28/11/2024

Bài học của những giá trị chân thật

Một lần dạy học sinh về lòng trung thực trong học tập cũng như trong cuộc sống, tôi đã sưu tầm những thước phim mang ý nghĩa đó cho các em xem.

 

Bài học của những giá trị chân thật

 

Một lần dạy học sinh về lòng trung thực trong học tập cũng như trong cuộc sống, tôi đã sưu tầm những thước phim mang ý nghĩa đó cho các em xem. 



Nổi bật trong số ấy có clip Bài học tuổi thơ của chương trình “Quà tặng cuộc sống”.

Ảnh chụp lại từ clip Bài học tuổi thơ do chương trình “Quà tặng cuộc sống” của Đài truyền hình Việt Nam phát
Ảnh chụp lại từ clip Bài học tuổi thơ do chương trình “Quà tặng cuộc sống” của Đài truyền hình Việt Nam phát
Biết bao giờ người lớn không vì áp lực điểm số, thành tích để dạy cho con em mình những điều giản dị, chân thật của văn chương, giúp các em chân thật từ lời nói đến hành vi trong cuộc sống?

Câu chuyện trong clip như sau: cô giáo ra đề kiểm tra “Hãy tả buổi làm việc ban đêm của ba em”, cậu con trai được điểm 8 về khoe với ba, kể lại cho ba nghe chuyện ở lớp vì sao cậu đạt điểm cao nhất trong khi bạn Sơn (tên nhân vật chính trong phim) học giỏi văn nhất lớp lại bị điểm 0. 

Người cha hỏi con tả ra sao thì con trả lời: “Vì ba không làm việc ban đêm nên con tưởng tượng ba như là bác hàng xóm nhà mình vẫn hay làm ca đêm đó ba”.

Người cha ngạc nhiên khi nghe con kể vậy, rồi hỏi bạn Sơn tả gì thì người con cho biết là Sơn để giấy trắng. Người con cho hay Sơn bỏ giấy trắng vì bạn ấy không có ba nên không biết tả gì. “Sơn mồ côi từ khi lọt lòng mẹ. Ba bạn ấy hi sinh khi làm nhiệm vụ. Từ ấy mẹ ở vậy nuôi Sơn khôn lớn”. 

Nghe xong câu chuyện, người cha xúc động nói: “Cậu bạn của con thật đáng khen”. Còn người con cho rằng không nên làm như thế: “Nếu là con, con sẽ tả ba của đứa khác, không bao giờ chịu bị 0 điểm”.

Người cha liền giải thích cho con vì sao Sơn làm như vậy: “Con nhầm rồi, bạn Sơn của con bị 0 điểm, đó là một nỗi đau. Nhưng đối với con, đó là một bài học, bài học về sự trung thực. Sáng tạo trong trường hợp này đồng nghĩa là bịa đặt. Giữa những dòng chữ bịa đặt và trang giấy trắng, bạn Sơn của con đã đúng. Cậu ấy đã để lại trang giấy trắng trung thực trong bài viết”.

Sau khi học sinh xem xong clip, tôi đặt câu hỏi: “Nếu chưa xem clip này, gặp trường hợp như Sơn, các em có làm bài văn như vậy không?”. Cả lớp không đồng ý làm như Sơn, mà sẽ tả dối như người bạn được điểm 8. Tôi gọi vài học sinh hỏi vì sao làm như vậy, các em đều cho rằng sợ bị điểm thấp, chấp nhận viết dối để lấy điểm cao. 

Sau đó tôi lại hỏi tiếp: “Bây giờ các em đã xem clip này rồi, các em đã có bài học quý về sự trung thực, vậy có em nào dám chấp nhận điểm 0, để giấy trắng?”. Tôi cho các em suy nghĩ và trả lời chân thật. Dẫu học trò khá hiểu về tôi, quan điểm sống của tôi và được suy ngẫm từ clip, nhưng chỉ có vài ba em chấp nhận để giấy trắng. 

Điều đó cho thấy rằng ngay từ khi bước vào tiểu học, người lớn đã dạy cho các em viết dối, bịa đặt để được điểm cao. Vì áp lực điểm số mà các em không dám chấp nhận bỏ giấy trắng để giữ sự chân thật, chịu nhận điểm 0. Kể từ đó tôi thường sưu tầm những thước phim có ý nghĩa giáo dục thiết thực từ đời sống để gieo cho các em lối sống đẹp, sự trung thực…

Đến bao giờ “văn học thật sự là nhân học” như nó vốn có? Biết bao giờ người lớn không vì áp lực điểm số, thành tích để dạy cho con em mình những điều giản dị, chân thật của văn chương, giúp các em chân thật từ lời nói đến hành vi trong cuộc sống? Quả thật rất khó làm điều đó nếu chúng ta cứ khư khư với bệnh thành tích, khư khư với những bài viết hay mà sáo rỗng, bịa đặt.

