10/01/2025

Cảnh giác với chiêu mua hàng nhận thưởng

Để được nhận số tiền thưởng, người được thưởng phải mua hàng giá cao hơn số tiền trúng thưởng. Nhiều người nhận hàng rồi mới té ngửa giá trị hàng mua không bằng số tiền trả thêm.

 

Cảnh giác với chiêu mua hàng nhận thưởng

 

Để được nhận số tiền thưởng, người được thưởng phải mua hàng giá cao hơn số tiền trúng thưởng. Nhiều người nhận hàng rồi mới té ngửa giá trị hàng mua không bằng số tiền trả thêm.



 

 

Ông Phạm Văn Út (ngụ huyện Nhà Bè), người mua các mặt hàng của Công ty TNHH MTV mua sắm Mỹ Hảo - Ảnh: Đức Phú
Ông Phạm Văn Út (ngụ huyện Nhà Bè), người mua các mặt hàng của Công ty TNHH MTV mua sắm Mỹ Hảo – Ảnh: Đức Phú

Đầu năm nay, ông Phạm Văn Út (ngụ ở đường Lê Văn Lương, ấp 1, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM) nhận cuộc điện thoại thông báo số điện thoại di động của ông may mắn được nằm trong danh sách trúng thưởng 5 triệu đồng.

Ông Út cũng lo ngại bị lừa đảo, nhưng nghĩ do thời điểm cuối năm nhiều công ty mở đợt khuyến mãi nên gạt bỏ mối hoài nghi. Kết cục ông Út bị “hố” một cú điếng người.

Bị mắc lỡm

Khi ông Út muốn nhận phần thưởng, liên hệ với số điện thoại được cho trước thì đầu dây bên kia nói phải mua một trong số các sản phẩm (như cặp đồng hồ, điện thoại…) có giá khoảng 7 triệu đồng và được trừ đi 5 triệu đồng, ông chỉ phải trả số tiền còn thiếu. Ông Út chọn mua một cặp đồng hồ, được tư vấn phải đóng thêm 1.980.000 đồng, rồi cho biết sẽ gửi hàng qua bưu điện.

Khoảng một tuần sau, nhân viên bưu điện giao hàng cho ông Út, nơi gửi là Công ty TNHH MTV mua sắm Mỹ Hảo (đường Võ Văn Kiệt, P.1, Q.6, TP.HCM). Trên thùng hàng ghi “không phát đồng kiểm trước khi chuyển hoàn”, nhân viên bưu điện giải thích người nhận không được kiểm tra trước, nếu mở thùng ra kiểm tra thì phải nhận hàng và trả tiền.

Ông Út gọi điện thoại hỏi phía công ty và được nhân viên giải thích đây là sản phẩm chính hãng nên công ty không cho mở để tránh bị tráo hàng. Tin tưởng, ông Út yên tâm đóng gần 2 triệu đồng nhận hàng.

Trong thùng hàng có hai đồng hồ hiệu Extreme, một máy matxa mini hiệu Hotfire và một hộp dán. “Tôi lên mạng tìm các mặt hàng tương tự thì biết giá của bốn món hàng trên chỉ hơn 1 triệu đồng, chưa bằng số tiền tôi phải trả thêm. Vậy mà bên bán nói giá gần 7 triệu đồng” – ông Út kể. Sau đó, ông có gọi điện thoại đến công ty và được biết nhân viên tư vấn bán hàng cho ông đã nghỉ việc.

Một nhân viên bưu tá khu vực huyện Nhà Bè cho biết thời gian qua ông giao nhiều bưu phẩm tương tự như của ông Út. Khách hàng được thông báo trúng thưởng với điều kiện phải mua một số hàng có giá trị cao hơn số tiền trúng thưởng, đồng thời phải trả tiền mặt phần chênh lệch qua nhân viên bưu điện mà không được xem hàng trước khi nhận.

