và luôn làm vệ sinh lớp dù không phải phiên trực của mình, vì thế cả tổ đồng ý xếp loại Sơn là A.

Còn Hoàng Anh sau phần nhận xét tự xếp loại A. Tổ đã nhận xét Hoàng Anh có tiến bộ trong học tập, chăm học hơn học kỳ 1 nhưng còn hay mua đồ trước cổng trường, nên hạ xuống loại B.

Đọc hết sáu biên bản trên tay, tôi thấy rất vui vì các em tự nhận xét về mình rất thành thật, các bạn cũng góp ý chân thành.

Sau buổi họp tổ, tôi mời đại diện hội phụ huynh tham dự buổi bình chọn của lớp.

Đằng sau những điểm chưa ổn của bình chọn khen thưởng học sinh tiểu học là điểm tích cực trong việc trao cho học sinh quyền bầu chọn
Đằng sau những điểm chưa ổn của bình chọn khen thưởng học sinh tiểu học là điểm tích cực trong việc trao cho học sinh quyền bầu chọn

Biết nhận lỗi nhưng cũng thẳng thắn phê bình

Theo triển khai của nhà trường, cuộc họp bình chọn có thêm sự tham dự của ba phụ huynh trong ban chấp hành hội cha mẹ học sinh.

Sau khi giới thiệu thành phần tham dự, nêu mục đích của cuộc họp, tôi đưa danh sách những em được tổ đề nghị khen thưởng và cả lớp bắt đầu bầu chọn. Vì danh sách các tổ đề nghị tới 20 bạn nhưng chỉ chọn 13 bạn, tôi cứ nghĩ sẽ rất khó khăn cho cả cô và trò.

Nhưng chính các em đã đưa tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Từng bạn, từng bạn nêu ý kiến nhận xét về ưu điểm, khuyết điểm của bạn mình, có cả những điều tôi không hề biết. Có em nói: “Hôm trước con thấy bạn Thư cãi lời mẹ hay bạn Sơn còn vào quán Internet, bạn Khánh học nhóm không năng nổ, bạn Tuyền không cho bạn mượn bút…”.

Có lẽ căng nhất là phần bình chọn học sinh nổi trội về học tập ở các môn (theo cách hiểu cũ là học sinh giỏi toàn diện). Một số em không đồng ý bạn Hồng Thắm. Có em thẳng thắn nhận xét: “Bạn Hồng Thắm còn có một lần không thuộc bài”. Tôi thật không ngờ các em nhớ rất rõ điều này…

Sau khi cả lớp có ý kiến, tôi đã nói với các em: “Đúng là bạn Thắm có một lần không thuộc bài. Các con ai cũng công nhận Thắm học rất giỏi, chăm ngoan. Trong suốt cả năm học, bạn chỉ mắc một lỗi này vì lần đó bạn đi du lịch với gia đình về trễ. Vậy ta có thể bỏ qua cho bạn được không?”. Cả lớp đồng loạt đưa tay hô đồng ý…

Và cuối cùng lớp tôi cũng chọn xong 13 học sinh được khen thưởng cuối kỳ. Sau buổi bình chọn, một phụ huynh nói với tôi: “Tụi nhỏ bây giờ ghê thiệt, thành thật nhận lỗi và thẳng thắn phê bình. Buổi họp bình chọn thấy vui, thoải mái mà không bị áp lực. Đây quả là cách làm hay”.

Thật vậy, sau buổi bình chọn tôi thấy các em lại vui vẻ chơi đùa và cười nói với nhau thoải mái. Những bạn được khen và chưa được khen, những bạn lúc trước bị bạn phê bình cũng ôm vai bá cổ nhau như chẳng có chuyện gì xảy ra. Buổi họp bình chọn học sinh được khen thưởng vẫn còn đọng mãi trong tôi những dư vị ngọt ngào. Bằng sự thẳng thắn, công tâm của mình, chính các em đã chọn ra được những bạn xứng đáng được khen, chứ không phải ý kiến chủ quan của riêng thầy cô giáo như trước đây.

PHAN TUYẾT