10/01/2025

Nỗi buồn khen thưởng cuối năm học

Chị H.Anh, phụ huynh có con học lớp 5 một trường tiểu học ở quận Bình Tân, TP.HCM đến Tuổi Trẻ sau khi dự cuộc họp phụ huynh cuối năm.

 

Nỗi buồn khen thưởng cuối năm học

 

Chị H.Anh, phụ huynh có con học lớp 5 một trường tiểu học ở quận Bình Tân, TP.HCM đến Tuổi Trẻ sau khi dự cuộc họp phụ huynh cuối năm. 


 

Việc hướng dẫn đánh giá kết quả thi đua cuối năm đã được nhiều giáo viên quay thành clip, đưa lên Internet để các giáo viên khác tham khảo - Ảnh chụp lại từ YouTube
Việc hướng dẫn đánh giá kết quả thi đua cuối năm đã được nhiều giáo viên quay thành clip, đưa lên Internet để các giáo viên khác tham khảo – Ảnh chụp lại từ YouTube

 Sau cuộc họp phụ huynh tiểu học cuối năm học 2014 – 2015, năm học đầu tiên không còn danh hiệu học sinh (HS) giỏi, HS tiên tiến, nhiều phụ huynh bức xúc vì cho rằng việc khen thưởng theo thông tư 30 về đánh giá HS tiểu học là thiếu công bằng.

Thông tư 30 cho phép các trường quyết định số lượng, tiêu chí HS được khen thưởng cuối năm học. Vậy mới có chuyện có trường 100% HS nhận thưởng, lại có trường chỉ chọn ra 10 – 20% HS được khen, số còn lại “trắng tay” sau một năm học tập vất vả.

Trò nào được khen “theo thông tư”?

Chị H.Anh kể đây là lần đầu tiên thấy có nhiều phụ huynh buồn đến vậy, bức xúc đến vậy khi nghe kết quả cuối năm của con mình sau một năm miệt mài học tập.

Khi thông tư 30 của Bộ GD-ĐT chính thức có hiệu lực, chị đã được đọc nhiều, nghe nhiều về mục tiêu tốt đẹp của thông tư, rằng trẻ con sẽ không còn phải chịu áp lực của điểm số, của bài tập về nhà và của những lời chê trách từ giáo viên. Rằng đứa trẻ nào cũng được động viên, khích lệ, giáo viên nào cũng có thể tìm mặt tốt của trẻ để biểu dương. Và cha mẹ không còn đau đáu hỏi con về điểm số sau giờ tan học…

Đó là những thông tin đã được tóm tắt trên slide và giáo viên trình chiếu ngay trong buổi họp phụ huynh cuối năm học. Năm nay, theo thông tư 30, hiệu trưởng sẽ đưa ra tiêu chí để đánh giá và khen thưởng HS cuối năm. Các cháu cũng được bình bầu lẫn nhau để chọn ra những bạn xuất sắc nhất đi nhận thưởng. Tiêu chí sẽ bao gồm điểm kiểm tra cuối kỳ, năng lực và phẩm chất, việc tham gia đầy đủ phong trào, có giấy khen cấp quận, thành phố, bình chọn của các bạn cùng lớp…

Điểm kiểm tra cuối kỳ của toàn bộ HS trong lớp được chiếu trên màn hình tivi, những em được đánh dấu sao là những em được giấy khen và phần thưởng. Lớp có 45 HS nhưng chỉ tiêu cho khen thưởng 40% nên giáo viên chủ nhiệm chỉ chọn lại 18 em có kết quả tốt nhất được nhận thưởng (15 cuốn vở / phần). Trong 18 em này có ba em xuất sắc nhất mà theo giáo viên là do các bạn trong lớp bình chọn, các em sẽ được nhận phần thưởng lớn hơn (một chiếc cặp / phần). Màn hình vừa chiếu tên HS và điểm số, phía dưới phụ huynh lao xao, xì xầm không dứt…

“Con tôi được bốn điểm 10 (bốn môn: toán, tiếng Việt, khoa học, sử địa) thì không được xuất sắc, tại sao cháu khác chỉ có ba điểm 10, một điểm 9 lại được?”, “Con tôi nói bạn H. điểm thấp hơn, nói chuyện trong lớp, chửi bậy và không được cả lớp bình chọn nhưng lại được khen thưởng?”, “Những cháu nào có điểm tiếng Anh, vi tính cao thì ưu tiên được khen, tại sao lại là hai môn này chứ không phải các môn toán, tiếng Việt?”, “Nhà tôi xa trường, cả năm nay tôi vẫn cố gắng bỏ việc đưa con đi tham gia mọi hoạt động phong trào, bốn năm nay cháu đều có giấy khen, năm nay thì không, và gần 20 cháu khác cũng ra về tay không, như vậy thử hỏi có mang tính khích lệ như thông tư 30 hướng tới hay không?”, “Việc HS bình chọn các bạn có thể công bằng hay không khi các cháu còn nhỏ và chỉ bình bầu theo cảm tính?”… Hàng loạt câu hỏi của phụ huynh đặt giáo viên chủ nhiệm vào thế… ra sức chống đỡ, bênh vực quan điểm của mình bởi danh sách HS được khen không thể thay đổi…

Kết thúc buổi họp là những tâm trạng buồn bực, bức xúc khi một nửa số phụ huynh ra về mà chỉ được giáo viên giải thích lý do ngắn gọn việc con họ không có giấy khen rằng “theo thông tư”. 

