28/11/2024

Đừng để trẻ em chết đuối

Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới thống kê mỗi năm nước ta có gần 6.400 người chết đuối, đa phần là trẻ em. Trong khi, “cái chết do đuối nước là cái chết không đáng có”, mỗi địa phương có thể có những biện pháp đơn giản phòng tránh được.

 

Đừng để trẻ em chết đuối

 

Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới thống kê mỗi năm nước ta có gần 6.400 người chết đuối, đa phần là trẻ em. Trong khi, “cái chết do đuối nước là cái chết không đáng có”, mỗi địa phương có thể có những biện pháp đơn giản phòng tránh được.



 

Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường vụ 4 em nhỏ bị tử vong do đuối nước tại suối Sao - Ảnh: Nguyễn LongCơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường vụ 4 em nhỏ bị tử vong do đuối nước tại suối Sao – Ảnh: Nguyễn Long
Những cái chết thương tâm
Ngày 20.5, các cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã về suối Sao (thuộc KP.Tân Ngọc, TT.Phú Mỹ, H.Tân Thành) để khám nghiệm hiện trường vụ 4 em nhỏ tử vong do đuối nước. Theo thông tin ban đầu, khoảng 13 giờ 30 ngày 19.5, các em Huỳnh Anh Đông, Nguyễn Hồng Ân (HS lớp 4/3), Võ Thị Bé Trang (HS lớp 2/7, cùng học Trường tiểu học Phú Mỹ) và Huỳnh Tiểu Vi (14 tuổi, cùng ngụ ở xóm trọ thuộc KP.Tân Ngọc) rủ nhau xuống khu vực suối Sao chơi. Đến 17 giờ cùng ngày, người dân phát hiện cả 4 em bị chết dưới suối. Ngay trong tối 19.5, thi thể các em được gia đình đưa về quê an táng.
Tại Nghệ An, mới đầu tháng 5 đến nay đã xảy ra 5 vụ đuối nước làm 9 trẻ em tử vong. Trong đó, có 3 HS lớp 5 chết khi tắm biển, 2 HS lớp 6 chết khi tắm sông, 3 em chết khi tắm ở hồ và cháu bé 4 tuổi rơi xuống ao chết. Hầu hết các nạn nhân đều không biết bơi, tự rủ nhau đi tắm và bị sẩy chân sa xuống nước. Vụ đuối nước thương tâm gần đây nhất xảy ra vào chiều 16.5, cướp đi sinh mạng hai đứa con sinh đôi của vợ chồng anh Vũ Văn Lương và chị Phạm Thị Phong (ngụ xã Quỳnh Thuận, H.Quỳnh Lưu). Khi hay tin có 3 em nhỏ bị sóng cuốn trôi trong lúc đang tắm biển, một số người đã nhảy xuống nước tìm kiếm nhưng không thành. Đến khuya, thi thể của anh em Vũ Văn Huynh, Vũ Văn Đệ và cháu Bùi Quang Thành (đều 11 tuổi) mới được tìm thấy.
Tại Thanh Hóa, theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ đuối nước, làm 4 em nhỏ thiệt mạng. Trong đó, vụ đuối nước xảy ra vào ngày 12.4, tại thôn 7 xã Xuân Du, H.Như Thanh (Thanh Hoá) cướp đi sinh mạng của 2 cháu Quách Văn Bình và Quách Văn Giang (đều 3 tuổi, ngụ tại H.Như Thanh). Hai cháu gặp nạn khi tự xuống hố nước trong vườn mía tắm, trong khi những người lớn trông các cháu đang dự tiệc cưới ở trong nhà. Chỉ đến khi tan tiệc, mọi người không thấy hai cháu đâu, cuống quýt đi tìm mới phát hiện thi thể các cháu.
Người lớn chủ quan
Liên quan đến vụ 4 em nhỏ tử vong ở suối Sao, bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho hay H.Tân Thành có rất đông công nhân các tỉnh đến làm việc, hầu hết gia đình công nhân đều đi làm, để con nhỏ ở nhà trọ, không có người trông coi. Dịp hè có nhiều HS không đến trường nên thường rủ nhau ra sông, suối, ao hồ chơi. Bà Đài đề nghị chính quyền các cấp rà soát các ao hồ, sông suối và cấm không cho người dân cũng như HS đến chơi hay tắm tại những nơi tiềm ẩn nguy hiểm này.
Tại Thanh Hóa, nơi mỗi năm vẫn còn tới 25 – 27 cháu nhỏ bị thiệt mạng do đuối nước, ông Nguyễn Ngọc Thụ, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB-XH tỉnh) cũng cho rằng: “Nguyên nhân xảy ra các vụ đuối nước khiến các cháu nhỏ tử vong chủ yếu là do người lớn chủ quan. Ở nhiều địa phương, người dân để trẻ tự do ra ao hồ, sông suối tắm, trong khi đó các cháu thiếu kỹ năng nhận biết nguy cơ bị đuối nước. Chúng tôi cũng đề nghị chính quyền các địa phương tiến hành rà soát và tổ chức cắm biển cảnh báo, biển cấm tại các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra đuối nước cao để các em biết chủ động phòng tránh”.
Ngày 21.5, đại diện Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh An Giang, xác nhận đang điều trị cho cháu Lê Duy Thắng (8 tuổi, ngụ xã Vọng Đông, H.Thoại Sơn, An Giang) bị tổn thương cánh tay trái trong vụ nổ cục sạc (là cục tích điện nhỏ màu trắng dùng trong các bóng đèn điện tử và quạt máy). Thắng nhặt được cục sạc này và đem về chơi, khi hết điện cháu tự nối với bình ắc quy để sạc thì phát nổ.
Tại Đồng Tháp, bé Nguyễn Phi Hùng (5 tuổi, ngụ ấp Mỹ Phú, xã Phú Điền, H. Tháp Mười) tử vong vào ngày 19.5, khi người nhà phát hiện trên tay trái cháu còn cầm chui sạc điện thoại, còn tay phải đặt gần ổ điện. Vì người nhà đoán cháu nghịch cục sạc cắm vào ổ điện sau đó bị điện giật dẫn đến tử vong nên không yêu cầu giám định thi thể.
Thanh Dũng

