Huyền thoại kho báu cướp biển Kidd
Một thỏi bạc được cho là nằm trong kho báu huyền thoại của thuyền trưởng William Kidd vừa được tìm thấy ở ngoài khơi Madagascar.
Huyền thoại kho báu cướp biển Kidd
Một thỏi bạc được cho là nằm trong kho báu huyền thoại của thuyền trưởng William Kidd vừa được tìm thấy ở ngoài khơi Madagascar.
Hơn 300 năm qua, nhiều thế hệ những người săn kho báu đã đổ không biết bao nhiêu công sức lùng sục kho chiến lợi phẩm huyền thoại của thuyền trưởng người Scotland William Kidd. Cuộc săn lùng kho báu từng là nguồn cảm hứng cho tác phẩm Đảo châu báu của tác giả Robert Louis Stevenson rốt cuộc có thể sẽ khép lại sau vụ phát hiện một thỏi bạc ở ngoài khơi đảo Saint Marie của Madagascar.
Thuyền trưởng Kidd
Sinh ở thành phố Dunbee (Scotland) vào tháng 1.1645, William Kidd theo nghiệp thuỷ thủ của cha rồi trở thành một thuyền trưởng sừng sỏ trước khi định cư ở New York năm 1690. Với tiếng tăm đi biển của mình, Kidd được nước Anh giao nhiệm vụ đứng đầu một đoàn viễn chinh bảo vệ các con tàu Anh và tấn công cướp biển ở biển Đỏ năm 1695. Do Anh đang trong tình trạng chiến tranh với nước Pháp vào lúc đó, nên nhiệm vụ của Kidd bao gồm cả tấn công các con tàu Pháp. Một năm sau, Kidd đến New York cùng với tàu Adventure Galley để tuyển mộ thuỷ thủ cho nhiệm vụ và nhổ neo đến Ấn Độ Dương. Tàu Adventure Galley, với 34 khẩu đại bác và hơn 100 thủy thủ, chỉ gặt hái vài thành công nhỏ lẻ trước khi giành được chiến lợi phẩm nổi tiếng nhất vào tháng 2.1698 – tàu buôn Armenia Quedagh Merchant chất đầy vàng bạc, trang sức, tơ lụa, đường và súng ống trị giá nhiều triệu USD tính theo thời giá hiện nay.
Không may cho Kidd, mặc dù có giấy thông hành của Pháp, tàu Quedagh Merchant lại do một thuyền trưởng Anh điều khiển và chất đầy hàng hoá của Công ty Đông Ấn Anh. Vì thế, vụ tấn công của Kidd nhanh chóng gây ra tranh cãi ở nước Anh. Kidd được cho là đã bỏ trốn và đánh đắm tàu Adventure Galley ở ngoài khơi Madagascar năm 1698, theo trang History.com. Những nghi ngờ về việc Kidd trở thành cướp biển có vẻ như được xác nhận khi ông cập vào đảo Saint Marie, một hang ổ cướp biển khét tiếng. Từ đó, Kidd dùng tàu Quedagh Merchant trở lại Tây Ấn, nơi ông hay tin mình bị cáo buộc tội cướp biển. Với ý định rửa sạch tiếng xấu, Kidd đến New York và trình diện trước đại diện của Vương quốc Anh. Bất chấp những mối quan hệ chính trị, ông bị bắt giữ và đưa về London. Năm 1701, Kidd bị tuyên án tử hình vì tội cướp biển và giết người. Sau khi bị treo cổ, thi thể Kidd bị treo trên sông Thames với mục đích răn đe.
Cũng kể từ đó, địa điểm con tàu Adventure Galley và kho báu trên đó trở thành một trong những huyền thoại lừng danh trong giới cướp biển. Tương truyền, Kidd chỉ chôn một phần nhỏ kho báu trên đảo Gardiners ở New York. Số tài sản này sau đó đã được khai quật đưa về Anh để làm bằng chứng chống lại ông. Phần còn lại của kho báu có thể được chôn bất kỳ nơi đâu mà Kidd từng đặt chân đến hoặc có thể bị đánh đắm cùng với tàu Adventure Galley. Trong số những người mơ mộng tìm thấy kho báu của thuyền trưởng Kid có cả một thanh niên tên Franklin Delano Roosevelt, người sau này trở thành tổng thống Mỹ. Năm 1909, ông đã đến đảo Oak ở Canada và góp tiền dựng nên Trại Kidd để làm đại bản doanh cho chuyến săn lùng kho báu.
