27/11/2024

Chúa Nhật VI PS B – 2015: Xây dựng nền văn minh tình yêu

Tình yêu là một từ được sử dụng thường xuyên trong cuộc sống. Thế nhưng người ta rất ngại xác định, ngại giải nghĩa, thậm chí không dám đối diện với tình yêu.

 Chúa Nhật VI PS B – 2015

Xây dựng nền văn minh tình yêu 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúa Nhật thứ VI hôm nay có thể nói là Chúa Nhật cuối cùng của mùa Phục Sinh, vì Chúa Nhật sau là lễ Chúa Giêsu lên trời, nên qua bài Phúc Âm, Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta điều thâm sâu nhất, đó là tình yêu của Thiên Chúa. Cũng từ đó mà thánh Gioan trong bài đọc II (x. Ga 4, 7-10) hôm nay dẫn chúng ta đến câu định nghĩa huyền nhiệm nhất so với các đạo khác: “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,8).

Tình yêu không phải là thứ gì mông lung, mơ hồ theo trí tưởng tượng của con người, nhưng là một thực tế vì rất nhiều người chúng ta đạt được: yêu vợ chồng, con cái, yêu cha mẹ, yêu đất nước. Hơn nữa, tình yêu còn là một ngôi vị thần linh đã sáng tạo nên muôn vật muôn loài. Tình yêu còn là một Thiên Chúa cụ thể đã chết, đã sống lại vì yêu chúng ta, đó là Đức Giêsu Kitô.

Hôm nay chúng ta dành một ít phút để suy nghĩ xem chúng ta phải làm gì cho xứng với tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta.

Có lẽ chúng ta phải đi từ thực tế của đời sống, vì tình yêu là một từ được sử dụng thường xuyên trong cuộc sống. Thế nhưng người ta rất ngại xác định, ngại giải nghĩa, thậm chí không dám đối diện với tình yêu.

1. Tình yêu không thể xác định

Việt Nam có bộ từ điển lớn nhất, dầy nhất và được soạn thảo bởi các nhà trí thức đầu não của Việt Nam, đó là bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam. Đây là một trong 4 cuốn từ điển này, chứa các từ vần A đến vần Đ. Bộ từ điển này với hơn 4.000 trang sách khổ lớn nhưng lại không có mục từ tình yêu và cũng không định nghĩa được tình yêu là gì.

Các nhà biên soạn bộ từ điển danh tiếng này, dưới ánh sáng của ý thức hệ duy vật theo xã hội chủ nghĩa, cho rằng tình yêu thật sự chỉ là một thứ tưởng tượng của con người vì mổ trái tim hay bộ não ra, với tất cả những phương tiện máy móc tiên tiến của khoa học kỹ thuật, người ta không thấy được tình yêu ở đâu cả. Có lẽ vì vậy mà trong xã hội hiện nay rất nhiều người Việt Nam, nhất là các bạn trẻ được giáo dục trong chế độ xã hội chủ nghĩa, có nguy cơ không biết đến tình yêu và không tìm được tình yêu chân thật.

2. Tình yêu không thể giải nghĩa

Tuy nhiên, dù các nhà trí thức Việt Nam có nói gì đi nữa, thực tế là rất nhiều người đã yêu: yêu nhà cửa, tiền bạc, yêu người thân, người tình, yêu nghề nghiệp, lý tưởng. Nhiều vị lãnh đạo còn hô hào yêu đồng bào, yêu tổ quốc.

Làm sao giải nghĩa được tình yêu ấy?

Thi sĩ Xuân Diệu là một nhà thơ và là một nhà lãnh đạo văn hoá đã nói với chúng ta rằng: “Làm sao giải nghĩa được tình yêu, Có nghĩa gì đâu một buổi chiều! Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu“.

Con người chỉ cảm nghiệm được tình yêu bàng bạc, mơ hồ, mông lung trong vạn vật, chứ không thể giải nghĩa được nó.

Nhà thơ Công giáo Hàn Mặc Tử đã trả lời cho Xuân Diệu rằng: tình yêu giải nghĩa được, khi ông ngắm cảnh Đà Lạt: “Ai hãy làm thinh, chớ nói nhiều. Để nghe dưới đáy nước hồ reo. Để nghe tơ liễu run trong gió. Và để nghe Trời giải nghĩa yêu!“.

Những tình cảm mà con người cảm nghiệm được trong cảnh vật của trời đất, đó là tình yêu, nhưng người ta chỉ có thể giải nghĩa được nhờ Trời mà thôi.

Quả thật, Thiên Chúa là Tình yêu. Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Ngài đã đặt tình yêu vào lòng con người để họ có thể yêu như Ngài cũng như để đáp lại tình yêu của Ngài.

Tuy nhiên với tự do của mình, con người có thể đón nhận hoặc khước từ tình yêu của Thiên Chúa. Quả thật họ đã khước từ tình yêu của Chúa, cắt đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa, là nguồn tình yêu cũng là nguồn chân thiện mỹ, nên họ không thể yêu trong sáng, tốt đẹp như trước nữa. Họ đã chiều theo những tham vọng và dục vọng của mình nên làm cho đối tượng mình yêu trở nên tầm thường, yếu đuối và bị huỷ hoại. Có lẽ vì thế mà nhà thơ Hàn Mặc Tử nói lại với chúng ta thời nay rằng hãy tin vào Trời thì mới hiểu được ý nghĩa của tình yêu.

