11/01/2025

Liên kết truyền hình: trong nhờ đục chịu

Sơ sẩy “chết người” ở chương trình Điệp vụ tuyệt mật khi “chuyển vị trí địa danh đã như một giọt nước tràn ly cho câu chuyện “sạn trên truyền hình.

 

Liên kết truyền hình: trong nhờ đục chịu 

 

Sơ sẩy “chết người” ở chương trình Điệp vụ tuyệt mật khi “chuyển vị trí địa danh đã như một giọt nước tràn ly cho câu chuyện “sạn trên truyền hình. 



 

 

Chương trình Điệp vụ tuyệt mật bị phạt 15 triệu đồng và đã tạm ngưng phát sóng, dự kiến lên sóng trở lại trên VTV3 vào ngày 23-5 - Ảnh: T.L.
Chương trình Điệp vụ tuyệt mật bị phạt 15 triệu đồng và đã tạm ngưng phát sóng, dự kiến lên sóng trở lại trên VTV3 vào ngày 23-5 – Ảnh: T.L.

Từ các sự cố của nhiều chương trình liên kết sau hơn 10 năm đã có thể thấy những được mất để nhìn lại.

Kỳ 1: “Món ngon” nhưng nhiều sạn

“Rõ ràng những năm trở lại đây truyền hình có nhiều thay đổi. Sân khấu đẹp, sang trọng hơn. Chương trình cũng hoành tráng, hấp dẫn và màu sắc hơn nhiều. Có điều chúng tôi phải xem quảng cáo nhiều quá” là nhận xét của nhiều khán giả khi nói về sự thay đổi của truyền hình thời gian qua với sự góp mặt của những chương trình liên kết.

Bà bán nước vỉa hè cũng có lợi

Là người trong cuộc, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhìn nhận: “Từ khi có xã hội hoá, khán giả màn ảnh nhỏ được thụ hưởng đa dạng chương trình hơn với chất lượng cao hơn. Từ đó ngoài việc thoả tính giải trí, họ có thêm nhiều kiến thức bổ ích, thế giới quan cũng rộng mở.

Ðội ngũ làm truyền hình cũng học thêm được rất nhiều về nghiệp vụ, liên tục cập nhật những xu hướng, kỹ thuật, hình thức phát triển truyền hình mới, từ đó tay nghề được nâng cao.

Từ chủ trương xã hội hóa, những người “làm tự do” như tôi hay đạo diễn Phạm Hoàng Nam chẳng hạn có điều kiện, cơ hội để hợp tác, cống hiến. Và cũng nhờ xã hội hoá, chúng ta mới tìm thấy nhiều “ngôi sao” ở đủ mọi thể loại nghệ thuật như hiện nay, từ đạo diễn cho đến MC, người mẫu, diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ, huấn luyện viên…”.

Ðạo diễn giữ ghế nóng của chương trình Vietnam Idol nhấn mạnh: “Ðiều quan trọng nhất mà truyền hình xã hội hóa mang lại là đã nâng cao chất lượng cuộc sống, mang đến một đời sống tốt hơn về mặt vật chất lẫn tinh thần cho cả những người trực tiếp lẫn gián tiếp tham gia sản xuất. Chúng tôi thường đùa với nhau mỗi khi Idol ra quân ở đâu thì đến bà bán nước vỉa hè ở đó cũng có lợi là vậy”.

Dĩ nhiên chương trình hoành tráng thì kinh phí bỏ ra cũng phải “khủng”, áp lực thu hồi vốn càng nhiều càng khiến nhà sản xuất phải đau đầu tìm “chiêu” lôi kéo khán giả để quảng cáo nhảy vào.

Nhất là khi có nhiều chương trình liên kết ra đời và chương trình sau đầu tư khủng hơn so với chương trình trước, áp lực vì vậy càng lớn. Từ áp lực này khiến nhiều chương trình xảy ra hàng loạt sự cố.

Nhiều sai phạm của các nhà đài – nhất là khi các sai phạm lại xuất hiện ngay trên sóng đài truyền hình quốc gia – khiến khán giả bất bình và dư luận phải trở đi trở lại một câu hỏi: Liệu đây là sơ sẩy hay là chiêu trò của nhà sản xuất để thu hút khán giả xem chương trình?

Câu trả lời vẫn… “lẫn trong bóng tối”. Chỉ biết, sau quá nhiều sự cố cùng các hình thức xử phạt, nhiều chương trình vẫn “sống khoẻ”, thậm chí thêm phần danh nổi như cồn…

Xấu “chàng” hổ ai?

Theo thống kê sơ bộ từ Bộ Thông tin và truyền thông, xét về tỉ trọng, thời lượng các chương trình liên kết phát sóng trên từng kênh chương trình chưa vượt quá 30% tổng số thời lượng phát sóng trong một ngày của kênh chương trình đó.

Tuy vậy, một biên tập viên kỳ cựu của HTV lại nhận định ở các đài truyền hình thu hút lượng người xem đông đảo như VTV hay HTV, tổng thời lượng phát sóng các chương trình do nhà đài tự sản xuất và chương trình có yếu tố liên kết (xã hội hóa) là 50% – 50%.

Trong đó, thời lượng các chương trình giải trí ở “giờ vàng” cao hơn, chiếm hơn 70% là chương trình xã hội hoá.

Dẫu chính sách, cơ chế liên kết giữa mỗi đài truyền hình với các công ty có khác nhau nhưng quy trình quản lý, kiểm soát và kiểm duyệt thì đều như nhau và khá chặt chẽ.

Ðạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình – chủ tịch Công ty BHD, đơn vị sản xuấtVietnam Idol, Vua đầu bếp, Tìm kiếm tài năng Việt Nam… – cho biết để có được một chương trình lên sóng, phần kiểm duyệt được thực hiện ngay từ khâu đầu tiên là lựa chọn chương trình mua về.

Sau khi đài xem qua, thấy nội dung cũng như hình thức phù hợp với tiêu chí cũng như định hướng phát triển của đài thì mới đồng ý để đơn vị liên kết thương lượng, mua bản quyền.

Ở nhiều chương trình, ngay từ giai đoạn thương lượng, mua bản quyền, cả nhà đài lẫn nhà sản xuất tư nhân đều phải cùng sang quốc gia giữ bản quyền để tham quan, học hỏi cách thức thực hiện chương trình một thời gian dài trước khi chính thức mang chương trình về Việt Nam.

Bà Quỳnh Trang – tổng giám đốc Công ty MultiMedia – chia sẻ trước khi trình làng Next Top Model phiên bản Việt, phía bà cùng đại diện VTV đã nhiều lần sang Mỹ tìm hiểu, tham quan, học hỏi suốt sáu tháng ròng.

Từ đó trong tất cả khâu từ lên kịch bản, viết và hoàn tất kịch bản, chọn nhân sự, các vòng thực hiện đều có sự cố vấn, giám sát từ các trưởng, phó ban và biên tập viên của đài. Ðạo diễn hình luôn là người của nhà đài và bộ phận kỹ thuật quan trọng thuộc “xe màu” (trung tâm điều khiển di động để thu hình phát trực tiếp) đều phải là nhân sự của đài.

Quy trình chặt chẽ là thế nhưng vẫn có không ít nội dung chưa phù hợp “lọt lưới”, bên cạnh những sự cố bất ngờ, không thể lường trước trong các chương trình trực tiếp.

Những vụ “lọt lưới” đó dĩ nhiên xuất phát từ sự bất cẩn của nhà sản xuất, sau mới tới phần biên tập, kiểm duyệt có phần lơi lỏng từ nhà đài. Dẫu vậy, dù sai sót ở khâu nào, nhà đài vẫn là đơn vị chịu trách nhiệm sau cùng.

Hẳn nhiên ngoài việc chịu hình thức chế tài từ đơn vị quản lý là Bộ Thông tin và truyền thông, các đài cũng phải chịu trách nhiệm trước hàng triệu khán giả màn ảnh nhỏ. Khi “khủng hoảng” xảy ra, ít nhất nhà đài cần có câu trả lời thoả đáng với khán giả của mình và nghiêm túc hơn trong việc kiểm soát nội dung.

Thế nhưng công chúng đang thấy một diễn biến ngược lại: khi có sự cố thường các nhà sản xuất, đặc biệt là nhà đài, lại từ chối “bình luận”, chương trình trước sau gì vẫn lên sóng và các nội dung chương trình vẫn được “gửi trọn niềm tin” cho các nhà sản xuất liên kết.

Nếu chương trình thuận lợi hay thành công thì đài “mát mặt”, khán giả cũng “được nhờ”; còn nếu bất ngờ có sự cố thì xấu “chàng” chẳng biết có “hổ ai”. Tại anh, tại ả nên khán giả vừa xem vừa nhặt “sạn”, lại nhận thêm nỗi ấm ức vào người. Trong nhờ đục chịu cũng là vì vậy!

Xã hội hoá “tất tần tật”

Từ năm 2003, cụm từ “truyền hình xã hội hóa” xuất hiện với hàng loạt game show ra đời như: Rồng vàng, Vui cùng Hugo, Trúc xanh, Chung sức, Nốt nhạc vui… trên HTV7 – Đài truyền hình TP.HCM.

Về lĩnh vực phim truyền hình, HTV cũng là đơn vị đi đầu trong việc xã hội hóa. Năm 2005, HTV ra đời “Giờ vàng phim Việt”. Đơn vị đầu tiên thầu “giờ vàng” này là Công ty Lasta.

Sau một thời gian, VTV mới phát triển mô hình xã hội hoá trong lĩnh vực phim truyện.

Hơn 10 năm kể từ những chương trình đầu tiên, đến nay ngoài một vài chương trình thời sự, sân khấu, ca nhạc thiếu nhi do người của nhà đài thực hiện thì theo cách nói của người am hiểu, “tất tần tật” chương trình như: phim truyện, game show, truyền hình thực tế đều là chương trình xã hội hoá.

Thậm chí các bản tin thời sự hiện nay cũng đều thực hiện bằng hình thức liên kết như: 60 giây của HTV, Chuyển động 24 giờ của VTV.

Dù đi sau HTV về xã hội hóa, nhưng VTV giờ đây lại là đơn vị thu hút nhiều chương trình lớn bằng hình thức này. Đáng chú ý, một đài truyền hình tỉnh đang vươn lên mạnh mẽ, cạnh tranh cả với HTV về lượng người xem và quảng cáo nhờ xã hội hoá là Đài phát thanh và truyền hình Vĩnh Long (THVL).

Nếu như trước đây THVL thu hút khán giả chỉ bằng việc phát sóng phim bộ châu Á, nay kênh này phát triển mạnh mẽ các chương trình game show, truyền hình thực tế bằng hình thức liên kết, được đặt hàng riêng cho kênh của mình.

Bắt đầu từ năm 2015, khung giờ phim 21g nay đã đổi thành khung giờ game show, giải trí với hàng loạt nội dung mới ra mắt như: Bức tường bí ẩn, Danh hài đất Việt, Diêm vương xử án, Cười xuyên Việt, Sao là sao, Tôi là diễn viên…

H.LÊ

______________

 

QUỲNH NGUYỄN – HOÀNG LÊ