09/01/2025

Sao lại “nhắc nhở” cô giáo vụ bài toán lớp 3 gây sốt?

Phần lớn ý kiến đều ủng hộ cô giáo Nguyễn Thị Kim Quyên, nên khuyến khích giáo viên mạnh dạn có những cải tiến như vậy trong giảng dạy, không nên theo lối mòn…

 

Sao lại “nhắc nhở” cô giáo vụ bài toán lớp 3 gây sốt?

 

Phần lớn ý kiến đều ủng hộ cô giáo Nguyễn Thị Kim Quyên, nên khuyến khích giáo viên mạnh dạn có những cải tiến như vậy trong giảng dạy, không nên theo lối mòn…



 

 

Bài toán gây bão nằm trong cuốn Phiếu bài tập cuối tuần toán và tiếng Việt lớp 3 của Nhà xuất bản ĐH Sư Phạm - Ảnh: C.Thành
Bài toán gây bão nằm trong cuốn Phiếu bài tập cuối tuần toán và tiếng Việt lớp 3 của Nhà xuất bản ĐH Sư Phạm – Ảnh: C.Thành

Sau thông tin cô giáo Nguyễn Thị Kim Quyên (giáo viên Trường tiểu học Thăng Long, P. B’Lao, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng, người ra “bài toán lớp 3 gây sốt”) bị Phòng GD-ĐT TP Bảo Lộc đề xuất hình thức xử lý là “nhắc nhở”, đã có nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc.

“Lẽ ra phải khen cô giáo Kim Quyên mới phải!”

PGS.TS Trần Hữu Tá - Ảnh: Như Hùng
PGS.TS Trần Hữu Tá – Ảnh: Như Hùng

Đáng lẽ lãnh đạo ngành GD-ĐT TP Bảo Lộc, Lâm Đồng phải khen cô giáo Nguyễn Thị Kim Quyên mới phải. Khen vì những lý do sau: cô giáo đã chịu khó học hỏi, tìm tòi phục vụ sự nghiệp trồng người. Cuốn sách Phiếu bài tập cuối tuần toán và tiếng Việt lớp 3 của Nhà xuất bản ĐH Sư Phạm không phải là cuốn sách phổ biến. Vậy mà cô giáo đã chắt lọc, đưa vào cho học sinh thực hành, làm quen dần. Một lý do quan trọng nữa là cô Quyên đã giảng dạy theo năng lực học sinh: có những bài tập vừa tầm dành cho học sinh trung bình, có những bài toán khó dành cho học sinh giỏi, tạo cơ hội cho học sinh khẳng định sự thông minh của mình, tạo điều kiện cho các em tự tin và học tốt hơn.

Thế thì Phòng GD-ĐT TP Bảo Lộc đề xuất xử lý cô giáo ở mức độ nhắc nhở là nhắc nhở cái gì? Cô Quyên đã dạy học theo đúng đường hướng mà ngành GD-ĐT đã vạch ra: dạy học theo hướng tiên tiến, cá thể hoá học sinh. Cách dạy này cần được nhân rộng chứ đừng làm thui chột nó đi. Ngành GD-ĐT luôn được Nhà nước đề cao nhưng người giáo viên khổ quá, ít được bảo vệ, chuyện gì người ta cũng có thể nhắc nhở, kỷ luật giáo viên. 58 năm trong nghề giáo, tôi đọc câu chuyện của cô Quyên mà thấy buồn quá.

PGS.TS TRẦN HỮU TÁ

“Xử lý cô giáo Quyên sẽ tạo một tiền lệ xấu!”

TS Nguyễn Thị Quy - Ảnh: H.HG.
TS Nguyễn Thị Quy – Ảnh: H.HG.

Việc làm của cô Quyên cần được khuyến khích, phát huy vì cô đã có sự tìm tòi, sáng tạo trong giảng dạy. Việc đưa thêm vào tiết học các bài toán khó dành cho học sinh giỏi là việc làm đáng khích lệ, tạo cho học sinh niềm say mê học tập. Giáo dục của thời kỳ hiện đại cần những giáo viên biết dạy học sinh cách vận dụng kiến thức, biết thực hành trong cuộc sống, chứ không phải chỉ dạy trong khuôn khổ của chương trình quy định (trong khi chương trình thì đã lạc hậu).

