11/01/2025

Chuyển trường đại học cho doanh nghiệp: Lợi hay hại?

Cơ sở giáo dục ĐH công có nên thuộc quyền quản trị của doanh nghiệp? Nếu buộc phải “nhập” lại để tận dụng hết lợi thế của nhau cho phát triển thì phải thực hiện theo quy trình nào?

 

Chuyển trường đại học cho doanh nghiệp: Lợi hay hại?

 

 Cơ sở giáo dục ĐH công có nên thuộc quyền quản trị của doanh nghiệp? Nếu buộc phải “nhập” lại để tận dụng hết lợi thế của nhau cho phát triển thì phải thực hiện theo quy trình nào?



 

 

Câu chuyện số phận sắp tới của Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông đã trở thành mối quan tâm của xã hội - Ảnh: Nguyễn Khánh
Câu chuyện số phận sắp tới của Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông đã trở thành mối quan tâm của xã hội – Ảnh: Nguyễn Khánh

 Đề xuất chuyển Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông từ chỗ thuộc Bộ Thông tin và truyền thông về Viettel không chỉ tác động đến tâm lý sinh viên, giảng viên mà đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của xã hội. Nhiều chuyên gia giáo dục đã lên tiếng.

* GS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):

Câu chuyện số phận sắp tới của Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông đã trở thành mối quan tâm của xã hội Ảnh: Nguyễn Khánh
Câu chuyện số phận sắp tới của Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông đã trở thành mối quan tâm của xã hội Ảnh: Nguyễn Khánh

Viettel nên tự lập trường ĐH mới

Thực tế, một doanh nghiệp có được viện nghiên cứu hoặc trường ĐH trực thuộc, giúp hoạt động đào tạo, nghiên cứu trong trường ĐH gắn với sản xuất là điều ai cũng mong muốn. Ở Việt Nam cũng đã có doanh nghiệp thực hiện mô hình này: Tập đoàn FPT có cả trường ĐH và viện nghiên cứu của mình.

Song vấn đề đặt ra ở đây là cách làm như thế nào thì phù hợp? Ở câu chuyện cụ thể về đề xuất chuyển nguyên trạng Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông rõ ràng cách làm chưa phù hợp, khi nó xảy ra một cách bất ngờ với giảng viên, sinh viên nhà trường.

Nếu Viettel muốn phát triển công tác đào tạo, nghiên cứu để phục vụ việc đào tạo nhân lực của chính tập đoàn thì tối ưu là họ nên làm theo cách của FPT: tự thành lập trường ĐH rồi phát triển trường ĐH theo định hướng của mình. Với khả năng tài chính của một tập đoàn lớn, với quyết tâm đầu tư cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu, Viettel hoàn toàn có thể chiêu mộ những người giỏi về, trong đó rất có thể có những thầy cô đang công tác tại Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông mà bản thân họ thấy thích hợp với cơ chế mới.

Viettel cũng có thể thực hiện theo cách khác là trao đổi, thương lượng với một trường ĐH đã có sẵn, trong đó có thể kết nối với Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông để gắn kết đào tạo với sản xuất. Chọn cách làm này thì nhất thiết hai bên phải trao đổi, thương lượng với nhau, thảo luận kỹ về phương thức hoạt động sắp tới của nhà trường, chứ không nên áp ý kiến từ bên trên xuống khiến sinh viên, giảng viên bất ngờ.

Băn khoăn hiện tại của sinh viên là rất hợp lý, khi học viện vừa chuyển từ VNPT về Bộ Thông tin và truyền thông, nay lại ngấp nghé nguy cơ chuyển sang một tập đoàn khác, sinh viên đang từ hệ dân sự liệu có chuyển thành hệ quân sự không…

Thực tế, trước đây có những trường CĐ trực thuộc tổng cục của một bộ, sau đó tổng cục lại được chuyển đổi cơ cấu để trở thành tổng công ty, làm bỗng dưng trường CĐ ấy chuyển thành trực thuộc tổng công ty. Trở thành một đơn vị trực thuộc tổng công ty, trường CĐ được yêu cầu hoạt động như một đơn vị kinh doanh. Tuy nhiên, với đặc thù của một cơ sở giáo dục, trường ĐH, CĐ sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong những năm đầu thực hiện theo mô hình doanh nghiệp. Nếu cứ cố bắt một cơ sở giáo dục ĐH hoạt động như một doanh nghiệp sẽ làm công tác đào tạo bị méo mó.

