13/01/2025

Mạng xã hội tạo thách thức lớn báo chí

Người làm báo cần phải đề cao đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội của nhà báo trong việc khai thác và xử lý thông tin, nhất là những thông tin đến từ mạng xã hội.

 

Mạng xã hội tạo thách thức lớn báo chí

 

 Người làm báo cần phải đề cao đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội của nhà báo trong việc khai thác và xử lý thông tin, nhất là những thông tin đến từ mạng xã hội.


 

 

Ngày 13-5, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Viện KAS (Đức) tại Việt Nam tổ chức hội thảo nhằm thảo luận về việc khai thác thế mạnh cũng như hạn chế mặt tiêu cực của sự tương tác giữa báo chí và mạng xã hội.

Diễn ra tại Hà Nội, hội thảo “Tương tác giữa báo chí và mạng xã hội” với khoảng 50 người tham gia, bao gồm tổng biên tập một số tờ báo, đại diện các cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan truyền thông ở Việt Nam, và bà Rabea Brauer – trưởng đại diện Viện KAS.

Báo chí không còn là kênh thông tin độc quyền

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – phó giám đốc thường trực Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Việt Nam – cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, các blog cá nhân dẫn đến thực tế là các cơ quan báo chí không còn độc quyền trong việc cung cấp thông tin.

Ngoài ra, mạng xã hội còn làm thay đổi hành vi của công chúng từ chỗ họ chỉ là người tiếp nhận thông tin một cách bị động, nay họ đã trở thành người chủ động tham gia sản xuất, cung cấp và chia sẻ thông tin, đem lại những thách thức lớn cho các tòa soạn và các nhà báo.

Ông Lợi cho biết giá trị then chốt của nhà báo trong kỷ nguyên số hiện nay không chỉ đơn thuần là thu thập thông tin và đưa tin, mà cần phải biết chọn lọc hợp lý, tổng hợp, đánh giá những thông tin quan trọng từ mớ thông tin khổng lồ do mạng xã hội đem lại, qua đó cung cấp những bài phân tích, bình luận có giá trị cho công chúng.

Thạc sĩ Lê Thị Thanh Xuân – giảng viên Học viện Báo chí và tuyên truyền – nhận định mạng xã hội đã và đang có ảnh hưởng lớn đến đời sống báo chí tại Việt Nam từ việc phát hiện đề tài, nắm bắt xu hướng, khai thác thông tin đến cả việc kiểm chứng thông tin, xử lý tin tức.

Ngoài ra mạng xã hội còn là kênh quảng bá thông tin của báo chí và là kênh tương tác hữu ích giữa báo chí và độc giả.

Tuy nhiên theo thạc sĩ Xuân, mặt trái của mạng xã hội đối với hoạt động báo chí là nhiều nhà báo trở nên lười biếng, không đi thực tế cơ sở mà ngồi nhà lướt web chạy theo những thông tin trên các diễn đàn, mạng xã hội rồi viết lại một cách vô thức những gì họ thấy trên mạng mà không cần kiểm chứng.

Bà Xuân nói người làm báo cần phải đề cao đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội của nhà báo trong việc khai thác và xử lý thông tin, nhất là những thông tin đến từ mạng xã hội.

Phải chung sống với mạng xã hội

Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại thuộc Bộ Thông tin – truyền thông Lê Văn Nghiêm cho biết cấm mạng xã hội không phải là giải pháp cơ bản, hiệu quả. Theo ông, cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần chung sống hoà bình với mạng xã hội, hướng tới một xã hội thông tin cởi mở, công khai, minh bạch.

“Thực hiện bức tường lửa ngăn mạng xã hội không phải là giải pháp hiệu quả. Do vậy, phải chung sống với mạng xã hội” – ông Nghiêm nói.

Nói về những mặt tích cực của mạng xã hội, ông Nghiêm cho biết vì thông tin từ mạng xã hội “quá nhanh, quá sớm và quá nhiều”, qua đó thúc đẩy trách nhiệm cung cấp thông tin và thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.

“Ví dụ như câu chuyện chặt cây xanh lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội buộc cơ quan chức năng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin” – ông Nghiêm nêu.

Ngoài ra, theo ông Nghiêm, mạng xã hội còn cung cấp thông tin ban đầu cho báo chí chính thống mà ông gọi là “nguyên liệu thô” và nhiệm vụ của các nhà báo là sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, trong đó có xác minh, thẩm định thông tin, để biến nó thành “nguyên liệu tinh” phục vụ các bài viết của mình.

Mạng xã hội còn là nơi cung cấp nguồn ý kiến chuyên gia phong phú trên nhiều lĩnh vực cho nhà báo. Những diễn đàn báo chí trên mạng xã hội giúp phát hiện những lỗi sai của các cơ quan báo chí.

Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại cho biết thêm mạng xã hội còn là nơi người dân góp ý kiến, phản biện dự thảo chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, theo ông Nghiêm, mạng xã hội cũng có những tác hại như người nói không chịu trách nhiệm gì về việc phát ngôn, dẫn đến việc có nhiều thông tin không chính xác, bịa đặt, có dụng ý xấu, phi nhân hoá, phi đạo đức. Ngoài ra còn có nhiều thông tin kích động bạo lực, kích động chống chính quyền.

Theo ông Nghiêm, để khai thác mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực, cần phải nâng cao nhận thức của người sử dụng Internet và tham gia mạng xã hội.

Song song đó, báo chí và cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cảnh báo người dân, giúp người dùng mạng xã hội có tư duy phản biện, tỉnh táo, từng bước hình thành bộ lọc, có phản xạ kiểm chứng thông tin từ mạng xã hội.

Ông Nghiêm cho biết Bộ Thông tin – truyền thông và các cơ quan quản lý báo chí các cấp sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý thông tin trên mạng để thông tin trên mạng được phát triển lành mạnh, phục vụ đời sống và yêu cầu thụ hưởng thông tin nhanh, chính xác, phong phú của người dân.

Đồng tình với ông Lê Văn Nghiêm, ông Vũ Đình Thường – vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản, Ban Tuyên giáo trung ương – nhận định vai trò của mạng xã hội rất quan trọng và cần phải chung sống với nó.

Ông Thường cho biết các cơ quan quản lý báo chí cũng sử dụng mạng xã hội để quan sát đời sống báo chí, tâm tư tình cảm của người làm báo, qua đó giúp các cơ quan quản lý thay đổi tư duy nhằm tìm cách quản lý báo chí sao cho phù hợp nhất.

Ngoài ra, theo ông Thường, mạng xã hội cũng giúp công chúng giám sát và chỉ ra những sai sót của các cơ quan báo chí, truyền thông, cụ thể là những lỗi tác nghiệp gần đây của VTV. 

Theo số liệu do Công ty We Are Social có trụ sở ở Anh công bố vào tháng 1-2015, Việt Nam có dân số khoảng 90,7 triệu người, trong đó có 39,8 triệu người sử dụng Internet, 28 triệu người thiết lập tài khoản mạng xã hội.

Trung bình người Việt Nam tiêu tốn 3 giờ 4 phút mỗi ngày trên mạng xã hội.

Theo công bố của Facebook, có 19,6 triệu tài khoản Facebook ở Việt Nam, chiếm 74,1 lượng người dùng Internet.

QUỲNH TRUNG