11/01/2025

“Người trong cuộc” không đồng ý

Sau đề xuất chuyển nguyên trạng Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông về Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), những ngày qua không khí lo lắng của gần 1.000 cán bộ, giảng viên và 20.000 sinh viên bao trùm học viện này.

 

“Người trong cuộc” không đồng ý

 

Sau đề xuất chuyển nguyên trạng Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông về Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), những ngày qua không khí lo lắng của gần 1.000 cán bộ, giảng viên và 20.000 sinh viên bao trùm học viện này.



 

 

Nhiều sinh viên băn khoăn trước số phận sắp tới của Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông – Ảnh: Nguyễn Khánh

Trên nhiều diễn đàn, sinh viên học viện bàn tán xôn xao về những thay đổi lớn nhưng lại có diễn tiến quá bất ngờ đối với nhà trường.

Bất ngờ, lo lắng

“Tháng 7-2014, học viện từ chỗ trực thuộc Tập đoàn Bưu chính viễn thông được chuyển về trực thuộc Bộ Thông tin và truyền thông. Tại sao sau chưa đầy một năm lại có đề xuất chuyển học viện sang trực thuộc một tập đoàn khác của bộ khác nhưng có ngành nghề kinh doanh tương tự?”, “Nếu việc chuyển đổi được quyết định, học viện thuộc một tập đoàn của quân đội thì sinh viên học viện trước đây – vốn hoàn toàn thuộc khối dân sự – liệu có trở thành sinh viên quân sự hay phải chuyển sang trường khác, hay sẽ được áp dụng cơ chế thời quá độ đặc biệt?”… – nhiều sinh viên băn khoăn.

“Mình là sinh viên khối ngành công nghệ đa phương tiện, còn Viettel có mục tiêu tiếp nhận nhà trường để xây dựng trung tâm công nghệ cao, viễn thông, công nghệ thông tin và vũ khí quân sự thì sau này nếu chuyển giao thật, Viettel có đào tạo tiếp ngành của mình? Mình thấy hoang mang” – sinh viên T.H. thắc mắc.

Anh Nguyễn Trung Hiếu – bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của học viện – chia sẻ chính anh cũng không biết giải đáp thế nào khi sinh viên chất vấn: “Học viện còn không quyết định được số phận của mình, một năm hai lần đổi cơ quan chủ quản thì sinh viên làm sao có thể tin tưởng?”.

Tuy nhiên “bất ngờ” không chỉ là trạng thái của sinh viên, của học viện. Ngày 9-5, ông Vũ Văn San – phó giám đốc phụ trách học viện – cho biết khi nhận được văn bản chính thức về đề xuất này, cả ban giám đốc học viện đều bất ngờ.

“Trước đó, chúng tôi cũng nghe “tin đồn” về khả năng điều chuyển nguyên trạng Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông về Viettel. Song vì chưa hề được hỏi ý kiến chính thức nên nghĩ đơn giản “tin đồn chỉ là tin đồn”. Vì vậy ngày 5-5 nhận được văn bản của Bộ Thông tin và truyền thông yêu cầu lấy ý kiến về việc chuyển học viện về Tập đoàn Viettel theo đề xuất của Bộ Quốc phòng tại tờ trình Thủ tướng, ban giám đốc học viện thật sự hoang mang, lo lắng” – ông San nói.

Lập tức ngay ngày 5-5, ban chấp hành Đảng bộ học viện đã họp hội nghị mở rộng và ngày 6-5 tiếp tục tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt nghiên cứu về đề xuất này. Kết quả, 100% đại biểu tham dự hai hội nghị nói trên không đồng ý việc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông chuyển về Viettel.

Ông San cho rằng bất cứ chuyển đổi nào liên quan đến một trường ĐH cũng phải lắng nghe ý kiến của giảng viên, sinh viên. “Đối với trên 20.000 học sinh, sinh viên đang theo học, nếu học viện chuyển về Viettel sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm tư, tình cảm của học sinh, sinh viên và phụ huynh. Nếu muốn cho con em mình học trường khối quân sự thì ngay từ đầu các gia đình, phụ huynh đã cho con em được thi, được học tại các trường trong lực lượng vũ trang chứ không chọn học viện rồi” – ông San phân tích.

Có nên để doanh nghiệp quản trị ĐH?