Mong sao ngay từ thời tiểu học (cũng như các bậc học khác) khi cánh cổng trường mở ra, thế giới kỳ diệu của các em sẽ là thế giới của những giá trị chân thật. Giá trị ấy bắt đầu từ người lớn.

Nỗi lòng của con, cha mẹ có hiểu?

Trong kỳ kiểm tra định kỳ cuối năm học vừa qua, Trường tiểu học X đã ra đề bài tập làm văn cho học sinh lớp 5 như sau: “Hằng ngày em được sống trong vòng tay yêu thương của những người thân. Em hãy tả lại một người thân trong gia đình mà em yêu quý nhất”.

Đề bài hết sức gần gũi với các em, chính vì thế nhiều bài văn của học sinh đã viết rất chân thật, đầy cảm xúc. Các thầy cô chấm bài rất vui khi các bài viết của học sinh đã thoát khỏi những khuôn mẫu quen thuộc dù các em dùng từ ngữ chưa hay, câu văn chưa trau chuốt, chưa trôi chảy lắm…

Điều làm giáo viên chấm bài bất ngờ nhất là học sinh đã bộc lộ nhiều suy nghĩ, tâm tư qua bài viết của mình. Có nhiều điều mà người lớn thường nghĩ rằng “trẻ con mà biết gì!” đã được các em viết như trải lòng mình trên trang giấy.

Bài viết tả về ba mình của em A. có đoạn viết: “Em biết rằng ba phải vất vả rất nhiều để lo toan cho cả gia đình. Gánh nặng gia đình chồng chất lên vai ba, nhất là về tiền bạc. Chính vì vậy mà ba ít cười, ít nói. Cả ngày làm việc, về nhà tắm rửa, ăn uống xong là ba nằm xem tivi rồi ngủ. Trong bữa cơm chỉ có mẹ và em trò chuyện, còn ba thì lặng lẽ ăn cho xong bữa. Em mong lắm được thấy nụ cười của ba và được ba nói chuyện với em…”. Đoạn văn ngắn ngủi nhưng làm các thầy cô cảm thấy day dứt về mong muốn của em.

Viết về mẹ, học sinh B. đã kể: “Em biết mẹ rất buồn khi ba đã không còn ở với mẹ và tụi em nữa. Mỗi khi buồn, mẹ thường uống bia, khi say xỉn mẹ quậy quá trời quá đất. Lúc đó chị và em phải dìu mẹ vào giường ngủ”.

Đọc những câu văn em viết hết sức tự nhiên, các thầy cô giáo đã cười mà khóc. Xúc động làm sao khi đọc những dòng C. viết về bà của mình: “Giờ đây bà đã đi xa mãi mãi em mới hiểu những điều bà luôn nhắc em: đi ngủ sớm, đừng thức khuya xem truyền hình; phải ăn nhiều, đừng làm biếng ăn… là những lời nhắc nhở đầy tình yêu thương của bà. Bà luôn muốn em mạnh khoẻ. Bà ơi, sao lúc bà còn sống con ngu quá đã giận dỗi khi nghe bà nói những lời ấy”.

Và thật dễ thương làm sao khi đọc những lời văn D. viết về chị mình: “Những ngày này nhà mình rất vui khi sắp đến đám cưới chị, nhưng em lại cảm thấy buồn vì em sẽ không còn được ngủ chung với chị nữa. Nhiều năm qua, từ học tập, vui chơi và cả đi ngủ em đều có chị ở bên, còn ba má thì cứ đi làm suốt, tối mới về. Sắp tới chị về nhà chồng ở rồi, chắc em nhớ chị lắm”…

Đọc những tâm tư của các em, thầy cô bỗng thấy học sinh của mình thật trong trẻo trong suy nghĩ, và đáng yêu biết bao khi nói về người thân của mình. Tất cả giáo viên đều nhất trí sẽ gặp riêng các em học sinh này, khéo léo giải toả nỗi niềm để các em vơi đi những suy tư, phiền muộn mà an tâm học tập và tiếp tục vui chơi hồn nhiên đúng như lứa tuổi của mình.

Có những bài viết thầy cô cứ băn khoăn liệu có nên đưa cho ba mẹ các em đọc hay không. Bởi nếu không có sự thông hiểu, các phụ huynh ấy sẽ cho rằng con cái mình đã đem chuyện xấu gia đình ra bêu riếu, hay giáo viên “nhiều chuyện” xen vào việc riêng tư gia đình từ những bài văn của con trẻ?

LÊ PHƯƠNG TRÍ

 

THÁI HOÀNG