Thỏi bạc quý giá
Trải qua hàng trăm năm, kho báu của Kidd vẫn là bài toán không có lời giải cho đến khi một nhóm thợ lặn người Mỹ phát hiện một thỏi bạc trong cái hốc bí mật của xác tàu đắm ở gần đảo Saint Marie trong tuần này. Thỏi bạc nặng 55 kg, khắc các chữ T, S, được nhà khảo cổ Barry Clifford, người dẫn đầu nhóm thợ lặn, trao lại cho Tổng thống Madagascar Hery Rajaonarimampianina trong một buổi lễ đặc biệt có sự hiện diện của các nhà ngoại giao Anh và Mỹ ở Saint Marie ngày 7.5. Trên thỏi bạc được cho là xuất xứ từ Bolivia này còn đề năm 1695, tức 3 năm trước khi Adventure Galley bị đánh đắm.
Clifford không phải là cái tên xa lạ trong giới săn lùng xác tàu đắm. Năm 1984, ông từng phát hiện con tàu Wyddah, vốn chìm ngoài khơi Mũi Cod trong một cơn bão năm 1717. Đây là vụ phát hiện xác tàu cướp biển được xác nhận đầu tiên trên thế giới. Năm ngoái, Clifford tuyên bố tìm thấy tàu Santa Maria của Christopher Columbus.
Xác tàu Adventure Galley huyền thoại được Clifford thông báo phát hiện ra ở gần Saint Marie vào năm 2000. Thỏi bạc được nhóm của Clifford tìm thấy sau 15 năm nghiên cứu tại địa điểm này. Clifford nói ông tin rằng khám phá trên chỉ mới là phần nổi của tảng băng và hàng trăm thỏi bạc khác có thể đang nằm dưới cái hốc bí mật đó. Nhà khảo cổ John de Bry thì tuyên bố xác tàu đắm và thỏi bạc là “bằng chứng không thể phủ nhận rằng nó quả thực là kho báu của tàu Adventure Galley”.
Theo Clifford, ông đã tìm thấy 13 xác tàu trong khu vực nói trên trong 15 năm qua, gồm cả tàu Fiery Dragon của cướp biển William Condon, người có biệt danh “Billy một tay”. “Mọi bằng chứng đều chỉ ra rằng nó là một phần kho báu của thuyền trưởng Kidd. Đó là một phát hiện lớn cho nhóm của tôi nhưng còn lớn hơn nữa cho Madagascar và lịch sử thế giới”, Clifford nói với trang History.com. Tuy vậy, cũng có một số ý kiến cho rằng cần phải kiểm tra thêm nữa để có thể xác định chắc chắn mối liên hệ của nó với con tàu của thuyền trưởng Kidd. Trong khi đó, Đại sứ Anh tại Madagascar Timothy Smart nói với BBC ông hy vọng phát hiện mới nhất của Clifford sẽ giúp đẩy mạnh ngành du lịch của Madagascar.
Theo một bài viết của tờ Daily Mail năm 2012, cuộc săn lùng kho báu của thuyền trưởng Kidd còn dẫn dắt một nhà phiêu lưu người Anh tên Richard Knight đến đảo Hòn Tre Lớn ở Côn Đảo (VN). Knight kể ông đã đào được 3 chiếc rương chứa đầy kho báu của thuyền trưởng Kidd ở Hòn Tre Lớn trong thập niên 1970. Tuy nhiên, ông phải chôn kho báu ở ngoài khơi Thái Lan sau khi bị một nhóm cướp biển tiếp cận. Dĩ nhiên, chẳng có ai tin câu chuyện kỳ quặc của nhà phiêu lưu lập dị này bởi người ta chưa bao giờ ghi nhận việc Kidd từng đến gần vùng biển VN. Năm 1983, Knight cùng một người nữa thuê xuồng máy từ Thái Lan trở lại Hòn Tre Lớn để tìm chiếc rương thứ tư mà Knight nói rằng ông đã phát hiện trong chuyến đi lần trước nhưng chưa kịp đào. Kết cục là Knight bị bắt vì tội xâm nhập bất hợp pháp và phải ngồi tù 11 tháng, theo Daily Mail.
|
Công Chính