Trượt ngã, chấn thương, hóc dị vật, uống nhầm thuốc…
Theo Khoa Cấp cứu – Chống độc (Bệnh viện Nhi T.Ư, Hà Nội), dịp hè hằng năm số trẻ vào cấp cứu do đuối nước, tai nạn sinh hoạt luôn gia tăng. Nguyên do là các em được nghỉ hè, cùng các bạn đi bơi, tập bơi hoặc trượt ngã khi đi chơi gần ao hồ, sông, suối. Dịp hè cũng thường xảy ra tai nạn ở trẻ tại các gia đình như: chấn thương, gãy xương do ngã cầu thang – hay xảy ra với nhà mới xây, đang hoàn thiện, cầu thang, ô thoát hiểm vẫn còn trống khiến trẻ dễ bị ngã, chấn thương, thậm chí tử vong.
TS-BS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), thì cảnh báo dịp hè gia tăng các ca cấp cứu do trẻ hóc dị vật đường thở, dị vật ở mũi, tai là những mảnh đồ chơi nhỏ, viên bi hoặc các hạt đậu, lạc hoặc cúc áo. Có những trẻ phải vào cấp cứu do uống nhầm dầu hỏa do người lớn đựng trong vỏ chai nước ngọt. Cũng có những trẻ uống quá liều thuốc si rô do thấy ngon bởi thuốc được bào chế ngọt, thơm. “Nói chung, nhiều tai nạn ở trẻ xảy ra nhiều trong dịp hè do người lớn chưa chú trọng trong việc sắp xếp vật dụng trong gia đình”, TS Dũng nói.

Thanh Niên