11/01/2025

Tiền tỉ đầu tư học phổ thông

Nhiều trường quốc tế tại TP.HCM đưa ra các gói đầu tư dành cho phụ huynh như mua căn hộ, đầu tư từ vài trăm triệu đến gần 3 tỉ đồng để con học hết chương trình phổ thông quốc tế mà không phải đóng học phí.

 

Tiền tỉ đầu tư học phổ thông

 

Nhiều trường quốc tế tại TP.HCM đưa ra các gói đầu tư dành cho phụ huynh như mua căn hộ, đầu tư từ vài trăm triệu đến gần 3 tỉ đồng để con học hết chương trình phổ thông quốc tế mà không phải đóng học phí.



 

 

Nhiều trường quốc tế đưa ra các gói đầu tư tài chính giáo dục dành cho phụ huynh - Ảnh: Minh Giảng
Nhiều trường quốc tế đưa ra các gói đầu tư tài chính giáo dục dành cho phụ huynh – Ảnh: Minh Giảng

Đang là mùa tuyển sinh cho năm học mới của các trường quốc tế. Tuỳ vào chương trình song ngữ hay quốc tế hoàn toàn, học phí trung bình cho mỗi năm học ở các trường này dao động từ 60 triệu đến gần 400 triệu đồng tuỳ trường.

Đây là khoản học phí cứng chưa tính phí nhập học từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, tiền ăn, đồng phục và các dịch vụ giáo dục khác. Ngoài chính sách giảm học phí cho phụ huynh ghi danh và nộp tiền sớm, có nhiều con học cùng trường, ghi danh theo nhóm… không ít trường đưa ra các gói đầu tư tài chính với số tiền từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng.

Nhiều trường quốc tế đưa ra các gói đầu tư tài chính giáo dục dành cho phụ huynh - Ảnh: Minh Giảng
Nhiều trường quốc tế đưa ra các gói đầu tư tài chính giáo dục dành cho phụ huynh – Ảnh: Minh Giảng

Đầu tư tiền tỉ

Trong vai phụ huynh tìm chỗ học cho con chuẩn bị vào lớp 1, chúng tôi liên hệ nhiều trường quốc tế và đã được đại diện các trường tư vấn nhiều gói đầu tư tài chính khác nhau. Trong đó hệ song ngữ Trường quốc tế Canada (BCIS) và Trường phổ thông liên cấp Albert Einstein giới thiệu chương trình “An cư giáo dục”.

Theo nhân viên Trường Albert Einstein, khi mua một căn hộ Ehome 3 ngoài việc được chiết khấu nhiều hơn so với mua bên ngoài, phụ huynh còn được một suất cho con theo học tại trường. Ngoài số tiền mua căn hộ (từ 700 triệu đến khoảng 1,4 tỉ đồng), phụ huynh phải đóng thêm cho trường 500 triệu đồng.

Với mức đầu tư này, học sinh sẽ học từ lớp 1 đến lớp 12 mà không phải đóng học phí. Nếu học sinh không học hết 12 năm và nghỉ giữa chừng, trường sẽ tính chi phí thực tế để trả lại phần dư cho phụ huynh. Ngoài ra phụ huynh cũng có thể chuyển nhượng phần đầu tư này cho người khác hoặc nhà trường.  

Ở hệ song ngữ Trường quốc tế Canada, ngoài chương trình “An cư giáo dục” phụ huynh có thêm lựa chọn khác là đầu tư cho trường 1,1 tỉ đồng. Theo nhân viên tư vấn của trường, nếu tính bình quân học phí 12 năm học tại trường khoảng 2,2 tỉ đồng và nếu đóng 1,1 tỉ đồng cho trường, học sinh sẽ được học 12 năm mà không phải đóng thêm học phí.

Trong khi đó Trường tiểu học và trung học Tây Úc cung cấp gói tài chính giáo dục “Vững bước thành tài”. Trường sẽ hoàn trả 120% số tiền mà phụ huynh đầu tư ban đầu sau khi học sinh hoàn thành 12 năm học tại trường, trong quá trình học không phải đóng học phí.

