11/01/2025

Dân California bán nhà vì thiếu nước

Hạn hán đang gây áp lực chưa từng có tại California, buộc thống đốc bang này phải ban hành lệnh cắt giảm nước sinh hoạt bắt buộc.

 

Dân California bán nhà vì thiếu nước

 

 

Hạn hán đang gây áp lực chưa từng có tại California, buộc thống đốc bang này phải ban hành lệnh cắt giảm nước sinh hoạt bắt buộc.


 

Nước tưới tiêu được bơm vào ruộng nứt nẻ tại Richvale, California - Ảnh: WiredNước tưới tiêu được bơm vào ruộng nứt nẻ tại Richvale, California – Ảnh: Wired
Nằm lọt thỏm trong lòng tiểu bang giàu có số một của quốc gia thịnh vượng nhất thế giới, East Porterville, cách Los Angeles khoảng 257 km về hướng bắc, là một thành phố không còn nước.
Mỗi ngày, bà Donna Johnson lại lái xe đảo một vòng thành phố, chở theo nước đóng chai tiếp tế cho những người cần đến. TheoĐài ABC, người dân ở đây thường lấy nước từ giếng tại nhà. Tuy nhiên, khoảng 1 năm trước đây, các vòi nước bắt đầu khô kiệt, một dấu hiệu cho thấy túi nước ngầm đã cạn.
Khủng hoảng nước
Ông Donald Hunt, chủ cửa hàng bán lốp xe, buồn bã cho biết dù có đào sâu đến cỡ nào, nước cũng chẳng thấy đâu. Nhà của ông đang nỗ lực tích trữ nước bằng cách dồn nước ky cóp được vào bồn chứa, phòng trường hợp khủng hoảng thực sự nổ ra trong thị trấn. Còn Annie Cooper, một bà nội trợ, có thể nhớ lại chính xác thời điểm vòi nước ở nhà cạn sạch, đó là vào tháng 6 trước. “Nước cứ rỉ rả khỏi vòi, và đến khoảng 4 giờ, chúng tôi không còn giọt nước nào”, Đài ABC dẫn lời bà Cooper. Còn ở một ngôi nhà khác, ông Lawyer Cooper lắc đầu đứng nhìn cái giếng cạn kiệt của mình dù nó đã được khoan sâu đến 87 m.
Tại vùng đất nông nghiệp nằm giữa lòng tiểu bang California, một cuộc chạy đua đào giếng nhằm giành giật những giọt nước quý báu đang diễn ra ngày càng căng thẳng hơn. Sau 3 năm hạn hán và các đập nước ở mức độ thấp báo động, nguồn cung cấp nước phục vụ tưới tiêu cho nông dân đã hoàn toàn kiệt quệ vào mùa hạn hán thứ tư liên tục. Và thế là ai nấy đều tìm cách khai thác nguồn nước ngầm bằng cách đào giếng càng ngày càng sâu. Nông dân buộc phải cứu nông trại của họ và tìm mọi cách lấy nước, đẩy các hộ dân thường vào tình trạng khát khô.
Người giàu cũng khóc
Cách East Porterville khoảng 2 giờ lái xe, Los Angeles vẫn là một thế giới hoàn toàn khác biệt với tình cảnh tuyệt vọng đang bao trùm cộng đồng ở miền trung California. Tuy nhiên, đến tháng trước, Thống đốc bang California Jerry Brown buộc phải thông qua mức giới hạn mới: giảm 25% mức sử dụng nước ở khu vực thành thị so với năm 2013, có hiệu lực từ ngày 1.6, theo tờ San Francisco Chronicle. Ông Brown cũng đẩy mạnh việc thông qua dự luật cho phép phạt 10.000 USD đối với những người xài nước quá tay. Thế là những cộng đồng xa xỉ như Beverly Hills đột nhiên phát hiện mình bị vây trong tình thế khó xử, buộc phải kiềm chế thói quen dùng nước dù sống trong khung cảnh xa hoa.
Cuộc khủng hoảng nước tại bang California đã bị đẩy vào tình thế phải áp dụng các biện pháp hạn chế nước cho khu dân cư và các hộ kinh doanh, bao gồm các giới hạn đối với hoạt động thường ngày như uống nước ở nhà hàng và rửa xe cộ. Theo Đài CNBC, nhiều cộng đồng tại California vẫn đang áp dụng các biện pháp hạn chế nước sinh hoạt. Chẳng hạn, các hộ gia đình lắp đặt toilet tiết kiệm nước, và sử dụng vòi sen đặc biệt trong phòng tắm.
Các biện pháp ở California đang ảnh hưởng mọi mặt trong đời sống hằng ngày của người dân tiểu bang này. Như đã đề cập ở trên, người dân không được rửa xe, không được uống nước miễn phí khi ngồi trong nhà hàng, cấm tưới nước thảm cỏ trước nhà. Đó là điều khiến các nhà kinh doanh nghĩa trang đang đau đầu. Nhiều nghĩa địa tại hàng trăm thành phố của California buộc phải áp dụng biện pháp hạn chế sử dụng nước.
Theo NPR, tại một nơi gọi là Fernwood, nằm gần cầu Cổng vàng ở San Francisco, các thảm cỏ chỉ được phun nước đúng 2 lần/tuần, mỗi lần 10 phút. Một số nơi còn dùng cỏ nhân tạo thế vào nơi từng trồng cỏ xanh. Còn tại San Jose, thành phố đông dân thứ ba của bang, công ty cấp nước San Jose chuẩn bị gửi thư điện tử thông báo người dân về mức sử dụng nước mới trước khi chính thức áp dụng biện pháp “thắt lưng buộc bụng”. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1992 San Jose phải thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước sinh hoạt.
Quay lại thành phố East Porterville, một số gia đình như nhà Cooper quyết định bán nhà và dời đi nơi khác, tất nhiên với giá rẻ mạt. Còn những người khác không kham nổi chi phí di dời, đành phải tiếp tục chịu trận. Bà Donna Johnson, cư dân trong vùng, nói trong nước mắt: “Thật sự là thảm hoạ… Nếu chưa từng trải nghiệm, bạn sẽ không hiểu được không có nước sẽ là thảm kịch đến mức nào”.
Hạn hán chưa ảnh hưởng tới kiều bào
Theo khảo sát mới của Đài NBC Bay Area, 89% số người được hỏi cho rằng thiếu nước là tình trạng rất nghiêm trọng. Hơn 2/3 số người ủng hộ lệnh cắt giảm nước sinh hoạt của thống đốc bang. Tuy nhiên, gần 50% cho rằng rất khó để tiết kiệm nước, trong khi 70% lo ngại giá nước tăng.
Theo ông Phong Truong ở Tehachapi, California đang bị hạn hán rất nặng, và mưa hầu như vô cùng ít. Theo thống kê mới nhất, bang California hiện vẫn đứng thứ nhất trong danh sách xếp hạng kinh tế của 50 tiểu bang Mỹ, với GDP năm 2013 là 2.200 tỉ USD, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.
Trả lời Thanh Niên, một số kiều bào ở San Jose, Buena Park cho biết chỉ mới nghe thông tin kêu gọi người dân tiết kiệm nước qua báo đài. Cho đến nay, hạn hán tại California vẫn chưa ảnh hưởng mấy đến sinh hoạt ở một số cộng đồng kiều bào.

Thuỵ Miên