“Giáo viên cực hơn, học sinh lười hơn”

Cô Ngọc P., giáo viên chủ nhiệm khối lớp 2 tại quận Gò Vấp, TP.HCM, tổng kết thông tư 30 sau một năm áp dụng bằng cụm từ ngắn gọn: “Giáo viên cực hơn, học sinh lười hơn”. Cô không phản đối cũng chẳng ủng hộ thông tư 30 mà chia sẻ tâm trạng tương tự của nhiều giáo viên khác: làm theo văn bản, quy trình, chỉ đạo, hiệu quả từ từ mới biết. Khác với trường tiểu học ở Bình Tân, do kinh phí có hạn (nhà trường không thu quỹ khuyến học để tặng thưởng HS kể từ khi có thông tư 30) nên mỗi lớp chỉ được chọn 10% HS được nhận danh hiệu có cái tên khá dài là “HS hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và nỗ lực trong hoạt động phong trào”.

Lớp cô P. có hơn 40 em, số HS được khen là 4. Cô nói đã ra sức giải thích, động viên phụ huynh trong suốt những buổi họp phụ huynh trước, vậy mà vẫn có người nói “sốc quá” khi biết con họ không nhận được giấy khen cuối năm học, nhất là những phụ huynh tâm huyết, dành nhiều thời gian chăm lo cho việc học của con mình.

Tại quận 4, hiệu trưởng một trường tiểu học cho biết số HS được khen của trường mình chiếm khoảng 80%. Sau khi đưa ra một loạt tiêu chí khen thưởng, nhà trường hướng dẫn giáo viên rất kỹ trong việc lập danh sách HS được khen, cố gắng tìm điểm mạnh của từng em.

Giấy khen ghi rất cụ thể. Em nào điểm kiểm tra không cao nhưng năng nổ trong phong trào thì khen về mặt phong trào. Em nào chỉ học tốt môn toán, chưa tốt môn tiếng Việt thì giấy khen ghi “có nỗ lực trong học tập môn toán”, em nào không giỏi toán thì thay bằng các môn khác. Em nào học chưa tốt, phong trào chưa tốt nhưng có tiến bộ so với đầu năm thì vẫn được khen là “có tiến bộ trong học tập và phong trào”…

Nhưng cũng có khoảng 20% HS mà ban giám hiệu “không biết khen gì”. Có nhiều loại giấy khen khác nhau mà giáo viên chủ nhiệm phải tự tay viết cho HS của mình, nhưng trường chỉ chuẩn bị hai loại phần quà với giá trị tương đương HS giỏi và HS tiên tiến của năm trước.

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Phú Nhuận lại cho biết trường phát giấy khen cho 100% HS (gần 700 HS), trong khi năm học trước số lượng được khen chỉ khoảng 75%.

Cô cho biết: “Em nào cũng được khen, đúng với tinh thần thông tư 30. Nhà trường phải làm việc nhiều lần với phụ huynh để họ hiểu và chấp nhận cách đánh giá này. Em điểm thấp nhưng có hoạt động phong trào vẫn được khen. Giáo viên sẽ tìm mặt đáng khen của tất cả các em. Phụ huynh muốn nắm sức học của con thì đã có điểm kiểm tra cuối năm”.

Nhiều cách làm hoàn toàn khác nhau như vậy nên dẫn đến nhiều tình huống dở khóc dở cười. Nhiều phụ huynh khi biết tin con được khen vẫn tìm cách gặp giáo viên đặt câu hỏi: “Điểm của cháu thế này, hoạt động phong trào tốt, nếu chưa có thông tư 30 thì cháu đạt loại gì hả cô?”. Giáo viên miễn cưỡng trả lời: “Điểm của cháu đạt thì tương đương HS giỏi, nhưng thông tư 30 không cho phép gọi HS giỏi nữa nên cháu được khen là HS phát triển toàn diện”.

Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, điểm kiểm tra định kỳ chỉ có giá trị tham khảo, không dùng để xếp loại HS. Tuy nhiên, với phụ huynh đây lại là thước đo chất lượng học tập của con em mình. Vậy nên mới xảy ra tranh cãi khi con có điểm số cao hơn bạn mà lại không được khen. 

Tỉ lệ khen theo… kinh phí?

 

Thông tư 30 cho phép hiệu trưởng quyết định số lượng HS được khen nên trường có kinh phí thì cứ thoải mái khen, trường ít kinh phí thì giới hạn lại, chỉ cho mỗi lớp một ít phần trăm dẫn đến tình trạng những em có kết quả học tập tốt ở trường này thì không được khen, nhưng nếu ở trường khác lại được nhận thưởng.

Mỗi trường thực hiện thông tư 30 theo mỗi cách khác nhau. Trường nào cũng cho là mình thực hiện đúng tinh thần. Chỉ có giáo viên phải vất vả trả lời những thắc mắc, bức xúc của phụ huynh. Chỉ có những bậc cha mẹ chưa nguôi ngoai nỗi buồn con không có giấy khen cuối năm học. Và những cô cậu bé học trò thèm thuồng nhìn bạn bước lên sân khấu lễ tổng kết phát thưởng cuối năm trong khi mình ra về tay không, hay những HS cầm tờ giấy khen mà cả trường “bạn nào cũng có” với tâm trạng kém vui hơn mọi năm…

 

LƯU TRANG