28/11/2024

Nghe người học để nâng chất giảng viên

Nhiều trường ĐH ban hành những quy định khắt khe đối với giảng viên nhằm phục vụ người học tốt hơn, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo.

 

Nghe người học để nâng chất giảng viên

 

Nhiều trường ĐH ban hành những quy định khắt khe đối với giảng viên nhằm phục vụ người học tốt hơn, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo.



 

 

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM góp ý cách ghi phiếu khảo sát ý kiến sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên - Ảnh: Như Hùng
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM góp ý cách ghi phiếu khảo sát ý kiến sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên – Ảnh: Như Hùng

Mấy tuần gần đây, nhiều trường ĐH vào “mùa” tổ chức cho sinh viên đánh giá giảng viên qua mạng trên trang thông tin điện tử của trường. Theo đó, sau khi kết thúc môn học, để xem điểm thi, sinh viên phải đánh giá giảng viên, môn học theo thang mức độ từ không hài lòng đến rất hài lòng ở các nội dung như: giảng viên chuẩn bị bài giảng, giáo trình, tài liệu; kỹ năng sư phạm của giảng viên; việc hướng dẫn tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên…

Dành chỗ cho người có năng lực

Việc lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên được các trường thực hiện nhiều năm nay theo chủ trương của Bộ GD-ĐT và đến nay không ít trường xem đây là tiêu chí để đánh giá giảng viên.

Ngày 8-5, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã triển khai hướng dẫn việc tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên đến tất cả lớp trưởng. Theo thông báo của nhà trường, từ học kỳ II năm học này tất cả sinh viên hệ chính quy của trường phải thực hiện việc lấy ý kiến phản hồi từ người học bằng online trước khi thi học kỳ hai tuần nhằm giúp hiệu trưởng biết được việc giảng dạy của từng giảng viên trong tất cả môn học. 

“Trường xem đây là một kênh thông tin nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Việc này không phải để sát hạch giảng viên. Qua kết quả khảo sát, giảng viên phải xem lại mình, suy nghĩ cách làm tốt hơn. Tuy nhiên, nếu giảng viên bị nhiều lần sinh viên đánh giá kém thì nhà trường sẽ tổ chức dự giờ để đánh giá thêm…” – ThS Nguyễn Ngọc Trung, trưởng phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ.

Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, sau khi lấy ý kiến phản hồi từ người học và xử lý, kết quả khảo sát được giao cho trưởng khoa và gửi đến từng giảng viên. Các giảng viên có quyền đưa ra ý kiến phản hồi của mình và phải nêu ra minh chứng cần thiết cho trưởng khoa về ý kiến phản hồi của sinh viên. Đồng thời có trách nhiệm thảo luận và đăng ký với trưởng khoa về kế hoạch khắc phục ý kiến phản hồi chưa tốt, nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy. “Nếu giảng viên bị đánh giá kém quá nhiều sẽ bị cắt danh hiệu thi đua và cho một học kỳ để khắc phục. Sau đó nếu vẫn còn yếu, nhà trường sẽ cắt hợp đồng” – PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết.

Từ ngày 1-5, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã triển khai thực hiện quy định quét dấu vân tay giảng viên. Theo đó, nhà trường bắt buộc giảng viên phải quét dấu vân tay hai lần (khi vào trường và khi ra về) mỗi khi thực hiện các hoạt động được phân công tại các cơ sở của trường. 

Theo TS Trần Ái Cầm – phó hiệu trưởng nhà trường, việc lấy dấu vân tay là công cụ hỗ trợ để nhà trường kiểm soát hoạt động của giảng viên. Vừa qua có trường hợp giảng viên sau thời gian thử việc không ký hợp đồng tiếp nhưng ở khoa vẫn được chấm công dù người đó đã kết thúc việc giảng dạy tại trường. Nhà trường vẫn thanh toán lương bình thường cho giảng viên này. Đến khi phòng tổ chức làm việc với khoa mới phát hiện giảng viên đã nghỉ việc.

TS Nguyễn Mạnh Hùng (hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho biết thêm ở trường này còn có tình trạng giảng viên không nghiêm túc trong giờ giấc, bỏ lớp, đến trễ, về sớm… sinh viên kêu. “Văn hóa trường học là tự giác, tự chủ, tự do học thuật nhưng không có nghĩa là tự do không trong giới hạn. Biện pháp của trường hơi cứng một chút, hơi xúc phạm đến những giảng viên nghiêm túc nhưng phải thực hiện. Người nào không chịu áp lực của trường thì có thể đi trường khác. Trường bắt đầu chọn lựa những người tốt hơn trong số những người đang có. Đây là việc khó có thể bị phản ứng nhưng nếu sợ không làm thì nhà trường không đi vào nề nếp được” – ông Hùng nói.