Chúng ta đang sống trong thời đại văn minh, nền giáo dục của chúng ta đang trong thời kỳ hội nhập với thế giới. Ở các nước tiên tiến, họ chỉ ban hành chương trình khung, nhà trường và giáo viên sẽ tự chọn sách để giảng dạy sao cho phù hợp với đối tượng học sinh của mình. Thế thì tại sao chúng ta lại bắt giáo viên chỉ được giảng dạy những kiến thức bó hẹp trong sách giáo khoa?

Việc xem xét xử lý cô giáo Quyên sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, khiến các giáo viên ngại ngần và lo lắng trong quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy.

TS NGUYỄN THỊ QUY 
(nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

“Nhắc nhở” chính là dập tắt tư duy

Tôi đã đi qua thời học sinh. Thế nhưng đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in những giờ học toán cấp II. Đó là những giờ học rất sôi nổi: thầy và trò cùng nhau tranh luận, tư duy, tìm ra cách giải hay.

Ngày ấy, lực học của mọi người khác nhau: hơi yếu có, trung bình có, khá có, giỏi có. Và tất nhiên không thiếu những bạn rất nổi trội, giải toán nhoay nhoáy. Biết được lực học của từng bạn, thầy tôi cho bài tập ở nhiều mức độ từ dễ đến khó. Cứ trình tự câu số 1, 2, 3… sẽ là câu dễ, kiến thức căn bản, học sinh nào cũng phải làm được. Rồi độ khó tăng dần. Và câu cuối cùng cũng là những câu có thêm một hay nhiều dấu *. Thầy tôi rất sòng phẳng, câu căn bản bắt buộc tất cả học sinh phải làm được, câu nào khuyến khích làm thêm thầy nói rõ. Vì vậy, chúng tôi rất thoải mái, không than phiền gì.

Điều thú vị là thầy luôn ra đề ở “sách của thầy”. Dạng toán, cách giải tương tự với các bài toán trong sách giáo khoa, sách bài tập nhưng thầy làm thế để chúng tôi phải tự làm, không mở coi cách giải, đáp án phía sau. Thầy bắt tất cả chúng tôi phải tư duy. Còn bài tập trong chương trình, chúng tôi để dành về nhà làm và thầy sẽ sửa sau.

Đối với những bài toán độc – lạ – khó, thầy luôn khuyến khích chúng tôi thử sức. Những lúc ấy, lớp học rất sôi nổi vì những cánh tay xung phong lên bảng. Thầy sẽ là người đưa ra cách giải sau cùng. Những bài toán khó ấy, ai làm đúng thầy ghi sổ để tiết sau tặng quà. Phần thưởng không lớn, chỉ là cây bút, cuốn tập… nhưng khi nhận ai cũng tự hào. Ai cũng cố gắng để được nhận món quà tuyên dương ấy. Thỉnh thoảng cũng có bạn nghĩ ra cách giải khác mà thầy khen “hay hơn thầy”. Những học sinh giải chưa đúng cũng được ủng hộ bằng tràng pháo tay.

Nhờ những giờ học ấy, thầy tôi phát hiện các học sinh có năng khiếu, giỏi toán để đưa vào nhóm bồi dưỡng nâng cao. Năm nào trường tôi cũng có học sinh đoạt giải cao ở các kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Không hiểu sao tôi lại nhớ đến hình ảnh thầy tôi năm xưa, nhớ đến thế hệ giáo viên tận tụy của trường tôi ngày ấy khi đọc bài viết “Đề xuất nhắc nhở cô giáo ra đề bài toán lớp 3 gây sốt”. Sao lại là “nhắc nhở” mà không phải “khuyến khích”?

