10/01/2025

Trẻ suy thận, còi xương do… tẩm bổ

Lo lắng con còi cọc, nhiều bậc cha mẹ tìm mọi cách tẩm bổ như cho con ăn nhiều thịt cá, uống nhiều sữa, sử dụng yến sào, nhung hươu… từ sớm.

Trẻ suy thận, còi xương do… tẩm bổ

 

Lo lắng con còi cọc, nhiều bậc cha mẹ tìm mọi cách tẩm bổ như cho con ăn nhiều thịt cá, uống nhiều sữa, sử dụng yến sào, nhung hươu… từ sớm.  



Điều này khiến chuyên gia y tế lo lắng: tẩm bổ nhiều quá thành ra hại trẻ.

Bé Ken, nhà chị N.T.T. ở Thanh Xuân, Hà Nội, thuộc diện còi xương, khi 12 tháng nhưng chỉ nặng 7kg, chiều cao cũng thấp hơn so với chuẩn khoảng 2 – 3cm.

Cho con ăn yến, ăn sâm

Chị T. kể khi mới sinh bé nặng 3,3kg, thế nhưng chỉ tháng đầu tiên bé Ken tăng đủ tiêu chuẩn 1kg, còn những tháng tiếp theo lẹt đẹt 5 – 6 lạng / tháng, có tháng chẳng lên được lạng nào.

Nói về chuyện bổ sung dinh dưỡng cho bé, chị T. tỏ ra ngao ngán vì chẳng hề tiếc tiền mua cho bé đủ “của ngon vật lạ”, đổi món liên tục, thậm chí theo lời mách của người khác chị cho con ăn yến sào, thịt mèo… nhưng bé vẫn chẳng “chịu” tăng cân.

Đưa con đi khám chuyên khoa dinh dưỡng, chị T. bất ngờ trước nhận định của bác sĩ, bé Ken còi xương là do lỗi của người lớn, chăm bé bằng thực đơn mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu khoa học: bổ sung nhiều đạm, sữa nhưng thiếu chất xơ, chất béo…

Trên 300.000

Là số trẻ dưới 5 tuổi mắc chứng thừa cân, béo phì.

Tương tự là bé Bí nhà anh L.H.H. ở Thanh Trì, Hà Nội, bé được 14 tháng nhưng chỉ nặng hơn 8kg, mặc dù theo người lớn thì bé được tẩm bổ với đủ các loại sữa, thực phẩm bổ dưỡng.

Lo con gầy còm, vợ chồng anh H. tìm mua lộc hươu về cho con tẩm bổ, thế nhưng tăng cân đâu chẳng thấy, bé Bí dùng lộc hươu xong thường xuyên bị táo bón và vẫn còi như trước.

Bác sĩ Trần Thị Thanh Hoá, phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương, cho hay một trong những trường hợp đái tháo đường type 2 (chứng bệnh liên quan đến lối sống và chế độ ăn) ít tuổi được phát hiện tại VN mới 9 tuổi.

Theo bà Hoá, bệnh nhi có cân nặng khi sinh trên 4kg, gia đình khá giả, bé lại là con một nên được chăm sóc, tẩm bổ rất kỹ càng. Cân nặng sơ sinh tốt, có “sức” lại được chăm sóc hơn người nên bé khỏe mạnh, mập mạp hơn nhiều so với bạn cùng lứa.

Thời điểm 9 tuổi, bé nặng trên 50kg và có biểu hiện uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhanh, các dấu hiệu đặc trưng của chứng đái tháo đường type 2. Khi đến điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu, bé sụt 6kg trong một thời gian ngắn, nhưng chỉ số đường huyết lên đến trên 20 mmol / lít, gấp hơn ba lần so với giới hạn khuyến cáo.

Ăn quá bổ béo liệu có tốt?

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho rằng nhiều cha mẹ tẩm bổ quá đà cho trẻ do áp lực muốn con tăng cân quá lớn.

Cho trẻ ăn các loại thực phẩm giàu dưỡng chất, năng lượng từ quá sớm trong khi hệ tiêu hóa, khả năng hấp thu dưỡng chất chưa hoàn thiện không chỉ gây lãng phí mà còn khiến trẻ có nguy cơ rối loạn tiêu hoá, mắc bệnh béo phì, đái tháo đường sau này.