Nhiều quy định nghiêm ngặt

Ngoài việc khảo sát được thực hiện qua mạng (mỗi sinh viên có một account để truy cập) lấy ý kiến đánh giá của sinh viên, trường này còn phát “phiếu khảo sát khoá học” lấy ý kiến sinh viên vừa tốt nghiệp. TS Trần Ái Cầm cho rằng nhờ việc khảo sát này nhà trường có cơ sở để đánh giá giảng viên… “Việc lấy ý kiến phản hồi của sinh viên về môn học và toàn khóa học nhằm tạo thêm kênh thông tin giúp giảng viên điều chỉnh hoạt động giảng dạy, nâng cao tinh thần trách nhiệm của giảng viên trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo của trường, đồng thời giúp lãnh đạo nhà trường và các khoa nắm được tâm tư, nguyện vọng của sinh viên về chất lượng tổ chức dạy và học” – bà Cầm nói.

Có thể nói Trường ĐH Tôn Đức Thắng hiện là trường đặt ra nhiều quy định nghiêm ngặt nhất hiện nay bắt buộc giảng viên của trường phải thực hiện. Theo ThS Nguyễn Quốc Bảo, trưởng phòng thanh tra, pháp chế và an ninh nhà trường, đầu năm học nhà trường họp tất cả giảng viên để phổ biến quy định đối với giảng viên tham gia giảng dạy tại trường. Theo đó, nhà trường nêu ra hàng chục quy định buộc giảng viên phải thực hiện như giảng dạy theo đúng thời khóa biểu đã thống nhất với khoa, không được tự thay đổi buổi dạy hoặc tự đổi nhóm dạy với giảng viên khác. Đồng thời, giảng viên phải giảng dạy đúng nội dung trong đề cương chi tiết môn học, đúng lịch trình giảng dạy, không rút ngắn kế hoạch giảng dạy.

Bên cạnh đó, giảng viên phải thực hiện hàng loạt quy định khác như lên lớp với trang phục lịch sự theo quy định của nhà trường, muốn vô lớp giảng thì phải đeo thẻ; giảng viên phải nắm quy định quản lý sinh viên tại lớp giảng dạy; ghi và ký sổ đầu bài. “Ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng, giảng viên chỉ được trường thanh toán trên số tiết giảng viên thực dạy và phải dạy đảm bảo được chuyên môn. Vì vậy nhà trường quy định việc ghi và ký sổ đầu bài là cơ sở để tính thù lao giảng dạy của giảng viên. Cuối mỗi buổi dạy, giảng viên phải ghi và ký sổ đầu bài, sổ đầu bài được đại diện lớp nhận và trả sổ ở giám thị cơ sở. Giảng viên phải thường xuyên kiểm tra và đối chiếu số tiết giảng dạy được ghi ở sổ đầu bài so với tiến độ thực dạy của giảng viên” – ông Bảo cho hay. 

Từ đầu năm học này, các ghi nhận về việc thực hiện thời khóa biểu của giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng và các quy định khác được lực lượng giám thị trường ghi nhận hằng ngày trên account của từng giảng viên. Giảng viên có quyền truy cập xem và phản hồi những ghi nhận này trong khoảng thời gian nhất định, nếu không phản hồi đúng thời hạn thì xem như các ghi nhận là đúng về giảng viên. Nhà trường cũng đã triển khai quét dấu vân tay đối với giảng viên cơ hữu.

Không còn tình trạng đọc chép

Ngoài ra, đầu năm học nhà trường còn thông báo chương trình đổi mới phương pháp giảng dạy và khẳng định với giảng viên về đề cương môn học. “Nhà trường yêu cầu giảng viên luôn đổi mới phương pháp giảng dạy: giảm lý thuyết, tăng bài tập, thảo luận, thực hành và xử lý tình huống trong nội dung chương trình giảng dạy, không thuyết giảng một chiều. Nhà trường thường xuyên triển khai khảo sát mức độ hài lòng về môn học trong sinh viên. Nếu giảng viên nào bị sinh viên đánh giá thấp nhà trường sẽ nhắc nhở. Nếu giảng viên không cải thiện sẽ bị dừng mời giảng. Nhờ vậy đến nay ở trường chúng tôi không còn tình trạng giảng viên đọc chép, chiếu chép” – ThS Trần Thị Nguyệt Sương, trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết. 

TRẦN HUỲNH