Trường này có hai gói đầu tư dành cho chương trình song ngữ (1 tỉ đồng) và quốc tế (1,75 tỉ đồng). Theo nhân viên tư vấn của trường, nếu lấy 1 tỉ đồng gửi ngân hàng, 12 năm sau ước tính tổng số tiền phụ huynh có được khoảng 2 tỉ đồng trong khi tổng học phí khoảng 2,7 tỉ đồng, phụ huynh phải bỏ ra thêm 700 triệu đồng. Nếu tham gia chương trình, sau 12 năm phụ huynh sẽ được trường hoàn trả 1,2 tỉ đồng, không phải đóng 2,7 tỉ đồng học phí, tổng tiền của hai mức này khoảng 3,9 tỉ đồng. Mức chênh lệch phụ huynh “lời” lên đến 1,9 tỉ đồng.

“Nếu học dưới ba năm, trường sẽ tính chi phí thực tế và trừ ra cho phụ huynh. Học từ năm thứ tư trở đi mà không học nữa, trường sẽ hoàn lại số tiền 1 tỉ đồng phụ huynh đã đầu tư. Hiện đã có nhiều phụ huynh đăng ký tham gia rồi” – nhân viên này tư vấn thêm.

Trong số các trường quốc tế có chương trình đầu tư giáo dục mà chúng tôi tìm hiểu, số tiền phụ huynh phải bỏ ra tham gia chương trình tại Trường quốc tế Mỹ (Nhà Bè, TP.HCM) là nhiều nhất. Theo nhân viên tư vấn của trường này, số tiền phụ huynh phải bỏ ra là 120.000 USD (quy ra tiền Việt khoảng 2,7 tỉ đồng). “Số tiền này có thể gọi nôm na là gửi tiết kiệm không lấy lãi. Học phí bậc tiểu học tại trường khoảng 10.000 – 11.000 USD/năm, cấp II từ 12.000 – 13.000 USD/năm và từ lớp 9 trở đi học phí dao động từ 14.000 – 16.000 USD/năm. Học phí thường tăng khoảng 5%/năm.

Triển khai chương trình này trường có lợi về mặt marketing trong khi phụ huynh cũng có lợi về kinh tế so với việc đóng học phí từng năm. Đầu tư số tiền lớn như vậy, dĩ nhiên phụ huynh phải cân nhắc rất kỹ về uy tín cũng như chất lượng của trường. Đó là sự đầu tư lâu dài. Sau thời hạn một tháng khi học sinh hoàn thành chương trình 12 năm, trường sẽ hoàn lại số tiền này cho phụ huynh” – nhân viên tư vấn của trường cho biết.

Nhiều trường quốc tế đưa ra các gói đầu tư tài chính giáo dục dành cho phụ huynh - Ảnh: MINH GIẢNG
Nhiều trường quốc tế đưa ra các gói đầu tư tài chính giáo dục dành cho phụ huynh – Ảnh: Minh Giang

Lợi thì có lợi…

Theo thông tin từ các trường, tham gia chương trình đầu tư phụ huynh sẽ có lợi nhiều hơn về mặt kinh tế, tổng số học phí thấp hơn so với đóng từng năm, ổn định đảm bảo sự học xuyên suốt cho con. “Học phí bình quân một năm của trường khoảng 120 triệu đồng, tính ra phụ huynh sẽ có lợi hơn rất nhiều khi đóng 500 triệu đồng ban đầu và số tiền mua căn hộ trong khi mình lại có nhà để ở” – nhân viên Trường Albert Einstein nói.

Trong khi đó, theo Trường Tây Úc, tham gia gói đầu tư này phụ huynh sẽ không phải chịu bất kỳ ảnh hưởng nào về chính sách thay đổi học phí và các khoản phí liên quan tại trường, có thể chuyển đổi người thụ hưởng nếu người thụ hưởng thứ nhất không còn nhu cầu sử dụng.

Anh H. – một phụ huynh tham gia gói đầu tư ở một trường quốc tế – chia sẻ: “Người bạn của tôi kinh doanh bên ngoài và cho con theo học trường quốc tế. Lúc con học đến lớp 12 việc làm ăn thất bại, gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt. Học phí của con anh phải chạy vạy rất vất vả và luôn đóng trễ. Việc ăn trưa ở trường cũng cắt, thay vào đó là người nhà mang cơm tới. Một số dịch vụ giáo dục khác anh  hạn chế tối đa để tiết giảm chi phí. Con theo học chương trình quốc tế nên dù khó khăn anh vẫn gắng để con hoàn thành chương trình phổ thông vì không thể chuyển sang trường phổ thông bình thường theo chương trình của Bộ GD-ĐT Việt Nam. Do đó tôi tham gia chương trình đầu tư giáo dục. Bỏ ra một số tiền lớn ban đầu nhưng đảm bảo con mình được thụ hưởng và hoàn thành chương trình nếu chẳng may gia đình có biến cố. Hơn nữa khi hoàn thành, số tiền được hoàn lại cũng đảm bảo nguồn tài chính cho cháu theo học đại học”.