* GS.TSKH Hoàng Xuân Sính (chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH Thăng Long):

Giáo sư Hoàng Xuân Sính - Ảnh: Việt Dũng
Giáo sư Hoàng Xuân Sính – Ảnh: Việt Dũng

Nên liên kết…

Cách đây ít lâu, một ủy viên hội đồng quản trị của Trường ĐH Thăng Long – người từng có thời gian gắn bó với Viettel – chia sẻ với tổng giám đốc đương nhiệm của Viettel về một số mục tiêu phát triển của nhà trường.

Trường ĐH Thăng Long mong muốn xây dựng một số ngành mũi nhọn phù hợp đường lối đổi mới của đất nước, nhưng thực tế họ chỉ có thể khuyến khích sinh viên vào những ngành này thông qua chế độ học bổng. Vị lãnh đạo Viettel nói rằng với mục tiêu ấy thì phải có sự tham gia của doanh nghiệp, không chỉ cấp học bổng mà còn đón lấy đầu ra, chứ một mình cơ sở đào tạo không thể gánh hết!

Từ câu chuyện ấy có thể thấy Viettel đang có khả năng tài chính mạnh và bản thân họ có nhu cầu nghiên cứu rất cấp bách, có nhu cầu đầu tư cho công tác nghiên cứu, đào tạo.

Viettel có mấy ngàn tỉ đồng mỗi năm dành cho nghiên cứu khoa học thì nguồn lực ấy đâu có trường ĐH nào có được? Họ cần trường ĐH để làm ra sản phẩm khoa học, chứ hoàn toàn không có chuyện bỗng dưng “nhảy” vào trường ĐH để tranh chấp cổ tức, như chuyện bê bối lâu nay ở một vài cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Tuy nhiên, khả năng tài chính của Viettel, mong muốn đầu tư cho nghiên cứu của doanh nghiệp này không nên đồng nhất với việc phải chuyển nguyên trạng một cơ sở giáo dục ĐH như Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông về cho Viettel quản lý, mà chỉ nên liên kết hợp tác chặt chẽ với nhau.

Doanh nghiệp có tiền và mong muốn trường nghiên cứu gì thì có thể ký hợp đồng đặt hàng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn không đòi hỏi gì ở đơn vị đào tạo, nghiên cứu độc lập, mà vẫn hỗ trợ để nhà trường nghiên cứu, phát triển đồng đều, chứ không phải nhất nhất thuận theo ý của mình.

Ý tưởng nhập cơ sở giáo dục ĐH vào doanh nghiệp trong trường hợp này có lẽ xuất phát từ việc chưa nhìn rõ vấn đề. Không thể nhập vào nhau đơn giản như vậy, vì ĐH có vai trò tự chủ riêng. Trong nghiên cứu có nhiều chuyện phải độc lập. Nếu anh không hiểu thấu tôi mà cứ khăng khăng bắt tôi phát triển theo hướng này, hướng khác sẽ không phù hợp. Ở các nước, họ cũng hết sức tránh để doanh nghiệp quản trị ĐH công. Nhà khoa học cũng tránh, vì họ thường sẽ không chịu mối quan hệ dạng này…

Câu chuyện nhiều thử thách!

Chuyện này giống như việc lấy vợ. Nếu muốn lấy vợ thì phải hỏi cô gái đó có lấy mình không, chứ không thể cứ lấy lòng bố mẹ, ông bà cô gái ấy và ép người ta lấy mình bằng được. “Định dạng” hôn nhân theo cách đó thì chắc chắn cô gái sẽ phản đối. Kể cả anh có… đẹp trai đến mấy thì hỏi vợ kiểu ấy cũng không được!

Giả sử quá trình sáp nhập vẫn diễn ra thì điều quan trọng là không thể để trường ĐH phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp – nhất là những năm đầu – để hoạt động đào tạo không bị cuống cuồng chạy theo lợi nhuận, thu nhập, làm biến dạng trường ĐH đi. Thật ra, đây là câu chuyện nhiều thử thách. Các bên cần cân nhắc kỹ để tránh việc đưa học viện sang tập đoàn, vài năm không ổn lại đưa trở về như cũ. 

GS NGUYỄN MINH THUYẾT

NGỌC HÀ