Bên cạnh đó, nhiều người lớn cho trẻ ăn quá thừa chất này nhưng lại thiếu chất kia dẫn đến sự phát triển của trẻ thiếu cân bằng. Đã có các nghiên cứu chỉ ra trẻ thừa đạm sẽ có nguy cơ bị thận to, thận suy, mất canxi.

Bà Lâm khuyến cáo đối với những “của ngon vật lạ” khi cho trẻ ăn phải có thử nghiệm số lượng ít trước, sau đó mới tăng dần, tránh cho trẻ bị dị ứng, ngộ độc…

Ở trẻ dưới 1 tuổi, nếu gia đình có nhu cầu tẩm bổ trẻ bằng tổ yến thì phải đợi qua giai đoạn trẻ đã ăn sam (ăn bổ sung) được, phải cho ăn từng chút chứ không nên cho ăn nhiều, ăn cấp tập trong thời gian ngắn. Bà Lâm cũng cho rằng chỉ nghe người lớn, người già mới cần dùng nhung hươu tẩm bổ chứ chưa thấy dùng nhung hươu cho   trẻ em. 

Với những trẻ ăn nhiều mà không lên cân, GS Lâm nhận định có thể do các nguyên nhân như trẻ ăn nhiều nhưng chưa đủ chất, ăn nhiều thịt, uống nhiều sữa nhưng lại thiếu rau quả, tinh bột, chất béo. Nếu trẻ quá hiếu động, ăn vào bao nhiêu tiêu hao năng lượng hết bấy nhiêu cho các hoạt động vui chơi thì khó lên cân.

“Quan trọng là trẻ khoẻ mạnh, phát triển ngôn ngữ, biết đi hoặc chạy chơi phù hợp với lứa tuổi chứ không nhất thiết phải chăm chăm bồi dưỡng để trẻ bụ bẫm. Nhiều gia đình Việt Nam thường có thói quen thích trẻ bụ bẫm nên bồi dưỡng cho trẻ các loại đồ bổ mà họ nghe được, như có nhà cho con ăn thịt mèo! Chẳng qua thịt mèo cũng là thịt động vật có thành phần tương tự thịt động vật khác, nhưng đây lại là loại thịt lạ, có thể tiềm ẩn bệnh tật như chứng mèo dại” – bà Lâm khuyến cáo.

Sai lầm khi nuôi con

Tại cuộc gặp với báo chí ngày 25-5 nhân Ngày vi chất dinh dưỡng, PGS.TS Lê Bạch Mai, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho hay sai lầm thường gặp trong chăm sóc trẻ tại gia đình hiện nay là quan niệm củ quả an toàn hơn rau lá, trong khi đó giá trị dinh dưỡng trong rau lá xanh đậm và các củ quả có màu vàng đậm cao hơn củ quả thông thường.

Một sai lầm nữa thường gặp là các phụ huynh hay chú ý đến lượng thức ăn khi cho con ăn, ăn càng nhiều càng tốt mà không tính đến dạ dày con mình bao nhiêu.

Ngoài ra, người lớn cũng chưa đánh giá hết tầm quan trọng của chất béo, trong khi trẻ dưới 3 tuổi não đang phát triển nhanh, 40 – 50% năng lượng khẩu phần từ chất béo là tốt nhất, trẻ dưới 6 tháng tuổi thì lượng chất béo trong khẩu phần còn cao hơn.

Các mẹ cũng tạo cho con thói quen không tốt như cho con uống sữa có đường nhiều, trong khi trẻ dưới 3 tuổi gai vị giác rất nhạy và dễ quen với vị, cho uống ngọt trẻ sẽ quen đồ ngọt, thừa đồ ngọt lại dễ mắc các bệnh liên quan đến chuyển hoá.

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cảnh báo vấn đề của học sinh tiểu học và mầm non đô thị là bữa ăn thừa năng lượng nhưng thiếu vi chất dinh dưỡng.

LAN ANH

 

QUỲNH LIÊN – LAN ANH