Nhiều trường quốc tế đưa ra các gói đầu tư tài chính giáo dục dành cho phụ huynh - Ảnh: Minh Giảng
Nhiều trường quốc tế đưa ra các gói đầu tư tài chính giáo dục dành cho phụ huynh – Ảnh: Minh Giảng

Trong khi đó, cũng dự định đầu tư cho con 50.000 USD nhưng sau nhiều lần cân nhắc, anh T. đã quyết định cho con học trường quốc tế nhưng đóng học phí theo từng học kỳ. Anh T. ở nhà trọ, có công ty riêng. Anh có ba con, trong đó con đầu chuẩn bị vào lớp 1.

“Dùng số tiền này mua được một căn hộ cho cả gia đình nhưng tôi nghĩ đầu tư cho con sẽ tốt hơn. Tuy nhiên có điều cần cân nhắc là đầu tư cho một đứa với số tiền như vậy, những đứa sau sẽ như thế nào, tiền đâu để đầu tư nữa? Gói đầu tư như vậy tuy ổn định nhưng với những người làm kinh doanh như tôi cảm thấy vẫn có những rủi ro. Hơn 1 tỉ đồng bỏ ra, 12 năm sau số tiền đó sẽ như thế nào khi đồng tiền trượt giá, tỉ giá thay đổi? Hơn nữa, không ai chắc chắn rằng trường sẽ hoạt động ổn định mà không có các rủi ro như phá sản, giải thể. Với số tiền đó, tôi kinh doanh và sinh lời đủ đóng học phí cho con trong khi có thể chủ động với số tiền của mình. Con không học trường này sẽ chuyển sang học trường khác hoặc du học. Đó là lý do tôi chọn phương án đóng học phí theo học kỳ, không chịu ràng buộc” – anh T. chia sẻ thêm.

Trường làm gì với tiền đầu tư của phụ huynh?

Vì sao sau 12 năm trường lại hoàn tiền cho phụ huynh, thậm chí hoàn 120 , trường sử dụng số tiền đầu tư của phụ huynh vào việc gì? Nhân viên Trường tiểu học và trung học Tây Úc cho biết trường sử dụng một phần số tiền này để đầu tư, phần còn lại sẽ đem gửi ngân hàng.

Mỗi bên tự đánh giá mặt lợi, hại

Đối với phương thức đầu tư này, luật sư Nguyễn Kiều Hưng – Hãng luật Giải Phóng (TP.HCM) – cho rằng về phương diện pháp lý đây là sự thỏa thuận của nhà trường và phụ huynh. Đã là thỏa thuận thì mỗi bên tự đánh giá mặt lợi, hại, các điều khoản ràng buộc cụ thể để tiến đến ký kết. Cần nói thêm rằng đây là thoả thuận tự nguyện của các bên, không có sự bắt buộc nên không có vấn đề về pháp lý.

Tuy nhiên, ở đây rủi ro cũng có thể xảy ra. Khi đóng học phí theo tháng hay học kỳ, nếu có vấn đề phát sinh đối với pháp nhân của trường, phụ huynh có thể giải quyết nhanh chóng và thiệt hại không đáng kể. Khi đóng cho một thời gian dài với số tiền lớn, chẳng hạn 12 năm, quá trình hoạt động của trường nếu xảy ra rủi ro như phá sản, chủ trường bỏ trốn… lúc đó có thể phụ huynh sẽ bị thiệt hại lớn về kinh tế.

Bên cạnh đó, luật sư cho rằng việc liên kết với bên thứ ba để ràng buộc sản phẩm kèm theo dịch vụ (như mua căn hộ) trong môi trường giáo dục như vậy có vẻ thương mại hoá giáo dục quá.

MINH GIẢNG