Những món hàng như vậy thường có giá trị thấp hơn giá tiền mặt người mua phải trả thêm. Theo ông này, đầu năm nay, một phụ nữ ở ấp 1, xã Phước Kiển được thông báo trúng thưởng bộ trang sức trị giá 9 triệu đồng và phải trả 900.000 đồng, nhưng thực tế chỉ là một bộ trang sức bằng pha lê…

Nhân viên và giám đốc nói khác nhau

Bà Hàn Mỹ Linh – phó giám đốc Công ty TNHH MTV mua sắm Mỹ Hảo – cho biết hằng tháng công ty có chương trình bốc thăm trúng ưu đãi mua hàng cho những số điện thoại đã gọi đến công ty tìm hiểu nhưng chưa đặt mua hàng. Mức ưu đãi có nhiều loại, từ 2-5 triệu đồng. Khách hàng chỉ nhận được ưu đãi này khi mua hàng của công ty. Ông Út là một trong những chủ thuê bao từng gọi đến công ty và trúng ưu đãi mức 5 triệu đồng vào tháng 1-2015.

Theo bà Linh, cặp đồng hồ và máy matxa ông Út mua trị giá gần 7 triệu đồng, công ty hỗ trợ 5 triệu đồng, ông Út phải trả thêm 1.980.000 đồng. Công ty giao hàng qua bưu điện và ủy thác nhân viên bưu điện thu số tiền trả thêm trên.

Tuy nhiên cũng trong buổi gặp này, nhân viên thông báo (với bà Linh) đơn đặt hàng của ông Út là hai đồng hồ và máy matxa giá 1.980.000 đồng. Trong khi đó, trên phiếu bảo hành do công ty gửi đến theo thùng hàng lại ghi giá trị của một chiếc đồng hồ là 990.000 đồng (hai đồng hồ có tổng giá 1.980.000 đồng), máy matxa và một sản phẩm còn lại không có giá.

Về việc giá hai chiếc đồng hồ quá cao so với cùng loại rao bán trên các trang bán hàng qua mạng, bà Linh giải thích có nhiều loại hàng giống mẫu mã nhưng chất lượng khác nhau. “Hàng của công ty là hàng chính hãng, công ty trực tiếp nhập về. Khách hàng dùng 1-2 năm có trục trặc gì thì công ty sẽ bảo hành. Còn trên mạng thì hàng giống mẫu mã rất nhiều, không thể định giá được” – bà Linh khẳng định.

Vì sao công ty không cho khách kiểm tra hàng trước khi nhận qua bưu điện? Bà Linh cho hay trước đây công ty cho kiểm tra hàng trước khi nhận nhưng có một số khách không nhận hàng, trả lại cho công ty qua bưu điện thì phát hiện hàng đã bị sử dụng qua. Rút kinh nghiệm, công ty không cho kiểm tra trước khi nhận hàng. Tuy nhiên, nếu ngay khi mở hàng ra khách không đồng ý thì có thể đem đến công ty trả lại, công ty sẽ hoàn toàn bộ tiền cho khách.

Nếu khách hàng đã sử dụng qua thì tùy từng trường hợp, công ty sẽ định giá thiệt hại và trả lại cho khách theo phần trăm tương ứng. Theo bà Linh, khách hàng chỉ được hỗ trợ với điều kiện phải mua hàng của công ty, khách không mua hàng nữa thì chỉ được hoàn số tiền đã đóng, không được nhận số tiền công ty hỗ trợ.

Bà Linh khẳng định: “Ở đây công ty không ép khách nhận hàng và cũng sẵn sàng hoàn tiền nếu khách không muốn mua nữa”.

LS Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM):

Thận trọng, tìm hiểu kỹ

Việc bán hàng qua truyền hình, qua mạng, điện thoại là cách làm phổ biến ở các nước tiên tiến. Những năm gần đây ở Việt Nam cũng xuất hiện nhiều nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh về chất lượng hàng hoá, giá cả, chưa có chế tài đối với trường hợp quảng cáo sai sự thật về chất lượng, giá cả hàng hóa…  Khách hàng muốn mua hàng qua các hình thức này phải thận trọng, tìm hiểu kỹ, nếu nghi ngờ thì không giao tiền, không dùng thử, không nhận hàng. 

Ở đây, công ty bán hàng đánh vào lòng tham của khách hàng: muốn nhận tiền thưởng “từ trên trời rơi xuống”. Tưởng trúng thưởng nhưng thực chất là mua hàng với giá đắt hơn bình thường. Để có bằng chứng tố cáo công ty bán hàng lừa đảo, bán hàng giá trị thấp mà báo giá cao, khách hàng có thể quay phim, chụp ảnh hàng nhận được từ bưu điện, có nhân viên bưu điện chứng kiến, sau đó đem món hàng đó định giá tại các đơn vị có chức năng.

D.N.HÀ – Đ.PHÚ