Thánh Gioan hôm nay mời gọi chúng ta trở về với Thiên Chúa khi nhắc chúng ta rằng “Thiên Chúa là tình yêu”. Không tôn giáo nào dám định nghĩa, dám giải thích Thiên Chúa mình thờ là như vậy. Thánh nhân còn giải thích rằng: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước, nhưng chính Ngài đã yêu mến chúng ta và sai Con Một Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10). Ngài chữa lành tình yêu của con người để con người có thể yêu đúng, yêu tốt, yêu đẹp như Ngài. Ngài sai Con Một của mình là Thiên Chúa cụ thể, là tình yêu cụ thể, để dạy chúng ta bài học yêu thương. Vì thế, Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em” (Ga 15,12). Ngài đã yêu cho đến cùng, đến chết trên thập giá!

3. Phải dám nhìn thẳng vào tình yêu  để yêu thương

Trong thực tế, nhiều người không dám đối mặt với tình yêu, nhìn thẳng vào tình yêu trong lòng mình để có thể khám phá ra Thiên Chúa.

Tôi dạy lớp Kitô học có 120 nữ tu trong Học viện Mến Thánh giá, tôi hỏi rằng “Các chị em đã từng yêu bao giờ chưa?”. Không có một bàn tay nào giơ lên cả. Tôi giải thích thêm: “Vậy các chị em có yêu cha, yêu mẹ, yêu bạn bè, yêu tổ quốc, yêu nghề nghiệp không?”. Tất cả đều đồng thanh trả lời: “Thưa cha, có”. Điều này nói lên rằng: khi nghe nói đến tình yêu là người ta thường nghĩ ngay đến “tình cảm yêu đương giữa nam và nữ”. Nhưng đây chỉ là nghĩa thứ hai của tình yêu.

Định nghĩa đầu tiên của tình yêu là một tình cảm nồng nhiệt làm cho con người gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với đối tượng mình yêu. (x. Viên Ngôn Ngữ Học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2005). Chúng ta chỉ có một trái tim, và trái tim đó yêu Chúa, yêu người, yêu vạn vật… tất cả đều là tình yêu. Tình yêu nam nữ chỉ là một lĩnh vực nhỏ trong tình yêu bao la mà Thiên Chúa muốn chúng ta thực hiện trong cuộc sống của mình. Nhưng rất nhiều người trong chúng ta, nhất là các linh mục, tu sĩ, giáo dân đạo đức, không dám nhìn thẳng vào tình yêu và không dám yêu. Thánh Giuse và Mẹ Maria đã dạy cho ta về bài học tình yêu trong sáng, quảng đại đó.

Trong bài Phúc Âm anh chị em vừa nghe của Nhóm Phiên dịch các Giờ kinh Phụng vụ, người ta không dám dịch là “tình yêu” mà dùng từ “tình thương”. “Thiên Chúa là tình thương”. Tình thương và tình yêu là hai nghĩa khác nhau, tình yêu vượt lên trên tình thương. Cụ thể, bản văn rất quan trọng của Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong Thư chung Hậu Đại hội Dân Chúa năm 2010, người ta dùng tựa đề: “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống” (x. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư Chung…, , Phụ trương báo Hiệp Thông, 2011). Người ta sợ yêu mà chỉ dám thương!

4. Tình yêu toàn diện và vươn tới vĩnh cửu, vô biên

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong mấy chục năm làm tổng trưởng bộ giáo lý đức tin, ngài đã suy nghĩ về tình yêu này. Vì thế ngay khi lên làm giáo hoàng, ngài viết thông điệp đầu tiên: “Thiên Chúa là Tình yêu” (Deus est Caritas), và dành nửa thông điệp (từ số 3 đến 15) để giải nghĩa cho chúng ta về tình yêu.

Khi nói đến tình yêu, người Công giáo được mời gọi hãy mở rộng, vươn cao tình yêu của mình đến những hạnh phúc tinh thần, kiểu “tình yêu cho đi, vị tha “bác ái” (agape), chứ đừng để ý đến tình yêu chiếm hữu, nhận về, đến yếu tố rung động về thể xác, đó là tình yêu nhục dục (eros). Đức Thánh Cha nói rằng nếu chúng ta hiểu tình yêu như thế, đó là chúng ta làm nghèo tình yêu. Vì khi Thiên Chúa đặt tình yêu vào lòng con người là Ngài mở rộng tâm hồn con người đến vô biên để có thể đưa tình yêu vào trong mọi lĩnh vực của đời sống: thể xác cũng như tinh thần, cá nhân cũng như tập thể, tự nhiên cũng như siêu nhiên, nội tâm cũng như ngoại giới (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội củ GHCG, số 1-19, 20-59, 105-159).

Hơn nữa, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy cố gắng xây dựng một nền văn minh tình yêu cho cộng đồng nhân loại (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội của GHCG, số 103, 391, 582). Mọi hoạt động của toàn thể Giáo Hội ở trần thế này đều nhắm vào mục đích đó. Trong nền văn minh này, tình yêu là nền tảng cho mọi mối tương quan, là tiêu chuẩn để phán đoán mọi hành động nhân linh và là cùng đích cho mọi hoạt động vì Thiên Chúa là Tình yêu.

Lời kết

Bây giờ có lẽ chúng ta đã có thể xác định, giải nghĩa và nhìn thẳng vào tình yêu và thấy Chúa đang hiện diện trong từng người từng vật quanh mình để ta yêu mến tất cả cách trong sáng, quảng đại và yêu đến tột cùng như Chúa Giêsu.