Lãnh đạo Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cũng bày tỏ băn khoăn khi danh sách các bộ nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ yêu cầu lấy ý kiến về đề nghị của Bộ Quốc phòng chỉ có năm bộ (gồm Bộ Thông tin và truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Nội vụ, Lao động – thương binh và xã hội), trong đó lại hoàn toàn vắng bóng…

Bộ GD-ĐT – cơ quan được giao quản lý nhà nước về GD-ĐT. Một cán bộ làm công tác đào tạo lâu năm của học viện cho rằng lâu nay khi mở một mã ngành, học viện cũng phải lập hồ sơ rất công phu, trao đổi kỹ lưỡng với Bộ GD-ĐT và chỉ được mở ngành, tuyển sinh, đào tạo khi có sự đồng ý của Bộ GD-ĐT. “Vậy tại sao khi điều chuyển một cơ sở giáo dục ĐH về một doanh nghiệp, Bộ GD-ĐT lại nằm ngoài phạm vi lấy ý kiến?” – vị cán bộ này nói.

PGS.TS Lê Hữu Lập – người từng làm công tác quản lý gần 20 năm tại học viện, nguyên phó giám đốc học viện – cho rằng việc điều chuyển khi chưa được cân nhắc kỹ sẽ tạo nhiều bất cập. “Hoạt động, mục tiêu phát triển hiện tại của nhà trường là đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực đa ngành, đa lĩnh vực; còn mục tiêu trong tờ trình của Bộ Quốc phòng là xây dựng thành “trung tâm nghiên cứu công nghệ cao, viễn thông, công nghệ thông tin và vũ khí quân sự”. Một bên là đào tạo, một bên chủ yếu nghiên cứu công nghệ cao thì khi tiếp nhận Viettel cũng chẳng phát huy được lợi thế gì khi trường đâu có nền tảng nhiều về công nghệ cao? Có chăng chỉ là thừa hưởng một số giảng đường, vài mảnh đất…” – ông Lập nói.

Có người cho rằng nếu chuyển về một tập đoàn đang phát triển mạnh, nhà trường sẽ được đầu tư tốt hơn, có cơ hội bứt phá hơn nhưng tại sao nhà trường lại… né tránh “cơ duyên” này? Đáp lại câu hỏi của Tuổi Trẻ, ông Vũ Văn San khẳng định trên thực tế vai trò, vị thế của một trường ĐH nằm trong doanh nghiệp có thể phù hợp với giai đoạn mới hình thành và phát triển do được đầu tư, hỗ trợ theo các cơ chế thông thoáng hơn của doanh nghiệp.

Tuy nhiên khi trực thuộc doanh nghiệp, trường ĐH sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mục đích, quan điểm về hiệu quả sản xuất kinh doanh nên dễ bị tác động, làm xa rời tôn chỉ mục đích của trường ĐH vốn có tính chất xã hội và lâu dài hơn.

“Trên thế giới và thực tế Việt Nam cho thấy không có (hoặc có rất ít) các tổ chức giáo dục ĐH nào do một doanh nghiệp lớn trực tiếp quản trị, điều hành chi phối hoạt động vì thông thường các doanh nghiệp chỉ tham gia đóng góp, tài trợ và hỗ trợ các trường ĐH và cơ sở nghiên cứu. Hiện nay tại Việt Nam, hầu như không còn trường ĐH công lập nào trực thuộc doanh nghiệp nhà nước. Tháng 7-2014, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông chuyển về trực thuộc Bộ Thông tin và truyền thông, rồi Trường ĐH Điện lực đã chuyển về Bộ Công thương, Trường ĐH Dầu khí đang chuyển đổi mô hình và hiện tạm dừng tuyển sinh… Mô hình trường ĐH công lập trực thuộc doanh nghiệp nhà nước hiện đã không còn phù hợp với điều kiện của giáo dục ĐH ở Việt Nam” – ông San nhấn mạnh.

Theo ông San, học viện cũng đã có kiến nghị bằng văn bản đến Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan xem xét, giới thiệu một cơ sở nghiên cứu, giáo dục ĐH khác có các điều kiện phù hợp chuyển giao cho Viettel để xây dựng trung tâm nghiên cứu công nghệ cao, viễn thông, công nghệ thông tin và vũ khí quân sự như đề xuất của Bộ Quốc phòng.

Bộ Thông tin và truyền thông đề nghị học viện tiếp tục trực thuộc bộ

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, ngoài công văn của Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông gửi Thủ tướng khẳng định tập thể nhà trường không đồng ý với đề xuất chuyển học viện về Viettel, ngày 7-5 Bộ Thông tin và truyền thông cũng có công văn trả lời Văn phòng Chính phủ.

Theo đó, Bộ Thông tin và truyền thông đưa ra nhiều lý giải cụ thể và chính thức đề nghị Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông được tiếp tục là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Thông tin và truyền thông.

 

NGỌC HÀ