Việc “xử lý” vì thầy cô giáo không ra bài tập “trong luồng” chẳng phải đang dập tắt chính tư duy của thầy cô và các em hay sao? Tại sao không khuyến khích các thầy cô giáo tạo ra môi trường giáo dục đầy sáng tạo, cuồn cuộn tư duy thay cho tâm lý e dè, sợ liên lụy, thụ động? Đừng bắt thầy cô giáo trở thành một cỗ máy, dạy những cái gì có sẵn, cứng nhắc. Cuối cùng, chỉ có các em học sinh là thiệt thòi mà thôi.

MINH PHƯỢNG

“Đề xuất nhắc nhở ư? Nản chưa!”

Toà soạn xin trích đăng một số ý kiến của bạn đọc sau thông tin “Đề xuất nhắc nhở cô giáo ra đề…” (Tuổi Trẻ ngày 26-5).

– Cô Quyên hãy mạnh mẽ lên nhé, phương pháp dạy học toán cho các cháu của cô quá tốt. Tôi nghĩ rằng có những giáo viên dạy toán như cô mới có thế hệ học sinh giỏi toán, làm việc sáng tạo, đột phá, chinh phục. Còn dạy học theo “chuẩn” kiến thức kỹ năng… xin lỗi tôi xin nói thẳng nó quá lạc hậu, giáo điều, thiển cận… chỉ đào tạo ra những học sinh robot, bảo đâu làm đấy, thiếu sáng tạo. Người dạy học hay thì bảo họ dạy sai quy định, sao lạ thế nhỉ?

(Hoang Minh)

– Cứ cái kiểu thế này chẳng thầy cô giáo nào dám đưa ra bài tập nâng cao để học sinh thử sức cả. Học theo “khuôn” cho an toàn. Muốn học nâng cao cũng không được!(Lan)

– Cách cô giáo lên kế hoạch giảng dạy để phát triển tư duy toán học cho học sinh, tôi hoàn toàn ủng hộ… Nhân tài ở đâu ra nếu không có một đội ngũ giáo viên có tâm huyết với nghề.

(Nguyễn Sơn)

– Trước tiên phải nghĩ đến cô Quyên với trách nhiệm và sự tận tâm, tận tụy “Tất cả vì học sinh thân yêu” của một nhà giáo có lương tâm. Nên đừng vì thế mà gây áp lực cho cô. Tôi luôn ủng hộ những nhà giáo như thế!

(Quang Si)

– Hiện nay những giáo viên như cô Quyên không nhiều lắm đâu. Quả thật khi cô tìm tòi ra bài toán này cho học sinh khá, giỏi tham khảo thì thật sự là cô rất tâm huyết với nghề nghiệp, tâm huyết với học sinh. Có được cô giáo như vậy sẽ có nhiều trò giỏi. Nên khuyến khích và ủng hộ.

(Nguyễn Viết Dần)

– Đề xuất nhắc nhở ư? Nản chưa! Không tìm tòi các bài tập hay, các bài toán khó thì học sinh (giỏi) chê thầy cô dạy dở. Còn khi ra bài khó thì bảo là ngoài chương trình, không đưa ban giám hiệu duyệt để rồi bị nhắc nhở…

(Tưởng Đoàn)

– Với cung cách quản lý theo kiểu này giáo dục nước ta sẽ còn tụt hậu, bởi vì chúng ta ưa thích sự rập khuôn, giáo điều mà cấm cản sự sáng tạo. Với một đất nước đang phát triển như Việt Nam thì lại càng nên khuyến khích sự sáng tạo, thoát khỏi lối mòn. 

 (Nam Quốc)

– Sao lại trách cô giáo nhỉ! Rõ ràng, bài toán kích thích tính sáng tạo của học sinh. Các bạn có biết, nhiều bài toán nếu xem đáp án thì thấy dễ và thú vị, nhưng chưa xem thì cứ tưởng như không thể giải được, oái oăm… Giải toán là cách phát triển trí tuệ của con người. Vì vậy, tìm bài toán hay cho học sinh làm là việc làm hết sức cần thiết của các giáo viên!

(Trần Quốc Hoàn)

H.HG. ghi